“Tòa Thánh kêu gọi Hội đồng Bảo an cần phải đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống lại thảm kịch của nạn buôn người”. Đó là thông điệp của Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza – người đã được mời tham dự và phát biểu tại Hội đồng Bảo an về nạn buôn người trong các tình huống xung đột như: lao động cưỡng bức, cảnh nô lệ cũng như các hình thức tương tự khác.
Tổng thư ký LHQ – ông Antonio Guterres – đã ưu tiên phát biểu tại cuộc tranh luận, ông mô tả vấn đề này như là một trong những vấn đề có quy mô lớn với phạm vi toàn cầu.
“Mạng lưới buôn người đã trở nên rộng rãi khắp toàn cầu”, ông Guterres cho biết. Ông đã trích dẫn những số liệu của Văn phòng Phòng chống Ma túy và Tội phạm của LHQ, đồng thời cho biết các nạn nhân có thể được tìm thấy ở 106 quốc gia khác nhau.
Trong khi đó, Tổ chức Lao động Quốc tế báo cáo rằng 21 triệu người trên toàn thế giới là nạn nhân của nạn lao động cưỡng bức và bó lột cùng cực, và tổng lợi nhuận hàng năm ước tính khoảng 150 tỷ USD.
“Ngoài những con số này, đó là những thiệt hại về con người” – ông Guterres nói – “cuộc sống của những con người nãy trở nên ngắn ngủi hơn, gia đình và xã hội bị chia rẽ, những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền cũng như về luật nhân đạo quốc tế”.
Ông Gutierrez cho biết: “Phụ nữ và các bé gái đặc biệt luôn là mục tiêu của bọn tội phạm. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều cảnh bóc lột tình dục tàn bạo, trong đó có nạn mại dâm cưỡng bức, hôn nhân cưỡng bức và nô lệ tình dục” thông qua “việc buôn bán người dưới nhiều hình thức”.
Trong bài phát biểu đã được chuẩn bị cho dịp này, Đức Tổng Giám Mục Auza đã kêu gọi Hội đồng Bảo an hãy giữ vai trò lãnh đạo trong việc ngăn chặn nạn buôn người, đặc biệt là qua việc thừa nhận mối liên hệ chặt chẽ giữa nạn buôn người và sự dai dẳng của các cuộc xung đột vũ trang.
Đức TGM Auza nhấn mạnh: “Thách đố mà nạn buôn người đặt ra hết sức to lớn và nó đòi hỏi phải có một phản ứng cân xứng. Hiện nay, phản ứng đó vẫn còn xa vời so với thách đố mà chúng ta đang phải đối diện”.
Đức TGM Auza tiếp tục nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức của công chúng đồng thời thực hiện việc phối hợp hiệu quả hơn các nỗ lực của các chính phủ, các cơ quan tư pháp, các quan chức thực thi pháp luật và các nhân viên xã hội để cứu lấy hàng triệu trẻ em , các phụ nữ và nam giới vẫn còn bị tước đoạt quyền tự do và bị buộc phải sống trong các điều kiện như những kẻ nô lệ”.