Tòa Thánh bày tỏ quan ngại trước Hội đồng Nhân quyền về các hành vi vi phạm nhân quyền của Nicaragua

Một người đàn ông cầm quốc kỳ Nicaragua lộn ngược trong Thánh lễ tại nhà thờ San Miguel ở Masaya, Nicaragua, ngày 28 tháng 8 năm 2019. Các nhóm ủng hộ chính phủ cùng với cảnh sát Nicaragua bao vây người Công giáo trong một Thánh lễ đòi tự do cho "các tù nhân chính trị" (Ảnh: EFE/Jorge Torres/MaxPPP)

Một người đàn ông cầm quốc kỳ Nicaragua lộn ngược trong Thánh lễ tại nhà thờ San Miguel ở Masaya, Nicaragua, ngày 28 tháng 8 năm 2019. Các nhóm ủng hộ chính phủ cùng với cảnh sát Nicaragua bao vây người Công giáo trong một Thánh lễ đòi tự do cho “các tù nhân chính trị” (Ảnh: EFE/Jorge Torres/MaxPPP)

Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ sự quan ngại về tình hình chính trị xã hội và nhân quyền ngày càng xấu đi ở Nicaragua.

Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc tại Geneva đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực gia tăng trên khắp đất nước, cũng như việc thu hẹp không gian đối thoại và đàm phán giữa chính quyền và xã hội dân sự trong những năm gần đây.

Phát biểu tại Geneva trong Phiên họp thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền từ ngày 27 tháng 2 đến ngày 4 tháng 4 năm 2023, Đức Tổng Giám mục Fortunatus Nwachukwu, khi lưu ý đến Báo cáo của Nhóm Chuyên gia Nhân quyền về Nicaragua, đã cho biết rằng “chúng tôi hết sức lo ngại khi đọc trong Báo cáo về sự xấu đi của tình hình chính trị xã hội và nhân quyền ở Nicaragua, với những hạn chế gia tăng đối với quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội ôn hòa, cùng với các biện pháp đàn áp đối với những người chỉ trích chính phủ, các nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền, cũng như các thành viên của Giáo hội Công giáo”.

Đức Tổng Giám mục Nwachukwu, Quan sát viên của Vatican tại Liên Hợp Quốc và các Tổ chức Quốc tế khác tại Geneva, nhấn mạnh “việc đóng cửa một số cơ quan truyền thông độc lập và các tổ chức phi chính phủ đã được báo cáo, bao gồm cả các tổ chức dựa trên đức tin, và các cáo buộc về việc sử dụng bạo lực có tính hệ thống bởi cơ quan thực thi pháp luật trong một môi trường không bị trừng phạt chung, với việc thường xuyên xảy ra các vụ bắt giữ tùy tiện, vi phạm thủ tục tố tụng và điều kiện bấp bênh của những người bị giam giữ”.

“Tội ác chống lại nhân loại”

“Ngoài việc trục xuất một số nhà ngoại giao khỏi Nicaragua… trong đó có Sứ thần Tòa Thánh, Đức Tổng Giám mục Waldemar Stanisław Sommertag, và các Nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêsa, Tòa Thánh lấy làm tiếc về những tin tức gần đây nhất liên quan đến bản án 26 năm tù của Đức Cha Rolando Alvarez, Giám mục Địa phận Matagalpa, và việc tước quốc tịch một cách tùy tiện đối với hơn 300 công dân Nicaragua, bao gồm cả Đức Cha Silvo José Baez, Giám mục Phụ tá Địa phận Managua, 222 người trong số đó đã bị trục xuất sang Hoa Kỳ”, Đức Tổng Giám mục Nwachukwu nói.

Đức Tổng Giám mục Nwachukwu cũng đã nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô nhằm “vượt qua sự thù địch và tìm kiếm không gian cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên, đặt nền móng cho việc quay trở lại chung sống hòa bình dựa trên việc tôn trọng phẩm giá và quyền của tất cả mọi người, đặc biệt là những người trong những hoàn cảnh dễ bị tổn thương nhất, những người bị ảnh hưởng không tương xứng bởi hoàn cảnh hiện tại” với lời cầu nguyện với Thiên Chúa “để Ngài mở rộng trái tim của các nhà lãnh đạo chính trị và tất cả các công dân hướng tới việc chân thành tìm kiếm hòa bình, vốn phát sinh từ chân lý, công lý, tự do và tình yêu, và là điều đạt được thông qua việc theo đuổi đối thoại một cách kiên nhẫn”.

Jan-Michael Simon, Chủ tịch Nhóm chuyên gia nhân quyền về Nicaragua, cho biết nhóm đã điều tra các cáo buộc lạm dụng và vi phạm nhân quyền xảy ra ở Nicaragua kể từ tháng 4 năm 2018 và đồng thời cho biết rằng “những vi phạm cấu thành tội ác chống lại loài người. Những tội ác chống lại nhân loại này đã được thực hiện trong khuôn khổ của một chính sách phân biệt đối xử đối với một bộ phận người dân Nicaragua, vì động cơ chính trị, được tổ chức có chủ ý từ các cấp chính quyền cao nhất”.

Nhóm này cho biết “Các hành vi vi phạm bao gồm các vụ hành quyết ngoại tụng, giam giữ tùy tiện, tra tấn và đối xử tàn ác bao gồm các hành vi bạo lực tình dục và giới tính, tước quốc tịch tùy tiện và vi phạm quyền ở lại trong nước, cùng với những hành vi khác. Những vi phạm này được thực hiện chống lại những người phản đối chính phủ Nicaragua và đã gây ra như một kiểu hành vi được khái quát hóa và có hệ thống”.

Hội đồng Nhân quyền là một cơ quan liên chính phủ trong hệ thống Liên Hợp Quốc gồm 47 Quốc gia chịu trách nhiệm thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền con người trên toàn cầu.

Giáo hội Công giáo với chế độ cầm quyền Ortega

Giáo hội Công giáo hùng mạnh trong một khoảng thời gian đã bất hòa với chế độ của Tổng thống Daniel Ortega. Ông Ortega đã cai trị Nicaragua liên tục từ năm 1979 đến năm 1990, trở lại nắm quyền vào năm 2007. Rosario Murillo, Đệ nhất phu nhân và là vợ của Ortega, giữ chức vụ phó Tổng thống của đất nước kể từ năm 2017. Tổng thống Ortega đã tấn công Giáo hội Công giáo và các Linh mục chỉ trích sự đàn áp của chế độ, những tội ác và các hành vi vi phạm các quyền và tự do, và bởi vì các Giám mục đã khuyến khích mọi người “thực hiện quyền biểu tình ôn hòa trên cơ sở các giá trị công dân và truyền giáo”.

Các Giám mục Nicaragua đã nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa chế độ và phe đối lập, nhưng không thành công. Tổng thống Ortega cáo buộc các nhà lãnh đạo Công giáo âm mưu đảo chính, trong khi các lực lượng chống chính phủ xuống đường biểu tình. Những người ủng hộ Tổng thống Ortega, một chiến sĩ du kích theo chủ nghĩa Mác một thời ở quốc gia Trung Mỹ, đã công khai nhấn mạnh rằng ngay cả các Giám mục cũng có thể bị bắt giữ vì bảo vệ những yêu cầu của người biểu tình. Chính phủ cũng đã bắt giữ các nhà lãnh đạo phe đối lập và nhiều người trong số họ đã bị giam giữ tại các địa điểm bí mật, biệt lập, không được tiếp xúc với người thân hoặc luật sư.

Chế độ cầm quyền, như Đức Tổng Giám mục Nwachukwu đã chỉ ra, đã áp dụng các biện pháp đàn áp đối với Giáo hội ở Nicaragua. Gần đây nhất, chế độ cầm quyền Ortega đã cấm các cuộc rước Chặng Đàng Thánh Giá công khai theo truyền thống tại tất cả các Giáo xứ trong nước. Những nghi lễ như vậy trong Mùa Chay và Thứ Sáu Tuần Thánh sẽ chỉ diễn ra bên trong các nhà thờ.

Động thái này được đưa ra sau những chỉ trích của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc kết án 26 năm tù gần đây đối với Đức Giám mục Rolando Álvarez Địa phận Matagalpa và việc tước quyền công dân của Đức Giám mục Phụ tá Silvo José Baez, Địa phận Managua, và một Linh mục thuộc Giáo phận Matagalpa.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã so sánh chế độ của Tổng thống Ortega với chế độ của nhà độc tài Đức Quốc xã Adolf Hitler cũng như chế độ độc tài Cộng sản năm 1917, đồng thời mô tả chính phủ là một “chế độ độc tài thô lỗ” do một Tổng thống “lập dị” lãnh đạo.

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube