Tòa Thánh thu hút sự chú ý đối với những người đang phải đối mặt với cuộc đàn áp tôn giáo

Một người đàn ông quỳ trước một nhà thờ bị phá hủy

Một người đàn ông quỳ trước một nhà thờ bị phá hủy (Ảnh: Vatican News)

Phát biểu trước hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, Đại diện của Vatican thuộc Phái bộ Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh đến cảnh ngộ đang diễn ra của những người bị bách hại vì niềm tin tôn giáo của họ.

Phát biểu tại phiên họp thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền tại Geneva, Đức Tổng Giám mục Fortunatus Nwachukwu, Thư ký Bộ Loan Bao Tin Mừng, đã nhấn mạnh mong muốn của Tòa Thánh là thu hút sự chú ý của Hội đồng này đối với “hoàn cảnh của nhiều cá nhân và cộng đồng đang phải chịu sự ngược đãi vì niềm tin tôn giáo của họ”.

Đức Tổng Giám mục Nwachukwu, khi lặp lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, lưu ý rằng hòa bình cũng đòi hỏi sự công nhận phổ quát đối với quyền tự do tôn giáo. Quả thực hết sức đáng lo ngại khi người ta bị đàn áp chỉ vì họ công khai tuyên xưng đức tin của mình, Đức Tổng Giám mục Nwachukwu nói, đồng thời lưu ý rằng ở nhiều quốc gia, quyền tự do tôn giáo bị hạn chế. “Khoảng một phần ba dân số thế giới sống trong những điều kiện như vậy”.

Sự ngược đãi một cách có hệ thống

Nói về những thực tế kinh hoàng này, Đức Tổng Giám mục Nwachukwu đã nhấn mạnh việc thắt chặt các biện pháp đàn áp và các hành vi ngược đãi đã được chứng kiến trong những năm gần đây, “bao gồm cả bởi chính quyền quốc gia, chống lại các nhóm thiểu số tôn giáo ở nhiều quốc gia trên thế giới”. Trên thực tế, vị Giám chức cho biết thêm, “các tín hữu thường bị từ chối quyền thể hiện và thực hành đức tin của họ, thậm chí ngay cả khi điều này không gây nguy hiểm cho sự an toàn công cộng hoặc vi phạm quyền của các nhóm hoặc cá nhân khác”.

Đức Tổng Giám mục Nwachukwu cũng cho biết thêm rằng tình trạng bạo lực như vậy cũng xảy ra đối với những nơi thờ tự và địa điểm tôn giáo khi chúng bị mạo phạm và phá hủy, và các nhà lãnh đạo tôn giáo bị tấn công dữ dội.

“Điều đáng lo ngại không kém là tình trạng của các tín đồ ở một số quốc gia, nơi đằng sau vẻ bề ngoài của sự khoan dung và hội nhập, sự phân biệt đối xử được thực hiện một cách tinh vi và ngấm ngầm hơn. Ở một số quốc gia đang phát triển, chúng ta chứng kiến việc áp đặt các hình thức kiểm duyệt khác nhau nhằm giảm bớt khả năng thể hiện niềm tin của một người cả về mặt công khai lẫn chính trị với lý do nhằm tránh xúc phạm sự nhạy cảm của người khác”, Đức Tổng Giám mục Nwachukwu nói. Ông tiếp tục giải thích rằng theo cách này, “nhiều không gian cho cuộc đối thoại lành mạnh và thậm chí cả những cuộc thảo luận công khai bị mất đi”.

Đức Tổng Giám mục Nwachukwu sau đó tiếp tục nhấn mạnh rằng, về vấn đề này, Tòa Thánh “không thể không nhắc đến, như một số thống kê đã chỉ ra, rằng cứ 7 Kitô hữu thì có 1 người bị bách hại”.

Cuối cùng, Đức Tổng Giám mục Nwachukwu đã một lần nữa trích dẫn lời Đức Thánh Cha Phanxicô khi nhấn mạnh rằng “chúng ta không nên bỏ qua thực tế rằng bạo lực và các hành vi phân biệt đối xử chống lại các Kitô hữu cũng đang gia tăng ở các quốc gia mà Kitô hữu không phải là thiểu số. Tự do tôn giáo cũng bị đe dọa ở bất cứ nơi nào các tín hữu thấy khả năng bày tỏ niềm tin của họ trong đời sống xã hội bị hạn chế do hiểu sai về tính bao gồm”.

Đức Tổng Giám mục Nwachukwu tiếp tục: “Tự do tôn giáo, vốn không thể bị giản lược thành tự do tín ngưỡng, là một trong những điều kiện tối thiểu để có một lối sống phù hợp với phẩm giá. Các chính phủ có nhiệm vụ bảo vệ quyền này và đảm bảo rằng mỗi người, theo cách thức phù hợp với công ích, có cơ hội hành động theo lương tâm của mình, cũng như trong lĩnh vực công cộng và trong khi bày tỏ đức tin của họ”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube