Tòa Thánh: "Sự bùng nổ dân số" không phải là nguyên nhân gây ra đói nghèo

  • Tin tức
  • Thứ Sáu, 07-04-2017 | 21:53:34

Đại diện của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc cho biết “tham nhũng, các cuộc xung đột kéo dài và các thảm họa khác do con người gây ra” chính là những nguyên nhân gây ra tình trạng đói nghèo tại các nước đang phát triển, chứ không phải là “vấn đề dân số ngày càng gia tăng”. Vị đại diện của Tòa Thánh cũng kêu gọi thế giới phải “tôn trọng sự sống” khi đề cập tới vấn đề trao viện trợ quốc tế.

20170407 AuzaPhát biểu về “vấn đề bùng nổ dân số đang đe dọa sắp xảy ra” – Đại diện của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc cho biết – đôi khi vấn đề này đã dẫn đến những chính sách “khắc nghiệt”, vốn bỏ qua bản chất phức tạp của sự tăng trưởng dân số.

Tổng Giám mục người Philippines, Đức Cha Bernardito Auza, phát biểu với Ủy ban Dân số và Phát triển của LHQ rằng “những tình huống cụ thể ở nhiều khu vực khác nhau và thậm chí cả quốc gia” cần phải được xem xét khi nói đến những thay đổi về nhân khẩu học.

Đức TGM Auza lưu ý rằng dân số đang gia tăng ở một số quốc gia, trong khi lại ổn định ở một số quốc gia khác, nhưng đồng thời ngài chỉ ra rằng một số quốc gia đang trải qua một “sự suy giảm liên tục về nhân khẩu học”.

Đề cập tới “quả bom dân số”, Đức TGM Auza tham chiếu một cuốn sách cùng tựa đề của giáo sư Paul R. Ehrlich thuộc trường đại học Stanford. Giáo sư Ehrlich đã tiên đoán rằng vấn đề đói nghèo hàng loạt trong thập kỷ 1980 cùng với những hậu quả của việc thiếu lương thực do quá tải về dân số sẽ dẫn đến những biến động xã hội trên toàn thế giới.

Mặc dù các dự báo của ông không chính xác, nhưng giáo sư Ehrlich vẫn ủng hộ luận điểm quan trọng đối với tác phẩm của ông: các biện pháp kiểm soát dân số có quy mô lớn, bao gồm việc kiểm soát sinh sản nhân tạo và nạo phá thai, là cần thiết để bảo vệ tương lai của hành tinh.

Giáo sư Ehrlich đã được mời (mặc dù lời mời này đã gây ra nhiều tranh cãi) tham dự một Hội nghị vào đầu năm nay về Thông điệp sinh thái ‘Laudato Si’ của ĐTC Phanxcicô, được tài trợ bởi Viện Hàn lâm Giáo Hoàng về Khoa học và Khoa học Xã hội. 

Đức TGM Auza nói rằng ý tưởng “quả bom dân số” đã khiến các chính phủ nhất định thông qua các chính sách khuyến khích các biện pháp kiểm soát dân số như là câu trả lời dễ dàng nhất cho nỗi sợ cạn kiệt tài nguyên cũng như sự kém phát triển, đồng thời ngài cũng cho biết thêm rằng một số chính sách ấy là hết sức “khắc nghiệt”.

Thí dụ điển hình nhất về một chính sách như vậy có lẽ là tại Trung Quốc, nơi chính sách “một con” đã dẫn đến việc phá thai bắt buộc đồng thời hạn chế các quyền công dân đối với bất kỳ người nào sinh con nhiều hơn mức chính phủ cho phép.

Đức Tổng Giám mục Auza – mặc dù không nêu danh giáo sư Ehrlich trong bài phát biểu của mình – đã phản bác lập luận của ông bằng cách nói rằng “vấn đề tăng trưởng về nhân khẩu học hoàn toàn phù hợp với sự thịnh vượng chung”.

Đức TGM Auza cho biết trong khi “trách nhiệm làm cha mẹ cũng như những hành vi tính dục luôn là những đòi hỏi về mặt luân lý”, việc sử dụng “các quy định mang tính cưỡng chế đối với khả năng sinh sản” sẽ làm suy giảm tự do và trách nhiệm.

“Tôn trọng sự sống từ lúc thụ thai cho tới khi chết đi một cách tự nhiên, thậm chí ngay cả khi phải đối diện với những thách thức nghiêm trọng trong quá trình sinh nở, là điều phải luôn luôn được đề cập đến khi đưa ra các chính sách, đặc biệt là khi nói đến vấn đề viện trợ quốc tế, vốn cần được thực hiện theo những ưu tiên thực sự của quốc gia việc tiếp nhận viện trợ, chứ không phải bởi ý định của quốc gia viện trợ”, Đức TGM Auza nói.

Đức TGM Auza cũng chỉ ra xu hướng giảm tỷ lệ sinh ở các quốc gia phát triển đã bắt đầu “trước khi họ tiếp cận các phương pháp ngừa thai hiện đại”.

“Nó đã xảy ra cùng với những tiến bộ về kinh tế và công nghệ, cũng như việc đầu tư vào giáo dục, cơ sở hạ tầng và các thiết chế” – Đức TGM Auza nói – “Rõ ràng là sự tăng trưởng kinh tế khớp với mức sinh thấp hơn, và khi đi kèm với việc đầu tư vào giáo dục và y tế, nó sẽ làm tăng năng suất và vấn đề phúc lợi của xã hội”.

Đức TGM Auza cũng nói rằng không phải “vấn đề gia tăng dân số” đã gây ra cảnh đói nghèo, nhưng chính là những thứ như “tham nhũng, các cuộc xung đột kéo dài và các thảm họa do con người gây ra”.

Những phát biểu của Đức TGM Auza được đưa ra chỉ một tháng sau sự xuất hiện của giáo sư Ehrlich từ ngày 27/2 đến ngày 1/4 vừa qua tại một Hội nghị tại Vatican với tựa đề “Tuyệt chủng sinh học: Làm thế nào để cứu vãn thế giới tự nhiên mà chúng ta đang phụ thuộc”.

Mặc dù có sự tham gia của ông, “tuyên bố sau cùng” của Hội nghị vẫn cho thấy các mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với vấn đề đa dạng sinh học, việc sử dụng không bền vững đối với các nguồn tài nguyên của trái đất và tốc độ tuyệt chủng ngày càng cấp bách “đã được thúc đẩy nhanh hơn bởi quá trình tiêu thụ quá mức cũng như sự phân phối bất bình đẳng hơn là số lượng con người sinh sống trên hành tinh này”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube