Tòa Thánh: 'Phẩm giá con người phải là cốt lõi của các chính sách tội phạm'

Quan sát viên Thường trực của Vatican tại Liên hợp quốc, Đức Tổng giám mục Gabriele Caccia (Ảnh: Vatican News)

Quan sát viên Thường trực của Vatican tại Liên hợp quốc, Đức Tổng giám mục Gabriele Caccia (Ảnh: Vatican News)

Quan sát viên Thường trực của Vatican tại Liên hợp quốc, Đức Tổng giám mục Gabriele Caccia, đã nêu rõ quan điểm của Tòa Thánh về phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự, việc kiểm soát ma túy quốc tế, và chống lại việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho các mục đích tội phạm tại Ủy ban thứ ba của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

“Phẩm giá của con người nhất thiết phải được đặt làm cốt lõi của bất kỳ chính sách và sự can thiệp nào nhằm mục đích ngăn chặn hoặc truy tố tội phạm”. Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên hợp quốc, đã đưa ra quan điểm này hôm thứ Hai khi ngài phát biểu trước Ủy ban thứ ba của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York thảo luận về một số nội dung liên quan đến Tuyên bố Kyoto năm 2021 của Liên hợp quốc về Phòng chống tội phạm và Tư pháp hình sự, và các vấn đề nhân quyền.

Tội phạm về môi trường

Trong bài phát biểu của mình, đại diện Vatican tập trung vào hai lĩnh vực mà Tòa Thánh đặc biệt quan tâm: tội phạm gây ảnh hưởng đến môi trường và các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy. Về điểm đầu tiên, Đức Tổng Giám mục Caccia lưu ý rằng, mặc dù chúng không phải lúc nào cũng được các cơ quan thực thi pháp luật quan tâm đúng mức, và thường bị “coi là không có nạn nhân”, tội phạm về môi trường “gây ra những tác hại to lớn và làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng hiện có”. Do đó, Đức Tổng Giám mục Caccia nhấn mạnh sự cần thiết phải “cộng tác cùng với nhau ở tất cả các cấp để chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi.

Các hoạt động liên quan đến ma tuý

Phát biểu về các hoạt động liên quan đến ma túy, Quan sát viên của Vatican tái khẳng định lập trường của Tòa Thánh chống lại việc hợp pháp hóa việc tiêu thụ, cũng như sản xuất, chế tạo, buôn bán bất kỳ loại thuốc gây nghiện và chất có tác động đến tâm thần nào, vì “mối đe dọa nghiêm trọng” mà chúng gây ra cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng.

“Việc sử dụng ma túy luôn mang tính hủy diệt và không thể bị xóa bỏ nếu không có những nỗ lực nghiêm túc nhằm lên án và ngăn chặn không chỉ việc sử dụng và mua bán chúng, mà còn cả cái gọi là văn hóa chất kích thích và các hành vi liên quan của nó”.

Theo Tòa thánh, trọng tâm của xã hội và cơ quan thực thi pháp luật phải là việc “xác định các mạng lưới buôn người và truy tố những tội phạm lớn”, đồng thời “ngăn chặn việc sử dụng ma túy, với mục đích giảm việc sản xuất và tiêu thụ ma túy, bất kể sự kỳ thị có thể liên quan đến những nỗ lực này”.

Phòng chống lạm dụng ma tuý

Việc phòng ngừa, Đức Tổng Giám mục Caccia nói, có thể được thực hiện thông qua việc giáo dục đầy đủ và chất lượng, cả trong gia đình lẫn học đường, và bằng cách cung cấp thông tin khoa học về việc ma túy ảnh hưởng đến não bộ, cơ thể và hành vi, có tác động bất lợi đến con người, cũng như đối với những người thân thiết với họ.

Đức Tổng Giám mục Caccia cũng chỉ ra rằng “các chính sách chống ma túy hiệu quả phải luôn bao gồm sự hỗ trợ nhân ái cho những người đang phải vật lộn với tình trạng nghiện ngập của họ”.

Chống lại việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho các mục đích tội phạm

Một nội dung khác được Ủy ban LHQ thảo luận hôm thứ Hai là cuộc chiến chống lại việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho các mục đích tội phạm.

Trong một tuyên bố khác về vấn đề này, Đức Tổng Giám mục Caccia lưu ý rằng trong khi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông đã mang lại những lợi ích đáng kể, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, thì việc thiết kế và sử dụng chúng cũng đi kèm với những “ý nghĩa luân lý” đáng kể, đáng chú ý nhất là việc sử dụng ICT cho việc khai thác và lạm dụng, và việc sử dụng chúng có tính chất tội phạm bởi các nhóm khủng bố trong các nỗ lực cực đoan hóa, tuyển dụng, gây quỹ, đào tạo, chiến thuật, truyền thông và tấn công mạng. Về điểm đầu tiên, Đức Tổng Giám mục Caccia đặc biệt chú ý đến việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ nội dung khiêu dâm trẻ em và các dạng tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em khác.

Pháp luật nhằm điều chỉnh việc sử dụng ICT cần tôn trọng nhân quyền

Do đó, Đức Tổng Giám mục Caccia bày tỏ sự ủng hộ của Phái đoàn Vatican đối với việc xây dựng một công ước quốc tế toàn diện về việc chống lại việc sử dụng ITC cho các mục đích tội phạm nhằm đảo ngược các xu hướng tiêu cực này và đồng thời đảm bảo rằng chúng “đóng góp cho sự tốt đẹp hơn của con người và gia đình nhân loại”.

Đồng thời, Tòa Thánh khẳng định rằng “bất kỳ luật nào nhằm điều chỉnh việc thiết kế và sử dụng ICT cũng đều phải tôn trọng phẩm giá con người và các quyền phổ quát của con người, bao gồm quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube