Tòa Thánh nỗ lực đảm bảo các phương tiện truyền thông phải truyền tải những thông điệp Tin Mừng

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 26-03-2017 | 13:27:38

Tòa Thánh đang theo dõi chặt chẽ các tài khoản truyền thông xã hội của mình, nhằm phân tích những điều mà mọi người đang đọc, và những điều mà họ quan tâm. Mặc dù có bao gồm cả các lượt “thích”, nhưng số liệu thống kê không phải là nhân tố chính quyết định thành công.

Natasa Govekar, director of the theological-pastoral department of the Vatican's Secretariat for Communication, is pictured in her office at the Vatican March 21. Govekar said church communications involves creativity. "You can never just cut and paste from the past and, even less, from the world." (CNS photo/Paul Haring) See VATICAN-LETTER-GOVEKAR March 23, 2017.

Natasa Govekar, phụ trách bộ phận thần học – mục vụ thuộc Văn phòng Truyền thông Vatican (CNS photo/Paul Haring) 

Khi Quốc Vụ Viện Truyền Thông đang nỗ lực nhằm thống nhất các nỗ lực truyền thông của Vatican, một mối bận tâm mục vụ quan trọng đó là tiếp tục mở ra tất cả các kênh cho phép Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ với thế giới.

“Với một vị Giáo Hoàng của truyền thông có phong thái đầy tự nhiên như vậy, nếu chúng tôi không gây những trở ngại cho đường lối của Ngài, là chúng tôi đang làm tốt công việc của mình rồi”, Natasa Govekar – Giám đốc Văn phòng mục vụ thần học thuộc Quốc Vụ Viện Truyền Thông, cho biết.

Mọi tổ chức lớn và mọi chính phủ đều có một bộ máy truyền thông, nhưng Vatican có thể là quốc gia duy nhất trong việc sở hữu một bộ phận như của bà Govekar. Văn phòng của bà tập trung vào những điều có liên quan đến thần học và mục vụ của truyền thông nói chung, cũng như trong những nội dung liên quan đến đức tin đối với những điều mà Vatican truyền đạt.

Bà cho biết số lượng lần truy cập, số lượng nhấp chuột, những người theo dõi và các lượt “thích” trên các trang web của Vatican cũng như các tài khoản trên phương tiện truyền thông xã hội, được theo dõi bởi Văn phòng Truyền thông, nhưng những số liệu thống kê đó không phải là nhân tố chính quyết định thành công. Văn phòng Truyền thông chỉ hoàn thành sứ mệnh của mình khi thông điệp Tin Mừng được chiếu tỏa qua các bài chia sẻ, các hình ảnh, video và tin tức xã hội trên các phương tiện truyền thông xã hội.

“Giáo Hội chưa bao giờ gặp trở ngại với những nội dung của mình; thách đố trước mắt đó là phải làm thế nào để truyền đạt nội dung theo cách tốt nhất để nó có thể được lắng nghe và đón nhận”, bà Govekar cho biết.

Đối với Tòa Thánh, “nghệ thuật giao tiếp ngày nay chính là việc tái khám phá bản chất của con người cũng như những sự việc mà chúng ta phải giao tiếp với thế giới, và cách thức để chúng ta có thể thực hiện điều này. Sự sáng tạo luôn là một phần trong tiến trình này. Chúng ta không bao giờ có thể cắt dán từ quá khứ, và thậm chí tệ hơn, từ những chuyện đời”.

Các số liệu thống kê từ các tài khoản chính của Vatican – bao gồm hơn 33 triệu lượt người theo dõi đối với tài khoản Twitter @Pontifex và khoảng 3,7 triệu người theo dõi đối với tài khoản Instagram “Franciscus” – là những đối tượng của việc chăm sóc mục vụ.

“Các tài khoản này cho chúng ta biết liệu rằng người ta có lắng nghe hay theo dõi chúng không. Quả là một điều hết sức sai lầm nếu chúng ta không tự hỏi tại sao lại có quá ít người đọc một bài báo nào đó hoặc là tại sao lại có ít người quan tâm đến một chủ đề cụ thể nào đó”.

Luận án tiến sĩ về truyền giáo học của bà Govekar tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriana tại Roma nghiên cứu về “Việc truyền bá đức tin thông qua hình ảnh”, vì vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi bà có một sự quan tâm đặc biệt đối với tài khoản Instagram của Đức Thánh Cha Phanxicô – kỷ niệm năm đầu tiên ra mắt vào ngày 19/3 vừa qua.

Bà chịu trách nhiệm theo dõi tài khoản này, vốn thường xuyên nhận được hơn 100.000 lượt thích mỗi ngày và nhanh chóng nhận được 800 – 1.000 bình luận. Bà thu thập những lời bình luận và những lời cầu nguyện từ tài khoản để chia sẻ với ĐTC Phanxicô.

Bình luận phổ biến nhất đơn giản chỉ là “Amen”, bà cho biết. “Nhưng đôi khi có những bình luận rất sâu sắc và những lời đề nghị cầu nguyện rất xúc động; một số người muốn nhắn nhủ với ĐTC Phanxicô mặc dù họ chỉ viết: ‘Con biết Đức Thánh Cha sẽ không đọc những dòng này, nhưng con vẫn cảm thấy cần phải xin ĐTC…’ Rõ ràng, nhiều người có những suy nghĩ khác thường. Thế nhưng, nhiều người cũng nói một điều gì đó, chẳng hạn như: “Con đã làm rất nhiều điều xấu xa trong cuộc đời mình đến nỗi con biết con chẳng còn xứng đáng để cầu nguyện nữa, vì vậy, con xin ĐTC hãy cầu nguyện cho con”.

“Mọi người đã gởi lời đến ĐTC Phanxicô theo một cách thức hết sức cá nhân và nhận thấy nơi Ngài như một điểm quy chiếu và đón nhận họ, thậm chí ngay cả khi họ chưa bao giờ gặp gỡ Ngài”, bà Govekar cho biết.

Luận án của bà về việc truyền bá đức tin thông qua hình ảnh đã được củng cố thường xuyên qua những phản ứng của người dân đối với ĐTC Phanxicô.

“ĐTC Phanxicô có thể tiếp xúc với mọi người, ngay cả những người xa rời Giáo Hội. Điều này được xác nhận từ những phản hồi mà tôi đọc được, chứ không chỉ trong các bình luận trên các phương tiện truyền thông xã hội, mà từ việc nói chuyện với người dân, họ nói: “Tôi không đi nhà thờ, nhưng tôi yêu mến vị Giáo Hoàng này”, bà Govekar cho biết.

“Có vẻ tâm hồn ĐTC Phanxicô có thể được đọc thấy nơi khuôn mặt của Ngài. Cả thế giới có thể nhìn thấy cuộc sống tâm linh qua những biểu hiện của Ngài. Tất cả những điều nhỏ nhoi – như cử chỉ, nụ cười của Ngài – đều có thể là một lời nói”, bà Govekar cho biết. “Đối với tôi, đây là một bài học tuyệt vời cho biết đâu là nơi chỗ mà chúng ta nên tập trung vào công việc của mình: nơi tâm hồn, về sự phong phú của linh đạo Kitô giáo cũng như đời sống thiêng liêng của các Kitô hữu để nó có thể được tiết lộ nơi bất cứ những gì chúng ta thực hiện”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube