Tòa Thánh: 'Cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc bắt đầu từ giáo dục'

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 24-03-2024 | 18:35:48

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422 (2)

Trong một sự kiện kỷ niệm ở New York đánh dấu Ngày Quốc tế Xóa bỏ Phân biệt chủng tộc, Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, Quan sát viên Thường trực của Vatican tại Liên hợp quốc, đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục trong việc xóa bỏ sự thành kiến chủng tộc và đồng thời lên án tình trạng phân biệt chủng tộc đang diễn ra đối với người di cư hoặc người tị nạn gốc Phi ở quốc gia họ đến.

Vào ngày 21 tháng 3, Liên hợp quốc đã kỷ niệm Ngày Quốc tế xóa bỏ Phân biệt chủng tộc. Sự kiện này trùng với dịp kỷ niệm vụ việc cảnh sát giết chết 69 người trong một cuộc biểu tình ôn hòa chống lại việc “thông qua luật” phân biệt chủng tộc ở Sharpeville, Nam Phi, vào năm 1960.

Chủ đề năm nay gắn liền với Thập kỷ quốc tế dành cho người gốc Phi, kéo dài từ năm 2015 đến năm 2024.

Phát biểu tại một sự kiện kỷ niệm ở New York hôm thứ Năm, Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, Quan sát viên thường trực của Vatican tại Liên Hợp Quốc, đã nhắc lại sự lên án mạnh mẽ của Tòa Thánh đối với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức, và đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục nhằm xóa bỏ vấn nạn này.

Nhiều hình thức phân biệt chủng tộc

Ngài nhắc lại rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có nhiều hình thức, có thể là những hành động phân biệt đối xử có chủ ý và công khai, hoặc những thành kiến vô thức. “Dù có ý thức hay không”, Đức Tổng Giám mục Caccia nói, “thái độ ưu trội này thúc đẩy một não trạng thải loại, dẫn đến sự khinh thường và bỏ rơi những người yếu đuối nhất và những người bị coi là vô dụng”.

“Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có thể biểu hiện trong những suy nghĩ và hành động mà chúng ta thậm chí có thể không coi là phân biệt chủng tộc, nhưng lại xuất phát từ thành kiến”.

Thực dân hóa ý thức hệ

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cũng có thể biểu hiện dưới hình thức của sự bỏ sót, “khi các cá nhân và cộng đồng giữ im lặng và không hành động chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử và bất công về chủng tộc”.

Sứ thần Tòa Thánh cũng lưu ý thêm rằng còn có một hình thức phân biệt chủng tộc khác không kém phần xảo quyệt và được Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “thực dân hóa ý thức hệ”, khi “một số quốc gia tìm cách áp đặt hệ tư tưởng của họ lên các quốc gia khác, đôi khi từ chối hỗ trợ tài chính và viện trợ nhân đạo trừ khi quốc gia đó thông qua và thực thi quan điểm của họ”.

Vai trò quan trọng của giáo dục trong việc xóa bỏ định kiến

Sự nghiêm trọng của những hiện tượng này “dựa trên sự tin tưởng lệch lạc vào sự ưu việt của người này so với người khác” không thể khiến chúng ta thờ ơ, Đức Tổng Giám mục Caccia nói, và đồng thời nhắc lại rằng trách nhiệm của mọi người là “nuôi dưỡng và thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá vốn có của mỗi con người”.

Để chống lại nạn phân biệt chủng tộc, Đức Tổng Giám mục Caccia nhấn mạnh, chúng ta phải xóa bỏ nguyên nhân sâu xa của nó nằm ở sự thiếu hiểu biết và thành kiến. Do đó, tầm quan trọng cốt yếu của giáo dục, như Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong Thông điệp Fratelli Tutti, phải bắt đầu từ gia đình, nơi “các giá trị của tình yêu và tình huynh đệ, sự gắn kết và chia sẻ, quan tâm và chăm sóc người khác được thể hiện và truyền lại”.

Phân biệt chủng tộc đối với người di cư và người tị nạn gốc Phi

Kết luận của Quan sát viên thường trực của Vatican đã chỉ ra tình trạng phân biệt chủng tộc, bài ngoại, phân biệt đối xử và không khoan dung mà nhiều người di cư hoặc người tị nạn gốc Phi phải chịu đựng tại các quốc gia nơi họ đến. Một lần nữa, Đức Tổng Giám mục Caccia đã tái khẳng định sự cần thiết của chiến lược hội nhập toàn diện.

Là thành viên của cùng một gia đình nhân loại, mỗi cá nhân đều xứng đáng có một nơi gọi là nhà”, Đức Tổng Giám mục Caccia nhận xét. “Người tị nạn và người di cư không bao giờ có thể bị coi như là những đối tượng đơn thuần cần được hỗ trợ, mà là những con người có phẩm giá bình đẳng, có các quyền và nghĩa vụ”.

“Mỗi cá nhân đều xứng đáng có một nơi gọi là nhà. Điều này đồng nghĩa với việc được có thức ăn nuôi sống, được tiếp cận với nhà ở, chăm sóc y tế và giáo dục cũng như công việc có phẩm giá. Điều đó cũng có nghĩa là có một nơi mà bạn được thông hiểu và hòa nhập, được yêu thương và chăm sóc, nơi bạn có thể tham gia và đóng góp”.

WCC tổ chức “Tuần lễ Cầu nguyện để vượt qua Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài ngoại”

Hội đồng các Giáo hội Thế giới (WCC) cũng đã đánh dấu Ngày Quốc tế Liên hợp quốc bằng Tuần lễ Cầu nguyện để vượt qua Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài ngoại kéo dài từ ngày 19 đến 25 tháng 3, trong đó Ngày Quốc tế tưởng nhớ các nạn nhân của chế độ nô lệ và nạn buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương của Liên hợp quốc được tổ chức. Cơ quan đại kết quốc tế đã cung cấp tài liệu, được chuẩn bị bởi một nhóm từ Châu Mỹ Latinh, cũng như các khu vực khác, mỗi ngày. Các nguồn tài liệu, thích hợp cho các nhóm hoặc cá nhân, bao gồm các bài hát, thánh thư, các bài suy niệm, v.v.

Tuần lễ mở đầu bằng lời cầu nguyện đại kết, trong đó Chủ tịch WCC đến từ Châu Âu, Tiến sĩ Susan Durber đã khuyến khích các cộng đồng Kitô giáo trên toàn cầu và phong trào đại kết phải lên án tội ác phân biệt chủng tộc, bài ngoại và các hình thức phân biệt đối xử khác.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube