Tổng Giám mục Pizzaballa: “Tình hình các Kitô hữu tại Syria, Iraq và Ai Cập là một bi kịch toàn diện”
Vị Giám quản Tông Tòa đã chia sẻ về một sự thực đau lòng trong thông điệp Giáng sinh của mình. Ngài cũng đã công bố một “thời kỳ đổi mới” đối với Tòa Thượng phụ Latinh tại Giêrusalem.
“Tình hình các Kitô hữu tại Syria, Iraq và Ai Cập là một thảm kịch toàn diện. Ở các quốc gia này – cái nôi của nền văn minh của chúng ta – vòng luẩn quẩn của vấn đề bạo lực đang hoành hành dường như là vô vọng và vô tận”, Tổng Giám mục Pierbattista Pizzaballa phát biểu trong cuộc họp báo Giáng sinh đầu tiên tại Jerusalem kể từ khi Ngài đảm nhận trách nhiệm Giám quản Tông Tòa Tòa Thượng phụ Công giáo Latinh tại Giêrusalem. Đối với Tòa Thượng Phụ Latinh, sự kiện này là một cơ hội để có được một cái nhìn đối với những vấn đề chính liên quan đến Đất Thánh và Trung Đông. Một con người truyền thống – Tổng Giám mục Pierbattista Pizzaballa – đã tiếp tục với sự thẳng thắn thường ngày của mình.
Những hình ảnh có thể thấy từ Aleppo và Cairo khiến chúng ta phải đau lòng; nhưng trong cuộc gặp với các nhà báo tại trung tâm thành phố cổ, ngài hồi tưởng rằng “toàn bộ khu vực” đã trải qua thảm kịch này “trong suốt những năm dài đằng đẵng của cuộc xung đột”, được thúc đẩy bởi “nạn buôn bán vũ khí, bởi kế hoạch về lợi ích của các cường quốc, bởi trào lưu chính thống gay gắt”. Những vấn đề này không thể được giải quyết bằng các phương tiện quân sự. “Hòa bình có ý muốn hướng đến các giải pháp và đàm phán mang tính chính trị. Quân đội có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến, nhưng để xây dựng chúng ta cần đến chính trị. Và chúng ta đã không nhìn thấy vấn đề này. Nhiều nhóm lợi ích vẫn đang ngang nhiên hoạt động trong các cuộc chiến tranh, nhưng cuối cùng những người nghèo cũng như những người thấp cổ bé họng là những người phải trả giá cho họ, và họ đã phải trả giá quá nhiều”.
Vị Giám quản Tông Tòa tại Jerusalem kêu gọi các Kitô hữu tại Trung Đông: “Chúng ta có phần trách nhiệm trong những bi kịch khủng khiếp đó”, Ngài giải thích. “Chúng ta không thể tiếp tục cứ chỉ nói về việc đối thoại, công lý và hòa bình. Chỉ nói không thì chưa đủ. Chúng ta phải chống lại cảnh đói nghèo và bất công đồng thời đưa ra một lời chứng không ngừng về Lòng thương xót hầu tỏ lộ cho thế giới nhận biết về tình yêu và lòng nhân hậu của Thiên Chúa chúng ta”.
Tổng Giám mục Pizzaballa nhận thức được một thực tế rằng tai họa của chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa cấp tiến cũng đang gia tăng tại Đất Thánh. Ngài cũng đề cập đến các hành động phá hoại đối với các ngôi thánh đường, nghĩa trang cũng như các cấu trúc Kitô giáo khác, trong suốt năm qua. “Chúng tôi không chỉ muốn nói lên tiếng nói của chúng tôi nhằm tố cáo những hành vi như vậy” – Tổng Giám mục Pizzaballa cho biết – “nhưng chúng tôi muốn giúp đỡ trong việc tìm kiếm các giải pháp, giải quyết các vấn đề tận gốc rễ bằng cách tạo ra cho các thế hệ trẻ một tương lai tươi sáng hơn. Giáo dục chính là nền tảng trong tầm nhìn của chúng tôi”. Nhưng đây chính là nơi mà một trong những vấn đề hiện tại được đặt ra: có vẻ như ngày càng ít chỗ dành cho những người theo phương pháp giáo dục khác. “Các trường học của chúng tôi tại Israel vẫn đang trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có” – Tổng Giám mục Pizzaballa nhớ lại – “và hiện vẫn chưa có bất kì giải pháp cụ thể được đưa ra cho đến thời điểm hiện tại”.
Kế đến, có những khía cạnh về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, vốn đã bế tắc hoàn toàn: “tương lai của chúng ta dường như đã bị lu mờ. Chúng ta đang thiếu tầm nhìn Tổng Giám mục Pizzaballa nhận định. “Những trở ngại không ngừng đối với vấn đề hòa bình tại Israel và Palestine, cũng như việc thiếu sự đối thoại và cam kết đối với một nền hòa bình đích thực được xây dựng dựa trên công lý và an ninh, hiện vẫn còn là điều hiển nhiên”. Vị Giám quản Tông Tòa đã đề cập đến trường hợp của bức tường Cremisan gần Bethlehem – nơi các gia đình Kitô hữu tại đây đang bị tước đoạt đất đai của họ: “Bức tường đã được xây dựng sau một cuộc đấu tranh dài đằng đẵng bất chấp những lời kêu gọi của chúng tôi tới các nhà chức trách Israel”.
Nhưng bất chấp tất cả những vấn đề này, Giáo Hội tại Jerusalem sẽ không bao giờ bỏ cuộc. “Giáo hội địa phương tại Đất Thánh cũng thừa nhận nhu cầu riêng của mình trong việc canh tân tinh thần và đang bước vào giai đoạn của cuộc cải cách về vấn đề tổ chức, quản trị cũng như các công việc mục vụ”, Tổng Giám mục Pizzaballa tuyên bố. Cuộc cải cách này là phù hợp với tầm nhìn được đặt ra bởi Đức Thánh Cha Phanxicô – “một tiếng nói đầy đủ và tiên tri mà chúng ta có thể nghe theo và đặt niềm tin tưởng”.
Một trong những tia hy vọng trong khoảng thời gian đầy khó khăn này đó chính là việc trùng tu ngôi mộ của Chúa Giêsu và Nhà thờ Giáng Sinh tại Bethlehem, cả hai đều diễn ra nhờ sự cộng tác giữa các tôn giáo khác nhau. Đây không đơn thuần chỉ là việc xây dựng các công trình, mà đây chính là một biểu tượng của cách tiếp cận nhìn xa trông rộng hơn: cùng cộng tác “với những người có thiện ý – những người Do Thái, Hồi giáo cũng như những người không có niềm tin tin tôn giáo – hầu xây dựng những cầu nối, giúp đỡ những người nghèo, giáo dục con em chúng ta, chào đón những người tị nạn cũng như những người vô gia cư”.
Sau cùng, Tổng Giám mục Pizzaballa cũng gửi đến những lời cầu chúc tốt đẹp nhân dịp Giáng sinh đối với việc tiếp tục nuôi dưỡng niềm hy vọng. “Những tâm hồn tan nát của chúng ta nên sẵn sàng cho những điều bất ngờ sắp tới. Và Giáng sinh thực sự là thời gian giúp mỗi người chúng ta canh tân niềm tin của chúng ta vào một Thiên Chúa của những điều bất ngờ khi chúng ta đến Bethlehem, để chiêm bái một vị Thiên Chúa dường như chẳng có quyền hạn gì: Chúa Giêsu Hài Đồng bên máng cỏ. Qua lời cầu nguyện, chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng thế giới đầy tổn thương này”.
Minh Tuệ chuyển ngữ