Tìm về yêu thương

Chuyến thiện nguyện đầu năm 2023 của nhóm Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam được thực hiện vào Chúa Nhật thứ nhất mùa chay ngày 26/02/2023. Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa vì vừa là Mùa Chay và cũng là để chuẩn bị mừng lễ bổn mạng của Giới trẻ vào ngày 15/03 (thánh Clêmentê Hofbauer, DCCT) sắp tới. Đoàn chúng tôi tập trung chuẩn bị và lên đường đến với Viện dưỡng lão Tân Thông, huyện Củ Chi vào lúc 7g00 sáng tại sân Nhà Dòng. Chuyến xe lăn bánh với sự đồng hành Cha Anphongsô và gần 20 bạn trẻ cùng nhau lên đường đến với hành trình “tìm về yêu thương” trong sự háo hức và tràn đầy nhiệt huyết.

DTR_5537

DTR_5553

Chào đón chúng tôi trước cổng Viện dưỡng lão là những nụ cười rạng ngời của các sơ, những cụ bà còn khỏe mạnh cùng lời hỏi han sức khỏe, cái bắt tay thân tình, sự đón tiếp nồng hậu như xua tan đi cái uể oải của buổi sớm và hành trình hơn một tiếng đồng hồ. Một số bạn trẻ chúng tôi tranh thủ sắp xếp quà tặng, ăn sáng và tiếp đến là giao lưu văn nghệ với các cụ. Nói là “giao lưu” nhưng chỉ có hai cụ ở đó còn hát tốt, những bài sinh hoạt, cảm ơn; còn lại gia đình anh Cường và Cha đồng hành và chúng tôi phục vụ hát, múa văn nghệ cho các cụ. Chúng tôi cũng nhận thấy các cụ không ngồi lâu được, nên nhanh chóng phát những phần quà nhỏ, “quà cầm tay” cho từng cụ. Những phần quà khác là nhu yếu phẩm, đồ dùng y tế và một số tiền hỗ trợ quý Sơ mua bảo hiểm xã hội cho các cụ.

DTR_5646

DTR_5680

Quý Sơ cũng giới thiệu với chúng tôi, viện dưỡng lão hiện nay có 68 cụ già neo đơn, tàn tật, một số bị tai biến, trong số đó có 24 cụ bị bại liệt. Các cụ được Cha Phaolô Nguyễn Văn Khi và quý Sơ Dòng Thừa sai bác ái Chúa Kitô chăm sóc tận tình, chu đáo cả về vật chất lẫn tinh thần. Giới trẻ chúng tôi chia thành nhiều hóm khác nhau, nhóm nấu ăn, nhóm đến thăm các cụ tại các khu nhà khác nhau, hỏi han, nói chuyện và chia sẻ tâm tình.

Qua những câu chuyện tản mạn của các cụ, chúng tôi nhận thấy, các cụ đã trải qua ngần ấy thời gian lăn lộn với cuộc đời và niềm mong mỏi duy nhất của các cụ là được gần gũi con cháu, để nghe tiếng tập nói bi bô, nụ cười hồn nhiên, hoặc đôi khi đơn giản là được quây quần bên mâm cơm đạm bạc gói gọn trong hai chữ “gia đình” giản đơn. Nhưng rồi hoàn cảnh đưa đẩy, các cụ lại gặp nhau ở viện dưỡng lão này, mỗi cụ đều có những câu chuyện rất khác nhau về cuộc đời và gia đình. Bản thân tôi, khi vào thăm nơi các cụ bị bại liệt, thấy có người đến thăm, cụ dơ tay chào, ú ớ, móm mém như muốn bày tỏ điều gì đó. Dù không hiểu gì, nhưng tôi dừng lại để nhìn các cụ lâu hơn, nắm chặt tay các cụ hơn, vì tôi hiểu rằng, yêu thương đôi khi không cần nói thành lời, mà chỉ cần “ở đó” để cảm nhận và chia sẻ.

Bảo là các cụ “nhao nhao như con nít” thì hơi quá lời, nhưng hình như lại đúng. Có cụ bảo: “mỗi lần có khách ghé vào thăm, chúng tôi vui lắm, già rồi, hay tủi thân… may mà có các cô các chú thương, vô đây chơi. Giọng cụ như đứt quãng, nghẹn ngào, những giọt nước mắt tự nhiên lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo, chằng chịt vết chân chim, vết hằn của thời gian. Những câu chuyện cứ rời rạc thành từng mảng, nhưng lại đầy thân tình, y như chúng tôi là con cháu của gia đình các cụ. Lúc kể thì đượm buồn với những câu chuyện xưa đến muôn năm, nhưng thổ lộ xong thì lại cười tươi như hoa. Vui vì gặp toàn người đồng cảnh ngộ sớm tối có nhau, vui vì có chỗ nương náu, vui vì tình thương Thiên Chúa vẫn lan tỏa chiếu sáng trong những quý Sơ phục vụ. Chúng tôi thầm thán phục tinh thần cho đi của quý Sơ, những hy sinh, nhẫn nại và nhất là nụ cười hiền lành luôn thường trực trên môi. Đúng với tinh thần của nhà Dòng:“Hãy trao tặng tình yêu thương bất cứ nơi đâu bạn tới: trước tiên là trong chính mái ấm của mình. (Mẹ thánh Têrêsa Calcutta).

DTR_5719

DTR_5811

Gần giờ trưa, chúng tôi cùng cô bếp đã nấu xong món bún mọc. Quý Sơ cùng chúng tôi phân chia, chuẩn bị từng phần đồ ăn. Chúng tôi, theo sự hướng dẫn của quý Sơ mang những phần ăn đến mời các cụ, có cụ tự xúc được và ăn ngon lành; nhưng cũng có cụ thì mấy Sơ trêu là “bà nhõng nhẽo lắm, như con nít vậy đó…”. Chúng tôi cười… vừa giúp các cụ ăn, vừa động viên.

Ở khu sinh hoạt tôi thấy có mấy cái bảng, hai cái bảng làm tôi để ý nhất là bảng “Hiện Diện” và “Từ Trần”. Vẫn biết đời người có sinh ra, có chết đi, ai cũng phải đi qua một lần và mãi mãi cái quy luật của Đấng Tạo Hóa. Nhưng vẫn ngậm ngùi cho những số phận, nhất là khi tuổi đã xế chiều, mà chẳng có chỗ trú thân, bị bỏ rơi ngay trong gia đình và ngoài xã hội. Trong đức tin, chúng tôi nhớ Lời Chúa dạy: “Mái đầu bạc là triều thiên vinh hiển được tặng ban cho kẻ sống công chính.” (Cn 16, 31). Giáo huấn của Hội Thánh cũng dạy rằng, cần phải trân trọng ông bà, những người cao niên vì đó chính là kho tàng kinh nghiệm về cuộc sống và niềm tin. Bài học cụ thể nhất cho giới trẻ chúng tôi chính là nhớ đến ông bà của gia đình mình, những người lớn tuổi xung quanh cần chăm sóc. Ngược lại, chúng tôi cũng nghĩ về bản thân, sống tuổi trẻ dấn thân, thu tích kinh nghiệm, giá trị cuộc sống, nhất là kinh nghiệm đời sống đức tin để có thể chia sẻ cho con cháu sau này.

DTR_5898

Sau bữa trưa của các cụ, nhóm chúng tôi cùng ăn trưa với nhau và tạm biệt viện dưỡng lão để ra về. Lời nhắn nhủ có đôi phần hài hước của Sơ Lài cũng là lời chào, lời chúc và hẹn một ngày không xa gặp lại chúng tôi. Sau mỗi chuyến bác ái, mỗi bạn trẻ đều có những cảm xúc khác nhau, nhưng tôi tin vào hình ảnh cụ thể của các cụ ở viện dưỡng lão này sẽ là một ấn tượng, không phải để trầm tư lo toan cho tuổi già; mà là một tình thương được trao đi và nhận lại. Quà vật chất chỉ là giới hạn trần gian, nhưng những món quà tinh thần, tình yêu thương thì luôn còn mãi.

GTTSCCTMN: Hà Vy  (Sài Gòn, 27/02/2023)

Video chương trình:

https://www.youtube.com/watch?v=aapdf5Ramr0

Một số hình ảnh:

DTR_5555

DTR_5562

DTR_5565

DTR_5571

DTR_5589

DTR_5605

DTR_5629

DTR_5713

DTR_5727

DTR_5760

DTR_5796

DTR_5855

DTR_5857

DTR_5862

DTR_5867

DTR_5868

DTR_5869

DTR_5878

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết