Đạo Công Giáo là đạo độc thần, chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa như đạo Do Thái (x. Xh 20,3; Tl 6,4; Hs 13,4). Tuy nhiên, Người Công giáo còn biết Vị Thiên Chúa độc nhất mình thờ không hề sống trong cô độc, đơn lẻ, nhưng luôn sống trong tương quan mật thiết yêu thương giữa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần (x. Ga. 16, 32). Đó là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã mạc khải rõ cho chúng ta về điều nay (x. Mt 28,19; xem thêm Ga 16,13-15; Ga 3,34-35; Rm 8,14-17 [bài đọc II]; Kinh Tin Kính). Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là chân lý nền tảng và cao siêu nhất trong đạo. Trong thời Cựu ước, tác giả sách Châm ngôn (8,22-31) đã ca ngợi Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa có thể được xem như sự mò mẫm hướng về sự mạc khải của mầu nhiệm này.
Tìm một phương cách tiếp cận
Thông thường, khi gặp điều khó hiểu, ta nói đó là mầu nhiệm. Theo nghĩa ấy, chân lý Một Chúa Ba Ngôi chính là một mầu nhiệm, vì vượt quá sự hiểu biết của con người, lý trí con người không thể khám phá tường tận được. Tuy nhiên như Gustave Thibon nói: “Mầu nhiệm không phải là một thứ vách tường chặn đứng trí óc của chúng ta, mà là biển cả trong đó, trí óc chìm đắm”. Chúng ta thử mạo hiểm suy tư về mầu nhiệm này xem thế nào.
– Trong Giáo hội, có biết bao người đã và đang để tâm suy tư, đồng thời mượn những hình ảnh cụ thể để minh họa về mầu nhiệm cao siêu này. Nhiều người đã diễn tả Một Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần như một mặt trời có ánh sáng, sức nóng và lửa; hay một hình tam giác có ba góc riêng biệt nhau.
Xem ra, những hình ảnh này có thể minh họa được ý tưởng: một lại có ba; ba có chung một. Cũng như khi ta nói tấm huân chương nào cũng có hai mặt; hoặc người này, hay cổ máy kia thật đa năng… Nhưng nếu ta dùng chúng để minh họa mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi thì không thích hợp lắm, vì những hình ảnh này mang đượm tính toán học và vật lý. Ba góc của tam giác cũng chỉ là ba góc chết, hình tam giác cũng chỉ là một khái niệm trừu tượng vô hồn; mặt trời, ánh sáng, sức nóng, lửa cũng chỉ là những vật vô tri vô giác. Trong khi mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi thì cao cả, sống động biết bao: chỉ có một Thiên Chúa, nhưng lại có ba Ngôi Vị riêng biệt, hoàn toàn tự do, độc lập và sống động. Đây quả là một mầu nhiệm. Đứng trước mầu nhiệm cao cả này, ta có thể dùng một hình ảnh khác để minh họa, hy vọng sống động hơn, chân thật hơn, đó là hình ảnh con người. Vì con ngươi là hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,26).
Nên một theo bản tính.
– Con người thường định nghĩa mình là cây sậy, nhưng là cây sậy biết suy tư, hay con người là loài động vật có lý trí, có tự do và có xã hội tính (định nghĩa theo kiểu triết học). Nếu định nghĩa theo nhà đạo: con người là loài có linh hồn bất tử và thể xác, lý trí và ý chí tự do (x. Hội Đồng Giáo Mục Việt Nam Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, “Bản toát yếu sách giáo lý của hội thánh Công Giáo” số 358, Nxb Tôn Giáo Hà Nội, 2007). Vì những đặc tính này, con người khác hẳn mọi loài động vật, sinh vật… khác. Bởi thế, khi nói đến con người thì chỉ có một. Chỉ có một loài người chứ không có hai. Nhưng trong một loài người đó lại có nhiều người: có anh, có tôi, có ông ấy, bà ấy…, mỗi người đều là một nhân vị riêng biệt, độc lập, tự do, sống động và có trách nhiệm. Bởi thế mà có sự phân biệt: bề trên, bề dưới, người lớn người nhỏ…, song tất cả cũng chỉ là một loài người, vì đều có cùng một phẩm giá, một bản tính người. Có lẽ hình ảnh này phần nào mô tả được hình ảnh một Chúa Ba Ngôi trong bản tính Người.
– Niềm tin Công Giáo luôn khẳng định Thiên Chúa là Đấng tự hữu, thiêng liêng, hằng có đời đời, quyền phép, thánh thiện, tốt lành, công bằng và chân thật vô cung. Chẳng có loài nào, dù là hữu hình, hay vô hình có được những đặc tính đó, ngoại trừ Thiên Chúa. Chỉ Thiên Chúa mới có bản tính ấy. Chính bản tính ấy mà Thiên Chúa siêu việt, vượt trội, khác xa mọi loài khác. Bởi thế Thiên Chúa chỉ có một. Hay nói cách khác, chỉ có một bản tính thuộc cấp trật Thiên Chúa mà thôi. Nhưng trong cấp trật ấy lại có ba Đấng: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mỗi Đấng là một Ngôi vị sống động, riêng biệt, hoàn toàn tự do. Bởi thế mà có sự khác biệt trên dưới: Cha, Con… (x. Ga 14,28;10,29). Song tất cả cũng chỉ là một Thiên Chúa vì cùng bản tính như nhau, quyền phép và thánh thiện như nhau.
Nên một trong tương quan ngôi vị
– Mỗi người được sinh ra là để sống trong và sống với, sống trong vũ trụ và sống với con người. Có thể nói, người ta chỉ thực sự là người khi sống trong mối tương quan đó (theo một nghĩa nào đó). Điều này muốn nói lên sự hiện hữu của mỗi người đều mang đậm dấu ấn của tha thể. Nếu không có tha thể thì sẽ không có tôi. Trong bài thuyết trình với chủ đề Ba chiều kích của một cuộc hoàn tất, ở chiều kích thứ ba (nói về mối tương quan giữa người với người), Luther King đã làm nổi bật ý tưởng: tha nhân là thành phần bản thân tôi. Qua đó, ông muốn cho thính giả nghiệm rằng, trong tha nhân có tôi và trong tôi có tha nhân. Vì thế khi nghe có tiếng chuông báo tử vang lên, mỗi người đừng vội hỏi: đó là tiếng chuông của ai thế? Nhưng hãy ý thức rằng: đó là tiếng chuông của chính ta vậy.
– Phải chăng, ta có thể mường tượng phần nào về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi qua mối tương quan trên? Vì trong Tin Mừng có rất nhiều chỗ nói về mối tương quan mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Từng lời nói, việc làm trong sứ vụ, kể cả sự hiện diện của Chúa Con trong thân xác phàm nhân điều mang dáng dấp của Chúa Cha (x. Lc 3,22; Ga 10,36-39; Dt 10,5) và Chúa Thánh Thần (x. Mt 1,18.20;4,1;12,24). Bởi thế, Chúa Giêsu đã nói: “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (x.Ga 14,10-11); và: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9).
Chúa Cha “ở trong” Chúa Con và Chúa Con “ở trong” Chúa Cha không giống như cục đá ở trong ly, hay con cá ở trong chậu. Cục đá ở trong ly, nhưng cục đá vẫn là cục đá, cái ly vẫn là cái ly. Con cá ở trong chậu, nhưng con cá vẫn là con cá, cái chậu vẫn là cái chậu. Chúng không thể là một với nhau, vì chúng không có mối tương quan mật thiết yêu thương và hướng về nhau. Trái lại, Chúa Con ở trong Chúa Cha trong mối tương quan mật thiết và luôn hướng về nhau. Cũng như thai nhi luôn bám lấy dạ mẹ để được sống và được yêu, còn người mẹ thì luôn hướng về bào thai mình cưu mang để yêu thương, chăm sóc, vỗ về. Chúa Con ở trong Chúa Cha và cả Ba Ngôi ở trong nhau, cũng luôn hướng về nhau, yêu thương nhau như thế và còn hơn thế nữa (x. Ga 1,1-2).
– Còn một mối tương quan khác có thể minh họa mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi một cách chân thực hơn, đó là mối tương quan vợ chồng (x. St 1,27). Trong các mối tương quan nhân loại, mối tương quan vợ chồng là mật thiết và keo sơn hơn hết, kể cả tương quan phụ tử, hoặc mẫu tử.
Chúa Giêsu đã xác nhận: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ và Người đã phán: Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ trở thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19,4-6). Họ không chỉ nên một xương một thịt nơi thân xác, nhưng là cả thân xác và tâm hồn. Họ thật sự là hai, nhưng lại là một. Họ là một, nhưng lại là hai. Điều gì làm cho họ trở nên như thế? Có một bài hát thật thâm thúy ta vẫn được nghe, có thể trả lời cho ta câu hỏi này: “Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai”. Tại sao thế? Đó là vì tình yêu: “Tình yêu nối kết đôi ta, ta yêu nhau quá nên hai hóa ra một”. Bởi đó, nhiều cặp vợ chồng (ở Việt Nam), nhất là trong những lúc tình yêu đang thắm thiết, mặn mà, họ vẫn gọi nhau là: Mình ơi. Chính tình yêu đã làm cho họ tuy là hai, nhưng chỉ là một thân thể.
– Nhờ tình yêu mà vợ chồng trở nên một với nhau. Nhưng, tình yêu của con người, của vợ chồng lại bắt nguồn từ Thiên Chúa (x. 1Ga 4,7). Như thế, Chúa Ba Ngôi lại càng trở nên một với nhau, vì Thiên Chúa là tình yêu, là khuôn mẫu tình yêu (x. 1Ga 3,16; 4,8).
Chúa Cha yêu thương Chúa Con vì là con Cha và hằng tuân hành ý Cha, đến nỗi bằng lòng chịu chết thập giá (x. Mt 3,17.17,5; Mc 9,7; Lc 9,35; Ga 10,17; Pl 2,6-9). Chúa Con luôn yêu mến Chúa Cha vì là Cha Ngài và luôn tuân hành mọi sự Cha trao phó (x. Mt 26,36; Lc 22,42; Ga 14,31). Chính tình yêu ấy đã gắn kết Chúa Cha và Chúa Con nên một với nhau. Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Và Chúa Thánh Thần cũng sống trong tương quan mật thiết, yêu thương với Chúa Cha và Chúa Con như vậy, vì “Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra” (Kinh Tin Kính). Chính trong mối tương quan mật thiết yêu thương ấy mà Ba Ngôi Thiên Chúa, tuy là ba, nhưng cũng chỉ là một Thiên Chúa tình yêu.
Lời Kết
Càng chiêm ngắm và gẫm suy Chúa Ba Ngôi, ta càng cảm nhận Người siêu việt và nhiệm mầu biết bao. Người siêu việt trong bản tính và nhiệm mầu trong tình yêu. Chính trong bản tính và tình yêu ấy mà ta có thể nghiệm được phần nào Ba Ngôi Thiên Chúa tuy là ba, nhưng cũng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Đó là mầu nhiệm cao cả, trí khôn con người không thể hiểu thấu. Đứng trước mầu nhiệm ấy, con người cần có thái độ khiêm tốn hơn để rồi nổ lực tìm cách tiếp cận hơn là mong đạt đến sự thông hiểu tường tận mầu nhiệm. Điều khả dĩ giúp ta tiếp cận mầu nhiệm hơn hết có lẽ là hình ảnh của con người trong bản tính và tương quan nơi con người. Ta càng xác tín hơn điều này khi đọc được ý định của Thiên Chúa: “con người như họa ảnh Người” (St 1,26 bản dịch của Lm Nguyễn Thế Thuấn). Nhưng dù sao, họa lại thì mãi mãi cũng chỉ đạt đến tầm mức họa lại, nghĩa là chỉ cho người ta biết cách gián tiếp chứ không phải trực diện cái được họa lại. Thánh Phaolô tông đồ nói: bây giờ chúng ta thấy Thiên Chúa như qua tấm gương, thấy cách lu mờ, mai sau sẽ được giáp mặt (x. 1Cr 13,12; xem thêm 1Ga 3,2). Thánh nhân nói tiếp: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13,13).
Việc đón nhận mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, điều tiên quyết không hệ tại nơi sự hiểu biết, mà là bằng một đức tin sắc son, trong sự phó thác và yêu mến. Khi người ta mở lòng tin nhận mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong đức mến yêu, một trật, người ta cũng có niềm hy vọng sẽ được ở lại trong tình yêu Thiên Chúa (x. Ga 16,27). Được ở lại trong tình yêu Thiên Chúa, cũng là lúc người ta được trở nên một với Người, đó là ý nguyện của Chúa Giêsu (x. Ga 17,20-23) Được trở nên một với Thiên Chúa, cũng là lúc người ta được thông phần bản tính với Người vậy (x. 2Pr 1,4).
Lm. Phêrô Đinh Quốc Thái Bình (DCCT)