Thượng Phụ Giáo Hội Công Giáo Chaldean: ‘Thượng Hội đồng nên đặc biệt chú ý đến các Giáo hội Đông phương’

IMG_1440

Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô và các Thánh Bộ tại Rôma “nên đặc biệt chú ý đến các Giáo hội Đông phương, cái nôi của Kitô giáo”, những người “cảm thấy chính sự tồn tại của mình bị đe dọa”, Đức Hồng y Louis Raphael Sako, Thượng phụ Địa phận Baghdad của người Công giáo nghi lễ Chaldean, cho biết trong một văn bản được công bố trên trang web của Tòa Thượng phụ Chaldean.

Trong văn bản, Đức Hồng y Sako đã nhấn mạnh cuộc khủng hoảng hiện tại trong Giáo hội Iraq trước Đại hội thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục, dự kiến diễn ra từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10 năm 2023 tại Vatican.

“Tôi hy vọng Giáo hội đóng một vai trò tiên tri và quan trọng trong việc xây dựng một thế giới nhân văn, hòa bình, công bằng và có phẩm giá hơn”, Đức Hồng y Sako viết trong bức thư từ Erbil.

Đức Hồng y Sako đang có mặt tại thủ đô của người Kurd ở Iraq, “cách xa khu vực Baghdad”, vì những sự kiện được nhiều người biết đến gần đây chứng kiến việc ngài phản đối nguyên thủ quốc gia Iraq và một nhóm dân quân Kitô giáo tự phong, những người từ lâu đã tìm cách hất cẳng ngài.

Đức Thượng phụ Sako hy vọng sẽ thấy “một cuộc  đổi mới thực sự” trong đời sống Giáo hội, hoạt động và mục tiêu của Giáo hội, với sự tham gia “tích cực” của các tín hữu và sự tham gia “mang tính tập thể” của hàng giáo phẩm Giáo hội.

“Niềm hy vọng của các tín hữu Kitô đang chờ đợi một chân trời mới được mở ra bởi con đường hiệp hành”, Đức Thượng phụ Sako lưu ý, “được củng cố bởi sự gắn kết về mặt thần học, hành chính và mục vụ trong sự hòa hợp hoàn hảo với sứ mạng thiết yếu của Giáo hội và tinh thần hiệp hành”.

Vào giữa tháng 7, Đức Hồng y Sako đã tạm thời chuyển Tòa Thượng phụ từ thủ đô Iraq đến Erbil, thuộc vùng Kurdistan của Iraq, sau khi Tổng thống Iraq Abdul Latif Rashid thu hồi sắc lệnh công nhận vai trò và thẩm quyền của ngài.

Quyết định đáng ngạc nhiên này đi ngược lại truyền thống hàng thế kỷ đề cao quyền lực của quan chức cao nhất trong Giáo hội Công giáo Iraq, người cũng chịu trách nhiệm đối với tài sản của Giáo hội.

Đây là mấu chốt của vấn đề, cụ thể là quyền kiểm soát tài sản được nhắm tới bởi một nhà lãnh đạo Kitô giáo tự phong, “Rayan the Chaldean”, và lực lượng dân quân thân Iran ủng hộ ông ta (bao gồm cả những người Hồi giáo Shia, các Kitô hữu, người Hồi giáo Sunni, v.v.), những người đe dọa hòa bình và sự chung sống của đất nước.

Để đối phó với các vụ tấn công, Đức Hồng Y Sako đã chuyển Tòa Thượng phụ đến Erbil và không loại trừ việc tẩy chay cuộc bầu cử sắp tới.

Đức Hồng Y Sako, người sẽ đến Marseille vào ngày 23 tháng 9 để tham dự Thánh lễ với Đức Thánh Cha Phanxicô tại hội nghị ở Địa Trung Hải với sự hiện diện của ít nhất 60.000 người, hy vọng đây sẽ là giây phút để “cùng nhau bước đi”.

“Vào thời điểm của sự bất ổn, khó khăn trong nền văn hóa hiện nay, đặc biệt do sự thống trị của chủ nghĩa tự do thế tục”, Giáo hội và Đức Thánh Cha phải bắt đầu một “tiến trình tự đổi mới”. Tuy nhiên, “các nền tảng của đức tin và luân lý nền tảng phải được bảo tồn một cách trung thành”, Đức Hồng Y Sako nhấn mạnh.

“Cần phải phân biệt điều gì là thực tế và thể hiện tinh thần không thể bỏ rơi, điều gì là trực tiếp và thiết thực gắn liền với các điều kiện về thời gian và không gian, những điều kiện phải được cập nhật”, Đức Hồng Y Sako giải thích.

“Thượng Hội đồng nên ưu tiên việc rao giảng Tin Mừng dưới ánh sáng của các dấu chỉ của thời đại” để “Giáo hội có thể trình bày đức tin cho mọi người bằng ngôn ngữ rõ ràng, dễ hiểu, những phong cách khác nhau và những hình thức mới”.

Cuối cùng, vấn đề phụng vụ trong việc cử hành các Bí tích và sự tham gia nhiều hơn phải được giải quyết. Mục tiêu là “làm cho một số cơ cấu trở nên hiệu quả hơn và ít quan liêu hơn, để các Kitô hữu cảm thấy tự nhiên thoải mái, thực hiện vai trò của mình và không cảm thấy bị gạt ra bên lề xã hội”.

Minh Tuệ (theo Asia News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube