Thư cha Bề trên Tổng Quyền nhân dịp mừng lễ thánh Alphongsô - Đấng sáng lập Dòng

Lễ thánh Alphongsô Maria Ligouri

“Những Thừa sai của Hy vọng

theo bước chân Chúa Cứu Thế.”

NĂM ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

HP 21-75; EG 026-049; Lc 6,12-16

363984096_685052610327825_8585646055855838880_n

Kính gửi anh em, ứng sinh, cộng tác viên giáo dân trong sứ vụ

và gia đình Dòng Chúa Cứu Thế:

1 – Vào ngày 01 tháng 08 năm 1787, tại thị trấn Pagani, Alphongsô Maria de Liguori rời thế gian để trở về với Chúa Cứu Thế yêu dấu của ngài. Alphongsô không cần phải giới thiệu. Cuộc đời và câu chuyện của ngài đủ nói lên tất cả.

2 – Đã 236 năm kể từ ngày ngài ra đi. Trong bối cảnh này, suy ngẫm về đời sống cộng đoàn, câu hỏi cơ bản là: cuộc đời và lịch sử của ngài nói với ta điều gì ngày nay, và điều đó truyền cảm hứng gì cho ta? Tôi xét thấy một số điểm quan trọng mà chúng ta có thể rút ra từ cuộc đời và lịch sử của ngài mà chúng ta không thể quên:

a) Kinh nghiệm về Thiên Chúa là trung tâm và nền tảng của đời sống cá nhân và cộng đoàn, hoạt vụ thừa sai và hành động luân lý. Ngay từ khi còn rất trẻ, Alphongsô đã chọn Chúa Cứu Thế làm trung tâm đời mình. Điều này không có nghĩa là trong suốt cuộc đời ngài, Alphongsô không nghi nan và nản lòng. Ngài đã biến tất cả những điều ấy thành sức mạnh để ngày càng gắn bó mật thiết với Đức Giêsu Kitô hơn và yêu mến Ngài cách mãnh liệt hơn. Kitô học của ngài bắt nguồn từ kinh nghiệm sống ấy. Đó không phải lý thuyết hay trả bài, nhưng phát xuất từ kinh nghiệm cụ thể của ngài. Điều này hướng dẫn đời sống cá nhân và cộng đoàn, nghiên cứu thần học, và hoạt động thừa sai hướng tới người bé mọn của ngài. Người ta không thể hiểu thần học, Kitô học, Thánh mẫu học, linh đạo và luân lý của Alphongsô, nếu không phát xuất từ kinh nghiệm về tình yêu Thiên Chúa trong thực tế của lịch sử nhân loại, và hệ quả của điều này được thể hiện trong kenosis, distacco, lòng xót thương, ơn cứu chuộc, sự ân cần, đức ái mục vụ…

b) Yêu thương người bị bỏ rơi hơn cả và ý thức sâu sắc về công bằng xã hội. Nơi Alphongsô, kinh nghiệm về Thiên Chúa được biến thành những thực tại cụ thể: tình yêu tha nhân, được khơi hứng từ gia đình cũng như nền giáo dục mà ngài nhận được và tình trạng của người nghèo cùng thời với ngài. Ngài biết cách đọc thực tế của thời đại mình và phân định nơi ngài sẽ đặt mình vào trong bối cảnh giáo hội và mục vụ này. Cái nhìn của Alphongsô như thế phải không ngừng thúc đẩy chúng ta, với tư cách là một Hội Dòng, biện phân xem chúng ta nên ở đâu (x. HP 4-5). Đối với chúng ta, người nghèo không phải là một phạm trù xã hội học mà là một phạm trù địa lý và ngoại vi hiện sinh mà chúng ta phải yêu thương và phục vụ.

c) Đời sống cộng đoàn từ góc độ sứ vụ. Thánh Alphongsô thành lập Hội Dòng gồm các linh mục và các Thầy. Cộng đoàn luôn có chức năng sứ vụ. Tôi nghĩ Alphongsô đã có trong đầu những gì mà Hiến Pháp của chúng ta gọi là một cộng đoàn có tổ chức (x. HP 44). Alphongsô nói: “Một cộng đoàn không có vị lãnh đạo sẽ như một con tàu trên biển cả mà không có người cầm lái; như một hội đồng không có kỷ cương, một Babilon hỗn loạn và lộn xộn. Trong mọi cuộc tụ họp và gia đình được tổ chức tốt, các quy định cần thiết tự chúng đều có liên quan đến hòa bình, trật tự và loại trừ chủ nghĩa cá nhân vì mỗi người phải vì lợi ích của đất nước hoặc Tôn giáo” (Sant’Alphongsô, Lettere, 9 dicembre 1759). Câu nói này của Alphongsô mời gọi chúng ta đọc và suy niệm Hiến Pháp 21-76 và tự hỏi: chúng ta đang sống đời sống cộng đoàn ra sao, và chất lượng của đời sống đó thế nào? Thật vậy, điều này có ảnh hưởng đến sứ vụ của chúng ta. Cộng đoàn không nên là nơi ta không muốn sống, nhưng là một nơi chào đón để hoàn thành bản thân như là các nhân vị và hoàn thành sứ vụ. Và đây là một thách đố liên tục đối với chúng ta; nhưng đừng nản lòng trong nhiệm vụ này!

d) Đào tạo trường kỳ vì lợi ích hoạt vụ thừa sai và hướng tới sự thay đổi tâm thức về Giáo Hội, linh đạo và thần học luân lý. Alphongsô nhắc nhở ta rằng sự đào tạo của ta không bao giờ kết thúc. Ta đang được đào tạo liên tục từ lúc bước vào tiến trình đào tạo, và liên tục trong suốt đời ta. Đào tạo nhằm mục đích ngày càng nhân bản hóa chúng ta, đem lại cho ta là những phương thế để ta không ngừng hoán cải và hoạt động với Dân Chúa. Như Alphongsô, ta không thể thực hiện một sự thay đổi tâm thức về giáo hội, mục vụ, linh đạo và luân lý nếu ta không cập nhật và không quan tâm đến chuyện đào tạo cá nhân và cộng đoàn. Bối cảnh xã hội thay đổi liên tục phải thúc đẩy chúng ta tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng cho những vấn nạn mới của những người chất vấn chúng ta. Cũng chính đào tạo trường kỳ sẽ làm cho ta khiêm tốn đủ để ý thức rằng ta không có câu trả lời “thần kỳ” cho mọi sự và loại bỏ ta khỏi sự an nhàn với những câu trả lời giáo điều vốn không còn thuyết phục được con người thời đại. Vì lý do này, cuộc đời Alphongsô khích lệ chúng ta, với tư cách là các thành viên đã tuyên khấn, và các cộng sự giáo dân, hãy chú ý đến việc đào tạo mỗi ngày.

e) Bền đỗ trong những vấn đề khó khăn. Alphongsô truyền cảm hứng cho ta sống bền đỗ. Từ lúc ngài rời nhà cha mình và tham gia vào tòa án, hoạt động ở Bệnh viện của những Bệnh nhân bất khả trị, thành lập Hội Dòng, Alphongsô đã phải sống với những căng thẳng của thế giới thời đại ngài: chính trị, kinh tế, xã hội, giáo hội, thậm chí cả sự hiểu lầm của anh em. Bất chấp tất cả, Alphongsô không bỏ cuộc vì ngài tin vào Chúa, tin tưởng vào bản thân và không bao giờ mất hy vọng vào con người. Alphongsô không chỉ bền đỗ trong mọi việc ngài làm mà còn thiết lập lời thề bền đỗ cho các Thừa Sai Dòng Chúa Cứu Thế. Lời thề đó vẫn rất quan trọng không chỉ đối với người thánh hiến mà còn đối với đời sống gia đình. Giờ đã đến lúc để chúng ta với tư cách là một Hội Dòng bắt đầu suy ngẫm về sự bền đỗ của mình. Hàng năm một số lượng lớn anh em rời Hội Dòng. Một số vì lý do giáo luật, số khác rời đi quá vội, và số khác nữa hợp lối sống giáo phận. Thực tế này không thể không được chú ý. Chúng ta cần thảo luận về điều này trong tiến trình đào tạo của chúng ta và trong cộng đoàn địa phương. Làm thế nào để ta nhập thể đặc sủng vào bản thân ta? Ý thức thuộc về Hội Dòng của chúng ta như thế nào? Chất lượng đời sống cộng đoàn của chúng ta ra sao? Mối tương quan của chúng ta với lời khấn vâng phục và thực thi quyền bính thế nào? Những câu hỏi này và những câu hỏi khác dính dự đến lời khấn và lời thề bền đỗ của chúng ta.

f) Đời sống và ngôn ngữ giản dị. Một đặc tính khác của Tổ Phụ và Đấng Sáng lập của chúng ta mà chúng ta phải duy trì, đó là sự đơn giản trong lối sống và ngôn ngữ giản dị. Đặc tính này được liên kết với tính sẵn sàng cho sứ vụ và phục vụ tha nhân. Theo nghĩa này, đặc tính ấy trở thành “thuốc giải độc” chống lại ích kỷ, kiêu ngạo và luôn ở trong “vùng tiện nghi” của chính mình. Thực tế này cũng đi đôi với sự giản dị trong lối giảng của chúng ta. Tin Mừng chúng ta chuyển tải phải được chuyển dịch không chỉ thành các khái niệm dễ hiểu với những người mà chúng ta đối thoại trong thừa tác vụ (người đối thoại) mà còn phải cộng hưởng với lối sống đơn giản của chúng ta.

g) Sứ vụ của chúng ta đòi hỏi phải xuất hành (exodus) và từ bỏ (distacco). Lịch sử Đấng Sáng lập của chúng ta được đánh dấu bằng nhiều cuộc xuất hành khác nhau theo đòi hỏi của sứ vụ. Alphongsô đã phải tái cấu trúc đời sống cá nhân và sứ vụ của mình để trung thành với đặc sủng nhận được từ Thần Khí và do đó hướng dẫn sứ vụ và Hội Dòng. Bằng cách này, ngài thúc đẩy chúng ta mở rộng tầm nhìn và đón nhận sự mới mẻ của việc tái cấu trúc bản thân vì sứ vụ như một cách thế để trung thành ứng đáp với đặc sủng và dấu chỉ thời đại.

3 – Cuối cùng, như Alphongsô, chúng ta phải nhớ đến Đức Maria Rất Thánh trong đời sống chúng ta (HP 32). Alphongsô đã dành cho Mẹ những tác phẩm, lời cầu nguyện, âm nhạc và tranh vẽ. Đối với Alphongsô, Đức Maria không chỉ là Mẹ của Chúa Cứu Thế mà còn là bạn đồng hành, vị tôn sư và người truyền cảm hứng, vì sự bền đỗ của Mẹ trong sứ vụ ở dưới chân thập giá và lúc khai sinh các cộng đoàn mới (x.Ga 19, 25-27; Cv 2, 1-12). Xin Mẹ Maria và thánh Alphongsô với lòng nhiệt thành tông đồ của ngài, khích lệ chúng ta trở thành những Thừa sai của Hy vọng, theo bước chân Chúa Cứu Thế.

Tận tình trong Chúa Cứu Thế,

Rogério Gomes, C.Ss.R.

     Bề Trên Tổng Quyền

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube