“Đức Thánh Cha Phanxicô rất quả quyết trong những vấn đề liên quan đến sự sống”
Trong Tông Huấn ‘Tin Mừng Sự Sống’ (Evangelium Vitae) được công bố vào năm 1995, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đề nghị các Giám Mục tại các quốc gia khác nhau trên toàn thế giới hãy cùng tổ chức ‘Ngày Sự Sống’ hàng năm như một món quà đối với sự sống. Ngài mời gọi mỗi quốc gia “hãy nuôi dưỡng nơi lương tâm mỗi cá nhân, nơi mỗi gia đình, nơi Giáo Hội, và nơi xã hội dân sự về ý nghĩa cũng như giá trị của sự sống con người ở mọi giai đoạn và trong mọi điều kiện”. Ireland đã tổ chức kỷ niệm ngày này hàng năm kể từ năm 2001. Qua nhiều năm, chúng ta đã giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến nạn phá thai, tự tử, những người khuyết tật, chăm sóc môi sinh cũng như nhiều khía cạnh khác trong việc bảo vệ sự sống với tất cả các hình thức của nó.
Năm nay chúng ta lại nói về nạn phá thai. Chủ đề ngày hôm nay thực sự không phải là lựa chọn của chúng tôi. Tuy nhiên, chiến dịch bãi bỏ Tu chính án thứ 8 của Hiến pháp Ireland đang tìm kiếm những động lực. Những người muốn thoát khỏi việc sửa đổi đang ngày càng tỏ ra công khai cách đáng kể. Có một nguy cơ, đó là mọi người sẽ hướng đến việc cổ võ chiến dịch đã được lên kế hoạch đầy khôn ngoan này mà không được nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của nó.
Bản Tu chính án, được thông qua năm 1983, khẳng định: “Nhà nước thừa nhận quyền sống của trẻ chưa được sinh ra, quyền lợi chính đáng của các bà mẹ, đảm bảo quyền được pháp luật tôn trọng và bảo vệ”.
Một số có thể sẽ phàn nàn rằng Giáo huấn Giáo Hội Công Giáo không nên dính líu đến Hiến pháp của chúng tôi, và tôi không có vấn đề với quan điểm đó. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề của Giáo huấn Giáo Hội Công giáo, đó là một quyền cơ bản của con người. Phản đối việc phá thai không có nghĩa là giới hạn vào phạm vi Giáo Hội Công Giáo. Nhiều người – dù là có tôn giáo hoặc không theo bất kì tôn giáo nào – tất cả đều từ chối việc phá thai dựa trên cơ sở thuần túy của nhân loại. Một khi quyền sống bị xâm phạm, dù là của các trẻ em đã được sinh ra hoặc những sinh linh còn chưa được sinh ra, thì các quyền con người khác chắc chắn cũng sẽ bị đe dọa. Chúng ta có thể nhận thấy điều này trong những trường hợp thực hiện việc trợ tử cho những người bị bệnh nặng. Trong tuần qua, một thanh niên mười bảy tuổi tại Bỉ, với sự đồng ý của cha mẹ, đã kiến nghị tòa án cho phép anh ta được quyền tự kết liễu đời mình.
Một số các nhà vận động nói về những trường hợp mà họ gọi là những thai nhi dị dạng có nguy cơ tử vong. Họ muốn phá thai trong những trường hợp cụ thể như vậy. Tuy nhiên, việc chẩn đoán y khoa đối với những đứa trẻ còn trong bụng mẹ hoặc mức độ khuyết tật cũng không phải là lý do để có thể chấm dứt sự sống của một đứa trẻ chưa được sinh ra như thể chúng cũng là những người lớn đang phải đối diện với căn bệnh hiểm nghèo. Những người bảo vệ sự sống cũng đã ghi nhận những trường hợp như vậy, nhưng họ muốn nói về những điều kiện của việc hạn chế sự sống. Một vấn đề nữa là ở một quốc gia nơi mà việc phá thai được chấp nhận, 90% trẻ em được chẩn đoán mắc hội chứng Down đã bị phá bỏ. Cụm từ ‘thai nhi tử vong bất thường’ có thể mang một ý nghĩa rất rộng rãi trong những trường hợp này. Như lời phát biểu của Đức Tổng Giám mục Eamon Martin nhân ‘Ngày Sự Sống’ hôm qua 3/10: “Không thể có những chuyện như việc phá thai hạn chế”.
Các nhà vận động khác tìm cách bãi bỏ Tu chính án thứ 8 đã chấp nhận một cách tiếp cận khác. Họ không muốn đề cập đến những trường hợp đặc biệt hoặc những tình huống khó khăn. Họ muốn những gì được gọi là ‘phá thai an toàn’ đối với tất cả những phụ nữ mà đối với họ đây là sự lựa chọn của họ. Trang web với lời trích dẫn: “Trong chiến dịch ủng hộ Quyền phá thai, mục tiêu của chúng tôi là cung cấp dịch vụ phá thai miễn phí, an toàn và hợp pháp tại Ireland đối với bất kì phụ nữ có yêu cầu”. Những nhà vận động này đã quá rõ ràng. Họ biết rằng “việc phá thai hạn chế” chỉ là cách chơi chữ.
Đức Thánh Cha Phanxicô rất quả quyết trong những vấn đề liên quan đến sự sống. Trong Thông điệp ‘Laudato Si’ – một Thông điệp được công bố vào tháng 5/2015, Đức Thánh Cha Phanxicô viết, “Vì mọi sự đều có liên hệ với nhau, cho nên việc quan tâm đến việc bảo vệ thiên nhiên cũng hoàn toàn không thể chấp nhận việc biện minh cho hành động phá thai” (Laudato Si số 120). Ngài tiếp tục: “Khi con người tự đặt mình làm trung tâm, họ sẽ dành ưu tiên tuyệt đối cho những tiện nghi trước mắt và tất cả những thứ khác trở nên tương đối” (Laudato Si số 122). Trong Tông huấn ‘Amoris Laetitia’ (Niềm vui của Tình yêu – Về tình yêu trong gia đình), được công bố hồi tháng Ba nhân dịp Năm Thánh về Lòng Thương Xót – và đó là thành quả của hai Thượng Hội đồng về gia đình được triệu tập bởi Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2014 và 2015 – Đức Thánh Cha nhận xét: “Mỗi đứa trẻ hình thành trong dạ mẹ đều nằm trong kế hoạch muôn đời của Thiên Chúa Cha và tình yêu vĩnh cửu của Ngài” (Amoris Laetitia số 168). Đức Thánh Cha trích dẫn lời tiên tri Giêrêmia đã viết khoảng năm 580 trước Công nguyên, “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi” (Gr 1, 5). Sự xác tín về nhân vị của một đứa trẻ dù chưa được sinh ra bắt nguồn từ chính Kinh Thánh.
Minh Tuệ (theo Zenit)