Vào ngày trước lễ kính thánh Giêrađô Majella, Cha Rogério Gomes, Bề Trên Tổng Quyền, đã có buổi gặp gỡ trực tuyến với hơn 150 thầy từ nhiều đơn vị khác nhau của Dòng Chúa Cứu Thế. Trong buổi gặp gỡ, Cha Tổng Quyền đã chia sẻ suy tư về ơn gọi của các thầy.
Ngài nói: “Căn tính của tu sĩ nằm ở ơn gọi tự do và ý thức về đời sống thánh hiến, như một đáp trả với Bí tích Rửa tội, được thể hiện cụ thể bởi lời mời gọi sống tình huynh đệ và phục vụ tha nhân, nói lên sự hiện diện của Chúa Kitô giữa Dân Thiên Chúa, đặc biệt là những người nghèo khổ nhất. Sứ mệnh của người tu sĩ trước hết là cam kết phục vụ trong việc xây dựng cộng đồng Kitô giáo, nơi mà giá trị con người không được đo lường bởi vai trò chức vụ, mà bởi tinh thần chia sẻ, đón nhận và liên đới.”
Cha Rogério Gomes nhắc lại rằng “là một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đòi hỏi sự chuyên môn hóa trong nhiều lĩnh vực, như công tác xã hội, luật pháp, tâm lý học, truyền thông, y tá và quản trị. Tuy nhiên, điều này không nên trở thành bắt buộc. Tôi tin rằng Thánh Gerard là một tấm gương cho chúng ta, dạy chúng ta trở thành những thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế dựa trên sự đơn sơ, đời sống thiêng liêng sâu sắc và gặp gỡ mọi người không phân biệt họ là ai.”
Cha Tổng Quyền cảm ơn các thầy vì đời sống chứng nhân và sự tận tụy của họ với sứ vụ Dòng Chúa Cứu Thế, vốn dựa trên việc loan báo ơn cứu chuộc chứa chan cho những người nghèo khổ và bị gạt ra bên lề, theo gương Chúa Giêsu Kitô.
Cha tổng quyền nhắn nhủ: “Khi anh em trung thành với sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho những người cần thiết nhất, là anh em trở thành dấu chỉ sống động của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới này. Chúng tôi biết ơn sâu sắc công việc mục vụ và truyền giáo mà anh em thực hiện, đặc biệt trong các sứ vụ đại phúc, phục vụ tại đền thánh, giáo xứ, trung tâm linh đạo, phòng thánh, các dự án xã hội và trung tâm di dân. Tại những nơi này, anh em cổ vũ phẩm giá con người, lòng hiếu khách và công lý, luôn được hướng dẫn bởi tinh thần huynh đệ và phục vụ, nơi sự hiện diện của anh em đã chữa lành nhiều vết thương và củng cố đức tin cho nhiều người. Các thầy Dòng Chúa Cứu Thế, với chứng tá của một đời sống đơn sơ và tận tâm, là những thừa sai của hy vọng, theo bước chân của Đấng Cứu Thế, và phải là sự nhắc nhở sống động về Chúa Giêsu cho cả hàng giáo sĩ nữa.”
Buổi gặp gỡ tạo ra không gian chia sẻ tình huynh đệ giữa các tham dự viên.
Dưới đây, chúng tôi xin công bố toàn văn thông điệp của Cha Bề Trên Tổng Quyền gửi đến tất cả anh em trong Dòng.
Thông điệp cha Bề trên Tổng Quyền gửi đến các thầy DCCT
trong dịp gặp mặt trực tuyến
ngày 15-10-2024
Các thầy thân mến,
1- Chúng tôi trong Ban Quản Trị Trung Ương Dòng rất vui mừng được gặp các anh em vào ngày trước ngày lễ của người anh em yêu quý, thánh Giêrađô Majella, một thừa sai tuyệt vời của Nhà Dòng, người đã sống cuộc đời mình qua cầu nguyện, đời sống huynh đệ trong cộng đoàn và giúp đỡ những người nghèo khổ và bị bỏ rơi nhất. Mặc dù khoảng cách lịch sử và bối cảnh khác biệt, Thánh Giêrađô vẫn là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta là các thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế. Trong buổi gặp gỡ này, tôi sẽ không trực tiếp nói về thánh Giêrađô, nhưng tôi muốn nhân cơ hội này gửi đến anh em một thông điệp khích lệ trong đời sống thánh hiến và sứ mệnh của các thầy – các thừa sai của DCCT.
2- Đời sống thánh hiến đang trải qua những biến đổi sâu sắc trong bối cảnh hiện đại, do những thay đổi về văn hóa, xã hội và giáo hội. Mô hình truyền thống, dựa trên các cấu trúc cứng nhắc và tập trung vào kỷ luật, đang dần nhường chỗ cho những hình thức linh hoạt và đối thoại hơn, phù hợp với các giá trị tự chủ, sự đa dạng và tinh thần phục vụ nhân loại. Sự tục hóa ngày càng gia tăng đang thách thức các cộng đoàn thánh hiến định nghĩa lại vị trí của mình trong xã hội, tìm kiếm sự liên hệ với một nền văn hóa coi trọng tính chủ thể và chủ nghĩa cá nhân. Thêm vào đó, sự suy giảm ơn gọi và tình trạng già hóa của các thành viên đã khấn dòng, cùng với sự biến mất của một số hội dòng, đòi hỏi một sự đổi mới về cả đặc sủng và sứ vụ, buộc các dòng phải thích nghi với những hình thức truyền giáo mới và sự hiện diện mang tính ngôn sứ, với mục tiêu tìm kiếm một căn tính mới [1]. Như O’Murchu nói, vòng đời của một hội dòng kéo dài khoảng 300 năm, trong đó hội dòng hoặc tự đổi mới hoặc biến mất [2]. Do đó, để duy trì sự trung thành với bản chất của mình, đời sống thánh hiến cần phải có khả năng tự nhìn lại chính mình, luôn bám rễ vào Tin Mừng nhưng cũng mở ra với các dấu chỉ của thời đại và những nhu cầu thiêng liêng và mục vụ mới của Dân Chúa. Những người đang trải nghiệm “những niềm vui và hy vọng, những nỗi buồn và lo lắng […] đặc biệt là của người nghèo và những người đau khổ, [những điều này] đồng thời là niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô” (GS 1).
3- Như Bauman chỉ ra, xã hội đương đại được đặc trưng bởi tính linh động và thay đổi liên tục về giá trị, vai trò và thể chế. Trong bối cảnh này, những điều chắc chắn của quá khứ thường bị thay thế bởi nhiều lựa chọn đa dạng, và “cái là/sự hiện hữu” nhường chỗ cho “việc làm và sự thể hiện/xuất hiện.” Điều này tạo ra một cuộc khủng hoảng căn tính sâu sắc ở nhiều cấp độ khác nhau. Sự bất ổn của các mối quan hệ, các mối dây cộng đoàn và quan niệm về chân lý đã thúc đẩy chủ nghĩa cá nhân và sự phân mảnh, làm suy giảm cảm thức thuộc về và tính liên tục. Trong một thế giới mà các căn tính được coi là những cấu trúc tạm thời và thay đổi, khái niệm về một căn tính ổn định và vĩnh cửu đang bị khủng hoảng, dẫn nhiều người vào một cuộc tìm kiếm không ngừng sự công nhận và khẳng định bản thân. Như Bauman nhắc nhở, tính bất ổn này thể hiện ở mọi lĩnh vực: tôn giáo, xã hội, nghề nghiệp, cá nhân và quan hệ, gây ra nỗi lo lắng và cảm giác không gắn bó khi những hình thức cũ của sự hiểu biết cá nhân và cộng đoàn mất đi khả năng điều tiết và bình thường hóa. Ở đây, tôi tự hỏi liệu đây có phải là lý do tại sao nhiều anh em rời bỏ đời sống thánh hiến và linh mục, hoặc tại sao một số thầy lại muốn hướng đến việc phục vụ trong chức linh mục. Nếu chúng ta bị dẫn dắt bởi một xã hội coi trọng “cái làm” và “xuất hiện,” thì rõ ràng “cái là/hiện hữu” trở thành một thực tại bị che khuất, trở thành một điều bí ẩn của con người.
4- Giáo hội, nhìn chung, vẫn tập trung nặng nề vào sứ vụ linh mục, điều này củng cố quan điểm thứ bậc và bí tích trong trong thi hành sứ vụ và cơ cấu. Mặc dù sự nhấn mạnh này có cơ sở thần học, nó thường làm lu mờ vai trò thiết yếu của thầy và giáo dân trong đời sống của Giáo hội, đẩy họ vào các vị trí thứ yếu hoặc chỉ là các vị trí phụ trợ. Khó khăn trong việc suy nghĩ vượt ra khỏi sự hợp lý khá phổ biến về mặt bí tích [Người dịch: có ý nói đến chức thánh linh mục] đã ngăn cản Giáo hội đánh giá đầy đủ sự đa dạng của các ơn gọi và thừa tác vụ vốn cấu thành Thân Thể Đức Kitô (x. 1 Cor. 12:12). Quan điểm này hạn chế vai trò của giáo dân, đặc biệt trong lãnh đạo và truyền giáo, đồng thời cũng làm giảm vai trò ngôn sứ và tình huynh đệ của các thầy, những người có ơn gọi hướng về chứng tá thầm lặng của tình huynh đệ và phục vụ hơn là thừa tác mang tính bí tích.
5- “Căn tính của tu sĩ nằm ở ơn gọi tự do và ý thức về đời sống thánh hiến, như một đáp trả với Bí tích Rửa tội, được thể hiện cụ thể bởi lời mời gọi sống tình huynh đệ và phục vụ tha nhân, nói lên sự hiện diện của Chúa Kitô giữa Dân Thiên Chúa, đặc biệt là những người nghèo khổ nhất. Sứ mệnh của người tu sĩ trước hết là cam kết phục vụ trong việc xây dựng cộng đồng Kitô giáo, nơi mà giá trị con người không được đo lường bởi vai trò chức vụ, mà bởi tinh thần chia sẻ, đón nhận và liên đới. “Ơn gọi và căn tính của các thầy có ý nghĩa trong sự năng động này, vừa tương tác vừa bổ sung cho các thừa tác vụ khác, đồng thời thúc đẩy các dấu chỉ mang tính ngôn sứ.” [3] Các thầy Dòng Chúa Cứu Thế chia sẻ cùng một sứ vụ với các linh mục trong Dòng, nhưng thể hiện sứ vụ này một cách độc đáo qua công việc mục vụ, giáo dục, các công việc xã hội và truyền giáo, trở thành những ngôn sứ của một Giáo hội cởi mở và tận tâm, nơi tình huynh đệ là nền tảng cho mọi thứ.
6- Các tu sĩ nam và nữ đảm nhận vai trò ngôn sứ thiết yếu trong bối cảnh giáo hội hiện nay, trình bày một Giáo hội không dựa trên thứ bậc, mà dựa trên trải nghiệm căn bản của đời sống huynh đệ. Như tài liệu “Căn tính và Sứ mệnh của Tu Sĩ trong Giáo hội” đã nêu: “Căn tính của tu sĩ là một mầu nhiệm của sự hiệp thông cho sứ vụ. Ba lối nhìn chính về bản chất thật sự của người tu sĩ là: tình huynh đệ, như một món quà nhận lãnh (mầu nhiệm), như một món quà chia sẻ (hiệp thông) và như một món quà trao ban (sứ sụ).” [4] Lời chứng của họ thách thức các cấu trúc giáo hội truyền thống, thúc đẩy một tầm nhìn mang tính thuộc về và cộng đoàn, nơi giá trị của con người không phụ thuộc vào vị trí trong hệ thống thứ bậc hay hành động của họ, mà vào khả năng yêu thương và phục vụ. Quan điểm mới này so với sự tập trung quyền lực vào hàng giáo sĩ gợi lên một lời kêu gọi khẩn thiết để Giáo hội tái khám phá bản chất của mình như là Dân Thiên Chúa, trong đó mọi người đều được mời gọi trở thành những môn đệ-thừa sai, cùng chia sẻ bình đẳng trong sứ vụ và trách nhiệm đối với Nước Thiên Chúa.
7- Các thầy thân mến, tôi khuyến khích anh em, như những tu sĩ, hãy củng cố căn tính và sứ mệnh của mình trong Dòng, nhấn mạnh đến sự phong phú và độc đáo của ơn gọi nam nữ tu sĩ trong Giáo hội. Vấn đề là luôn tái khẳng định vai trò nền tảng của tu sĩ nam nữ như một sự hiện diện tích cực và mang tính ngôn sứ giữa Dân Thiên Chúa, nhấn mạnh rằng đóng góp của các tu sĩ nam nữ là không thể thiếu được, cũng giống như sự hiện diện cần thiết của chức linh mục, mà không rơi vào lối nhìn nhị nguyên “chúng tôi và các bạn.” “Sứ mệnh làm cho Đức Kitô hiện diện trong thế giới được hoàn thành qua chứng tá cá nhân, trước khi được thể hiện bằng những việc bên ngoài.” [5] Nhà Dòng thở bằng cả hai lá phổi và chúng ta là một thân mình (x. HP 2). Do đó, chúng ta phải thay đổi tâm lý rằng có hai tầng lớp trong Dòng. Chúng ta là những thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế bổ sung cho nhau trong việc loan báo Tin Mừng. Điều cốt yếu là, từ đặc sủng của Dòng và hoạt động truyền giáo khác nhau, chúng ta truyền đạt giá trị và chứng tá cụ thể của đời sống thánh hiến, cho thấy rằng ơn gọi của chúng ta không chỉ có tính chức năng nhưng là sự hiện hữu cho đời sống tông đồ của Dòng.
8- Các thầy phải trở thành những người cổ võ ơn gọi một cách tích cực, nhiệt thành giới thiệu hình ảnh của thầy Dòng Chúa Cứu Thế như một biểu tượng của tình huynh đệ, sự đơn sơ và dấn thân phục vụ. Qua gương sống của mình, các thầy có thể khơi dậy những ơn gọi mới, làm rõ thêm sứ vụ của Dòng Chúa Cứu Thế không chỉ được thực hiện qua thừa tác vụ linh mục mà còn qua chứng tá về tình huynh đệ và sự hiện diện liên đới với những người nghèo khổ và bị bỏ rơi nhất.
9- Tôi muốn nhắc lại rằng việc trở thành một thầy Dòng Chúa Cứu Thế liên quan đến nhiều hoạt động khác nhau phù hợp với đặc sủng của chúng ta. Việc chuyên môn hóa các thầy là điều cần thiết trong nhiều lĩnh vực như công tác xã hội, luật pháp, tâm lý học, truyền thông, điều dưỡng và quản trị, v.v. Tuy nhiên, điều này không nên trở thành một điều bắt buộc. Chúng ta phải cẩn thận để không rơi vào nguy cơ trở nên chuyên nghiệp trong việc làm và quên mất sự thánh hiến của mình, vốn dựa trên mầu nhiệm Đức Kitô Cứu Thế. Cũng quan trọng là không tạo ra tâm lý phân chia giữa những anh em được đào tạo và những anh em chưa được đào tạo. Dòng có chỗ cho tất cả những ai muốn phục vụ, dù chỉ là giữ cửa, hay làm vườn, phục vụ trong nhà thờ hay với vai trò là giáo sư đại học và nhà nghiên cứu. Chúng ta không nên bị cuốn hút bởi lời ca mê hoặc của “việc làm và thể hiện,” vì điều này có thể dẫn chúng ta vào biển sâu của sự mất bản sắc và trống rỗng. Tâm lý này có thể bị đẩy lùi bằng đời sống thiêng liêng sâu sắc và sự chung sống tình huynh đệ. Tôi tin rằng thánh Giêrađô có liên quan rất lớn đến chúng ta và có thể dạy chúng ta trở thành những thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế dựa trên sự đơn sơ, đời sống thiêng liêng sâu sắc và sự gặp gỡ với người khác, không phân biệt đối xử.
10- Các thầy thân mến, thay mặt cho Dòng, tôi chân thành cảm ơn anh em vì chứng tá đời sống và sự cống hiến của anh em cho sứ vụ Dòng Chúa Cứu Thế, dựa trên việc loan báo ơn cứu độ chứa chan cho những người nghèo khổ và bị gạt ra ngoài lề xã hội, theo gương Chúa Giêsu Kitô. Khi anh em trung thành với sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho những người cần thiết nhất, là anh em trở thành dấu chỉ sống động của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới này. Chúng tôi biết ơn sâu sắc công việc mục vụ và truyền giáo mà anh em thực hiện, đặc biệt trong các sứ vụ đại phúc, phục vụ tại đền thánh, giáo xứ, trung tâm linh đạo, phòng thánh, các dự án xã hội và trung tâm di dân. Tại những nơi này, anh em cổ vũ phẩm giá con người, lòng hiếu khách và công lý, luôn được hướng dẫn bởi tinh thần huynh đệ và phục vụ, nơi sự hiện diện của anh em đã chữa lành nhiều vết thương và củng cố đức tin cho nhiều người. Các thầy Dòng Chúa Cứu Thế, với chứng tá của một đời sống đơn sơ và tận tâm, là những thừa sai của hy vọng, theo bước chân của Đấng Cứu Thế, và phải là sự nhắc nhở sống động về Chúa Giêsu cho cả hàng giáo sĩ nữa.
Xin thánh Giêrađô, người đã nên thánh nhờ sự đơn sơ và tìm cách thực hiện thánh ý Chúa trong cuộc sống hằng ngày, giúp tất cả chúng ta là những thừa sai DCCT thật sự sống tình huynh đệ như một nguyên tắc Tin Mừng. Xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp che chở mỗi anh em chúng ta.
Roma, 15 tháng 10 năm 2024
Cha Rogério Gomes, C.Ss.R.
Bề Trên Tổng Quyền
(Bản gốc tiếng Tây Ban Nha, Scala News dịch Tiếng Anh, Nguyễn Văn Nam dịch Tiếng Việt)
(Nguồn: https://shorturl.at/cpZ4O )
[1] Cf. TACCONI, Giuseppe. Alla ricerca di nuove identità. Formazione e organizzazione nelle comunità religiose di vita apostolica attiva nel tempo di crisi. Leumann (TO): Elledici, 2001, p. 38-45.
[2] Cfr. O’MURCHU, Diarmuird. Refundar la vida religiosa en el siglo XXVI. Madrid: Sirena de los Vientos, 2020/ La vita religiosa nel XXI secolo: la prospettiva della rifondazione. USA: Orbis Book, 2016.
[3] CONGREGAZIONE PER GLI ISTITUTI DI VITA CONSACRATA E LE SOCIETÀ DI VITA APOSTOLICA. Identità e missione del religioso fratello nella Chiesa, n. 12.
[4] CONGREGAZIONE PER GLI ISTITUTI DI VITA CONSACRATA E LE SOCIETÀ DI VITA APOSTOLICA. Identità e missione del religioso fratello nella Chiesa, n. 4.
[5] CONGREGAZIONE PER GLI ISTITUTI DI VITA CONSACRATA E LE SOCIETÀ DI VITA APOSTOLICA. Identità e missione del religioso fratello nella Chiesa, n. 28.