ĐỌC TÁC PHẨM CỦA ĐỨC HỒNG Y WALTER KASPER
VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT (IV)
Con người tự bản chất có lòng thương xót và có khả năng thể hiện lòng thương xót của mình trước những số phận bất hạnh và khổ đau. Tuy nhiên, nếu lấy lòng thương xót của con người để đo lường lòng thương xót của Thiên Chúa thì là một sự khập khiễng quá lớn. Cũng vậy, lấy cách diễn tả của nhân loại để nói về lòng thương xót Thiên Chúa thì sẽ có những bất cập và giới hạn. Lòng thương xót của Thiên Chúa vượt xa trí hiểu và cách lối biểu đạt của con người. Chính Người nói ra lòng thương xót của Người và thái độ của con người chúng ta là cảm nghiệm, đón nhận và sống mầu nhiệm thương xót của Người.
Ý niệm Kinh Thánh ám chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa
Xét về ngôn từ, trong Kinh Thánh có những hạn từ quan trọng ám chỉ đến lòng thương xót của Thiên Chúa, chẳng hạn: rachamim (tiếng Hipri) – oiktirmos (Hy Lạp) – chạnh lòng thương; hesed ( tiếng Hipri) – eleos (tiếng Hy Lạp) – xót thương. Hạn từ rachamim hay oiktirmos được dùng để diễn tả việc Thiên Chúa động lòng trắc ẩn, quặn thắt tâm can khi Ngài chứng kiến nỗi khốn khổ của con người; còn hạn từ hesed hay eleos được dùng để diễn tả việc Thiên Chúa lấy lòng nhân từ, đầy tình thương và ưu ái mà đối xử với con người.
Xét về biểu tượng hay hình ảnh biểu đạt lòng chạnh thương hay tình xót thương của Thiên Chúa, Kinh Thánh đề cập đến hình ảnh con tim, tâm lòng của Thiên Chúa. Chẳng hạn, Kinh Thánh nói đến việc Thiên Chúa tuyển chọn dân Người theo tấm lòng nhân nghĩa của Người (x. 1 Sm 13,14; Gr 3,15; Cv 13,22); trước tội lỗi của con người, lòng Thiên Chúa như thể hối tiếc khi đã tạo dựng nên con người (St 6,6); và Thiên Chúa dẫn dắt dân Người với tấm lòng liêm chính (Tv 78,72); đặc biệt, trái tim Thiên Chúa thổn thức, ruột gan Người bồi hồi xót thương dân Người cho dù dân Người bội tín bất trung với Người (Hs 11,8).
Lòng thương xót Thiên Chúa trong công trình sáng tạo và tái tạo
Những trang đầu Kinh Thánh chẳng có một lời nào cụ thể của Thiên Chúa nói rằng Người chạnh thương hay xót thương con người. Nhưng dù không có một lời nào của Thiên Chúa trực tiếp nói đến lòng xót thương của chính Người, thì hành động sáng tạo và tái tạo vũ trụ của Người đã bộc lộ cụ thể tấm lòng xót thương của Người đối với con người. Hành động diễn tả thay cho lời nói!
Hành động đầy lòng thương xót trước hết của Thiên Chúa đối với con người là hành động sáng tạo. Với tấm lòng xót thương, Thiên Chúa đã kéo con người từ cõi hỗn mang, bùng nhùng để con người được hiện hữu, được đi vào tương quan sự sống với Người (St 1,27 – 30; 2,15). Nói cách khác, trong việc sáng tạo, với lòng xót thương, Thiên Chúa lôi kéo con người từ cõi hỗn mang chẳng có gì là sự sống để đi vào cõi sống viên mãn trong tương quan mật thiết với Người (Trong Kinh Thánh, quan niệm sống hay không sống tùy thuộc ở chỗ người ta có được tương giao với Chúa hay không. Chẳng hạn trong Thánh Vịnh, có chỗ nói đến âm ty – đó là cõi vật vờ chẳng đáng sống vì không được tương giao, chuyện trò với Chúa – Tv 88, 7.13).
Khi con người đang tâm phạm tội, dứt bỏ mối tương quan sự sống với Thiên Chúa, thì với tất cả lòng xót thương, Thiên Chúa vẫn không thể bỏ mặc con người. Trong cơn gió chiều hiu hiu thổi, Người vẫn đi đến với con Người và lên tiếng đi tìm con người. Tìm được con người rồi, Người làm một chuyện quan trọng là lấy da thú làm quần áo của tình xót thương mà che phủ cho con người khỏi nhơ nhuốc tội lụy của họ và gìn giữ nhân phẩm của họ cho tới cùng (St 3,20).
Ngay cả khi con người đi vào vòng xoáy của sự ác mà đoạt mạng nhau, thì Thiên Chúa vẫn với lòng xót thương không muốn kẻ gian ác chết vì tội ác của nó. Ngài vẫn đóng ấn sự sống trên kẻ thủ ác Cain để không một ai được đụng tới nó, mà chỉ một mình Thiên Chúa xử nó bằng tình xót thương tha thứ của Người; nhờ vậy nó có hội thay lòng đổi dạ mà được sống (St 4,15).
Khi tội lỗi đã lan tràn khắp mặt đất, với lòng xót thương, Thiên Chúa làm cuộc thay tẩy, tái tạo nhân loại. Người dìm tất cả vào trong lụt hồng thủy để ở trong chính cõi chết, Người cho trồi lên sự sống mới với một nhân loại mới và Người sẽ bảo đàm duy trì nhân loại mới cho tới cùng (St 8,23; 9,1-5).
Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ. Khi lòng kiêu căng ngạo mạn của con người cao ngất đến trời cao như tháp Babel thì Chúa chấp nhận để cho con người kinh nghiệm về sự khốn khổ do lòng kiêu căng, ngạo mạn của họ gây ra, là sự chia rẽ và phân tán trong một thời gian. Nhưng Chúa chỉ để con người chịu nỗi cơ cực của sự chia rẽ và phân tán trong một thời gian ngắn mà thôi. Với tất cả lòng xót thương, giữa chốn đổ nát và phân tán của con người, Thiên Chúa quyết thực hiện kế hoạch lòng thương xót của Người bằng cách tuyển chọn Abraham, để từ nơi ông, Người cho xuất hiện một dòng dõi gắn liền với sự chúc phúc của Người.
Tóm lại, những trang đầu của Kinh Thánh, dù không có một lời nào Thiên Chúa nói Thiên Chúa thương xót con người, nhưng thay vào đó, hành động của Người bộc lộ cách cụ thể lòng thương xót sâu thẳm của Người đối với con người. Con người lấy sự gian ác đối xử với nhau, nhưng Thiên Chúa thì luôn lấy lòng nhân từ và tình thương xót vô bờ mà đối xử với con người. Đặc biệt, giữa chốn khốn khổ của tội lụy và sự ác do lòng kiêu căng ngạo mạn của con người gây ra, Thiên Chúa vẫn luôn tìm ra được khoảng trống cho sự sống mới được bung nở trong nhân loai. Sau này, trong mọi biến cố của lịch sử dân Chúa, Chúa vẫn mãi mãi tỏ ra Người là Thiên Chúa của lòng xót thương vô bờ bến.
(Còn tiếp).
Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, CSsR.