“Thầy muốn mừng Lễ Vượt Qua trong nhà của con”

Tấm thảm thêu về "Bữa Tiệc Ly" của tác giả Leonardo da Vinci

Tấm thảm thêu “Bữa Tiệc Ly” của tác giả Leonardo da Vinci

Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ ra trong thông điệp video của mình nhân dịp Tuần Thánh, các Kitô hữu sẽ mừng lễ Phục sinh năm nay theo “một cách thức thực sự khác thường”. Làm thế nào chúng ta có thể đáp lại lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Thầy muốn mừng Lễ Vượt Qua trong nhà của con”.

Trong thông điệp video của mình trước Tuần Thánh, Đức Giáo hoàng Phanxicô cho biết rằng các biện pháp cách ly xã hội được đưa ra nhằm làm chậm lại sự lây lan của Covid-19 có nghĩa là “thông qua chúng ta, Tin Mừng Phục Sinh sẽ vang lên trong sự thinh lặng của các thành phố của chúng ta”.

Làm thế nào chúng ta có thể cử hành các nghi thức Phụng vụ Tam Nhật Thánh của Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh, Thứ Bảy Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh?

Bằng cách đón nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu mà chúng ta đã nghe trong công bố Tin Mừng Chúa nhật về Lễ Vượt qua: “Thầy muốn mừng Lễ Vượt Qua trong nhà của ông ” (Mt 26:18).

Hãy chuẩn bị sẵn sàng ngôi nhà của chúng ta

Vì vậy, hãy chuẩn bị ngôi nhà của chúng ta sẵn sàng để chào đón Chúa Giêsu! Điều này đòi hỏi sự sáng tạo.

“Sự sáng tạo của tình yêu”, như Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi.

Với bài viết này, chúng tôi muốn cung cấp một số thông tin cơ bản về mỗi nghi thức Phụng vụ Tam Nhật Thánh, cũng như ý tưởng chuẩn bị địa điểm nơi mà gia đình của chúng ta sẽ tham dự các nghi thức Phụng vụ qua TV, đài phát thanh hoặc phương tiện truyền thông xã hội.

Như một phần trong sáng kiến này, chúng tôi mời gọi tất cả anh chị em chia sẻ ý tưởng và hình ảnh của anh chị em về những nơi linh thiêng được tạo ra tại tư gia của anh chị em. Anh chị em có thể chia sẻ những ý tưởng và hình ảnh trên các nền tảng truyền thông xã hội của Vatican News và bằng cách sử dụng hastag #EasterAtHome hoặc #JesusInMyHome.

Phụng vụ là gì?

Mỗi nghi thức phụng vụ mà chúng ta tham dự mở ra một mầu nhiệm cụ thể. Đó là một hành động tưởng niệm về sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử loài người trong một khoảng thời gian và địa điểm cụ thể. Khi chúng ta tham dự một nghi thức phụng vụ, chúng ta tham gia vào việc tưởng niệm một trong những sự kiện này. Giáo lý Giáo hội Công giáo giải thích điều này như sau:

“Theo Thánh Kinh, Tưởng Niệm không chỉ là nhớ lại những biến cố đã qua, mà còn là loan báo những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho nhân trần. Khi cử hành phụng vụ, những biến cố này hiện diện sống động giữa cộng đoàn. Dân Ít-ra-en hiểu cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập như sau: khi dân Chúa cử hành lễ Vượt Qua, các biến cố thời Xuất Hành lại hiện diện sống động trong ký ức, để họ căn cứ vào đó mà điều chỉnh cuộc sống của mình”.

“Sang thời Tân Ước, Tưởng Niệm mang một ý nghĩa mới. Khi cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh tưởng nhớ cuộc Vượt Qua của Đức Ki-tô; lúc đó, cuộc Vượt Qua này trở nên hiện diện giữa cộng đoàn, vì lễ tế của Đức Ki-tô trên thập giá chỉ dâng một lần là đủ và luôn sống động để đem lại ơn cứu độ. “Mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, lúc đó Chúa Ki-tô, Chiên Vượt Qua của chúng ta chịu hiến tế, thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện” (Sách GLGHCG, số 1363-1364).

Do đó, trong trường hợp Hy tế Thánh lễ và các nghi thức Phụng vụ tạo nên Tam Nhật Phục sinh, những sự kiện đã xảy ra cách đây 2.000 năm trở thành hiện tại đối với chúng ta về phương diện Phụng vụ. Hơn nữa, Phụng vụ cho phép “những công trình vĩ đại phi thường” của Thiên Chúa kéo dài suốt dòng thời gian và cho phép những tác động của những công trình này chạm đến chúng ta.

Tam Nhật Phục sinh

Với việc cử hành Thánh lễ Tiệc Ly vào tối Thứ Năm, chúng ta bước vào một nghi thức Phụng vụ kéo dài trong ba ngày. Nó bao gồm việc tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu và Đêm Vọng Phục Sinh. Thánh lễ Tiệc Ly không khép lại với phép lành cho các tín hữu. Thay vào đó, nó tiếp tục với việc cử hành tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu vào Thứ Sáu Tuần Thánh. Nghi thức Phụng vụ đó không bắt đầu bằng Dấu Thánh giá, cũng không có Nghi thức Sám hối theo nghi thức hay Phụng vụ Thánh Thể. Tam Nhật Vượt Qua lên đến đỉnh cao trong Đêm Vọng Phục Sinh, và kết thúc với giờ Kinh Chiều, vào buổi tối Chúa nhật Phục Sinh.

Thứ Năm Tuần Thánh

“Những công trình vĩ đại” mà chúng ta tưởng nhớ trong Thánh lễ Tiệc Ly vào Thứ Năm Tuần Thánh đó là:

– Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài,

– Thiết lập Bí tích Thánh Thể,

– Thiết lập chức Tư tế thừa tác

– Thiết lập Giới răn yêu thương, được nghi thức hóa với việc rửa chân. Nghi thức Rửa chân sẽ không được thực hiện trong năm nay do đại dịch coronavirus.

Ý tưởng cho việc chuẩn bị một không gian linh thiêng tại tư gia:

– Những vật dụng đã được làm phép

– Một chiếc bàn được chuẩn bị như thể chuẩn bị tiếp đón một vị khách

– Một không gian trống được dành riêng để nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện của Chúa Giêsu

– Những vật dụng giúp chúng ta hình dung những gì đã xảy ra trong Bữa Tiệc Ly

– Những hình ảnh thiêng liêng giúp nhắc nhở chúng ta về Chúa Giêsu

– Giấy chứng nhận Rước Lễ lần đầu của mỗi thành viên hiện diện

Thứ Sáu Tuần Thánh

“Những công trình vĩ đại” mà chúng ta tưởng nhớ trong nghi thức Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh đó là:

– Cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh giá,

– Sự cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi,

– Món quà Đức Trinh Nữ Maria với tư cách là Mẹ của chúng ta

Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh bắt đầu bằng việc vị Chủ tế nằm phủ phục dưới sàn nhà, sau đó là Bài Thương Khó của Chúa Giêsu, một loạt những lời cầu nguyện kéo dài được gọi là “Solemn Intercessions”, Nghi thức Suy tôn Thánh Giá, và sau đó là việc Rước lễ.

Ý tưởng cho việc chuẩn bị một không gian linh thiêng tại tư gia:

– Những vật dụng đã được làm phép, đặc biệt là Thánh giá hoặc ảnh Đức Mẹ

– Một khung cảnh giúp chúng ta hồi tưởng đến đồi Can-vê, có lẽ với 3 Thập giá

– Một khoảng không gian trông giống như một ngôi mộ

Thứ Bảy Tuần Thánh

“Những công trình vĩ đại” mà chúng ta tưởng nhớ trong nghi thức Phụng vụ Thứ Bảy Tuần Thánh đó là:

– Chúa Giêsu xuống “ngục tổ tông”, giải thoát “chính những tâm hồn lành thánh đang chờ đợi Đấng giải thoát trong lòng Áp-ra-ham” (Sách GLGHCG, số 633)

– Thiên Chúa, trong Ngôi vị của Chúa Giêsu, một lần nữa nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy

Ý tưởng cho việc chuẩn bị một không gian linh thiêng tại tư gia:

– Những vật dụng liên quan đến khung cảnh một khu vườn

– Cảnh ngôi mộ bị niêm phong

– Giữ thinh lặng

Đêm Vọng Phục Sinh và Chúa Nhật Phục Sinh

“Những công trình vĩ đại” mà chúng ta tưởng nhớ trong Đêm Vọng Phục Sinh đó là:

– Sự Phục sinh của Chúa Giêsu

– Sự chiến thắng khải hoàn của Chúa Giêsu đối với sự chết và mọi tội lỗi và ác quỷ

– Chúa Giêsu mở cửa Thiên đàng cho chúng ta và ban cho chúng ta sự sống mới

– Chúng ta được phục hồi trong ân sủng của Thiên Chúa với tư cách là con cái của Ngài

– Sự phục sinh mai này của chính chúng ta từ cõi chết

Đêm Vọng Phục Sinh bắt đầu bằng việc thắp lửa và Nến Phục Sinh (năm nay, ánh sáng của ngọn lửa Phục Sinh sẽ không diễn ra), công bố Tin Mừng Phục sinh (còn gọi là Exsultet), Phụng vụ Lời Chúa kéo dài nhắc lại Câu chuyện về Công trình Cứu độ của Thiên Chúa, nhắc lại những lời hứa khi được Rửa tội của chúng ta. Sau đó, Phụng vụ được tiến hành như bình thường.

Ý tưởng cho việc chuẩn bị một không gian linh thiêng tại tư gia:

– Khung cảnh lăng mộ tương tự được sử dụng vào Thứ Bảy Thánh, lần này cửa mồ đã được mở ra

– Hình ảnh các thiên thần và các Thánh

– Giấy chứng nhận Rửa tội của tất cả những thành viên hiện diện

– Những cây nến chúng ta đã được trao khi chúng ta lãnh nhận các Bí tích khác nhau (ví dụ: nến Rửa tội, nến Rước lễ)

Một Đại Lễ Phục sinh đặc biệt

Khi chúng ta cử hành những Mầu nhiệm thiêng liêng nhất trong Đức tin của chúng ta, tất cả chúng ta hãy dọn dẹp phòng ốc trong nhà cũng như trong tâm hồn mỗi người chúng ta để chào đón Chúa Phục sinh.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube