Thánh Gioan Phaolô II với Đức Maria

  • Tín lý
  • Thứ Sáu, 11-03-2016 | 09:21:16

Trong đám tang được coi là lớn nhất thế giới, trên chiếc quan tài bằng gỗ của Đức Gioan Phaolô II, người ta thấy có khắc một chữ M lớn, viết tắt từ chữ Maria, tên của người mẹ ngài hết mực yêu mến (1). Đức Gioan Phaolô II đã kết thúc triều đại giáo hoàng của ngài như thế đấy, hệt như khi ngài đã khởi sự triều đại ấy vậy. Chính vì thế mà người ta đã ca ngợi ngài là người của Đức Maria trong sự sống và trong cả cái chết (2).

I. LÒNG TÔN SÙNG ĐỨC MARIA CỦA ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II

1. Ngài dâng mình và dâng thế giới cho Mẹ

Ngày 16.10.1978, khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã dâng hiến trọn triều đại giáo hoàng của ngài cho Đức Maria và đã chọn khẩu hiệu Totus Tuus, có nghĩa là thuộc trọn về mẹ (3). Ngài còn cho người ta thêu khẩu hiệu ấy lên các áo choàng của ngài. Trong quyển tự truyệnCrossing the Threshold of Faith (bước qua ngưỡng cửa đức tin) của ngài, chỉ trong năm đầu tiên thôi đã bán được hơn bốn triệu bản, đức thánh cha nói: “Totus Tuus, hơn hẳn một cách diễn tả lòng đạo đức. Suốt thời gian Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, khi còn là một công nhân, việc sùng kính Đức Mẹ đã lôi cuốn tôi. Đức Maria là Evà mới, đã được Thiên Chúa đặt bên cạnh Đức Kitô là Adam mới, khởi đầu với biến cố Truyền Tin, rồi đêm giáng sinh tại Belem, qua tiệc cuới Cana, tới đỉnh Calvariô và ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống trong phòng Tiệc Ly. Mẹ đã được tham dự cách độc nhất vô nhị vào mầu nhiệm Phục Sinh và vinh quang của Con Mẹ”. Và năm 1984, sau khi bị ám sát, ngài cũng đã dâng toàn thế giới cho Đức Maria.

2. Đức Gioan Phaolô II nói về Đức Maria

Đức Gioan Phaolô II tôn kính Đức Maria trong mọi dịp. Ngài vẫn có thói quen lần chuỗi trước ảnh Đức Mẹ vào mỗi thứ Bảy đầu tháng. Đi tới bất cứ nơi đâu trong các chuyến tông du, ngài thường thăm viếng các đền thờ dâng kính Đức Mẹ. Hơn thế nữa, ngài còn tôn vinh Đức Maria trong các bài giảng và các thông điệp hoặc các tông thư (4). Từ tháng 9 năm 1995, tới tháng 12 năm 1997, chỉ trong vòng hơn hai năm thôi, ngài đã có tới bảy mươi bài giảng và giáo huấn về Đức Maria, với những chủ đề rất đặc biệt như: Đức Maria là khuôn mẫu của sự thánh thiện của Hội Thánh; Đức Maria là mẹ đồng trinh của Thiên Chúa; Đức Maria đã hợp nhất với Chúa Giêsu trên thập giá; Đức Maria cho ta biết Thiên Chúa tôn trọng phụ nữ; Đức Maria toả sáng trên vai trò của phụ nữ; mối tương quan của Đức Maria với Chúa Ba Ngôi; Đức Maria đáp lại Thiên Chúa bằng một tình yêu phu phụ; Người Con muôn thuở của Thiên Chúa được sinh bởi Đức Maria… (5). Trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài, đức thánh cha đã cho ra đời một thông điệp và hai tông thư quan trọng có liên quan tới Đức Maria: thông điệp Redemptoris Mater, tông thư Rosarium Virginis MariaeMulieris Dignitatem, có liên quan tới Đức Maria và phẩm giá phụ nữ.

3. Đức Gioan Phaolô II kêu gọi Kitô hữu tôn sùng Đức Maria

Trong thông điệp Redemptoris Mater phát hành vào tháng ba năm 1987, ngài tuyên bố mục tiêu của ngài là đánh thức và đào sâu lòng tôn sùng Đức Maria và ngài kêu gọi mọi Kitô hữu nhìn lên Đức Maria như con đường đem lại sự hợp nhất cho các Hội Thánh còn chia rẽ trên toàn thế giới. Trong thông điệpEvangelium Vitae, phát hành vào tháng ba năm 1995, ngài nói, Đức Maria là mẹ của tất cả những ai được tái sinh. Và vì đã đem Chúa Giêsu vào trần gian, nên một cách nào đó, mẹ cũng đem lại ơn tái sinh cho tất cả những ai được sống nhờ Sự Sống ấy (6). Và đức thánh cha đã kết thúc thông điệp ấy bằng lời cầu nguyện sau: “Ôi Maria, bình minh rực rỡ của thế giới mới, mẹ của mọi sinh linh, chúng con xin phó dâng sự sống của chúng con cho mẹ” (7).

4. Ngài tổ chức năm Thánh Mẫu

Ngày 6.6. 987, ngài đã tuyên bố khai mạc năm thánh mẫu để toàn thế giới cầu nguyện cho hoà bình. Đây là lần thứ hai Giáo Hội cử hành năm thánh mẫu. Năm 1954, Đức Piô XII lần đầu tiên đã tuyên bố năm Thánh Mẫu để nhấn mạnh đến sự thánh thiện phi thường của Mẹ Đức Kitô như đã được diễn tả trong các mầu nhiệm Vô Nhiễm Nguyên Tội và Mông Triệu của mẹ (8).

Mục đích của năm thánh mẫu lần này, theo đức thánh cha nhằm đẩy mạnh việc đọc cách mới mẻ và kỹ càng hơn những gì Công Đồng Vatican II đã nói về Đức Maria, mẹ Thiên Chúa, trong mầu nhiệm của Đức Kitô và của Hội Thánh.

Đây là dịp để Hội Thánh không chỉ nói về giáo lý đức tin mà còn nói về cuộc sống đức tin, nghĩa là linh đạo của Đức Maria dưới ánh sáng của Truyền Thống. Đây cũng là dịp để Hội Thánh tiếp nối cuộc hành trình đức tin của mẹ, “không ngừng cộng tác với công cuộc cứu chuộc được hoàn tất trong Đức Kitô, Con Mẹ” (9) và để cùng hiệp thông cầu nguyện với các anh em thuộc các Giáo Hội Kitô giáo khác, là anh chị em của ta trong dân thánh của Đức Kitô (10). Ngài viết: “Hãy để cho mọi bộ phận các tín hữu kiên trì cầu nguyện với Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại. Hãy để họ khẩn nài Đấng, đã trợ giúp Hội Thánh ngay từ thuở ban đầu, hiện đang được tôn vinh hơn mọi thần thánh trên trời, chuyển cầu với Con Mẹ trong sự hiệp thông các thánh. Xin Mẹ chuyển cầu cho mọi dân tộc trong gia đình nhân loại, bất kể họ có được mang danh Kitô hữu hay vẫn chưa được biết Đấng Cứu Độ, được hân hoan qui tụ lại trong hoà bình, hoà hợp thành một dân duy nhất của Thiên Chúa, vì vinh quang của Đấng Tối Cao và của Ba Ngôi Thiên Chúa” (11).

5. Nguồn gốc của lòng tôn sùng Đức Maria của Đức Gioan Phaolô II

Lòng tôn sùng Đức Maria của đức thánh cha xuất phát từ chính kinh nghiệm bản thân ngài, nhất là kinh nghiệm về hiệu quả của Kinh Mân Côi. Với kinh mân côi, Kitô hữu được đưa dẫn tới chỗ chiêm ngưỡng vẻ mỹ miều của Đức Kitô và kinh nghiệm được những chiều rộng, dài, cao, sâu của tình yêu Người (12). Ngài tâm sự rằng từ khi còn trẻ, Kinh Mân Côi đã có một vị trí quan trọng trong đời sống thiêng liêng của ngài. Kinh ấy theo ngài mọi lúc, vui cũng như buồn. Kinh Mân Côi bao giờ cũng đem lại cho ngài một niềm an ủi. Ngài cũng thú nhận là Kinh Mân Côi là kinh ưa chuộng nhất của ngài và là kinh tuyệt vời nhất. “Mỗi lần lời Ave Maria vang lên, là mỗi lần những biến cố chính yếu của cuộc sống Đức Kitô lại hiện ra trước đôi mắt linh hồn tôi. Chính vì thế mà Kinh Mân Côi phải trở thành nhịp điệu của cuộc sống con người” (13).

Có lẽ ít người có được lòng yêu mến Đức Maria như Đức Gioan Phaolô II. Nhưng phải chăng đức thánh cha đã “sống và chết cho một Đức Maria huyền thoại của Hội Thánh Công Giáo Rôma” (14)? Đâu là nền tảng của lòng yêu mến ấy? Các thông điệp, các tông thư, bài giảng của ngài về Đức Maria, cho thấy rõ vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu độ, mối tương quan của Đức Maria với Hội Thánh và mối bận tâm của mẹ đối với con người. Đó là những nền tảng quan trọng của lòng yêu mến Đức Maria của ngài.

II. ĐỨC MARIA TRONG MẦU NHIỆM CỨU ĐỘ

Đức Maria luôn được Hội Thánh Công Giáo ca ngợi bằng những tước hiệu khác nhau như Đấng đầy ân sủng, mẹ của đức tin, Evà mới, Đấng lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa, mẹ Thiên Chúa… mỗi tước hiệu đều phản ánh một khía cạnh của một cuộc đời luôn gắn kết mật thiết với Đức Kitô.

1. Đầy ân sủng

1.1. Kế hoạch của Thiên Chúa

“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ân phúc của Thánh Thần” (Ep 1, 3). Những lời này mặc khải ra dự định và kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa Cha trong Đức Kitô. Đó là một kế hoạch phổ quát liên quan đến tất cả những ai được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1, 26). Nếu như ngay từ ban đầu, mọi người đã được đưa vào trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa thế nào, thì họ cũng được đưa vào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa từ đời đời như thế. Kế hoạch ấy được mặc khải cách trọn vẹn “khi thời gian đến hồi viên mãn”. Chính vì thế mà thánh Phaolô viết tiếp: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người đã ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu. Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng phong phú của Người” (Ep 1, 4 – 7) (15).

Kế hoạch cứu độ này của Thiên Chúa, một kế hoạch được mặc khải cho ta cách trọn vẹn khi Chúa Giêsu đến, là một kế hoạch từ đời đời. Kế hoạch ấy bao gồm tất cả mọi người, nhưng vẫn dành một chỗ đặc biệt cho “người phụ nữ”, mẹ của Đấng Chúa Cha sẽ giao phó công trình cứu chuộc của Ngài. Mẹ là người đã được nói tới sau khi nguyên tổ loài người sa ngã (x. St 3, 15), là Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một trai, và con trẻ sẽ được gọi là Emmanuel (Is 7, 14). Như thế Cựu Ứơc chuẩn bị cho “thời viên mãn”, khi Thiên Chúa sai Con của Ngài, sinh bởi người nữ, để ta được nhận làm nghĩa tử (Gal 4, 4). Biến cố này đã được ghi lại trong các chương đầu của các Tin Mừng Mathêu và Luca (16).

1. 2. Mẹ “đầy ân sủng”

Đức Maria đã được đưa vào trong mầu nhiệm Đức Kitô nhờ biến cố Truyền Tin tại Nazaret. Thiên thần vào nhà Trinh Nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng. Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 29). Thiên thần không gọi Mẹ bằng tên riêng nhưng đã gọi mẹ bằng một tên khác “đầy ân sủng” (17). Vậy “đầy ân sủng” là gì?

Theo Đức Gioan Phaolô II, “đầy ân sủng” ở đây có liên quan tới câu “Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ân phúc của Thánh Thần” trong thư Ephêsô (1, 3). Đó là ân sủng viên mãn và phổ quát Thiên Chúa ban cho hết mọi người. Ân sủng này xuất phát từ tình yêu, luôn liên kết Chúa Con lại với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Đó cũng là một phúc lành dẫy tràn trên lịch sử nhân loại và trên hết mọi người cho đến tận thế nhờ Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên, phúc lành này cũng liên quan tới Đức Maria cách đặc biệt, phi thường, vì mẹ là “người được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” (Lc 1, 42) (18).

1. 3. Ý nghĩa của “đầy ân sủng”

Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, “ân sủng” có nghĩa là một quà tặng đặc biệt. Quà tặng này theo Tân Ứơc bắt nguồn từ sự sống của chính Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là tình yêu (x. 1 Ga 4, 8). Hoa quả của tình yêu này chính là “việc tuyển chọn” đã được nói tới trong thư Ephêsô. Về phía Thiên Chúa, thì đây là ước vọng muôn đời của Ngài trong việc cứu chuộc loài người bằng cách cho họ được tham dự vào sự sống của chính Ngài trong Đức Kitô (1 Pr 1, 4). Chính Thiên Chúa ban sự sống và sự thánh thiện cho những người được tuyển chọn: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ” để ta được “làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (x. Ep 1, 4 -7) (19).

“Đầy ân sủng” nơi Đức Maria có nghĩa là trong mầu nhiệm của Đức Kitô, mẹ đã được Thiên Chúa tuyển chọn “trước cả khi tạo thành vũ trụ” để làm Mẹ của Con Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể. Và cùng với Chúa Cha, người Con ấy cũng tuyển chọn mẹ, đời đời trao phó cho mẹ Thần Khí thánh thiện. Nên Đức Maria luôn hợp nhất với Đức Kitô cách đặc biệt và phi thường và trong Người, mẹ cũng được yêu thương muôn đời. Phần mình, bao giờ mẹ cũng mở ra cách tuyệt hảo cho “ân sủng từ trên cao” (x. Gcb 1, 17) (20).

Vì thế, Truyền Tin là mặc khải của mầu nhiệm Nhập Thể. Đỉnh cao của mầu nhiệm này chính là việc Thiên Chúa trao ban chính mình và sự sống Ngài cho toàn tạo thành, đặc biệt cho con người. Đức Maria được “đầy ân sủng” vì chính trong mẹ mầu nhiệm Nhập Thể, sự hợp nhất của Con Thiên Chúa với bản tính con người, được thực hiện và hoàn tất. Nhờ ân sủng này, mẹ trội vượt hơn mọi thụ tạo khác cả trên trời dưới đất (21).

Nhờ sự phong phú của ân sủng của Người Con Yêu Dấu, và nhờ công nghiệp cứu chuộc của Người, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi nguyên tội (22) ngay từ lúc thành thai trong dạ mẹ, được thuộc về Đức Kitô, tham dự vào ơn cứu độ và ơn thánh hoá của Người. Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, mẹ đón nhận sự sống từ Đấng mẹ trao ban sự sống nhân loại cho. Mẹ được đón nhận sự sống mới ấy cách sung mãn nhờ tình yêu Chúa Con dành cho mẹ để một khi đã được làm mẹ theo bản tính loài người, thì mẹ cũng xứng đáng với phẩm giá là mẹ Thiên Chúa (23).

Như thế, trước Thiên Chúa và trước toàn nhân loại, Đức Maria vẫn luôn là dấu chỉ bất biến và bất khả xâm phạm của việc tuyển chọn của Thiên Chúa. Trong lịch sử này, mẹ mãi vẫn là dấu chỉ của niềm hy vọng chắc thực (24). Mẹ đã lãnh nhận ân sủng này trong đức tin, nên mẹ cũng là người được chúc phúc bởi đã tin

2. Đức Maria là người tin

Sau khi cưu mang Con Thiên Chúa, Đức Maria đã vội vã lên đường đi thăm bà Elizabeth, người chị em họ của mình. Theo lời thiên thần, Elizabeth là người phụ nữ hiếm muộn, vừa mới được Thiên Chúa ban cho một người con trai. Thai nhi lúc này đã được sáu tháng. Đức Maria vừa bước vào nhà, bà Elizabeth được “đầy Thánh Thần” đã sung sướng reo lên: “Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1, 42 – 45). Bà Elizabeth đã làm chứng rằng Đức Maria là “mẹ của Chúa tôi, mẹ của Đấng Mêsia” (25) và phúc ấy là do mẹ đã tin.

2.1. Bản chất của đức tin của Đức Maria

“Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. Những lời này có thể liên kết với tước hiệu “đầy ân phúc” thiên thần dành cho mẹ. Cả hai bản văn này đã mặc khải ra sự thật về Đức Maria, Đấng có mặt trong mầu nhiệm Đức Kitô chỉ vì đã tin. Nếu đầy ân sủng là việc Thiên Chúa trao ban chính mình, thì đức tin của mẹ chính là việc mẹ đáp trả lại việc ban mình ấy của Thiên Chúa. Thiên Chúa trao ban chính mình cho nhân loại, Mẹ cũng đã trao phó trọn vẹn con người mẹ cho Thiên Chúa. Mẹ đã tin khi để Thiên Chúa làm chủ cuộc đời mình, khi hoàn toàn mở ra cho Chúa Thánh Thần, và cộng tác cách triệt để với Thiên Chúa mọi nơi, mọi lúc.

Lúc Truyền Tin, mẹ đã chấp nhận lời loan báo của sứ thần bằng lời xin vâng tuyệt hảo: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc, 1, 38). Khi chấp nhận lời xin vâng ấy, Đức Maria đã thành “Mẹ của Chúa” và mầu nhiệm Nhập Thể đã hoàn tất nơi mẹ. “Cha nhân từ muốn rằng lời xin vâng ấy của đấng được tiền định làm mẹ phải đi trước công cuộc Nhập Thể” (26). Về phía con người, lời xin vâng ấy của mẹ có tính quyết định để Thiên Chúa hoàn tất mầu nhiệm của Ngài. Lời xin vâng này hoàn toàn phù hợp với lời của Chúa Con khi vào trần gian: “Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10, 5 – 7). Chính khi thưa lời xin vâng ấy trong đức tin, mẹ đã phó dâng trọn vẹn bản thân mình cho Thiên Chúa, đã “ký thác toàn thân như một nữ tỳ của Chúa cho bản vị và công việc của Con Mẹ” (27). Chính vì đức tin ấy mà các giáo phụ dạy rằng mẹ đã cưu mang Con Thiên Chúa trong tâm trí, trước khi cưu mang Người trong lòng (28).

2.2. Đức tin của mẹ và đức tin của Abraham

Đức tin của Đức Maria có thể sánh được với đức tin của Abraham, là người mà thánh Phaolô gọi là “cha chúng ta trong đức tin” (x. Rm 4, 12). Đức tin của Abraham khởi đầu cho Giao Ước Cũ thế nào, thì đức tin của Đức Maria, vào lúc Truyền Tin, cũng khai mạc Giao Ước Mới như thế. Dù không còn gì để trông cậy, Abraham vẫn cậy trông và vững tin nên ông đã thành cha của nhiều dân nước thế nào (x. Rm 4, 18), thì Đức Maria cũng thế. Khi Truyền Tin, tuy vẫn tuyên bố mẹ còn trinh tiết, nhưng lại vẫn cứ tin rằng nhờ quyền năng của Đấng Tối Cao và Chúa Thánh Thần, mẹ sẽ là mẹ của Con Thiên Chúa theo mặc khải của thiên thần. Chuyện khó tin thật, nhưng mẹ lại vẫn cứ tin. Nếu đặc tính của đức tin là phó mình cho sự thật của lời hằng sống của Thiên Chúa, là khiêm tốn đón nhận những phán quyết “vô phương dò thấu” và những đường lối “sâu thẳm dường bao” của Thiên Chúa (x. Rm 11, 33), là thích nghi với những phán quyết ấy, sẵn lòng đón nhận trọn vẹn mọi sự đã được dự định trong chương trình của Thiên Chúa, thì Đức Maria có tất cả những đặc tính ấy. Chắc chắn biến cố truyền tin là chóp đỉnh của đức tin của mẹ vào việc chờ mong Đức Kitô đến, nhưng đó cũng còn là khởi điểm của cuộc hành trình tiến về Thiên Chúa, của toàn bộ cuộc hành trình đức tin của mẹ (29), một cuộc hành trình đầy ắp những chuyện khó tin, nhưng mẹ lại không mất niềm tin.

2.3. Một đức tin trải qua nhiều tăm tối

Vào lúc Truyền Tin, thiên thần báo cho mẹ biết, người con mẹ cưu mang là “Đấng Thánh” và là “Con Thiên Chúa”. Thế nhưng chỉ ít tháng sau thôi, mẹ đã sinh con trong tăm tối của chốn bò lừa. Con Thiên Chúa đây sao? Thật khó tin, nhưng mẹ vẫn cứ tin con người không có chỗ nương thân nơi loài người này là Con Thiên Chúa thật. Và ngay sau đó, nửa đêm, mẹ phải cùng với thánh Giuse bồng con trốn sang Ai cập, tránh bàn tay hung tàn của Hêrôđê. Con Thiên Chúa mà phải chạy trốn sự hung tàn của loài người sao? Thiên Chúa không cứu được Con mình sao? Đây là Con Thiên Chúa thật sao? Thật khó tin, nhưng mẹ lại vẫn cứ tin. Rồi suốt ba mươi năm dòng dã tại Nazaret, Con Thiên Chúa chẳng khác gì ai, bình thường như mọi người. Đây là Con Thiên Chúa thật sao? Thật khó tin, nhưng mẹ lại vẫn cứ tin. Khi Con khởi sự sứ vụ công khai, người khen cũng lắm, người chê bai, chỉ trích cũng nhiều. Đau hơn cả là chính “thân nhân của Người, đã đi bắt Người vì họ cho rằng Người đã mất trí” (Mc 3, 21). Người đang bị chính thân nhân mình cho là mất trí này là Con Thiên Chúa thật sao? Thật khó tin, nhưng mẹ vẫn cứ tin đó là Con Thiên Chúa thật.

Như thế, mỗi ngày Đức Maria đã phải đương đầu với “mầu nhiệm vô phương dò thấu của vị Thiên Chúa làm người, một mầu nhiệm vượt quá mọi sự được mặc khải trong Cựu Ứơc. Từ giây phút Truyền Tin ấy, tâm trí của Mẹ Đồng Trinh đã được đưa vào một sự “mới mẻ” triệt để của việc tự mặc khải của Thiên Chúa và đã ý thức về mầu nhiệm ấy. Mẹ là người thứ nhất trong các kẻ bé mọn, một ngày kia Chúa Giêsu sẽ nói với Cha: ‘Cha đã giấu không mặc khải cho những kẻ khôn ngoan thông thái mà đã mặc khải cho những kẻ bé mọn’” (30) (Mt 11, 27). Thiên Chúa đã mặc khải Con Ngài cho mẹ, nhưng mẹ chỉ có thể tiếp thu được sự thật về Con mình trong đức tin và nhờ đức tin. Mẹ đã tin và ngày qua ngày, mẹ vẫn còn tiếp tục phải tin giữa những đau khổ và thử thách, vẫn phải trải qua “những đêm tối của đức tin” (31) nhất là khi phải chứng kiến cái chết thê lương của Con mình trên thập giá.

2.4. Một đức tin tuyệt hảo

Đức tin của mẹ đạt đến mức tuyệt hảo nhất khi đứng dưới chân thập giá. Trên thập giá, người con yêu dấu duy nhất của mẹ và cũng là Con Thiên Chúa theo mặc khải của Ngài, đã bị giết cách bất công, oan nghiệt. Lúc này, lời của thiên sứ truyền tin chắc chắn đã vang lên trong lòng mẹ: “Người sẽ nên cao trọng… và Đức Chúa, Thiên Chúa của Người sẽ ban cho Người ngai vàng David, tổ tiên Người và Người sẽ trị vì trong nhà Giacob đến muôn đời” (Lc 1, 32 – 33). Người nên cao trọng thế này đây sao? Người trị vì trong nhà Giacob và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận thế này à? Khó tin quá! Vỡ mộng quá! Tuyệt vọng quá! Thế nhưng, dù không còn gì để tin, mẹ vẫn cứ tin rằng kẻ tử tội thê lương trên thập giá này là Con Thiên Chúa thật; và tin rằng đây chính là cách Người cai trị trong nhà Giacob. Việc vâng phục đức tin của Đức Maria trước “phán quyết vô phương dò thấu” của Thiên Chúa vĩ đại và anh hùng biết bao! Tác động của ân sủng và quyền năng vô biên của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mẹ tuyệt vời biết mấy!

2.5. Hiệu quả của đức tin nơi mẹ

Nhờ đức tin anh hùng ấy, mẹ đã hoàn toàn hợp nhất với Đức Kitô trong mầu nhiệm huỷ mình ra không của Người, một sự huỷ mình sâu thẳm nhất trong lịch sử nhân loại, đã tham dự vào cái chết cứu độ của Con, đã nên một hy tế với Con mình. Quả thế thật, cứ mỗi làn roi quất vào gia thịt Chúa, thì cũng quất vào tim lòng mẹ. Mỗi nhát búa đóng vào chân tay Chúa, thì cũng đóng vào tim lòng mẹ. Một môn đệ của thánh Bernard, ông Arnold thành Charles, đã làm sáng tỏ cách đặc biệt việc hiến dâng của mẹ trong hy tế thập giá. Ong phân biệt hai bàn thờ, một bàn thờ trong lòng Đức Maria, và một bàn thờ khác trong thân thể Đức Kitô. Đức Kitô hiến dâng xác thân mình, còn Đức Maria hiến dâng linh hồn mình. Đức Maria hiến tế mình cách thiêng liêng trong sự hiệp thông với Đức Kitô và nài xin ơn cứu độ cho toàn thế giới (32. Sự hiện diện của mẹ trên đồi Calvariô làm cho mẹ hợp nhất chính mình với sự đau khổ của Con mình với tất cả tâm hồn. Đó là một phần kế hoạch của Thiên Chúa: Chúa Cha muốn mẹ, vì được mời gọi hợp tác cách trọn vẹn vào mầu nhiệm cứu chuộc, cũng được liên kết cách trọn vẹn với hy lễ và chia sẻ mọi nỗi đớn đau của Đấng Chịu Đóng Đinh, hợp nhất ý muốn mẹ với ý muốn của Người trong ước vọng cứu chuộc thế gian (33).

Như thế, vì đã cùng đau đớn với Con và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ, sẵn sàng hiến tế người con mình sinh ra với lòng yêu mến, Đức Maria đã trung thành hợp nhất với Con ngay cả khi đứng bên thập giá (34). Đó là một sự hợp nhất nhờ đức tin – đức tin mà nhờ đó mẹ đón nhận mặc khải của thiên thần lúc Truyền Tin (35). Chính nhờ sự vâng phục đức tin này của mẹ, mà “nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục đức tin của Đức Maria” (36). Chính vì thế, các giáo phụ thường gọi Đức Maria là “mẹ của chúng sinh” và khi so sánh Đức Maria với Evà thường nói: “Sự chết do Evà, sự sống có được nhờ Đức Maria” (37).

3. Đức Maria là Evà mới

3.1. Tương phản giữa Đức Maria và Evà

Đức Gioan Phaolô II khẳng định rằng vào cuối thế kỷ thứ hai, thánh Irênê, môn đệ của thánh Polycarpô, đã cho thấy phần đóng góp của Đức Maria cho công trình cứu độ. Thánh nhân hiểu được giá trị của lời xin vâng của mẹ lúc Truyền Tin, đã nhận ra trong sự vâng phục và tin tưởng của Đức Trinh Nữ thành Nazaret trước sứ điệp của thiên thần, một sự tương phản hoàn toàn với sự bất phục và bất tín của Evà. Sự vâng phục ấy có lợi cho nhân loại. Quả thế, Evà gây ra cái chết thế nào, thì Đức Maria với lời “thưa vâng” đã thành “nguyên nhân của ơn cứu độ cho mình và cho toàn nhân loại như thế (38).

Việc so sánh Evà với Đức Maria vẫn thường xảy ra khi suy nghĩ về kho tàng đức tin Hội Thánh lãnh nhận từ mặc khải của Thiên Chúa. Có một sự tương phản đặc biệt giữa Evà với Đức Maria: Evà là “mẹ của mọi sinh linh”, mẹ của những người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa, nhưng cũng là những con người đã lây nhiễm nguyên tội. Còn Đức Maria là chứng nhân cho một khởi đầu mới và “tạo thành mới” (x. 2 Cr 5, 17), vì với tư cách là người đầu tiên được cứu chuộc trong lịch sử cứu độ, chính mẹ là “một tạo thành mới”, là đấng “đầy ân sủng”, là khởi đầu của Giao Ước mới và chung cuộc của Thiên Chúa với nhân loại, Giao Ước trong máu cứu chuộc của Đức Kitô (39).

3.2. Đức Kitô: Adam mới

Bản chất của Giao Ước mới bao gồm sự kiện này là, Con Thiên Chúa, đồng bản thể với Cha, đã thành một con người: Người đưa bản tính nhân loại vào trong sự hợp nhất với Ngôi Lời Thiên Chúa. Đấng hoàn tất công cuộc cứu chuộc là một con người thật. Mầu nhiệm của ơn cứu chuộc trần gian hệ tại việc Chúa Con đã mặc lấy bản tính nhân loại như một di sản của Adam, trở nên giống con người trong mọi sự “trừ tội lỗi” (Dt 4, 15). Như thế, “Người đã mặc khải mình cho con người và làm cho con người khám phá ra căn tính của họ. Nơi Người, con người tìm được chính mình và ý nghĩa của đời mình (40).

3.4. Ý nghĩa của Evà mới

Truyền thống đức tin suốt dòng lịch sử, luôn liên kết Adam-Đức Kitô với Evà-Đức Maria. Đức Maria được mô tả là Evà mới bởi mẹ là mặc khải trọn vẹn của những gì được gồm tóm trong thuật ngữ “phụ nữ” của Thánh Kinh, một mặc khải sẽ hoàn tất với mầu nhiệm Cứu Chuộc. Maria theo một nghĩa nào đó, có nghĩa là vượt ra ngoài giới hạn được nói đến trong sách Sáng Thế (3, 16) và quay trở về với “thuở ban đầu”, trong đó người ta tìm được người phụ nữ theo ý định của Thiên Chúa trong công cuộc tạo thành, và như vậy cũng là trong ý định muôn đời của Thiên Chúa: trong cung lòng Ba Ngôi. Đức Maria chính là “một khởi đầu mới” của phẩm giá và ơn gọi phụ nữ, của mỗi và của mọi phụ nữ (41). Nếu Evà là kẻ đồng lõa với con rắn trong việc cám dỗ con người phạm tội (42), thì Đức Maria chính là kẻ thù của con rắn và đồng minh đầu tiên của Thiên Chúa, trong công cuộc cứu chuộc (43).

Như thế, vì là đấng “đầy ân sủng”, mẹ có mặt từ đời đời trong mầu nhiệm của Đức Kitô. Nhờ đức tin, mẹ đã trở nên người dự phần vào mầu nhiệm ấy trong suốt cuộc lữ hành dương thế của mẹ, đã làm cho mầu nhiệm ấy hiện diện với toàn nhân loại cách kín đáo, trực tiếp, và hiệu quả. Và hiện mẹ vẫn tiếp tục như thế, vẫn đang chỉ cho người ta con đường để nên thân nhân, ruột thịt của Thiên Chúa, đó là nghe và giữ lời Thiên Chúa.

4. Mẹ là người nghe và giữ lời Thiên Chúa

4.1. Người đã sinh ra Chúa Giêsu

Thánh Luca kể lại, khi Chúa Giêsu đang giảng, thì giữa đám đông, một phụ nữ kêu lên: “Phúc thay lòng dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú” (Lc 11, 27). Những lời này ca ngợi Đức Maria với tư cách là mẹ Chúa Giêsu theo xác thịt. Có lẽ người phụ nữ ấy không biết Đức Maria, vì khi Chúa Giêsu khởi sự sứ vụ công khai của Người, mẹ không đi theo mà tiếp tục ở lại Nazaret. Chính vì thế mà những lời này đã kéo Đức Maria ra khỏi tình trạng mai danh ẩn tích (44).

Qua những lời ấy, Tin Mừng thời thơ ấu của Chúa Giêsu loé lên giữa đám đông trong chốc lát. Đó là Tin Mừng, trong đó Đức Maria hiện diện như người mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu trong lòng, đã sinh ra và cho Người bú mớm: người mẹ mà người phụ nữ trong Tin Mừng muốn nói tới. Nhờ việc làm mẹ này, Chúa Giêsu, Con Đấng Tối Cao (x. Lc 1, 32), trở thành con loài người thật. Người là “xác thịt” như mọi người; Người là “Ngôi Lời thành xác phàm” (x. Ga 1, 14). Người là máu thịt của Đức Maria! (45)

4.2. Chiều kích mới của thiên chức làm mẹ

Nhưng trước lời ca tụng người mẹ đã sinh ra Người ấy, Chúa Giêsu đã đáp lại cách rất ý nghĩa: “Đúng ra phải nói rằng: phúc cho ai lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 28). Người đang muốn chuyển sự chú ý từ việc làm mẹ theo xác thịt sang những mối liên hệ tinh thần khác, xuất phát từ việc lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa (46). Người ta thấy rõ hơn việc chuyển hướng sang những giá trị thiêng liêng này trong một trình thuật khác của Tin Mừng Nhất Lãm. Khi được báo cho biết có mẹ và anh em Người muốn gặp Người, Chúa Giêsu đã trả lời rằng: “Mẹ tôi và anh em tôi là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 20 – 21).

Những lời này như thể phù hợp với những gì chàng thiếu niên Giêsu mười hai tuổi trả lời cho Đức Maria và thánh Giuse trong đền thờ (47). “Cha mẹ không biết con phải lo việc Cha con sao?” (Lc 2, 49). Hơn khi nào hết, lúc này Người quan tâm đến công việc của Cha cách đặc biệt. Việc loan báo Nước Thiên Chúa và “việc của Cha Người” là những thứ đem lại cho mọi sự của con người một chiều kích và ý nghĩa mới. Trong chiều kích mới này, mối liên hệ máu mủ ruột thịt mang một ý nghĩa khác. Mẹ có phúc thật vì đã cưu mang và hạ sinh Con Thiên Chúa, nhưng mẹ còn có phúc hơn, vì mẹ là người đầu tiên chấp nhận lời Thiên Chúa, tin vào lời ấy, giữ lời Thiên Chúa và suy niệm trong lòng (x. Lc 1, 38, 45; 2, 19, 51). Như thế, mối phúc Chúa Giêsu tuyên bố, không chống lại nhưng hoàn toàn trùng hợp với lời ca ngợi Đức Maria của người phụ nữ, như chính mẹ đã thốt lên: “Từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1, 48) (48).

Nếu nhờ đức tin, Đức Maria trở nên người cưu mang Con Thiên Chúa do quyền năng Chúa Thánh Thần, thì cũng nhờ đức tin ấy, mẹ đã khám phá ra và chấp nhận chiều kích khác của việc làm mẹ vừa được Chúa Giêsu bày tỏ trong sứ mạng thiên sai của Người. Chiều kích mới này của thiên chức làm mẹ đã bắt đầu từ lúc Truyền Tin, nhưng càng ngày mẹ càng mở ra cho chiều kích ấy, nghĩa là nhờ đức tin, mẹ vẫn tiếp tục lắng nghe, suy niệm lời “vô phương đạt thấu” của việc tự mặc khải mình của Thiên Chúa hằng sống (49).

Tóm lại, vì là người tin, lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa, Đức Maria là Đấng được đầy ân sủng, được tham dự vào bản tính của Thiên Chúa, được nên đồng minh đầu tiên của Thiên Chúa trong công cuộc cứu chuộc. Vì là đồng minh của Thiên Chúa trong công cuộc cứu chuộc, nên hôm qua cũng như hôm nay, mẹ vẫn luôn có mặt trong Hội Thánh, vẫn cùng với Con hiến mình cho con người, vẫn luôn chỉ cho người ta con đường hạnh phúc.

III. ĐỨC MARIA VÀ HỘI THÁNH

Việc làm mẹ của Đức Maria trước hết là do Thiên Chúa Cha hằng hữu đã ký thác mình cho Đức Trinh Nữ thành Nazaret, khi ban Con duy nhất của Ngài cho mẹ trong mầu nhiệm Nhập Thể. Việc tuyển chọn mẹ lên chức vị và phẩm giá cao cả nhất này – được làm mẹ Thiên Chúa – có liên quan tới sự hợp nhất của hai bản tính trong bản vị của Ngôi Lời. Ngay từ ban đầu, thiên chức làm mẹ này là việc hoàn toàn mở ra cho bản vị của Đức Kitô, cho toàn bộ công việc, toàn bộ sứ mạng của Người (50). Mẹ thấy mình ở trong chính cõi lòng của Đức Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người (51). Vì thế mà mẹ đã trở nên mẹ Đấng Cứu Thế và mẹ Hội Thánh, trở nên đấng trung gian ân sủng. Mẹ có mặt trong suốt cuộc lữ hành của Hội Thánh, để đưa dẫn Hội Thánh về với cội nguồn của mình là chính Thiên Chúa.

1. Đức Maria giữa lòng Hội Thánh

1.1. Hội Thánh: dân Thiên Chúa

Hệt như người lữ khách trong vùng đất ngoại bang, Hội Thánh “vẫn cứ hối hả giữa những bắt bớ của trần gian và những an ủi của Thiên Chúa” (52), loan báo Cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa cho tới khi Người đến (x. 1 Cr 11, 26). “Israel theo xác thịt, khi còn lang thang trong sa mạc, đã được gọi là Dân Thiên Chúa rồi (x. 2 Esd 13, 1; Ds 20,4; Dnl 23, 1tt). Tương tự như thế, dân Israel mới cũng được gọi là Hội Thánh của Đức Kitô (x. Mt 16, 18). Vì Người đã chuộc dân ấy bằng giá máu Người (Cv 20, 28), đã đổ tràn Thần Khí Người trên họ và cung cấp cho họ những phương thế làm cho họ hợp nhất với nhau. Thiên Chúa đã qui tụ thành một dân duy nhất tất cả những ai nhìn lên Đức Kitô trong lòng tin, như tác giả của ơn cứu độ và nguồn mạch của sự hợp nhất và bình an, và đã thiết lập họ thành Hội Thánh, để Hội Thánh trở thành bí tích của sự hợp nhất cứu độ này cho mỗi người và cho mọi người” (53).

1.2. Hội Thánh và dân Israel

Công Đồng Vatican II đã so sánh Hội Thánh lữ hành với cuộc hành trình của dân Isarel xưa trong sa mạc. Cuộc hành trình ấy cũng có những đặc tính bề ngoài, hữu hình, đã xảy ra trong thời gian và không gian, trong lịch sử. Nhưng khác với dân Israel xưa, “Hội Thánh được tiền định trải rộng ra muôn ngàn dân nước, và như thế cũng là để bước vào trong lịch sử nhân loại, nhưng đồng thời “Hội Thánh lại vượt quá mọi giới hạn về thời gian và không gian” (54). Đây là một cuộc hành trình trong Chúa Thánh Thần, Đấng được ban cho Hội Thánh như Đấng An Ui (x. Ga 14, 26; 15, 26; 16, 7). Trong khi tiến về phía trước giữa những thử thách, khổ đau, lại được sức mạnh của ân sủng Thiên Chúa củng cố, được Chúa Thánh Thần khích lệ, Hội Thánh không ngừng canh tân chính mình nhờ thập giá cho tới khi đạt tới ánh sáng không bao giờ tàn lụi (55).

1.3. Cuộc hành trình đức tin của Đức Maria và của Hội Thánh

Chính trong cuộc hành trình của Giáo Hội hoặc cuộc lữ hành qua thời gian và không gian này và thậm chí qua lịch sử của các linh hồn nữa mà Đức Maria có mặt với tư cách là người “có phúc bởi đã tin”, với tư cách là người đi trước trong cuộc hành trình đức tin, nhờ tham dự vào mầu nhiệm Đức Kitô cách khác với những người khác. Theo một cách nào đó, Đức Maria hợp nhất và phản ánh nơi mình những sự thật căn bản của đức tin (56). Giữa những người tin, mẹ như một “tấm gương” phản chiếu cách sâu xa và trong suốt nhất “những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2, 11) (57).

Được Đức Kitô xây dựng trên các Tông đồ, Hội Thánh ý thức đầy đủ về những công trình ấy của Thiên Chúa vào ngày lễ Ngũ Tuần, khi những người đang hội họp trong phòng Tiệc Ly được đầy tràn Thánh Thần, và bắt đầu nói những thứ tiếng khác nhau” (Cv 2, 4). Cuộc hành trình đức tin của Hội Thánh cũng bắt đầu từ lúc ấy và cũng từ lúc ấy mẹ có mặt (58). Cuộc hành trình đức tin của Đức Maria, Đấng đang có mặt trong phòng Tiệc Ly lúc ấy, dài hơn cuộc hành trình của những người đang có mặt. Mẹ đi trước họ, mở đường cho họ (59). Bởi lúc ở trong phòng Tiệc Ly này đã được chuẩn bị từ lúc Truyền Tin tại Nazaret cũng như tại Golgotha. Trong phòng Tiệc Ly, cuộc hành trình của Đức Maria gặp được cuộc hành trình đức tin của Hội Thánh (60).

1.4. Sứ mạng của Đức Maria và của các tông đồ

Trong số những người có mặt trong phòng Tiệc Ly, cầu nguyện, chuẩn bị cho việc đi tới tận cùng trái đất, sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần, một số đã được Chúa Giêsu gọi ngay từ đầu sứ vụ công khai của Người tại Israel. Mười một người đã được đặt làm tông đồ và chính Chúa Giêsu đã trao cho họ sứ mạng Người lãnh nhận từ nơi Cha (x. Ga 20, 21). Người còn thêm: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy… cho tới tận cùng trái đất” (Cv 1, 18). Sứ mạng này của các tông đồ khởi sự từ lúc họ rời phòng Tiệc Ly. Hội Thánh được sinh ra và lớn lên nhờ chứng tá về Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh của thánh Phêrô và Phaolô (Cv 2, 31 – 34; 3, 15 – 18) (61).

Đức Maria không trực tiếp đón nhận sứ mạng tông đồ này. Mẹ không thuộc số những người được sai đi đến tận cùng trái đất (x. Mt 28, 219). Nhưng mẹ có mặt trong phòng Tiệc Ly, cùng cầu nguyện với các tông đồ, khi họ chuẩn bị lãnh nhận sứ mạng. Nhóm người đầu tiên tin vào Chúa Giêsu như tác giả của ơn cứu độ (62) này biết rằng Chúa Giêsu là Con Đức Maria và như thế họ cũng tin rằng ngay từ lúc thụ thai và sinh con, mẹ là chứng nhân độc nhất vô nhị về mầu nhiệm của Chúa Giêsu, mầu nhiệm ấy đã được mở ra trước mắt họ trong Thập Giá và Phục Sinh. Như thế, ngay từ lúc khởi nguyên ấy, Hội Thánh đã “nhìn vào” Đức Maria nhờ Chúa Giêsu hệt như “nhìn vào” Chúa Giêsu nhờ Đức Maria. Đối với Hội Thánh thời ấy cũng như mọi thời, Đức Maria bao giờ cũng là chứng nhân độc nhất vô nhị về cuộc đời thơ ấu và ẩn dật của Chúa Giêsu tại Nazaret, khi mẹ “hằng ghi nhớ những sự kiện ấy và suy niệm trong lòng” (Lc 2, 19) (63).

1.5. Đức Maria: môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu

Đức Maria đã theo sát Chúa Giêsu từng bước trong cuộc hành trình đức tin của mẹ. Mẹ theo Người trong những ngày đen tối tại Belem, và cuộc đời ẩn dật tại Nazareth, theo Người khi Người thi hành sứ vụ công khai. Và nhất là mẹ đã theo Người trong kinh nghiệm bi thương của Golgotha. Lúc này, khi mẹ ở với các tông đồ vào lúc bình minh của Hội Thánh, đức tin của mẹ lúc Truyền Tin được củng cố. “Bà sẽ cưu mang và sinh hạ một người con trai. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao… sẽ trị vì trong nhà Giacob đến muôn đời và triều đại của Người sẽ vô cùng, vô tận” (Lc 1, 26 – 38). Những biến cố vừa qua trên đồi Calvariô đã nhận chìm lời hứa ấy vào trong bóng tối, nhưng dưới chân thập giá, mẹ vẫn không mất đức tin. Và sau biến cố Phục Sinh, niềm hy vọng bắt đầu bừng lên le lói và lời hứa xưa đã thành hiện thực (64).

1.6. Đức Maria với Hội Thánh

Bây giờ, vào lúc bình minh của Hội Thánh, khi cuộc hành trình dài nhờ đức tin vừa mới khởi sự, Đức Maria đã ở với tất cả những người được coi là “mầm mống” của dân Israel mới. Mẹ có mặt ở giữa họ như một nhân chứng đặc biệt của mầu nhiệm Đức Kitô. Và Hội Thánh cùng với mẹ chuyên cần cầu nguyện và “chiêm ngắm mẹ dưới ánh sáng của Ngôi Lời làm Người” (65). Hội Thánh bao giờ cũng thế. Vì khi đi sâu hơn vào mầu nhiệm Nhập Thể siêu việt, bao giờ Hội Thánh cũng nghĩ về Mẹ của Đức Kitô với lòng tôn kính sâu xa. Đức Maria thuộc về mầu nhiệm Đức Kitô cách vô phương tháo gỡ và cũng thuộc về mầu nhiệm Hội Thánh ngay từ ban đầu, từ ngày khai sinh Hội Thánh. Dựa trên nền tảng những gì Hội Thánh đã có từ ban đầu và trên những gì Hội Thánh phải tiếp tục trở nên suốt thế hệ này sang thế hệ khác, ta tìm được đấng “đã tin rằng mọi lời Chúa phán sẽ được thực hiện” (x. Lc1, 45).

Chính lòng tin của Đức Maria đã đánh dấu lúc khởi đầu của Giao Ước vĩnh cửu của Thiên Chúa với con người trong Chúa Giêsu Kitô. Lòng tin anh hùng này của mẹ “đi trước” chứng tá của các tông đồ trong Hội Thánh, và bao giờ cũng ở giữa lòng Hội Thánh, kín ẩn như di sản đặc biệt của mặc khải của Thiên Chúa. Tất cả những ai, từ thế hệ này đến thế hệ khác, hễ đã chấp nhận chứng tá của các tông đồ đều tham dự vào di sản mầu nhiệm này, và theo một nghĩa nào đó, đều tham dự vào đức tin của Đức Maria (66). Vì thế mẹ không chỉ là mẹ của Đức Kitô thôi mà còn là mẹ của Hội Thánh nữa.

2. Đức Maria là mẹ Hội Thánh.

2.1. Thiên chức làm mẹ của Đức Maria.

Sau biến cố Phục Sinh và Thăng Thiên, Đức Maria đi vào phòng Tiệc Ly cùng với các Tông đồ đợi chờ Chúa Thánh Thần đến. Mẹ có mặt lúc này với tư cách là mẹ của Chúa vinh quang. Mẹ không chỉ là người “đi đầu trong cuộc lữ hành đức tin”, trung thành hợp nhất với Con mình đến tận chân thập giá mà mẹ còn là “tớ nữ của Chúa”, đã được để lại nơi thế gian này với tư cách là mẹ của Hội Thánh non trẻ: “Đây là mẹ anh” (Ga 19, 27). Từ đó bắt đầu nẩy sinh một mối dây ràng buộc đặc biệt giữa người Mẹ này với Hội Thánh. Vì Hội Thánh non trẻ ấy là hoa quả của Thập Giá và Phục Sinh của Con mẹ. Ngay từ đầu, Đức Maria đã hiến trọn mình cho bản vị và công việc của người Con ấy, nên mẹ không thể không đổ tràn trên Hội Thánh việc trao ban chính mình của một người mẹ. Sau khi Con không còn hiện diện cách hữu hình nữa, mẹ vẫn có mặt, để chuyển cầu cho mọi con cái mình, vẫn hợp tác với công trình cứu độ của Con (67).

2.2. Nguồn gốc của thiên chức làm mẹ của Đức Maria.

Thiên chức làm mẹ của Đức Maria, theo ý định của Thiên Chúa, xuất phát từ công nghiệp dẫy tràn của Đức Kitô. Thiên chức ấy được xây dựng trên, lệ thuộc cách tuyệt đối và chỉ có kết quả từ công nghiệp của Đức Kitô (68). Mẹ trở thành mẹ ta trong trật tự ân sủng. Nhờ sự vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức mến nồng nàn, Mẹ cộng tác với công trình cứu độ của Chúa Con, trong việc phục hồi sự sống thiêng liêng cho các tâm hồn (69). Thiên chức làm mẹ của mẹ đã được hoàn tất trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, khi mẹ đứng dưới chân thập giá. Lúc này, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến mối tương quan mới giữa Mẹ và Con. Đó cũng là toàn bộ sự thật Người muốn khẳng định. Nếu trước đây vai trò là mẹ nhân loại của Đức Maria có được phác hoạ rồi đi nữa, thì bây giờ mới được tuyên bố và thiết lập. Vai trò ấy nẩy sinh từ sự hoàn tất cách dứt khoát mầu nhiệm Vượt Qua của Đấng Cứu thế. Mẹ Đức Kitô, khi có mặt tại trung tâm của mầu nhiệm này – một mầu nhiệm bao gồm hết mọi người – đã được trao ban như mẹ của mỗi người và của toàn nhân loại. Chính vì thế mà Công Đồng Vatican II không ngại gọi “mẹ là mẹ của Đức Kitô và mẹ của toàn nhân loại” (70). Thiên chức làm mẹ“mới” này, nẩy sinh từ đức tin, chính là kết quả của việc mẹ tham dự vào tình yêu cứu độ của Con mình (71).

2.3. Mẹ chuyển cầu cho Hội Thánh

Công Đồng Vatican II quả quyết: “được cất nhắc lên trời, mẹ vẫn không bỏ qua vai trò cứu độ này, nhưng nhờ nhiều hình thức chuyển cầu, mẹ vẫn tiếp tục chuyển cầu cho ta những ơn cần thiết để đạt được ơn cứu độ” (72). Ngày xưa tại tiệc cưới Cana, mẹ đã chuyển cầu cho người ta thế nào, thì nay mẹ vẫn tiếp tục chuyển cầu cho Hội Thánh và thế giới như thế. “Nhờ lòng từ mẫu, mẹ vẫn quan tâm đến các em của Con mẹ, còn đang trong cuộc lữ hành dương thế ắp đầy những khó khăn, nguy hiểm, cho tới khi họ được đưa tới quê trời hạnh phúc” (73). Theo cách ấy, vai trò làm mẹ của Đức Maria vẫn không ngừng tiếp tục trong Hội Thánh qua việc chuyển cầu và Hội Thánh diễn tả niềm tin vào sự thật này qua các tước hiệu của mẹ: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Trung Gian (74).

2.4. Mẹ phục vụ Hội Thánh

Qua mầu nhiệm Đức Maria hồn xác về trời, Hội Thánh diễn tả niềm tin rằng Đức Maria được hợp nhất với Đức Kitô bằng một mối liên hệ mật thiết và vô phương tháo gỡ. Vì với tư cách là Trinh Nữ và là Mẹ, Đức Maria đã được kết hợp cách đặc biệt với Đức Kitô, khi Người đến lần thứ nhất thế nào, thì nhờ việc mẹ không ngừng hợp tác với Người, mẹ cũng sẽ được hợp nhất với Người trong khi mong đợi Người đến lần thứ hai như thế: “được cứu chuộc cách vô cùng siêu việt nhờ công nghiệp của Chúa Con” (75), mẹ cũng có được vai trò làm mẹ độc đáo ấy vào ngày cùng tận, khi “kẻ thù cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết” (1 Cr 15, 26). Trong lúc Truyền Tin, mẹ khẳng định rằng mẹ là “môn đệ” đích thật của Đức Kitô, Đấng đã tuyên bố rằng “Con Người đến không phải để được hầu hạ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28). Theo cách thức ấy, mẹ trở thành người đầu tiên trong số những người đang đưa dẫn anh chị em mình về với Đức Kitô nhờ việc phục vụ Đức Kitô nơi tha nhân với lòng khiêm tốn và kiên nhẫn. Theo Người, phục vụ chính là thống trị (76). Đức Maria đã đạt được “tình trạng tự do hoàng vương” chỉ các môn đệ Đức Kitô mới có: phục vụ nghĩa là thống trị (77).

Nếu như nhờ vâng phục cho đến chết trên thập giá (x. Pl 2, 8 – 9), Đức Kitô đã bước vào vinh quang, mọi sự đã phải qui phục Người cho tới khi chính Người và muôn loài phải qui phục Cha để Thiên Chúa là tất cả mọi sự trong mọi người (x. 1 Cr 15, 26 – 27), thì Đức Maria, vì là tớ nữ của Chúa, cũng được tham dự vào Vương Quốc của Con (78). Phục vụ mãi vẫn là vinh quang của mẹ. Được đưa lên trời, mẹ vẫn tiếp tục phục vụ “cho tới khi Con đặt mọi sự dưới chân Cha”. Như thế, khi được đưa về Trời, vì được hợp nhất với Con trong vinh quang, Đức Maria vẫn luôn hướng về sự viên mãn của Nước Thiên Chúa, khi “Thiên Chúa là tất cả mọi sự trong mọi người” (79).

Như thế, Đức Maria, Đấng đầy ân sủng, đã được đưa vào trong mầu nhiệm của Đức Kitô để thành mẹ Người và như thế cũng là mẹ Thiên Chúa. Qua Hội Thánh, mẹ vẫn ở trong mầu nhiệm ấy với tư cách là “người phụ nữ” được sách Sáng Thế (3, 15) và sách Khải Huyền, là đoạn đầu và đoạn kết của lịch sử cứu độ nói tới. Theo sự quan phòng của Thiên Chúa thì thiên chức làm mẹ của Đức Maria phải được đổ tràn trên Hội Thánh (80) để trong Hội Thánh, mẹ vẫn tiếp tục là mẹ và là trung gian của ân sủng.

3. Đức Maria là trung gian ân sủng

Cùng với thánh Phaolô, Hội Thánh biết và dạy rằng chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất: “Vì chỉ có một Thiên Chúa, và một đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, đó là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình làm giá chuộc muôn người” (1 Tm 2, 5- 6). Nhưng “thiên chức làm mẹ của Đức Maria đối với con người chắc chắn không che khuất hoặc giảm nhẹ sự trung gian duy nhất của Đức Kitô mà trái lại còn cho thấy rõ sức mạnh của sự trung gian ấy” (81).

3.1. Nguồn gốc của sự trung gian của Đức Maria.

Hội Thánh biết và dạy rằng “mọi tác động có tính cứu độ của Đức Maria trên con người đều xuất phát từ sự dãy tràn ân sủng của Đức Kitô, đều đậu lại trên sự trung gian của Người, hoàn toàn tùy thuộc, và có được sức mạnh từ sự trung gian ấy. Những tác động ấy chắc chắn không cản trở sự hợp nhất trực tiếp của các tín hữu với Đức Kitô mà trái lại còn nuôi dưỡng sự hợp nhất ấy nữa (82). Tác động cứu độ này được Chúa Thánh Thần duy trì, dưỡng nuôi, khi phủ bóng trên mẹ lúc Truyền Tin và không ngừng gìn giữ sự chuyển cầu của mẹ cho những anh em của Con mẹ (83).

3.2. Một sự trung gian độc đáo.

Sự trung gian của Đức Maria tự bản chất có liên hệ chặt chẽ với thiên chức làm mẹ của ngài. Sự trung gian này nặng tính chất của một người mẹ, nên khác hẳn với sự trung gian của các thụ tạo khác, là những người theo những cách thức khác nhau và bao giờ cũng phụ thuộc, tham dự vào sự trung gian duy nhất của Đức Kitô, dù sự trung gian của mẹ cũng là một sự trung gian được tham dự (84). Quả thế, không một thụ tạo nào có thể được xếp ngang hàng với Ngôi Lời Nhập thể và cũng là Đấng Cứu Thế, nhưng sự trung gian duy nhất của Đấng Cứu Thế không loại trừ mà tạo điều kiện cho các thụ tạo được cộng tác bằng nhiều cách, nghĩa là tham dự vào nguồn trung gian duy nhất này. Sự tốt lành duy nhất của Thiên Chúa trên thực tế được truyền thông cho các thụ tạo cách đa dạng (85).

Như thế, sự trung gian của Đức Maria chính là việc mẹ tham dự vào sự trung gian duy nhất của chính Đức Kitô. “Giáo Hội không ngại tuyên xưng mà luôn nghiệm thấy và nhắn nhủ các tín hữu ghi nhớ trong lòng để nhờ sự nâng đỡ và phù hộ từ mẫu của mẹ, họ được gắn bó mật thiết hơn với Đấng Trung Gian và Cứu Thế” (86). Đồng thời đây cũng là một vai trò đặc biệt và phi thường. Vai trò ấy xuất phát từ thiên chức làm mẹ Thiên Chúa. Vai trò ấy chỉ có thể được hiểu và sống trong đức tin dựa trên nền tảng của sự thật trọn vẹn của thiên chức làm mẹ. Vì được Thiên Chúa chọn là người mẹ trần gian của Người Con đồng bản thể với Cha và được chọn là “người bạn đường quảng đại” của Người trong công cuộc cứu thế, “mẹ cũng là mẹ của chúng ta trong trật tự ân sủng” (87). Vai trò này tạo nên một chiều kích đích thật của sự hiện diện của mẹ trong mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô và của Hội Thánh (88).

3.3. Sự trung gian do thiên chức làm mẹ.

Từ quan điểm ấy, một lần nữa, ta phải xem xét biến cố căn bản trong nhiệm cục cứu chuộc, nghĩa là việc Nhập Thể của Ngôi Lời lúc Truyền Tin. Vì biết rằng những gì thiên sứ nói là ý định của Đấng Tối Cao, mẹ đã thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc, 1, 38). Khoảnh khắc đầu tiên của việc tùng phục sự trung gian duy nhất “giữa Thiên Chúa và con người” – sự trung gian của Đức Kitô – chính là việc Đức Trinh Nữ Nazaret chấp nhận thiên chức làm mẹ. Mẹ đồng ý với việc tuyển chọn của Thiên Chúa, để nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa. Ta có thể nói rằng việc đồng ý với thiên chức làm mẹ này trước hết là kết quả của việc toàn hiến cho Thiên Chúa trong bậc đồng trinh. Nhờ tình yêu phu phụ, một tình yêu “hiến thánh” trọn vẹn một con người cho Thiên Chúa, Đức Maria đã chấp nhận việc tuyển chọn của mình với tư cách là Mẹ của Con Thiên Chúa. Nhờ tình yêu này, Đức Maria muốn được hiến dâng cho Thiên Chúa luôn luôn và trong mọi sự, bằng việc sống đồng trinh. Lời xin vâng của mẹ cho thấy rằng ngay từ ban đầu, mẹ đã chấp nhận và hiểu thiên chức làm mẹ của mình chính là việc dâng hiến toàn thân cho Thiên Chúa, dâng hiến trọn vẹn con người mẹ để phục vụ những kế đồ cứu độ của Đấng Tối Cao. Và suốt đời, mẹ đã tham dự vào cuộc sống của Chúa Giêsu Kitô, Con mẹ, theo cách thức hoàn toàn phù hợp với ơn gọi đồng trinh của mình (89). Thiên chức làm mẹ của Đức Maria tạo nên chiều kích đầu tiên và căn bản của sự trung gian, một sự trung gian hoà giải.

3.4. Trung gian hoà giải.

Đức Maria là người phụ nữ được liên kết cách độc đáo với công trình hoà giải nhân loại với Thiên Chúa. Theo kế hoạch của Cha, Đức Kitô sẽ hoàn tất công trình này nhờ hy tế của Người. Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng đã đặt Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội trước mắt chúng ta như khuôn mẫu cao cả nhất của việc cộng tác với công trình cứu độ. Tiếng “vâng” của mẹ không chỉ tạo nên việc chấp nhận thiên chức làm mẹ thôi mà trước hết còn biểu thị việc Đức Maria hiến mình phục vụ mầu nhiệm Cứu Chuộc. Việc cứu chuộc là công trình của Con mẹ. Đức Maria được liên kết với công trình ấy ở mức độ phụ thuộc. Nhưng việc tham dự của mẹ là tham dự thật và là điều kiện tất yếu. Khi đồng ý với sứ điệp của thiên thần, Đức Maria đã đồng ý cộng tác vào toàn bộ công trình hoà giải nhân loại với Thiên Chúa, hệt như Con mình vậy (90).

Như thế, vì đã được “đầy ân sủng”, được “cộng tác cách mật thiết” với Con trong nhiệm cục cứu chuộc, và nhờ việc dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa cùng với Con, mẹ đã trở thành trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Có lẽ vì thế mà nhiều thánh giáo phụ và Đức Gioan Phaolô II đã gọi mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc.

4. Đức Maria là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc

4.1. Những lần Đức Gioan Phaolô II gọi mẹ là Đấng “Đồng Công Cứu Chuộc”

Ít nhất có năm lần trong các tuyên bố công khai, Đức Gioan Phaolô II đã gọi mẹ như thế.

– Ngày 8.9.1982, khi chào hỏi các bệnh nhân ngài nói: “Nhờ việc cưu mang và sinh con không tỳ ố, Đức Maria đã tham dự vào những đau khổ của Con Thiên Chúa cách tuyệt vời, để trở nên Đấng Đồng Công Cứu Chuộc của nhân loại” (91).

– Vào ngày lễ thánh Charles Borromeo năm 1984, bổn mạng ngài, đức thánh cha đã đưa ra những suy nghĩ này sau Kinh Truyền Tin tại Arona: “Thánh Charles luôn hướng về Đức Trinh Nữ – Đấng Đồng Công Cứu Chuộc – cách đặc biệt (92).

– Ngày 31.1.1985, ngài nói tại Đền Đức Maria, Guayaquil, Ecuador như sau: “Các Tin Mừng không nói gì về Đức Kitô phục sinh hiện ra cho Đức Maria. Nhưng, vì mẹ gần gũi cách đặc biệt với Thập Giá của Con, nên mẹ cũng phải có được một kinh nghiệm đặc biệt về sự Phục Sinh của Người. Thật vậy, vai trò là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc của Đức Maria đã không chấm dứt với việc Con mẹ được tôn vinh” (93).

– Ngày Lễ Lá 31.3. 1985, đại hội giới trẻ, cũng trong luồng tư tưởng ấy, đức thánh cha đã nói về việc Đức Maria dìm mình vào trong mầu nhiệm khổ nạn của Đức Kitô như sau: “Lúc này, khi đọc kinh Truyền Tin vào ngày Lễ Lá, ngày mà phụng vụ gọi là Chúa Nhật khổ nạn, ta hướng lòng về Đức Maria, Đấng đã dìm mình vào trong mầu nhiệm của một sự khổ đau khôn lường. Đức Maria đã đồng hành với Con Thiên Chúa cách kín đáo nhất, khi ghi nhớ tất cả mọi sự và suy niệm trong lòng. Trên đồi Calvariô, dưới chân thập giá, trong sự đau khổ mênh mang và trong chiều sâu thẳm của lễ hy sinh của mình, mẹ có thánh Gioan bên cạnh… nguyện xin Đức Maria, vị Bảo Trợ, Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, Đấng ta đang tha thiết cầu xin, làm cho ước vọng của ta hợp nhất cách quảng đại với ước vọng của Đấng Cứu Thế” (94).

– Tương tự như thế, khi tưởng niệm sáu trăm năm thánh nữ Birgitta được phong thánh, đức thánh cha nói: “Thánh Birgita đã nhìn lên Đức Maria như mẫu mực và sự nâng đỡ trong những lúc khoảnh khắc khác nhau trong cuộc sống. Thánh nhân đã nói cách mạnh mẽ về đặc ân Vô Nhiễm Thiên Chúa ban cho mẹ, đã chiêm ngưỡng sứ mạng lạ lùng của mẹ trong cương vị là Mẹ Đấng Cứu Độ. Thánh nhân kêu cầu mẹ với tư cách là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Mẹ Sầu Bi và Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, khi ca tụng vai trò độc nhất vô nhị của Đức Maria trong lịch sử cứu độ và trong đời sống của Dân Kitô giáo (95).

Như thế, Đức Gioan Phaolô II đã nhiều lần gọi Đức Maria là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, nhưng đồng công cứu chuộc theo ngài là gì?

4.2. Ý nghĩa của việc Đồng Công Cứu Chuộc theo Đức Gioan Phaolô II.

4.2.1. Đồng Công Cứu Chuộc

Khi nói về việc đồng công cứu chuộc, đức Gioan Phaolô II đã không nói theo cảm tính mà đã dựa vào nền tảng Thánh Kinh, được thánh Phaolô nói tới trong thư Côlôsê: “Giờ đây, tôi vui mừng chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24). Trong Tông Thư Salvifici Doloris, đức thánh cha khẳng định rằng những đau khổ của Đức Kitô tạo nên lợi ích cho ơn cứu chuộc trần gian. Lợi ích này tự nó là vô cùng, vô tận. Không ai có thể thêm gì vào đó cả. Nhưng đồng thời, trong mầu nhiệm Hội Thánh là Thân Thể Người, theo một nghĩa nào đó, Đức Kitô đã mở rộng sự đau khổ của Người ra cho nỗi đau khổ của toàn nhân loại. Khi nào con người tham dự vào những đau khổ của Người, thì khi ấy Người cũng hoàn tất nỗi khổ đau Người đã chịu để cứu chuộc trần gian (96).

Như thế không có nghĩa là ơn cứu chuộc Đức Kitô đạt được chưa hoàn tất, mà chỉ muốn nói rằng ơn cứu chuộc, đạt được nhờ tình yêu thoả đáng, vẫn tiếp tục mở ra cho mọi tình yêu được diễn tả trong đau khổ của con người. Trong chiều kích này của tình yêu, ơn cứu chuộc đã hoàn tất cách hoàn toàn rồi, theo một nghĩa nào đó, vẫn đang không ngừng được hoàn tất. Đức Kitô đã đạt được ơn cứu chuộc, nhưng Người vẫn không đẩy ơn cứu chuộc ấy tới hồi chấm dứt. Trong sự đau khổ có tính cứu chuộc của Người, Đức Kitô vẫn mở mình ra cho mọi nỗi thống khổ của con người và Người vẫn luôn luôn như vậy. Đó là một phần của chính bản chất của cuộc khổ nạn cứu chuộc của Đức Kitô. Cuộc khổ nạn ấy vẫn đòi phải luôn luôn hoàn tất (97).

4.2.2. Việc đồng công cứu chuộc của những con người được cứu độ.

Việc đồng công cứu chuộc đạt được một hình thức độc đáo nơi Đức Maria, nhờ thiên chức làm mẹ là mẹ của ngài. Nhưng, ta phải nói về việc đồng công cứu chuộc ấy trong một bối cảnh rộng hơn nhiều, để có thể bao gồm tất cả những người được mời gọi hợp nhất chính mình với ơn cứu chuộc. Theo nghĩa này, mọi người đều được tiền định để sống như “những người đồng công cứu chuộc”, và chính Hội Thánh cũng là một người đồng công cứu chuộc. Trong lãnh vực này, ta không thể quên khẳng định của thánh Phaolô về việc tham dự vào con đường cứu chuộc của Đức Kitô: khi chịu Thánh Tẩy, ta được “cùng mai táng với Đức Kitô” (Rm 6,4); trong đức tin, ta đã được cùng Người trỗi dậy (Cl 2, 13; 3,1); Thiên Chúa đã cho ta được cùng sống với Đức Kitô … và đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời” (Ep 2, 5-6). Việc tham dự này, xuất phát từ hành động cao cả của Chúa Cha, cũng ám chỉ tới việc tham dự của đích thân chúng ta. Được trở nên những người được tham dự vào sự sống mới của Đức Kitô, ta có khả năng cộng tác vào công trình cứu độ. Thánh Phaolô đã ý thức về sứ mạng của ngài, khi tuyên bố: “Chúng tôi là những cộng tác viên của Thiên Chúa” (1 Cr 3, 9) (98).

4.2.3 Việc đồng công cứu chuộc của Đức Maria.

Điều cũng chính xác theo Tin Mừng và lịch sử, đó là nơi đầu tiên và cao trọng nhất bên cạnh Đức Kitô bao giờ cũng là Mẹ Người, vì mẹ đã dùng cả cuộc đời để làm chứng cho Tin Mừng đặc biệt này về sự đau khổ. Mẹ đã phải chịu nhiều nỗi thống khổ sâu xa đến nỗi những thống khổ ấy không chỉ là bằng chứng của một đức tin không hề lay chuyển của mẹ thôi mà còn là một góp phần của mẹ vào ơn cứu chuộc của mọi người. Chính khi ở trên đồi Calvariô mà nỗi thống khổ của mẹ, bên cạnh những khổ đau của Chúa Giêsu, đã đạt đến một chiều sâu khó có thể tưởng tượng được theo quan điểm con người, nhưng nỗi đau ấy lại đem lại ơn cứu chuộc cho toàn thế giới cách huyền nhiệm và siêu việt. Việc mẹ lên đồi Calvariô và đứng dưới chân thánh giá với người môn đệ Chúa yêu chính là việc mẹ tham dự cách đặc biệt vào cái chết cứu chuộc của Con mình (99).

Như thế, qua hai đoạn văn trong Tông Thư Salvifici Doloris, đức thánh cha đã cho thấy những điểm nhấn quan trọng trong vai trò đồng công cứu chuộc của Đức Maria. Một mặt, những đau khổ của Đức Kitô tạo nên lợi ích cho ơn cứu chuộc trần gian. Lợi ích này tự nó là vô cùng, vô tận. Không ai có thể thêm gì vào được cả. Mặt khác, nỗi thống khổ của Đức Maria trên đồi Calvariô, bên cạnh những khổ đau của Chúa Giêsu đã đạt đến một chiều sâu đến độ, theo quan điểm con người, khó có thể tưởng tượng được, nhưng lại đem lại hoa trái cứu chuộc cho trần gian cách huyền nhiệm và siêu việt. Như thế, đức thánh cha đã ủng hộ nguyên tắc cho rằng những đau khổ của Đức Kitô đủ để đem lại ơn cứu độ cho trần gian, trong khi cũng khẳng định rằng nỗi thống khổ của Đức Maria “cũng đem lại hoa quả cứu chuộc cho trần gian cách huyền nhiệm, siêu việt. Đây là một sự thật hiển nhiên, ta có thể khám phá được trong cuộc đời các thánh trong suốt lịch sử Hội Thánh từ thời các tông đồ cho tới thời đại ta hôm nay (100).

IV. ĐỨC MARIA TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

1. Tương quan của mẹ với con.

Bản chất của thiên chức làm mẹ chính là mối bận tâm đối với con người. Thiên chức làm mẹ bao giờ cũng thiết lập một mối tương quan độc đáo và không thể lặp lại được giữa hai người: giữa mẹ với con và giữa con với mẹ. Cả khi người phụ nữ ấy cũng là mẹ của nhiều đứa con khác, mối tương quan đích thân của bà với mỗi đứa con cũng thuộc bản chất của thiên chức làm mẹ. Vì mỗi đứa con đều được sinh ra cách độc nhất vô nhị. Mỗi đứa con đều được bao bọc trong cùng một cách bởi tình mẫu tử, chính nhờ tình mẫu tử ấy mà đứa trẻ phát triển đến mức của một người trưởng thành (101).

2. Tương quan giữa Đức Maria với con người.

Ta có thể nói rằng thiên chức làm mẹ ấy “trong trật tự ân sủng” cũng giống như trong trật tự tự nhiên vậy, bao giờ cũng có đặc tính là sự hợp nhất giữa mẹ và con. Dưới ánh sáng này, ta sẽ dễ hiểu hơn vì sao trong di chúc của Chúa Giêsu trên đồi Golgotha, thiên chức làm mẹ mới của Mẹ Người được diễn tả cách độc đáo, lại chỉ liên quan tới một người duy nhất: “Đây là con bà” (102).

Những lời này cho thấy cách đầy đủ chiều kích có tính Maria của cuộc sống người môn đệ Đức Kitô. Điều này không chỉ đúng với thánh Gioan, lúc ấy đứng dưới chân thập giá cùng với mẹ của Thầy mình thôi, mà còn đúng cho mọi môn đệ Đức Kitô, mọi Kitô hữu nữa. Đấng Cứu thế giao phó mẹ mình cho người môn đệ và đồng thời cũng trao mẹ cho ông với tư cách là mẹ. Thiên chức làm mẹ của Đức Maria, nay là di sản của con người, là một ơn chính Đức Kitô đích thân ban cho mọi người. Đấng Cứu thế trao phó Đức Maria cho thánh Gioan vì Người cũng trao phó thánh Gioan cho Đức Maria. Dưới chân thập giá lúc này đang diễn ra việc trao phó cách đặc biệt toàn nhân loại cho Mẹ Đức Kitô, một sự trao phó mà trong lịch sử Hội Thánh đã được thực hiện và diễn tả trong nhiều cách. Người môn đệ và cũng là tác giả Tin Mừng ấy, sau khi thuật lại những lời Chúa Giêsu nói với mẹ Người và với mình, đã thêm (103):

“Và từ giờ ấy môn đệ đã đem mẹ về nhà mình” (Ga 19, 27). Tuyên bố này chắc chắn muốn nói đến vai trò của người con được gán cho người môn đệ này và ông đã lãnh trách nhiệm về mẹ của người Thầy yêu quí. Và từ lúc Đức Maria được đích thân trao ban cho ông với tư cách là mẹ, dù gián tiếp, mọi sự đều nằm trong mối tương quan mật thiết giữa mẹ và con. Và tất cả những thứ ấy có thể được tóm gọn trong một lời duy nhất này “ký thác”. Sự ký thác này là sự đáp trả lại tình yêu của một con người và cách riêng, là sự đáp trả lại tình yêu của một người mẹ (104).

3. Tương quan giữa Hội Thánh với Đức Maria.

Chiều kích có tính Maria của cuộc sống người môn đệ Đức Kitô được diễn tả cách đặc biệt nhờ việc ký thác của người con thảo cho mẹ Đức Kitô, khởi sự với di chúc của Đấng Cứu Thế trên đồi Golgotha. Khi ký thác chính mình cho Đức Maria trong tình con thảo, hệt như thánh Gioan, Kitô hữu cũng “đón” Mẹ Đức Kitô “vào trong nhà mình” (105), và đem mẹ vào trong mọi sự làm nên cuộc sống nội tâm của mình, nghĩa là, đưa vào trong bản vị của con người và bản vị Kitô hữu của ông. Như thế, Kitô hữu tìm cách để được đưa vào trong tình mẫu tử của mẹ, một tình mẫu tử mà mẹ đã sử dụng để “chăm sóc cho những người em của Con mình” (106), mẹ cộng tác (107) để làm cho họ được sinh ra và lớn theo mức độ ân sủng được ban cho mỗi người nhờ quyền năng của Thần Khí Đức Kitô. Thiên chức làm mẹ trong Thần Khí ấy đã trở thành vai trò của Đức Maria khi ở dưới chân thập giá và trong phòng Tiệc Ly (108).

4. Mẹ đưa ta vào trong Chúa Giêsu.

Mối tương quan con thảo này, việc tự trao phó chính mình này của một người con cho mẹ mình, không chỉ bắt nguồn từ nơi Đức Kitô mà còn phải luôn qui hướng về Đức Kitô. Vì Đức Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Người là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6), chính Người là Đấng Cha ban cho thế gian, để thế gian “khỏi phải hư mất nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16), nên ta có thể nói rằng Đức Maria vẫn tiếp tục nói với mỗi người những lời xưa mẹ đã nói tại Cana: “Người bảo gì thì cứ thế mà làm”. Đức Trinh Nữ Nazaret đã trở thành “chứng nhân” đầu tiên của tình yêu cứu độ này của Chúa Cha và mẹ cũng muốn là người nữ tỳ khiêm hạ mọi lúc, mọi nơi. Đối với mọi Kitô hữu và mọi người, Đức Maria là người đầu tiên đã tin và chính nhờ đức tin của mẹ trong cương vị là Hiền Thê và Hiền Mẫu, mẹ vẫn muốn tác động trên tất cả những ai phó thác chính mình cho mẹ, với tư cách là con cái. Và rõ ràng là những người con ấy của mẹ càng bền đỗ và tiến triển trong thái độ này, thì Đức Maria càng đưa họ tới gần “sự phong phú khôn lường của Đức Kitô” (Ep 3, 8). Và như thế họ sẽ ngày càng nhận rõ hơn phẩm giá của con người trong sự viên mãn của nó và nhận ra ý nghĩa của ơn gọi của mình, vì “Đức Kitô luôn mặc khải trọn vẹn con người cho chính bản thân mình” (109).

5. Đức Maria với phụ nữ.

Chiều kích Maria của đời sống Kitô hữu luôn mặc một tầm quan trọng đặc biệt trong mối liên hệ với phụ nữ và tình trạng của họ. Thật vậy, phụ nữ có một mối tương quan độc đáo với Mẹ Đấng Cứu Thế. Khuôn mặt của Đức Maria Nazaret toả sáng cách đặc biệt trên phụ nữ theo nghĩa hẹp. Trong biến cố siêu phàm của cuộc Nhập Thể của Con mình, Thiên Chúa đã ký thác chính mình cho thừa tác vụ này, thừa tác vụ tự do và chủ động của một phụ nữ. Như thế, ta có thể nói rằng, nhờ nhìn lên Đức Maria, phụ nữ tìm được nơi mình bí quyết để sống nữ tính của mình với lòng tự trọng và bí quyết để đạt được vị thế của mình. Trong ánh sáng của Đức Maria, Hội Thánh thấy được nơi khuôn mặt phụ nữ, những phản ảnh của một vẻ đẹp, một vẻ đẹp phản chiếu những tình cảm cao cả nhất chỉ tâm hồn con người mới có thể có được: việc tự hiến toàn thân của tình yêu; sức mạnh để có thể chịu đựng những đau khổ lớn nhất; sự trung thành không giới hạn và dấn thân làm việc cách không mệt mỏi; khả năng kết hợp trực giác sắc sảo với những lời nâng đỡ, ủi an (110).

6. Mầu nhiệm Đức Maria và mầu nhiệm Hội Thánh.

6.1. Trên trời, Mẹ vẫn tiếp tục làm mẹ Hội Thánh.

Tại công đồng, đức Phaolô VI đã long trọng tuyên bố Đức Maria là mẹ Hội Thánh, “nghĩa là Mẹ của toàn dân Kitô giáo, mẹ của cả các tín hữu lẫn mục tử” (111). Sau này, vào năm 1968, ngài lại tuyên bố lại chân lý này, thậm chí còn mạnh hơn bằng như lời sau: “Chúng ta tin rằng Mẹ Chí Thánh của Thiên Chúa, Evà mới, Mẹ của Hội Thánh, trên trời vẫn tiếp tục vai trò làm mẹ đối với mọi chi thể của Đức Kitô, bằng cách cộng tác vào việc làm cho sự sống Thiên Chúa nẩy sinh và lớn lên trong linh hồn của những người được cứu độ” (112).

Giáo huấn của Công Đồng Vatican II nhấn mạnh rằng sự thật liên quan tới Đức Trinh Nữ Diễm Phúc, Mẹ Đức Kitô, là một sự trợ giúp hiệu quả trong việc đào sâu hơn sự thật liên quan tới Hội Thánh. Khi nói về Hiến Chế Lumen Gentium, vừa được phê chuẩn, đức thánh cha Phaolô VI nói: “Sự hiểu biết về giáo lý Công Giáo đích thật liên quan tới Đức Trinh Nữ Diễm Phúc bao giờ cũng sẽ là chìa khoá để có được một hiểu biết chính xác về mầu nhiệm của Đức Kitô và của Hội Thánh” (113). Đức Maria vẫn đang hiện diện trong Hội Thánh với tư cách là Mẹ Đức Kitô và đồng thời với tư cách là người Mẹ mà Đức Kitô, trong mầu nhiệm cứu chuộc, đã trao phó cho nhân loại trong con người của thánh Gioan (114).

Như thế, trong thiên chức làm mẹ mới trong Thần Khí của mẹ, Đức Maria vẫn đang ôm ấp mọi người và mỗi người trong Hội Thánh, và ôm ấp mỗi người và mọi người nhờ Hội Thánh. Theo nghĩa này, Đức Maria, Mẹ của Hội Thánh, cũng là khuôn mẫu của Hội Thánh. Quả thế, Đức thánh cha Phaolô VI hy vọng và xin Hội Thánh phải rút ra được từ “nơi Đức Trinh Nữ, mẹ Thiên Chúa một hình thức chân thực nhất của việc noi gương Đức Kitô cách trọn hảo” (115).

6.2. Hội Thánh luôn hướng nhìn lên mẹ.

Nhờ mối dây liên kết đặc biệt này giữa Mẹ Đức Kitô và Hội Thánh mà ta hiểu rõ hơn mầu nhiệm “người phụ nữ”, xuất hiện từ những chương đầu trong sách Sáng Thế đến sách Khải Huyền. Người phụ nữ ấy hiện vẫn tháp tùng kế đồ cứu độ của Thiên Chúa đối với con người. Vì Đức Maria, Đấng hiện diện trong Hội Thánh với tư cách là Mẹ Đấng Cứu Thế, vẫn luôn tham gia vào “cuộc chiến vĩ đại chống lại các thế lực tối tăm” (116), một cuộc chiến kéo dài suốt lịch sử nhân loại. Và do việc mẹ được đồng hoá với người phụ nữ “mình mặc mặt trời” (Kh 12, 1), nên ta có thể nói rằng “trong Người Trinh Nữ Chí Thánh, Hội Thánh đã đạt đến một sự trọn lành, nhờ đó, mẹ hiện hữu cách không tỳ tích”. Vì thế, khi các Kitô hữu hướng về mẹ bằng ánh mắt đức tin trong suốt cuộc hành trình dương thế, họ “luôn cố gắng lớn lên trong sự thánh thiện” (117). Đức Maria, Nữ Tử Sion được tán dương, vẫn luôn trợ giúp mọi con cái mẹ, bất kể họ ở đâu và trong tình trạng nào, để họ tìm thấy trong Đức Kitô, con đường về nhà Cha (118).

Vì thế, suốt đời mình, Hội Thánh vẫn duy trì mối dây liên kết với Mẹ Thiên Chúa, một mối dây mà trong mầu nhiệm cứu độ, bao trùm cả quá khứ, hiện tại và tương lai và luôn tôn kính mẹ là mẹ thiêng liêng của toàn nhân loại và là trạng sư của ân sủng (119).

V. ĐỨC MARIA LÀ KHUÔN MẪU CỦA HỘI THÁNH

1. Ý định của Thiên Chúa về con người.

Hội Thánh ngay từ ban đầu đã xây dựng cuộc hành trình dương thế của mình theo khuôn mẫu cuộc hành trình của Mẹ Thiên Chúa, bằng cách không ngừng lặp lại những lời trong kinh Magnificat. Hội Thánh rút được sự thật về Thiên Chúa của Giao Ước trong những chiều sâu của đức tin của mẹ lúc Truyền Tin và Thăm Viếng: Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng và luôn làm những điều “cao cả” cho con người, “danh Ngài chí thánh, chí tôn”. Trong kinh Magnificat, Hội Thánh thấy tội xưa, tôi bất trung và bất tín của con người ngay từ khởi đầu của lịch sử đã bị đánh bật. Trái nghịch với sự bất tín mà “cha đẻ của sự gian dối” gieo vào lòng Evà, người phụ nữ đầu tiên, Đức Maria, Đấng mà Truyền Thống quen gọi là “Evà mới” và là mẹ thật của chúng sinh, đã mạnh dạn công bố sự thật đã bị che khuất về Thiên Chúa: Thiên Chúa chí thánh và toàn năng, ngay từ ban đầu đã là nguồn của mọi ân phúc, “đã và vẫn đang làm những điều cao cả” nơi mẹ cũng như trên toàn vũ trụ này. Trong việc tạo dựng, Thiên Chúa đã cho muôn loài hiện hữu. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã ban cho họ phẩm giá của những kẻ được mang hình ảnh và giống như Ngài cách đặc biệt so với mọi loài thụ tạo khác. Hơn nữa, trong ước vọng muốn cho đi của Ngài, Thiên Chúa đã ban mình trong Người Con duy nhất, bất kể tội lỗi loài người. “Ngài đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3, 16). Đức Maria là chứng nhân đầu tiên của sự thật kỳ diệu này, một sự thật sẽ được hoàn tất cách trọn vẹn nhờ lời nói và việc làm của con mẹ và nhất là nhờ sự chết và phục sinh của Người (120).

2. Hội Thánh và sứ mạng được ủy thác.

Hội Thánh – ngay cả trong những thử thách và khổ đau, vẫn không ngừng cùng Đức Maria lặp lại lời kinh Magnificat ấy – luôn được gìn giữ nhờ sức mạnh của sự thật của Thiên Chúa, một sự thật Hội Thánh đang công bố cách đơn sơ qua lời kinh ấy. Đồng thời, nhờ sự thật này về Thiên Chúa, Hội Thánh cũng muốn toả sáng trên những con đường khó khăn, hỗn loạn của sự hiện hữu của con người trên trần gian này. Cuộc hành trình của Hội Thánh, vào lúc gần kết thúc thiên niên kỷ thứ hai này, có liên quan tới việc dấn thân cách mới mẻ cho sứ vụ của mình. Theo sát Đấng đã tự tuyên bố về mình: “Thần Khí Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan tin mừng cho người nghèo khó (x. Lc 4, 18), Hội Thánh suốt thế hệ này qua thế hệ khác, đã và hiện vẫn đang tìm cách hoàn tất nhiệm vụ này (121).

3. Hội Thánh theo gương mẹ.

3.1. Trở thành lời loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa cho những người nghèo khổ.

Lòng mến Hội Thánh dành ưu tiên cho người nghèo đã được mô tả cách kỳ diệu trong kinh Magnificat. Thiên Chúa của Giao Ước cũng chính là Đấng “lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những kẻ khiêm nhường… cho người nghèo khó được no đầy ân phúc, đuổi về tay không những người giàu có… dẹp tan phường lòng trí kiêu căng… lòng thương xót Chúa từ đời nọ tới đời kia dành cho ai biết kính sợ Người”. Đức Maria đã thấm đẫm tinh thần của “người nghèo của Thiên Chúa”, những người qua các Thánh Vịnh, vẫn đợi chờ ơn cứu độ từ nơi Thiên Chúa, khi đặt mọi tin tưởng vào Ngài (x. Tv 25; 31; 35; 55). Đức Maria đang thực sự công bố cuộc giáng lâm của “vị Mêsia của người nghèo” (x. Is 11, 4; 61, 1).

Kín múc từ cõi lòng Đức Maria, từ chiều sâu thẳm của đức tin của mẹ được diễn tả trong lời kinh Magnificat, Hội Thánh luôn canh tân ngày một hiệu quả hơn nơi mình ý thức rằng sự thật về Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ, Đấng là nguồn mọi ân sủng, không thể bị tách ra khỏi việc thể hiện lòng yêu thương Thiên Chúa ưu tiên dành cho người nghèo khó và khiêm hạ. Tình yêu được cử hành trong kinh Magnificat ấy, sau này sẽ được diễn tả trong lời nói và việc làm của Chúa Giêsu (122). Vì thế, Hội Thánh thấy mình có nhiệm vụ đề cao tầm quan trọng của “người nghèo” và “ưu tiên chọn người nghèo” trong thế giới của vị Thiên Chúa hằng sống. Đây là những vấn đề liên kết chặt chẽ với ý nghĩa của tự do và giải thoát của Kitô giáo. “Đức Maria đã hoàn toàn lệ thuộc Thiên Chúa và hướng hẳn về Ngài, và nay ở bên cạnh Con mình, mẹ vẫn là hình ảnh hoàn hảo của sự tự do và giải thoát của nhân loại và vũ trụ. Chính mẹ với tư cách là Mẹ và Khuôn Mẫu mà Hội Thánh phải hướng về, nếu muốn hiểu được ý nghĩa của sứ vụ của mình trong sự toàn vẹn của sứ vụ ấy” (123).

4. Mẹ là khuôn mẫu của Hội Thánh.

Mẹ Thiên Chúa được liên kết chặt chẽ với Hội Thánh, là khuôn mặt của Hội Thánh trong vấn đề đức tin, đức ái và sự hợp nhất hoàn toàn với Đức Kitô (124); trong sự trung thành tuyệt hảo với con người và sứ mạng của Đức Kitô (125); đón nhận lời Thiên Chúa với lòng trung tín (126). Hội Thánh luôn gần gũi mẹ và tìm cách nên giống như mẹ: “Noi gương mẹ của Chúa mình, và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh luôn gìn giữ sự tinh tuyền của một đức tin toàn diện, một đức cậy vững bền và một đức ái chân thành” (127).

Như thế, Đức Maria hiện diện trong Hội Thánh như một khuôn mẫu. Nhưng mầu nhiệm Hội Thánh cũng bao gồm việc sinh người ta vào trong một cuộc sống mới và bất tử: đây là thiên chức làm mẹ trong Thần Khí. Và ở đây, Đức Maria không chỉ là khuôn mẫu và khuôn mặt của Hội Thánh thôi mà mẹ còn hơn thế nữa. Vì “với tình mẫu tử, mẹ luôn cộng tác vào việc sinh hạ và làm cho các con cái của mẹ Hội Thánh lớn lên. Thiên chức làm mẹ của Hội Thánh được hoàn tất không chỉ theo khuôn mẫu và khuôn mặt của mẹ Thiên Chúa thôi mà cũng còn được hoàn tất nhờ sự cộng tác của mẹ nữa” (128).

VI. KẾT LUẬN

Như thế, các bút tích và các bài giảng của Đức Gioan Phaolô II cho thấy ngay từ thuở đời đời, Thiên Chúa đã chỉ có một kế hoạch duy nhất là tạo dựng con người để họ được tham dự vào bản tính Thiên Chúa của Ngài (x. 2 Pr 1, 4). Và Thiên Chúa giữ mãi kế hoạch ấy bất kể tội lỗi của con người. Thiên Chúa đã “thiên chúa hoá” con người bằng một giá rất đắt, đó là cho Con Người, Đấng đồng bản thể với Ngài, làm người. Ngay khi Con Thiên Chúa làm người, thì kế hoạch thiên chúa hoá con người của Thiên Chúa đã thành hữu hình. Nơi Con Ngài làm người, bản tính Thiên Chúa đã hợp nhất với bản tính con người. Trong cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, bản tính con người nơi Người đã hoàn toàn hợp nhất với bản tính Thiên Chúa, đến độ thánh Tôma phải thốt lên: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi” (Ga 20, 28). Từ lúc ấy, mãi mãi nơi Thiên Chúa có con người và nơi con người có Thiên Chúa. Đó là sự thật, một sự thật khiến con người không thể không ngỡ ngàng. Con người được tham dự vào bản tính Thiên Chúa trong Thần Khí! (129).

Đức Maria là người đầu tiên được diễm phúc đi vào trong Thiên Chúa. Và vì trên đồi Golgotha, mẹ đã chấp nhận mất tất cả, để con người cũng được phúc như mẹ, nên chắc chắn hôm nay, mẹ vẫn đang tìm mọi cách để chuyển cầu, để hướng dẫn người ta về nơi hạnh phúc. Mẹ có mặt tại trung tâm của mầu nhiệm này, trong ơn gọi muôn đời của con người theo kế hoạch quan phòng kỳ diệu đã có từ đời đời của Thiên Chúa. Mẹ vẫn đang có mặt, vẫn đang tham dự vào nhiều vấn đề phức tạp đang bao vây cuộc sống của các cá nhân, các gia đình và các quốc gia. Mẹ vẫn không ngừng giúp đỡ các Kitô hữu trong cuộc chiến trường kỳ chống lại sự ác, để bảo đảm rằng cuộc sống ấy sẽ không ngã và nếu có ngã, nó sẽ lại trỗi dậy (130).

Như thế, Đức Gioan Phaolô II không “sống và chết cho một bà Maria huyền thoại của Hội Thánh Công Giáo Rôma” (131), mà trái lại, ngài đang tôn kính một Đức Maria huyền nhiệm diệu kỳ, diễm phúc đã được mặc khải trong Kinh Thánh. Đức thánh cha chắc chắn đã có kinh nghiệm quí giá về tình mẫu tử của mẹ Thiên Chúa và cũng là mẹ của từng người trong nhân loại. Hội Thánh khẳng định lối sống của ngài và kêu gọi con cái mình bước theo vết chân ngài, sống và chết cho Đức Kitô và cho Đức Maria.

Bài viết này chắc chắn chỉ có thể phản ánh một phần nhỏ mối tương quan của Đức Gioan Phaolô II với Đức Maria. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều nghiên cứu sâu sắc hơn về đề tài phong phú và hấp dẫn này vì lợi ích của Hội Thánh và của toàn nhân loại.

Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R.

Chú thích

(1) The Evening Standard, London ngày 8.4.2005.
(2) David Cloud, Fundamental Baptist Information Service, P.O.610386, Port Huron, MI 48061, 866- 295-4143.
(3) “John Paul II’s Devotion to Mary”, Inside the Vatican, special insert, May 1996.
(4) John Paul Woos Straying Flock”, Christanity Today, 8.4.1996, tr. 94.
(5) w.w.w. ewtn.com
(6) Evangelium Vitae, 102c
(7) Evangelium Vitae, 105d.
(8) Xem Thông điệp Fulgens Corona (8.9.1953): AAS 45 (1953) 577- 592.
(9) Xem Redemptoris Mater, 48 – 49.
(10) Redemptoris Mater, 49c.
(11) Lumen Gentium, 69; Redemptoris Mater 50b.
(12) Rosarium Virginis Mariae, 1.
(13) Rosarium Virginis Mariae, 2
(14) David Cloud, Fundamental Baptist Information Service, P.O.610386, Port Huron, MI 48061, 866- 295-4143).
(15) Redemptoris Mater, 7a.
(16) Redemptoris Mater, 7b.
(17) Redemptoris Mater, 8c.
(18) Redemptoris Mater, 8b.
(19) Redemptoris Mater, 8d.
(20) Redemptoris Mater, 8e.
(21) LG 53; Redemptoris Mater, 9c.
(22) LG 53.
(23) Redemptoris Mater, 10
(24) Redemptoris Mater, 11.
(25) Redemptoris Mater 12b.
(26) LG, 56.
(27) LG 53.
(28) Thánh Augustinô, De Sancta Virginitate. III. 3: PL 40, 398; LG 53; Redemptoris Mater 13
(29) Redemptoris Mater 14
(30) Redemptoris Mater 17.
(31) Redemptoris Mater 17.
(32) Arthur Burton Calkins, Pope John Paul ‘s Teaching on Marian Coredemption, tr. 13
(33) Arthur Burton Calkins, Pope John Paul ‘s Teaching on Marian Coredemption, tr. 17.
(34) LG 58.
(35) Redemptoris Mater 18.
(36) LG 56
(37) LG 56.
(38) X. Adv. Haer., III, 22, 4; SC 211, 441); OR 26.10.1995, tr.4.
(39) Mulieris Dignitatem, 11d
(40) Mulieris Dignitatem, 11g
(41) Mulieris Dignitatem 11h; OR, 1399:3.
(42) Arthur Burton Calkins, Pope John Paul ‘s Teaching on Marian Coredemption, tr. 10.
(43) Mulieris Dignitatem, 11.
(44) Redemptoris Mater, 20a.
(45) Augustine, Sermon 25, 7:PL 46, 938; Redemptoris Mater, 20b;
(46) Redemptoris Mater, 20c.
(47) Redemptoris Mater, 20 d, e.
(48) Redemptoris Mater, 20 g.
(49) Redemptoris Mater, 20h.
(50) Redemptoris Mater, 39b.
(51) Redemptoris Mater, 36b
(52) Augustine, De Civitate Dei, XVIII, 51:CCL, 48, 650.
(53) LG 8; Redemptoris Mater, 25
(54) LG 8.
(55) Redemptoris Mater, 25c.
(56) LG 58.
(57) Redemptoris Mater, 25d.
(58) Redemptoris Mater, 26a.
(59) LG 63.
(60) Redemptoris Mater, 26b.
(61) Redemptoris Mater, 26c.
(62) LG 9.
(63) Redemptoris Mater, 26d.
(64) Redemptoris Mater, 26e.
(65) LG 65.
(66) Redemptoris Mater, 27.
(67) Redemptoris Mater, 40a.
(68) LG 60; Redemptoris Mater, 22.
(69) Redemptoris Mater, 22b.
(70) LG 53.
(71) Redemptoris Mater, 23a.
(72) LG 62.
(73) LG 62.
(74) LG 62; Redemptoris Mater, 40b.
(75) LG 53.
(76) LG 36; Redemptoris Mater, 41c.
(77) Redemptoris Mater, 41c.
(78) LG 36.
(79) Redemptoris Mater, 41d.
(80) Redemptoris Mater, 24b.
(81) LG 60.
(82) LG 60
(83) Redemptoris Mater, 38b.
(84) Xem công thức về Đấng Trung Gian “ad Mediatorem” của thánh Barnard, trong Dominica infra Oct. Assumptionis Sermo, 2; S. Bernard Opera, V. 1968, 263.
(85) LG 62; Redemptoris Mater, 38c.
(86) LG 62; Redemptoris Mater, 38d.
(87) LG 61.
(88) Redemptoris Mater, 38d.
(89) Redemptoris Mater, 39a.
(90) Inseg VI/1 91983) 1135 – 1136 [ORE 783].
(91) Inseg, V/3 (1982) 404.
(92) Inseg VII/2 (1984) 1151 [ORE 860:1].
(93) Inseg VIII/1 (1985) 318 -19 [ORE 876:7].
(94) Inseg VIII/1 91985) 889 – 90 [ORE 880:12].
(95) X. Perrella 144 – 149.
(96) Salvifici Doloris, 24.
(97) Inseg VII/1 (1984) 307.
(98) Jean Galot, S.J., “Maria Corredentrice: Controversie e problemi dottinali”, La Civiltà Cattolica 145 (1994, quadermo 3459- 3460) 215.
(99) Salvifici Doloris, 25; Inseg VII/1 (1984) 308 – 309.
(100) Arthur Burton Calkins, Pope John Paul ‘s Teaching on Marian Coredemption, tr. 3.
(101) Redemptoris Mater, 45a
(102) Redemptoris Mater, 45b
(103) Redemptoris Mater, 45c
(104) Redemptoris Mater, 45d
(105) Bản Văn Hy lạp cho thấy, đây không chỉ là việc đón tiếp theo nghĩa cho chỗ ở và lòng hiếu khách; mà còn cho thấy một sự hiệp thông sự sống giữa hai người do thực hiện những lời Chúa Giêsu nói khi hấp hối: x. Augustinô, In Loan. Evag. tract. 119, 3:CCL 36, 659. “Ong đưa mẹ về với mình, chứ không phải đưa vào đất đai, nhà cửa của mình.
(106) LG 62.
(107) LG 63.
(108) Redemptoris Mater, 45e
(109) GS 22; Redemptoris Mater, 46a.
(110) Redemptoris Mater, 46b.
(111) X. Pope Paul VI, Discourse of 21 November 1964: AAS 56 (1964) 1015.
(112) Pope Paul VI, Solemn Profession of Faith (30 June, 1968), 15: AAS 60 (1968) 438tt.
(113) Pope Paul VI, Discourse of 21 November 1964: AAS 56 (1964) 1015.
(114) Redemptoris Mater, 47b.
(115) Pope Paul VI, Discourse of 21 November 1964: AAS 56 (1964) 1516.
(116) GS 37.
(117) LG 65.
(118) Redemptoris Mater, 47d.
(119) Redemptoris Mater, 47e.
(120) Redemptoris Mater, 37a.
(121) Redemptoris Mater, 37b.
(122) Redemptoris Mater, 37c.
(123) Thánh Bộ Đức Tin, Giáo Huấn về Tự Do Và Giải Thoát của Kitô giáo (22.3.1986) 97.
(124) LG 63.
(125) Redemptoris Mater, 42b.
(126) LG 64.
(127) LG 64.
(128) LG 63.
(129) Redemptoris Mater, 51c
(130) Redemptoris Mater, 52 h.
(131) David Cloud, Fundamental Baptist Information Service, P.O.610386, Port Huron, MI 48061, 866- 295-4143).

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết