Từ 2 năm nay, 155 học sinh của thôn Đông Yên (thuộc giáo xứ Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) bị tước mất quyền đi học, một quyền căn bản. Báo chí nhà nước đổ tội cho phụ huynh các em, rằng chính họ không cho con em đi học. Nhưng sự thực thì hoàn toàn ngược lại: để làm áp lực buộc cha mẹ các em di dời không đúng quy định của pháp luật, chính quyền đã cho đập phá trường học và buộc học sinh, dù là học sinh cấp I và thậm chí mầm non, phải đi học xa nhà hơn 30km. Thế là 155 em học sinh vô tội đã bị chính quyền biến thành con tin…
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những gì đã và đang diễn ra ở Đông Yên, được phép của tác giả – ông JB Nguyễn Hữu Vinh, chúng tôi xin đăng lại loạt bài phóng sự “Thăm lại Đông Yên: Thảm cảnh của nhiều thế hệ”đã được đăng trên trang Blog của rfavietnam.com. Xin chân thành cám ơn tác giả.
***
- Đông Yên: Chúng tôi không hiểu vì sao bị đuổi đi
- Thăm lại Đông Yên: Thảm cảnh của nhiều thế hệ – Phần I
- Thăm lại Đông Yên: Thảm cảnh của nhiều thế hệ – Phần II
- Thăm lại Đông Yên: Thảm cảnh của nhiều thế hệ – Phần III
- Thăm lại Đông Yên: Thảm cảnh của nhiều thế hệ – Phần IV
Thăm lại Đông Yên: Thảm cảnh của nhiều thế hệ – Phần V
Không chỉ những người ở lại Đông Yên bị đẩy vào cảnh đường cùng. Con cái không được học hành, người dân bị cô lập giữa đống hoang tàn và tan hoang, mịt mù hiện tại chứ chưa nói đến tương lai. Họ được đối xử như những kẻ lưu đày trên chính mảnh đất họ bao đời khai khẩn và xây dựng, nơi họ được sinh ra, trên chính quê hương của họ
Mà những người ra đi cũng đã và đang chịu nhiều nỗi đớn đau, thua thiệt khi “mẹo lừa đã mắc vào khuôn”.
Đem người đẩy xuống giếng thơi
Những người dân Đông Yên chấp nhận di dời khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình đi lên vùng Đèo Con để lập cơ nghiệp mới. Đây là vùng đất nằm sát đường quốc lộ hiện nay. Tuy nhiên, từ bao đời nay, cha ông họ đã thừa kinh nghiệm khi chọn nơi để sinh sống và làm ăn, đã chừa những nơi mà giờ đây nhà nước lại đưa họ đến “tái định cư” để đất cha ông lại cho nhà cầm quyền bán cho Tàu Cộng.
Những người dân Đông Yên lên nơi mới định cư, đối diện với muôn vàn khó khăn và là những vấn đề không thể tự mình giải quyết. Hơn 1.100 hộ dân đến một khu vực chen chúc nhau nhưng rác thải không có nơi đổ và xử lý, gây sự ô nhiễm nặng nề. Mỏ đá suốt ngày nổ ầm ầm, rung chuyển nhà cửa, khói bụi mù mịt. Nước mỗi ngày chỉ bơm 4 tiếng đồng hồ, thời gian còn lại trong ngày muốn dùng thì… nhịn.
Một điều hết sức hài hước, là giá đền bù đất của dân bao đời nay khai khẩn, thì bị lấy đi chỉ đền bù 22.100 đồng/m2 đất ruộng, 16.700 đồng/m2 đất trồng cây lâu năm. Thế nhưng, chỉ để được cấp sổ đỏ, số tiền đã là 300.000 đồng/m2. Mỗi gia đình nếu muốn cấp sổ đỏ, phải mất số tiền là 120.000.000 đồng, Nghĩa là số tiền để được cấp sổ đỏ bằng số tiền đền bù cho 7.185 m2 cây lâu năm bị lấy đi. Những gia đình nào chưa có tiền, được hứa cho… nợ. Nhưng, đó chỉ mới là chuyện hứa, lời hứa của người cộng sản. Những nơi khác được “cho nợ” số tiền này, riêng bà con Đông Yên đã đi định cư, lời hứa này chưa được thực hiện dù đã có đơn từ, xin xỏ nhiều lần.
Rồi chuyện đền bù. Người dân Đông Yên đổ mồ hôi sôi nước mắt tạo dựng nơi quê quán của mình những công trình phúc lợi, đều đã được kiểm đếm trước khi ra đi. Nhưng khi đã ra đi đến nơi mới, thì nhà cầm quyền lơ luôn khoản đền bù đất đai và tài sản, công trình của người dân. Thậm chí, đến tiền ruộng đất của dân gửi tại ngân hàng nay bỗng nhiên bị phong tỏa mà cũng không có lý do(!)
Đó là những vấn đề thiết yếu của cuộc sống người dân nơi định cư mới, chưa nói đến những điều cần thiết cho đời sống văn hóa, tinh thần của người dân như sân vận động, nơi vui chơi cho con trẻ, những công trình công cộng phục vụ mấy ngàn con người… cho đến nay vẫn cứ bị lớ lờ lơ coi như không ai chịu trách nhiệm.
Đó là chuyện người đã “chấp hành đúng, đủ chính sách của đảng” để ra đi. Họ đang sống lay lắt khi chuyển lên nơi mới để tái định cư. Những gia đình có chút tiền đền bù, bây giờ không nghề nghiệp, không công việc, ngoài việc phải xây dựng cơ ngơi mới, thì miệng ăn núi lở, chẳng mấy chốc sẽ trở thành “giai cấp vô sản” – một lực lượng mà đảng cộng sản luôn cần, luôn muốn nó ngày càng đông đúc. Và hẳn nhiên, điều đó sẽ kéo theo tệ nạn xã hội, kéo theo sự suy đồi về đạo đức, đi ngược lại giáo lý và giáo luật… Con đường đó dường như đã được vạch sẵn cho người dân.
Nhìn lại hoàn cảnh người dân Đông Yên nói riêng và người dân Kỳ Anh đi tái định cư để lấy đất cho Tàu hôm nay, người dân xứ Nghệ Tĩnh chợt thấy tình cảnh của nàng Kiều ngày xưa hiển hiện:
Xót nàng chút phận thuyền quyên,
Cành hoa đem bán vào thuyền lái buôn.
Mẹo lừa đã mắc vào khuôn,
Sính nghi rẻ giá nghênh hôn sẵn ngày.
Nói lời rồi lại ăn lời được ngay
Trước hết, những khó khăn gian nan khi bỏ tất cả những gì đã chắt chiu xây dựng từ bao đời nay để đến lập cơ ngơi tại vùng đất mới, họ đã nhận được trước đó biết bao lời hứa hẹn và thái độ nhũn nhặn. Những lời hứa như mật ngọt của những người Cộng sản, tưởng rằng dân ta đã thừa kinh nghiệm sau 2/3 thế kỷ này đã có kinh nghiệm. Nhưng không phải thế. Những lời hứa, những sự nhũn nhặn của họ vẫn cứ phát huy tác dụng như thường.
Nào là những lời hứa của chủ tịch tỉnh hẳn hoi là sẽ hỗ trợ cho những người có giá trị tài sản được đền bù quá thấp để họ ổn định đời sống, nào là xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng đảm bảo môi trường, môi sinh cho khu tái định cư của người dân được sạch sẽ văn minh, nào là đảm báo các chính sách hỗ trợ ưu tiên…
Thế nhưng, lời hứa đó cũng chẳng khác lời thề hứa vào đảng rằng: “Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực, công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác” nhưng chẳng mấy chốc, khi nắm quyền trong tay, chính hệ thống các đảng viên đã biến thành “một bầy sâu” – Lời Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước – chuyên đục khoét, tham nhũng hàng đầu.
Rồi nào là “Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của
nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân…” nhưng chẳng mấy chốc lời thề này cũng là chuyện “cá trê chui ống”, các đảng viên chăm lo cho cái ghế ngồi để trục lợi cho bản thân và phe đảng của mình mà nhân dân nhiều khi thành “thế lực thù địch”. Do vậy, những lời hứa đối với giáo dân Đông Yên vẫn còn đó và việc thực hiện vẫn là một ẩn số.
Tuy nhiên, việc khai khống đất đai đền bù, việc tham nhũng thì vẫn cứ tiến hành đều đều và nhanh như chớp.
Sau nhiều lần đơn từ, công văn, thư kiến nghị gửi đi nhưng không thấy hồi âm, mới đây, linh mục Quản xứ Đông Yên đã gửi đơn đến Chủ tịch UBND Tỉnh và Đức Giám mục Giáo phận Vinh để nói lên những điều bội ước, thất hứa và những vấn nạn của Đông Yên hôm nay. Văn thư do Hội đồng mục vụ, cán bộ thôn và linh mục quản xứ đồng ký tên đã nêu rõ: “Vì vâng lời Đức Cha và tin vào những lời hứa của ông Chủ tịch Tỉnh đã hứa về việc quy hoạch cơ sở hạ tầng cho vùng tái định cư Đông Yên như điện, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi khác cũng như đời sống an sinh xã hội cho bà con Đông Yên. Nhưng cho đến nay các hạng mục trên chưa được đáp ứng gây bức xúc cho bà con Đông Yên”.
Văn thư cũng đã liệt kê 12 khoản mục mà nhà nước đã hứa long trọng, nhưng cũng long trọng thất hứa ngang nhiên, mặc dù đã có nhiều đơn từ, nhưng không được hồi đáp. Có lẽ đó cũng là đáp số của những lời hứa cộng sản như thể “là người đầy tớ trung thành tận tụy”, “vì hạnh phúc của nhân dân”… mà chúng ta vẫn nghe ra rả mỗi ngày?
Đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh
Trên phương diện lý thuyết và qua hệ thống tuyên truyền cộng sản, thì đây là một nhà nước “của dân, do dân, vì dân”. Hẳn nhiên nếu đúng thực chất nhà nước như vậy, thì họ sẽ thấy việc lo cho dân từ đời sống vật chất, tinh thần là trách nhiệm của mình. Ngay cả Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm, dù là việc nhỏ. Việc gì có hại cho dân, phải hết sức tránh, dù là việc nhỏ”. Không rõ mấy năm qua, trong cái gọi là phong trào “học tập và làm theo” ở nơi đây, hệ thống cầm quyền có nhắc đến mấy câu đó?
Cách đây vài ngày, tại Hoa Kỳ, Nguyễn Phú Trọng còn cao giọng rằng: “Tôi khẳng định rằng Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề nhân quyền, quyền con người”, và “Cộng đồng Việt Nam chúng tôi có lẽ chưa bao giờ có được một đời sống dân chủ như bây giờ.”
Có lẽ khi phát biểu những lời này, ông ta quên rằng ở Việt Nam, vẫn có nhiều nơi như Đông Yên? Hay ông ta cho rằng Đông Yên không thuộc “cộng đồng Việt Nam” của ông ta?
Mặc dù nơi định cư mới, nhà cầm quyền đang thất hứa đẩy cả mấy ngàn con người vào đời sống vô vọng và quẫn bách, nhưng họ vẫn hăng hái trong việc đập phá nhà xứ và công trình của giáo xứ Đông Yên, dù ở đó vẫn còn gần ngàn giáo dân sinh sống. Theo thói cậy súng và cậy bạo lực, nhà cầm quyền đã huy động công an, cảnh sát với các thiết bị mua bằng tiền dân đến đập phá các công trình họ đã xây bằng xương máu, mồ hôi và nước mắt bao đời.
Những lời hứa, những sự nhũn nhặn ban đầu đã tạo được chút lòng tin nơi Đức Giám mục Giáo phận và giáo quyền; các ngài đã hợp tác thời gian qua trong việc đưa mấy ngàn dân đến tình cảnh hiện tại. Thế nhưng, khi việc đập phá các công trình của giáo dân Đông Yên vấp phải sự phản đối quyết liệt của dư luận, thì lập tức, những luận điệu đảo ngược, bôi xấu giáo quyền được sử dụng.
Những sự trở mặt đó không lạ, người ta đã thấy xuất hiện ở Nghệ An qua các vụ việc như Ngọc Long và Mỹ Yên.
Mới đây, trong một cuộc họp do tỉnh Hà Tĩnh tổ chức, có mặt Đức Giám mục Giáo phận, một số linh mục cùng tham dự, cán bộ Hà Tĩnh đã “lên án” ĐGM đã “không thực hiện lời hứa khi di chuyển linh mục Tuấn khỏi Giáo xứ khi chưa đưa được giáo dân đi hết khỏi Đông Yên”(?) và ngay lập tức trên mạng Internet xuất hiện bài viết chửi rủa ĐGM Giáo phận mà ai cũng biết tác giả của những thứ bẩn thỉu đó là ai và từ đâu đến.
Cũng trong cuộc họp đó, một cán bộ tuyên bố rằng: “Khi Tòa Giám mục đã nhận tiền đền bù, theo luật, thì chúng tôi có quyền đập nhà thờ”. Tuy nhiên, cũng ngay lập tức, một linh mục đã có ý kiến rõ ràng: Việc đập phá công trình nhà thờ, là việc hết sức nghiêm trọng cần được sự đồng thuận của người dân. Nếu nhà cầm quyền lấy “luật” của mình để đập phá nhà thờ khi giáo dân còn đó, thì chúng tôi cũng thực hiện theo Luật của giáo hội – luật này được nhà nước hiển nhiên công nhận – rằng hễ còn giáo dân, thì chúng tôi còn phục vụ cho đến người cuối cùng. Dẫu cho phải dựng lều, cắm trại để phục vụ họ.
Có lẽ, cho đến bấy giờ sự “tử tế”, sự “hữu hảo” của những người cộng sản đã phần nào thể hiện khá đầy đủ qua vụ việc Đông Yên. Hậu quả của sự “tử tế” đó như thế nào, qua những chứng cứ nói trên, đã khá phong phú.
Thiết nghĩ rằng không cần quá nhiều ví dụ đau đớn hơn nữa.
Dẫu sao, một Đông Yên đã lâm vào tình cảnh hiện tại là điều những người có lương tri không ai mong muốn. Thế nhưng, nếu không rút ra những kinh nghiệm, những đúc kết, thì sẽ không chỉ có một Đông Yên, mà sẽ còn nhiều Đông Yên tương tự.
(Còn nữa)
Hà Tĩnh, Hà Nội, ngày 12/7/2015
J.B Nguyễn Hữu Vinh