Thảm họa Vũng Áng: Đường đi hay tối, nói dối hay cùng

Câu chuyện môi trường biển các tỉnh Miền Trung bị nhiễm độc nặng ngày càng trở nên khốc liệt.

Những sự thật không dễ che giấu

Sau khi hàng loạt các phát hiện mới đây được công bố trên các trang thông tin Nhà nước, thì không còn nghi ngờ gì nữa, biển miền Trung thực sự đã chết:

tho-lan

Các thợ lặn cho biết cá chết xếp lớp dưới đáy biển. Ảnh: Vietnamnet

Cá chết xếp lớp dưới đáy biển Quảng Bình, số lượng nhiều hơn rất nhiều so với những gì người ta được thấy.

Rạn san hô dưới biển Quảng Bình cũng đã chết. Khung cảnh trông như một nghĩa địa khổng lồ – một ngư dân thôn Nhân Nam (xã Nhân Trạch, Bố Trạch) khẳng định với các phóng viên.

Ngư dân đi biển thả lưới xong lưới sạch như mới. Tắm thì mẩn ngứa. Nước dưới tầng sâu vẩn đục khác thường, một lớp bùn đen kịt bao phủ các rạn san hô.

Nước biển khu vực gần Vũng Áng bỗng nhiên xuất hiện một dải nước đen kéo dài, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Ngư dân đau khổ gác thuyền. Nhân dân cả nước hoang mang lo lắng.

Và, sự thật lớn nhất chính là, nếu không giải quyết rốt ráo vụ việc thì nguy cơ biển nhiễm độc có thể lan tới tận Cà Mau, nhiều năm sau vẫn không tẩy rửa hết được, làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của giống nòi.

Ông nói gà, bà nói vịt

Trước áp lực của dư luận ngày càng phẫn uất vì sự chậm trễ trong việc tìm ra nguyên nhân gây ra thảm họa, trước câu hỏi nhức nhối không thể không trả lời về hậu quả khôn lường kéo dài nhiều thế hệ, trước mối nguy có thể gây đổ vỡ chế độ, nhất là trước sự thật sẽ trở thành tội đồ của dân tộc nếu tiếp tục giấu giếm sự thật, nhà chức trách đã thực sự lúng túng, bế tắc trong việc phải công bố nguyên nhân gây ra thảm họa.

Sự lúng túng ấy thể hiện rất rõ trong nội dung và trong cách trả lời báo chí của các cơ quan chức năng theo kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”.

Cụ thể, liên quan tới đường ống xả thải ngầm của Formosa ra biển Vũng Áng, chiều 23/4, trao đổi với các phóng viên bên lề cuộc họp với lãnh đạo 4 tỉnh miền Trung, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân khẳng định: “Đường ống xả thải ra biển của Formosa được cấp phép chứ không phải lắp đặt lén lút”.

Thế nhưng, ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, khi dẫn đoàn công tác đến thị xã Kỳ Anh lại khẳng định trái ngược hoàn toàn: “Đối với pháp luật VN, hệ thống xả thải mà lắp đặt ngầm là không cho phép. Chúng tôi đề nghị phải có biện pháp để giám sát, tiếp cận và quan sát hệ thống này” – báo Thanh niên trích lời.

Không dừng lại ở đó, chiều 6/5, Phó trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường tại Formosa – ông Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường  (Tổng cục Môi trường) – thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà,  đã trả lời phóng viên báo Dân trí về những kết quả điều tra bước đầu – bài báo này đã bị gỡ bỏ sau khoảng 2 tiếng xuất bản. Ông cho biết: “Nói về sai thì hôm qua tôi đã làm việc với ông Phó Tổng giám đốc Formosa, ông ấy thừa nhận rồi: Toàn bộ đường ống của họ là tự ý xây, không có thiết kế cơ sở xây dựng. Thứ hai nữa, Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng phê duyệt quy hoạch này cũng không có đoạn ấy” – theo báo Dân trí.

Đường đi hay tối, nói dối hay cùng

Sự lúng túng trong nội dung trả lời báo chí và trong cách hành xử kiểu câu giờ của các cấp chính quyền trong suốt thời gian hơn một tháng từ khi xảy ra thảm họa vừa qua, cho thấy rõ ràng, chính quyền đang cố tình che giấu một sự thật khủng khiếp liên quan tới nguyên nhân gây ra thảm họa.

Cho đến thời điểm hiện tại, sau khi nguyên nhân tảo độc tạo nên hiện tượng thủy triều đỏ bị loại trừ, cùng với những phát hiện bất thường chưa từng thấy xảy ra tại các bãi biển dọc các tỉnh miền Trung như: san hô bị chết, tắm mẩn ngứa, lưới được tẩy sạch hay dòng nước đen tại khu Vũng Áng,… thì nhiều người đã không ngần ngại chỉ rõ Formosa không còn là nghi can nữa, mà chính là thủ phạm gây nên thảm họa khủng khiếp tại các tỉnh duyên hải miền Trung lần này.

Lẽ dĩ nhiên, với một hệ thống quản lý xã hội đồ sộ, với những phương tiện hiện đại ngày nay, không ai có thể tin được rằng, sau hơn một tháng trời xảy ra thảm họa, nhà cầm quyền lại không thể tìm ra được đâu là nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường biển Miền Trung thời gian qua.

Nhiều người nhận định, vì đã có rất nhiều quan chức từ trung ương tới địa phương được lại quả hậu hĩnh trong thương vụ Formosa, nên buộc lòng nhà cầm quyền phải bưng bít thông tin, đánh lạc hướng dư luận, tìm cách cho chìm xuồng, bởi biết đâu sẽ bứt dây sẽ động rừng hay “đánh chuột sẽ vỡ mất bình”.

Ông bà ta thường nói “đường đi hay tối, nói dối hay cùng” là vậy.

Khi không có chính nghĩa, cố tình bưng bít, che giấu sự thật, thì một lúc nào đó sẽ bị lộ tẩy và hậu quả sẽ không ai có thể lường trước được.

7/5/2016

Gioan Nguyễn Thạch Hà

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết