Tăng cường cộng tác giữa các Giáo hội Kitô giáo tại Giêrusalem

Việc cung hiến ngôi đền ‘Edicule’ hay ngôi nhà nguyện xung quanh ngôi mộ của Chúa Giêsu tại Vương cung Thánh đường Mộ Thánh tại Giê-ru-sa-lem  gần đây, là một dấu chỉ quan trọng của sự hợp tác ngày càng gia tăng giữa các Giáo hội Kitô khác nhau tại Đất Thánh.

20170328 GiêrusalemĐó là quan điểm của một Linh mục người Bỉ – Cha Frans Bowen, một nhà truyền giáo của Châu Phi đã sống tại Giêrusalem trong thời gian gần 50 năm. Ngài cộng tác mật thiết với Vatican như một thành viên thuộc Uỷ ban quốc tế về đối thoại với các Giáo hội Chính Thống và Giáo hội Chính Thống Đông phương.

Trong một chuyến viếng thăm Giêrusalem cùng với Viện Đại Kết Tantur vào tuần trước, Philippa Hitchen – cộng tác viên Vatican Radio, đã có buổi nói chuyện với linh mục Frans về những mối quan hệ phức tạp giữa các Kitô hữu tại vùng đất nơi Chúa Giêsu sinh ra ….

Cha Frans giải thích rằng tại Giêrusalem, ba cộng đồng có thể rõ ràng nhận thấy nhất đó chính là nhà Giáo hội Chính Thống Hy Lạp, La Mã, (hoặc Công giáo La Mã) và Giáo hội Tông truyền Armenia. Các cộng đồng này là những nhóm cơ bản được đưa vào ‘Status Quo’ (nghĩa là ‘giữ nguyên hiện trạng’) quản lý việc coi sóc các thánh tích chính của Kitô giáo (Tòa Thượng phụ Latinh được đại diện bởi Cơ quan coi sóc Đất Thánh do các Tu sĩ Dòng Phanxicô chịu trách nhiệm).

Bên cạnh đó, có các Giáo hội Chính thống phương Đông, Copts, Syrians và Ethiopian với những cộng đồng nhỏ, cũng như các Giáo hội Công giáo Đông phương, đó là Công giáo Hy Lạp, Maronite, Syria và Công giáo Tông truyền Armenia.

Ngoài ra còn có một Giám mục Anh giáo và Lutheran tại Giêrusalem, cùng với nhiều cộng đồng Ngũ Tuần và Tin Lành nhỏ hơn, nhưng Cha Frans cho biết 12 Giáo hội chính với các cơ cấu Giám mục giờ đây đã có thể đáp ứng cách thường xuyên và đồng thời đã phát triển việc cộng tác chặt chẽ hơn trong những thập kỷ gần đây.

Các chuyến viếng thăm của các vị Giáo Hoàng đã thay đổi bầu không khí nơi đây

Trong khi các đoàn khách hành hương có thể mang về nhà một bức tranh căng thẳng giữa các Giáo hội, Cha Frans nói đây là điều mà các hướng dẫn viên thường lặp lại, nhưng nó không phản ánh tình trạng hiện tại của mối quan hệ. “Không khí nơi đây bắt đầu thay đổi với chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI” – Cha Frans nhớ lại – đặc biệt là cuộc gặp gỡ của Đức Phaolô VI với Thượng phụ Giêrusalem Benedictos, “bởi vì lần đầu tiên Đức Thượng phụ Hy Lạp cảm thấy được công nhận” và có thể bắt đầu phát triển mối quan hệ với các Giáo hội khác.

Vào những năm 1990 – Cha Frans tiếp tục – giữa những khó khăn chính trị của phong trào Intifada, các vị lãnh đạo các Giáo hội “đã cảm thấy sự cần thiết phải bàn bạc và xét xem họ có thể nói gì và cùng nhau thực hiện những gì”. Kể từ đó, các vị lãnh đạo các Giáo hội đã gặp nhau thường xuyên hơn, đưa ra các thông điệp chung nhân các dịp lễ quan trọng như Giáng sinh và Phục sinh cũng như một số tuyên bố chung khi tình hình đòi buộc.

Các mối quan hệ cá nhân vượt qua những nỗi sợ hãi

Việc cung hiến trong tinh thần đại kết gần đây của ngôi đền ‘Edicule’ hay ngôi nhà nguyện có chứa ngôi mộ của Chúa Giêsu bên trong Nhà Thờ Mộ Thánh chính là một sự phát triển quan trọng bởi vì phải mất gần 20 năm để các Giáo hội mới có thể đạt được thỏa thuận. Sự thay đổi từng chút một – Cha Frans nói – và “các mối quan hệ cá nhân đóng một vai trò quan trọng”. Công việc trùng tu cũng đang được tiến hành tại Thánh đường Giáng Sinh tại Bethlehem – một dự án “đã phải chờ đợi hàng thế kỷ”. Trích dẫn những lời của ĐTC Phanxicô – Cha Frans nói – “chúng ta sẽ tiếp tục bước đi bên nhau” và “đó là cách giúp chúng ta làm nên sự hiệp nhất”.

Chia sẻ về chuyến viếng thăm Thánh Địa vào năm 2014 của ĐTC Phanxicô, Cha Frans nói rằng nó có một tác động sâu sắc, như có thể được thấy qua những tuyên bố của Đức Thượng phụ Chính thống Hy Lạp – người đã “nói về cuộc đối thoại như Ngài chưa bao giờ thực hiện trước đây”. Vẫn còn rất nhiều nỗi sợ hãi cũng như những thành kiến, thế nhưng “những cuộc gặp gỡ cá nhân có thể thay đổi rất nhiều”.

Minh Tuệ (theo Radio Vatican)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube