Tại sao Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa bởi thẩm quyền luân lý của một vị Giám mục Công giáo 90 tuổi

Đức Hồng y Joseph Zen từ lâu đã ủng hộ những người biểu tình và chỉ trích Trung Quốc (Ảnh: AP / Kin Cheung)

Đức Hồng y Joseph Zen từ lâu đã ủng hộ những người biểu tình và chỉ trích Trung Quốc (Ảnh: AP / Kin Cheung)

Theo dự kiến ban đầu, Đức Hồng y Joseph Zen phải hầu tòa vào ngày 19 tháng 9 năm 2022, tại Hồng Kông vì vai trò là người được ủy thác của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612. Tổ chức này đã trả phí pháp lý và hóa đơn y tế cho những người Hồng Kông phản đối Dự luật sửa đổi Luật dẫn độ. Luật năm 2019 này sẽ cho phép dẫn độ sang Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nhiều cư dân coi đây là một sự phá hoại đối với hệ thống chính trị bán tự trị của Hồng Kông, dẫn đến các cuộc biểu tình quy mô lớn, sự bất ổn chính trị và cuộc đàn áp của cảnh sát. Nó cũng thúc đẩy Bắc Kinh can thiệp trực tiếp hơn nữa vào công việc quản trị của Hồng Kông.

Đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, việc tổ chức này ủng hộ những người biểu tình và bị cáo buộc thông đồng với các thế lực ngoại bang đã vi phạm luật an ninh quốc gia do đảng ủy quyền. Luật này kể từ đó đã được áp dụng hồi tố.

Với tư cách là nguyên Giám mục của Giáo phận Hồng Kông, Đức Hồng y Zen từ lâu đã ủng hộ những người biểu tình ở Hồng Kông, chỉ trích Bắc Kinh và chỉ trích mối quan hệ hợp tác của Vatican với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Người Công giáo Trung Quốc coi vụ bắt giữ là một nỗ lực nhằm đe dọa và ngăn chặn hoạt động tích cực trong cộng đồng Công giáo Hồng Kông.

Để hiểu lý do tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa bởi một người đàn ông 90 tuổi và đe dọa ngài bằng việc cầm tù ngài, điều quan trọng là phải vượt ra khỏi những ảnh hưởng cụ thể, hạn hẹp – chẳng hạn như một cộng đồng Công giáo đã bị dọa nạt khiến cho sợ hãi – và xác định các nguyên tắc được tổ chức bởi sự lãnh đạo. Với tư cách là một cựu nhà ngoại giao quân sự hiện đang nghiên cứu về mối liên hệ giữa triết học và chính sách đối ngoại, tôi cho rằng mối đe dọa của Đức Hồng y Zen đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc không nằm ở sự ủng hộ của ngài đối với việc cải cách dân chủ, mà là một nguồn cạnh tranh của quyền lực chính trị.

Đạo đức của đảng về hệ thống thứ bậc

Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục được định hình bởi các nguyên tắc của triết học cổ điển Trung Quốc. Bất chấp sự lên án chính thức trong những năm cầm quyền của Chủ tịch Mao, đảng gần đây đã nỗ lực củng cố nền tảng của tư tưởng cổ điển Trung Quốc nhằm hợp pháp hóa sự cai trị của chính mình.

Trong một bài phát biểu năm 1997 tại Đại học Harvard, Giang Trạch Dân – khi đó là Tổng bí thư đảng – đã ca ngợi tư tưởng cổ điển của Trung Quốc và gắn nó với các giá trị đương đại và sự phát triển của nhà nước. Ngày nay, Tổng Bí thư Tập Cận Bình thường xuyên đề cập đến triết học cổ điển trong các bài phát biểu của mình và lưu ý tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 rằng sự phát triển của chủ nghĩa xã hội với những những dấu nét riêng của Trung Quốc sẽ dựa trên tầm nhìn, các quan niệm, giá trị và chuẩn mực đạo đức truyền thống của văn hóa Trung Quốc.

Đạo đức cổ điển Trung Quốc bắt đầu với vị trí trung tâm hiện sinh của gia đình. Fan Ruiping, một nhà nghiên cứu về đạo đức Nho giáo tại Đại học Thành phố Hồng Kông, lưu ý rằng Nho giáo coi gia đình là cấu trúc cơ bản của sự tồn tại của con người, chứ không chỉ đơn thuần là một thiết chế xã hội. Do đó, gia đình trở thành tiêu chuẩn để đánh giá hành vi. Chẳng hạn, để bảo vệ gia đình, Khổng Tử cho rằng việc người con che giấu hành vi sai trái của cha là điều hợp đạo đức.

Theo Hoàng đế Vĩnh Lạc, một vị Hoàng đế trị vì vào thế kỷ 15, toàn bộ thế giới chính là gia đình. Trong hệ thống này, vị thế của một người được xác định bởi vai trò của một người, dựa trên năm mối tương quan trong Nho giáo: nhà cầm quyền với thần dân, cha với con, chồng với vợ, anh với em và bạn với bạn. Mỗi thành phần trong các mối tương quan này đều có tính tương hỗ và tôn ti trật tự. Cá nhân đạo đức phù hợp với vai trò của người đó trong xã hội và đối xử với người khác theo ý họ.

Nho giáo dạy rằng vị trhế và trách nhiệm của con người trong xã hội dựa trên năm hình thức chính của các mối tương quan (Ảnh: Getty Images)

Nho giáo dạy rằng vị thế và trách nhiệm của con người trong xã hội dựa trên năm hình thức chính của các mối tương quan (Ảnh: Getty Images)

Ngay cả trong xã hội Trung Quốc đương đại, bạn bè đối xử với nhau như anh cả và em ruột, như vậy trong mọi tình huống đều có mối quan hệ thứ bậc – một người bạn lớn tuổi được gọi là “anh cả” hoặc “chị cả”. Khi gọi một người khác là “anh cả”, vị thế của một người trong mối quan hệ tương hỗ đó – “trẻ hơn” – trở nên hiển nhiên.

Thông qua việc xác định gia đình là chuẩn mực đạo đức và sự mở rộng của nó trong toàn xã hội dựa trên năm mối tương quan, Nho giáo coi một xã hội đạo đức là một gia đình thống nhất, có trật tự thứ bậc. Đứng đầu hệ thống thứ bậc là Hoàng đế, người mà mối quan hệ với thần dân phản ánh mối quan hệ giữa cha và con. Một người phục tùng các nhà cầm quyền là người cũng sẽ phục tùng cha hoặc anh của mình.

Theo quan điểm này, xã hội được tổ chức tốt đẹp khi mỗi người hoàn thành vai trò được giao, dành sự tôn kính thích đáng đối với những người bề trên và hành động nhân từ đối với những người bề dưới. Như Khổng Tử đã tuyên bố: “Nhà cầm quyền là nhà cầm quyền; giáo sĩ là giáo sĩ; cha là cha; và con là con. Đó là chính phủ”.

Theo Nho giáo, sự trật tự, ổn định và thịnh vượng được duy trì khi mọi thần dân thực hiện đúng vai trò của mình. Nguy cơ của việc bỏ qua lời khuyên này được làm nổi bật bởi sự hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa, khi Chủ tịch Mao Trạch Đông sử dụng học sinh để tấn công những người trong đảng chống lại ông. Nó cũng được thể hiện rõ trong vụ thảm sát Thiên An Môn vào năm 1989, khi đảng cho phép sinh viên phát huy quyền lực đạo đức và đã phải dùng đến vũ lực quân sự để dẹp tan các cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên. Hậu quả của việc mất kiểm soát đã được thể hiện rõ rệt vào hai năm sau khi Liên Xô sụp đổ.

Đức Hồng y Joseph Zen, bên trái, đến tham dự phiên tòa của Tòa án sơ thẩm Tây Cửu Long ở Hồng Kông hôm thứ Hai, ngày 26 tháng 9 năm 2022. Vị Hồng y Công giáo 90 tuổi và năm người khác đã phải ra hầu tòa ở Hồng Kông hôm thứ Hai vì bị cáo buộc không đăng ký quỹ không tồn tại được thành lập để hỗ trợ những người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn ở thành phố cách đây 3 năm trước (Ảnh: Oiyan Chan / AP)

Đức Hồng y Joseph Zen, bên trái, đến tham dự phiên tòa của Tòa án sơ thẩm Tây Cửu Long ở Hồng Kông hôm thứ Hai, ngày 26 tháng 9 năm 2022. Vị Hồng y Công giáo 90 tuổi và năm người khác đã phải ra hầu tòa ở Hồng Kông hôm thứ Hai vì bị cáo buộc không đăng ký quỹ không tồn tại được thành lập để hỗ trợ những người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn ở thành phố cách đây 3 năm trước (Ảnh: Oiyan Chan / AP)

Đức Hồng y Zen và thách thức đối với hệ thống thứ bậc

Theo các nguyên tắc đạo đức của mình, đảng không thể dung thứ cho việc tranh giành quyền lực, và có một lịch sử lâu dài trong việc trừ khử những người thách thức vị trí của đảng. Ví dụ, sau chiến dịch “Bách Hoa Vận Động” 1956-1957 khuyến khích giới trí thức tham gia, Mao Trạch Đông đã sử dụng Chiến dịch chống cực hữu (Anti-Rightist Campaign) để loại bỏ quyền lực ngày càng tăng của họ. Chiến dịch này đã tìm cách bác bỏ các bình luận chống chế độ do giới trí thức đưa ra, trừng phạt khoảng 550.000 người trong số họ, nhiều người bị cải tạo thông qua lao động.

Gần đây hơn, Tập Cận Bình đã sử dụng nỗ lực chống tham nhũng để loại bỏ những thách thức trong nội bộ đảng đối với quyền lực của mình bằng cách thanh trừng những nhân vật nổi tiếng, chẳng hạn như Chu Vĩnh Khang, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an và cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Tại Hồng Kông, luật an ninh quốc gia đã được sử dụng để buộc tội nhà xuất bản và nhà hoạt động dân chủ Jimmy Lai, người nắm giữ các phương tiện truyền thông thường xuyên chỉ trích giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Hồng Kông và Trung Quốc.

Nguyên tắc của hệ thống thứ bậc cũng có thể được sử dụng để hiểu và dự đoán cách thức các sự kiện có thể diễn ra. Ví dụ, nếu Đức Hồng y Zen chết trong khi bị giam giữ, ngài có thể trở thành một người tử vì đạo của phong trào biểu tình – điều khó lý tưởng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, triết lý của giới lãnh đạo cho thấy mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn đối với đảng nếu để cho Đức Hồng y Zen tiếp tục hoạt động và trở thành mối đe dọa thực sự đối với sự độc quyền về đạo đức và chính trị của đảng.

Ngoài ra, việc bắt giữ một Hồng y có thể phá vỡ mối quan hệ với Vatican. Tuy nhiên, như nhà khoa học chính trị Lawrence Reardon chứng minh, kể từ năm 1949, mối bận tâm hàng đầu của đảng trong quan hệ với Vatican là liệu Đức Giáo hoàng hay đảng bổ nhiệm Giám mục trong Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nói cách khác, người đứng đầu hàng Giáo phẩm Công giáo ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quan trọng hơn bất cứ điều gì khác mà đảng có được thông qua quan hệ với Vatican.

Để duy trì ở đỉnh cao nhất trong hệ thống phân cấp đạo đức của Trung Quốc, đảng sẽ cần phải loại bỏ các nguồn quyền lực thay thế. Thông qua những lời chỉ trích của mình đối với đảng và Vatican, Đức Hồng y Zen đã cho thấy tiềm năng trở thành một nhà lãnh đạo chính trị bằng chính năng lực của ngài.

Với tư cách là một nguồn quyền lực thay thế có thể có, Đức Hồng y Zen đã trở thành nạn nhân mới nhất của hệ thống phân cấp đạo đức của đảng; ngài sẽ không phải là người cuối cùng.

Scott D. McDonald, Đại học Tufts 

** Scott McDonald nhận tài trợ từ Quỹ Sarah Scaife và Viện Eisenhower. Scott McDonald có liên kết với Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương với tư cách là Thành viên không thường trú, tuy nhiên, tất cả các ý kiến được bày tỏ là của riêng cá nhân anh và không nhất thiết đại diện cho Chính phủ hoặc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube