Sứ Thần Tòa Thánh tại LHQ: Nhân quyền bị hủy hoại khi người già bị gạt sang một bên

Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, quan sát viên thường trực của Vatican tại Liên Hợp Quốc, phát biểu tại Liên Hợp Quốc ở Thành phố New York ngày 27 tháng 1 năm 2020. (Nguồn: Gregory A. Shemitz / CNS)

Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, Quan sát viên thường trực của Vatican tại Liên Hợp Quốc, phát biểu tại Liên Hợp Quốc, New York ngày 27 tháng 1 năm 2020 (Ảnh: Gregory A. Shemitz / CNS)

LHQ – Các quyền con người được công nhận trên toàn thế giới bị “hủy hoại và bị từ chối” bất cứ khi nào con người “không còn được coi như là giá trị tối quan trọng cần được chăm sóc và tôn trọng”, Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia phát biểu với một nhóm công tác của Liên Hợp Quốc vào ngày 29 tháng 3.

Thường thì những người lớn tuổi, cùng với những người nghèo, những người tàn tật và trẻ sơ sinh, bị “ném sang một bên” và được xác định là “không còn cần thiết nữa”, Quan sát viên thường trực của Vatican tại Liên Hợp Quốc cho biết.

“Chúng ta cần… một cách tiếp cận mà giá trị vốn có của những người cao tuổi được công nhận, bảo vệ, trân trọng và đề cao. Tòa Thánh tin tưởng mạnh mẽ rằng “những người tạo không gian cho những người lớn tuổi cũng sẽ tạo không gian cho sự sống!”, Đức TGM Caccia nói, trích dẫn Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô “Fratelli Tutti, về Tình huynh đệ và Tình bạn xã hội”.

Trong thị trường lao động và thế giới việc làm, Đức TGM Caccia cho biết, nhiều người cao tuổi tiếp tục phải đối mặt với sự phân biệt tuổi tác vốn “làm xói mòn cả phẩm giá lao động và phẩm giá của những người lớn tuổi với tư cách là những người lao động”.

Sự phân biệt đối xử này có thể được nhìn thấy “trong tất cả các khía cạnh của lao động, bao gồm quy trình ứng tuyển và tuyển dụng, bản thân kinh nghiệm làm việc và các cơ hội sau khi nghỉ hưu”, Đức TGM Caccia nói. “Những người lao động cao tuổi có trí tuệ, kinh nghiệm và kỹ năng không nên bỏ qua một bên”.

Đồng thời, những nỗ lực để giải quyết những thách thức việc làm này của các thế hệ cao niên “không nên bị đóng khung vào việc tạo ra sự cạnh tranh với các nhóm tuổi khác”, Đức TGM Caccia giải thích.

Việc nhấn mạnh quá nhiều vào việc “tiếp tục tham gia vào lực lượng lao động” của họ không nên gợi ý rằng “việc nghỉ hưu là một sự thất bại hoặc giá trị của một người phụ thuộc vào năng suất, Đức TGM Caccia giải thích.

Và “việc chỉ tập trung vào công việc được trả lương có nguy cơ tầm thường hóa công việc không được trả công không thể thay thế trong gia đình mà những người lớn tuổi thường làm”, Đức TGM Caccia tiếp tục. “Những đóng góp cụ thể như vậy cho gia đình – cũng như cho xã hội thông qua các tình nguyện viên cao tuổi – xứng đáng được ghi nhận nhiều hơn nữa”.

Đức TGM Caccia lưu ý rằng nhiều quốc gia hiện đang “đưa ra những cách thức hết sức cụ thể và thiết thực để người cao tuổi tham gia vào xã hội, bao gồm thông qua các chương trình văn hóa, xã hội và giải trí, nếu có thể”, và ngài cũng kêu gọi nên mở rộng các biện pháp này.

Đức TGM Caccia cũng kêu gọi các quốc gia giải quyết những trở ngại mà nhiều người cao tuổi cả nam giới và nữ giới cũng thường gặp phải trong việc tiếp cận các tòa án, việc nhận sự trợ giúp về mặt pháp lý và việc có thể sử dụng các nguồn lực trong “một môi trường pháp lý ngày càng mang tính kỹ thuật số, điều mà đại dịch đã làm nổi bật”.

Đức TGM Caccia cho biết rằng khoảng cách kỹ thuật số và sự chênh lệch trong giáo dục mà nhiều người đã trải qua không nên gia tăng thêm nữa đối với họ khi họ già đi.

Đức Tổng Giám mục Caccia thúc giục rằng các nhà lãnh đạo chính phủ cũng phải đảm bảo những người cao tuổi cũng có quyền tiếp cận “các chương trình bảo vệ và chăm sóc xã hội, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền đưa ra sự đồng ý và quyền được sắp xếp sự giám hộ”.

“Các biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa và giải quyết bạo lực, lạm dụng, phân biệt đối xử và bỏ rơi”, Đức Tổng Giám mục Caccia nói, “cũng phải được áp dụng”.

Trong đại dịch COVID-19, người cao tuổi là “thành phần lớn nhất mà mạng sống của họ bị đe dọa”, Đức Tổng Giám mục Caccia nói.

“Một số lượng đáng kể các trường hợp tử vong do COVID-19 xảy ra ở các cơ sở dành cho những người cao tuổi” trong làn sóng Covid-19 đầu tiên, Đức Tổng Giám mục Caccia nói.

Những tổ chức này lẽ ra phải bảo vệ điều mà vị Giám chức gọi là “thành phần mong manh nhất trong xã hội”, nhưng thay vào đó “cái chết ập đến với họ một cách không cân xứng”.

Đức Tổng Giám mục Caccia kêu gọi LHQ dành sự chú ý nhiều hơn đến “sự nguy hiểm của việc thể chế hóa người cao tuổi một cách thái quá và thiếu óc phê bình”, và đồng thời xem xét cách đảm bảo “sự liên tục của việc chăm sóc, bảo vệ, hết mức có thể, mối liên hệ của người cao tuổi với những người thân yêu và với một môi trường thân thuộc”.

Thông thường, những người cao tuổi, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất và những người cô đơn nhất, bị đưa vào các cơ sở không thể cung cấp sự chăm sóc đầy đủ cho tất cả các nhu cầu của họ nhưng lại được đề xuất “như là giải pháp khả thi duy nhất để chăm sóc họ”, Đức Tổng Giám mục Caccia nói.

Cách tiếp cận này “khiến nhiều người cao tuổi bị bỏ rơi, bị lạm dụng, bị bạo lực và, trong trường hợp đại dịch, làm gia tăng nguy cơ vi phạm các quyền sống và quyền được chăm sóc sức khỏe của họ”, Đức Tổng Giám mục Caccia cho biết thêm.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube