Sứ điệp ĐTC Phanxicô gửi Hội nghị LHQ về vũ khí hạt nhân

ĐTC Phanxicô đã gửi một sứ điệp đến “Hội nghị LHQ về Đàm phán một văn kiện pháp lý có tính chất ràng buộc nhằm thực hiện việc cấm các loại vũ khí hạt nhân, hướng tới việc xóa bỏ hoàn toàn thứ vũ khí này”, phần đầu tiên được tổ chức tại New York từ ngày 27/3 đến 31/3. Sứ điệp này đã được công bố bởi Đức Ông Antoine Camilleri – Thứ trưởng Ngoại giao, và đồng thời cũng là Trưởng Phái đoàn Tòa Thánh tại Hội nghị.

20170328 ĐTCDưới đây là toàn bộ nội dung Sứ điệp của ĐTC Phanxicô :

Kính thưa bà Elayne Whyte Gómez,

Chủ tịch Hội nghị Liên Hiệp Quốc

Về Đàm phán một văn kiện ràng buộc pháp lý

Nhằm thực hiện việc cấm Vũ khí Hạt nhân,

hướng tới việc xóa bỏ hoàn toàn thứ vũ khí này.

Tôi xin gửi lời chào trân trọng đến Bà Chủ tịch, cùng tất cả các đại biểu của các quốc gia và các tổ chức quốc tế, cũng như các tổ chức xã hội dân sự tham dự Hội nghị này. Tôi muốn khuyến khích tất cả quý vị hãy cùng cộng tác với nhau với quyết tâm nhằm thúc đẩy các điều kiện cần thiết cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Vào ngày 25 tháng 9 năm 2015, trước Đại hội đồng LHQ, tôi đã nhấn mạnh điều mà Lời mở đầu cũng như Điều khoản đầu tiên của Hiến chương Liên Hiệp Quốc cho thấy rằng những nền tảng của khuôn khổ pháp lý quốc tế đó chính là: hoà bình, giải pháp hòa bình cho các tranh chấp cũng như việc phát triển các quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia. Vấn đề luân lý và pháp luật dựa trên sự đe doạ lẫn nhau – và có thể là sự tàn phá của toàn thể nhân loại – đã mâu thuẫn với tinh thần của Liên Hiệp Quốc. Do đó, chúng ta phải tự cam kết vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân bằng cách thực hiện đầy đủ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, cả về văn bản cũng như tinh thần, (xem Bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, ngày 25 tháng 9 năm 2015).

Nhưng tại sao chúng ta phải tự đặt ra cho mình mục tiêu hướng tới tương lai này trong bối cảnh quốc tế hiện nay với một bầu không khí bất ổn của các cuộc xung đột, vốn vừa là nguyên nhân đồng thời chỉ ra những khó khăn phải đối diện trong việc thúc đẩy và tăng cường quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân?

Nếu chúng ta xem xét các mối đe dọa chính đối với hòa bình và an ninh với nhiều khía cạnh của chúng trong thế giới đa cực của thế kỷ 21 chẳng hạn như: khủng bố, các cuộc xung đột không cân xứng, an ninh mạng, các vấn đề về môi trường, nạn đói nghèo, thì không phải chỉ có một vài nghi ngờ phát sinh liên quan đến sự không thỏa đáng trong việc ngăn chặn các loại vũ khí hạt nhân như là một phản ứng có hiệu quả đối với những thách đố như vậy. Những mối bận tâm này thậm chí còn lớn hơn nữa khi chúng ta cân nhắc đến những hậu quả về nhân đạo và môi trường vô cùng thảm khốc liên quan đến việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân với những ảnh hưởng gây ra những sự tàn phá mù quáng và không thể kiểm soát theo thời gian và không gian. Các nguyên nhân tương tự nảy sinh khi xem xét việc lãng phí các nguồn lực dành cho các vấn đề hạt nhân đối với các mục đích quân sự, thay vào đó có thể được sử dụng cho những ưu tiên xứng đáng hơn chẳng hạn như việc như thúc đẩy hoà bình và phát triển con người cách toàn diện, cũng như việc chống lại đói nghèo và việc thực hiện Chương trình Phát triển Bền vững 2030.

Chúng ta cũng cần tự hỏi bản thân sự ổn định dựa trên sự sợ hãi bền vững đến đâu, khi nó làm gia tăng sự sợ hãi cũng như làm suy yếu các mối quan hệ tin cậy giữa các dân tộc.

Hòa bình và ổn định quốc tế không thể dựa trên cảm thức sai lầm về vấn đề an ninh, dựa trên mối đe dọa hủy diệt lẫn nhau hoặc hủy diệt toàn bộ hoặc chỉ đơn giản là duy trì việc cân bằng quyền lực. Hòa bình phải được xây dựng trên công lý, sự phát triển con người toàn diện, tôn trọng các quyền cơ bản của con người, bảo vệ sáng tạo, sự tham gia của tất cả mọi người trong đời sống công cộng, sự tin tưởng giữa các dân tộc, sự hỗ trợ của các thể chế hoà bình, việc tiếp cận với vấn đề giáo dục và sức khoẻ, đối thoại và liên đới. Từ quan điểm này, chúng ta cần vượt qua rào cản hạt nhân: cộng đồng quốc tế được kêu gọi để áp dụng các chiến lược hướng tới tương lai nhằm thúc đẩy mục tiêu hòa bình và ổn định và đồng thời tránh những cách tiếp cận thiển cận đối với các vấn đề liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế.

Trong bối cảnh này, mục tiêu cuối cùng của việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trở thành một thách đố đồng thời là một sự đòi buộc về luân lý và nhân đạo. Việc tiếp cận cụ thể cần phải thúc đẩy một sự phản ánh về đạo đức hòa bình cũng như vấn đề an ninh đa phương và hợp tác vượt ra ngoài sự sợ hãi và chủ nghĩa cô lập đang nổi lên trong các cuộc tranh luận hôm nay. Để đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân đòi hỏi phải có một quá trình lâu dài, dựa trên nhận thức rằng “tất cả mọi thứ đều có liên hệ với nhau” trong quan điểm của một hệ sinh thái toàn diện (xem Laudato Si, số 117 và 138). Số phận chung của cả nhân loại đòi hỏi việc tăng cường thực hành đối thoại,  đồng thời xây dựng và củng cố các cơ chế của sự tin tưởng và hợp tác, có khả năng tạo ra các điều kiện cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Sự phụ thuộc lẫn nhau và toàn cầu hoá ngày càng gia tăng có nghĩa là bất kỳ phản ứng nào đối với sự đe dọa về vũ khí hạt nhân đều phải được tập hợp và thương nghị, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Sự tin cậy này chỉ có thể được xây dựng thông qua việc đối thoại thực sự nhắm đến lợi ích chung chứ không phải để bảo vệ những lợi ích được che đậy hoặc bất kì một lợi ích cá nhân nào; chẳng hạn như việc đối thoại, càng nhiều bao nhiêu càng tốt, phải bao gồm tất cả các thành phần như: các quốc gia có vũ khí hạt nhân, các quốc gia không có vũ khí hạt nhân, lực lượng quân đội và tư nhân, các cộng đồng tôn giáo, các xã hội dân sự cũng như các tổ chức quốc tế. Và trong nỗ lực này, chúng ta phải tránh tất các các hình thức buộc tội lẫn nhau cũng như sự phân cực vốn cản trở việc đối thoại hơn là khuyến khích nó. Nhân loại chúng ta có khả năng cùng cộng tác với nhau trong việc xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta; chúng ta có tự do, trí tuệ cũng như khả năng lãnh đạo và chỉ đạo công nghệ, đặt ra những giới hạn về quyền lực của chúng ta, đồng thời đặt tất cả những thứ này nhằm phục vụ một loại tiến bộ khác: mang tính nhân văn hơn, xã hội hơn và toàn diện hơn (Xem Laudato Si số 13, 78, 112; Thông điệp nhân Hội lần thứ 22 của Hội nghị các Bên tham gia Hiệp định khung về Thay đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP22), ngày 10 tháng 11 năm 2016).

Hội nghị này dự định thương lượng một Hiệp ước được lấy cảm hứng từ các lập luận về đạo đức và luân lý. Đây là việc thi hành mang hy vọng và tôi ước mong rằng nó cũng có thể tạo nên một bước mang tính quyết định dọc theo con đường hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Mặc dù đây là một mục tiêu lâu dài và hết sức phức tạp, thế nhưng nó không hề nằm ngoài tầm với của chúng ta.

Thưa bà Chủ tịch,  tôi hết sức mong muốn rằng những nỗ lực của Hội nghị này có thể đạt được những hoa trái đồng thời cung cấp sự đóng góp hiệu quả nhằm thúc đẩy đạo đức hòa bình cũng như sự hợp tác đa phương đối với vấn đề an nình, mà nhân loại ngày nay đang thực sự rất cần đến. Nguyện xin Thiên Chúa Toàn Năng chúc lành cho tất cả các tham dự viên tham dự Hội nghị quan trọng này, cũng như tất cả các công dân của các quốc gia mà quý vị đại diện.

Minh Tuệ (theo Radio Vatican)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube