Sự chống đối án phong thánh cho Đức Tổng Giám mục Oscar Romero mang tính chính trị

Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống và là cáo thỉnh viên án phong thánh Chân phước Óscar Romero, đã gặp phải những cản trở trực tiếp đối với tiến trình này. Theo lời ngài nói với cha James Martin, S.J. trong một cuộc phỏng vấn của America Magazine, sự trì hoãn này có tính chính trị và “giống như một lưỡi dao đâm vào tim tôi”.

20170327 Romero

Chân phước Oscar Romero

Đức Tổng Giám mục Paglina, mang chiếc thánh giá đeo ngực của Đức Tổng Giám mục Romero trong suốt cuộc phỏng vấn, nói rằng: “Việc phong chân phước cho ngài đã là kết quả của một cuộc chiến đấu mạnh mẽ”. “Đã có nhiều người tại Rôma, bao gồm một số hồng y, không muốn ngài được phong chân phước. Họ nói rằng ngài bị giết vì những lý do chính trị, không phải những lý do tôn giáo. Tôi đã nghiên cứu vấn đề này, nghiên cứu rất nhiều. Chẳng hạn, tôi đã nghiên cứu văn khố cá nhân của ngài, gồm khoảng 70.000 tập tài liệu. Có thể nhận ra rằng ngài là một con người hi sinh vì dân chúng. Ngài muốn giải thoát họ khỏi sự áp bức. Ngài muốn mang đến cho họ sự đồng cảm của Đức Giêsu”.

Sự chống đối việc phong chân phước cho Đức Tổng Giám mục Romero có những tác động mang tính cá nhân đối với Đức Tổng Giám mục Paglia.

“Thậm chí tôi còn nhận được những đe dọa khi đảm nhận công việc này. Nhưng tôi tin rằng chứng tá của Đức Tổng Giám mục Romero rõ ràng là rất phi thường. Nơi ngài, thông điệp Tin Mừng được giới thiệu theo một cách thức phi thường. Đức Tổng Giám mục Romero không sống cho mình nhưng cho dân chúng, như Đức Giêsu. Chắc chắn trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, chứng tá này sẽ làm rung động trái tim của hàng triệu triệu người. Và nếu chúng ta muốn thay đổi thế giới, chúng ta phải thay đổi trái tim của mọi người, như Đức Tổng Giám mục Romero đã làm”.

Đức Tổng Giám mục Paglia cũng nói với Cha Martin về cách mà Đức Tổng Giám mục Romero đã tham dự vào những cuộc đấu tranh của người dân El Salvador sau vụ ám sát Rutilio Grande.

 “[Rutilio Grande] là một linh mục, tu sĩ dòng Tên, giảng dạy tại trường đại học nhưng đã lựa chọn sống tại một ngôi làng nhỏ để nhờ đó kiến thức thần học có thể được lan tỏa giữa mọi người. Sự hiện diện nơi ngôi làng đó đã khiến ngài bị giết hại; ngài và hai người dân cùng với ngài. Đức Tổng Giám mục Romero mới nhận chức 17 ngày trước vụ giết hại và ngài thức suốt đêm để trông coi thi thể của Cha Grande, người bạn tốt lành của mình. Đêm đó, Đức Tổng Giám mục Romero đã viết rằng ngài nhận ra trách nhiệm của mình là thay thế vị trí của Cha Rutilio Grande. Trong tâm tình đó, cuộc tử đạo mà Cha Grande đã trải qua trước Đức Tổng Giám mục Romero đã dẫn ngài đến kết luận rằng đời sống theo tinh thần Phúc Âm, đời sống của một mục tử, chỉ xứng đáng khi nó được hy sinh để phục vụ người khác”.

Theo Đức Tổng Giám mục Paglia, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chú trọng đến việc thúc đẩy tiến trình phong thánh cho Chân phước Romero. Mặc dù Đức Giáo hoàng chưa bao giờ gặp Đức Tổng Giám mục Romero, nhưng ngài đã gặp Cha Grande và Đức Giáo hoàng cũng muốn thúc đẩy tiến trình phong thánh đối với vị linh mục này.

Đức Tổng Giám mục Paglina nói rằng: “[Đức Giáo hoàng Phanxicô] cũng muốn rằng án phong chân phước đối với Cha Rutilio Grande cũng như đối với hai người dân, một chàng trai trẻ tuổi và một người đàn ông lớn tuổi, đã bị giết cùng ngài, được khởi sự”.

Bên cạnh việc nói về Chân phước Romero, Đức Tổng Giám mục Paglina cũng đưa ra một số suy tư về việc diễn giải tông huấn “Niềm vui Tình yêu”, tông huấn của Đức Giáo hoàng Phanxicô về vấn đề gia đình.

 “Mối liên kết bền vững, hình mẫu cho tất cả sự bền vững, là điều phải tồn tại giữa Giáo hội và con cái của mình. Hôn nhân có thể đổ vỡ, nhưng mối quan hệ giữa Giáo hội và con cái của mình không bao giờ được đổ vỡ bởi vì chính mối liên kết bền vững đó là dấu chỉ rõ ràng cho tình yêu của Thiên Chúa dành cho con cái mình, vị Thiên Chúa có thể bỏ lại 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc”.

Đức Tổng Giám mục nói rằng “Niềm vui Tình yêu” dạy cho chúng ta về sự biện phân như là một quá trình diễn ra trong gia đình.

“Khi Đức Giáo hoàng triệu tập Thượng Hội đồng, không phải ngài muốn làm việc về vấn đề giáo lý nhưng là về sự biện phân, và trên thực tế, chương hai của “Niềm vui Tình yêu” là một sự biện phân về hiện tình của các gia đình, đó là một suy tư thiêng liêng rất khôn ngoan. Trong chương đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về những lý tưởng mà gia đình cần đạt tới. Thực ra, ngài nâng cao những yêu cầu đối với gia đình khi nói về những lý tưởng, chứ không phải ngài hạ thấp các tiêu chuẩn, ngài chỉ ra rằng để đạt được những lý tưởng đó, chúng ta phải tiến hành biện phân, tức là nhìn nhận về gia đình trong những hoàn cảnh cụ thể của nó, và để làm như thế chúng ta phải đồng hành cùng họ mọi lúc”.

Đức Tổng Giám mục Paglina cũng nói về tình trạng hiện này của thế giới dưới “sự độc trị của chủ nghĩa tiêu thụ và tiền bạc”.

 “Do đó, chúng ta cần một cuộc cách mạng về văn hóa. Nhân phẩm có nghĩa là đưa mọi người, từ trẻ tới già, từ thánh thiện tới tội lỗi, vào mối quan tâm trọng tâm của Giáo hội, của chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật và thương mại. Cả xã hội đặt nền tảng trên nhân phầm”.

Ngài nói rằng những cuộc sống chứng tá, như của Chân phước Romero, nhắc chúng ta nhớ vị trí trung tâm của nhân phẩm trong sứ vụ của Giáo hội.

P.B. (theo America Magazine)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube