Sông Cửu Long nghẽn mạch, đồng bằng nghẽn thở

20160405-Bai-DongSongCuuLongNghenMach_AnhThế kỷ 21 – thế kỷ tỵ nạn môi sinh? Thông điệp Laudato Si đã viết lại lời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng về khủng hoảng này: “Cơn khủng hoảng như là hậu quả bi thảm của hoạt động không kiểm soát của con người qua việc khai thác vô tội vạ thiên nhiên, con người phải đối mặt với một nguy hiểm là sẽ tàn phá thiên nhiên và trở thành tế vật cho việc tàn phá của mình”.

Thật vậy, nhìn quanh thế giới và Việt Nam, môi sinh bị hủy hoại bởi chiến tranh hạt nhân, bởi khai thác bô-xít, bởi phá hủy rừng đầu nguồn, xây đập khai thác thủy điện…

i trường đã bị con người bức tử

Thế giới đã lên tiếng báo động trước mối tai họa có thật. Gần chục năm trước, trong tác phẩm “Mê-kông, dòng sông nghẽn mạch” (NXB Văn Nghệ Mới, California, Hoa Kỳ, 2007) của mình, tác giả Ngô Thế Vinh đã cảnh báo về việc Trung Quốc xây dựng 2 con đập khổng lồ và 6 con đập trên dòng chính ở thượng lưu sông Mê-kông. Các “nhân tai” này chắc chắn sẽ ảnh hưởng trên suốt dòng chảy con sông, nhất là vùng hạ lưu Mê-kông.

Đó là chưa kể nhận định của các chuyên gia môi sinh về mạng lưới những con đập ở nhánh phụ lưu, cũng ảnh hưởng đáng kể đến dòng chảy, lượng phù sa và nguồn thủy sản tại lưu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, sẽ đe dọa sự sinh tồn của khoảng 50 chủng loại cá, điều này dẫn đến tổng sản lượng cá trong lưu vực giảm đi đáng kể.

Bên cạnh đó, người dân Đồng bằng sông Cửu Long bao đời nay sống bằng ruộng lúa, vườn cây sẽ mất đi kế mưu sinh vì đất ngập mặn. Nếu cố gắng tồn tại ở chính nông ngư trường truyền thống của mình, họ sẽ lâm vào cảnh đói kém. Hoặc nếu không, phải di cư đi nơi khác. Họ buộc phải mất đi bản sắc văn hóa sông nước, miệt vườn và các đô thị trở thành nơi đón những con người này với “nhãn mác” mới: kẻ tỵ nạn môi sinh.

Nhà cầm quyền “quyết tâm” không nhìn thấy

Trước những cảnh báo của các nhà nghiên cứu sông ngòi quốc tế, cũng như của các chuyên gia môi sinh, thử nhìn lại xem phía nhà cầm quyền Việt Nam đã có phản ứng gì?

Lãnh đạo, nắm quyền hành trong tay, phải có trách nhiệm với những lời tiên báo về tác hại nặng nề sẽ giáng xuống một phần lãnh thổ quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống của biết bao dân lành.

Nhưng hoàn toàn trái ngược, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một kết luận hồ như chống lại người dân: các con đập không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến Đồng bằng sông Cửu Long?

Ngay lập tức, luận điểm trên đã bị dư luận phản ứng gay gắt. Trong bài báo “Một kết luận nguy hiểm về những con đập trên sông MeKong” đăng trên tờ Tuổi Trẻ, một số nhà khoa học đã kịp thời phản bác, trước khi báo cáo của Chính phủ Việt Nam với kết luận sai trái trên được đưa ra các hội nghị quốc tế.

Hơn hai mươi triệu dân cư Đồng bằng sông Cửu Long có thể tự mình đối phó với tình trạng nhiễm mặn đang đổ ập trên những đồng ruộng thẳng cánh cò bay mà trước đây từng phì nhiêu, màu mỡ, làm ra bao lúa gạo cung cấp cho cả nước?

Là công dân Việt Nam, chúng ta phải làm gì? Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta hãy chăm sóc “ngôi nhà chung”. Ngài đưa ra ý niệm toàn thế giới là ngôi nhà chung và chúng ta phải “hiệp nhất trong cùng một âu lo”. Mong rằng, lời nhắc nhở đó sẽ mở ra cho chúng ta một chân trời để suy tư và hành động!

Minh Hiền

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube