Quan chức ngoại giao hàng đầu của Vatican sẽ cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraine

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican

RÔMA – Trong nỗ lực mới nhất của Tòa Thánh nhằm giúp chấm dứt cuộc chiến Ukraine-Nga đang diễn ra, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, sẽ chủ sự một Thánh lễ đặc biệt cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraine vào cuối tháng này.

Trong một tuyên bố từ Giám quản Tông Tòa của các tín hữu Công giáo Ukraine theo nghi thức Byzantine sống ở Ý, có thông báo rằng Đức Hồng y Parolin sẽ cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraine vào ngày 17 tháng 11 tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả, một trong những Vương Cung Thánh Đường được Đức Thánh Cha Phanxicô đến kính viếng trước và sau mỗi chuyến Tông du quốc tế.

Thánh lễ, được đồng tổ chức bởi Phủ Quốc Vụ Khanh Vatican, Dòng Chiến sĩ Toàn quyền Malta và Đại sứ quán Ukraine tại Tòa Thánh, cũng trùng với dịp kỷ niệm 30 năm khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Ukraine và Tòa Thánh, khi Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập Tòa Khâm sứ tại Kiev.

Các tín hữu Ukraine thuộc Giám quản Tông Tòa và những người khác muốn hiệp ý cầu nguyện cho hòa bình được mời tham dự Thánh lễ, sẽ được đồng tế bởi các Hồng y, Giám mục và Linh mục khác thuộc cả hai Giáo hội Công giáo La Mã và Hy Lạp.

Mặc dù không có gì lạ khi các quan chức hàng đầu của Vatican hoặc thậm chí là Đức Thánh Cha cử hành một Thánh lễ đặc biệt theo ý chỉ của một quốc gia cụ thể, như ngài đã làm cho Myanmar vào năm 2021 và vào tháng 7 năm nay cho những cư dân Congo ở Rôma, tin tức về Thánh lễ thực sự đáng chú ý, vì nó diễn ra vào thời điểm khi mà Vatican đang tìm cách củng cố vai trò trung gian khả thi trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.

Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Rôma vào tháng trước để gặp gỡ Đức Thánh Cha và tham dự sự kiện liên tôn “Cry for Peace” (Tiếng kêu vì Hòa bình) do Cộng đồng Sant’Egidio tổ chức, ông đã đưa ra ý tưởng về việc tổ chức một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin, Đức Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill của Moscow, và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.

Trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo Le Point của Pháp vào thời điểm đó, Tổng thống Macron cho biết ông đề nghị bao gồm cả Tổng thống Biden vì “chúng ta cần Hoa Kỳ ngồi vào bàn đàm phán để thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Ukraine”.

Đáp lại lời đề nghị, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nói với truyền thông địa phương rằng: “Chúng tôi sẵn sàng thảo luận tất cả những điều này với người Mỹ, với Pháp và với Đức Giáo hoàng, nhưng chúng ta phải nhớ rằng Ukraine đã hệ thống hóa việc không tiếp tục đàm phán” chừng nào Tổng thống Putin còn nắm quyền.

Phát biểu với các nhà báo khi tham dự một sự kiện do AVSI Foundation tổ chức sau chuyến viếng thăm của Tổng thống Macron, Đức Hồng Y Parolin cho biết một phát ngôn viên của chính phủ Nga đã nói rằng lập trường của họ “sẵn sàng đối thoại, kể cả với Đức Thánh Cha,” nhưng “cho đến nay chúng tôi không biết những lời này có nghĩa là gì, chúng sẽ có những tiến triển nào”.

“Giờ đây chúng tôi sẽ xem xét, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đó là một tuyên bố vừa được đưa ra… chúng tôi đang suy nghĩ về những gì cuối cùng có thể được thực hiện”, Đức Hồng Y Parolin nói.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh rằng vẫn còn “quá sớm” cho bất kỳ sáng kiến ngoại giao nào như vậy, thậm chí là một cuộc điện đàm, nhưng ngài nhắc lại rằng Vatican luôn “cởi mở và sẵn sàng làm mọi thứ có thể. Nếu có một sự cởi mở nhỏ nhoi, chúng tôi chắc chắn sẽ tận dụng nó”.

Đức Hồng Y Parolin đã gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tại New York vào tháng 9 cho một cuộc trò chuyện riêng bên lề một phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Cuộcgặp gỡ sau đó đã được Nga mô tả là “hiệu quả” và là cơ hội để giải thích những lý do dẫn đến cuộc chiến ở Ukraine.

Mặc dù Đức Hồng y Parolin và các quan chức hàng đầu khác của Vatican, bao gồm cả Đức Thánh Cha Phanxicô, đã nhiều lần lên án cuộc chiến ở Ukraine, gọi Nga là kẻ xâm lược và đồng thời nhấn mạnh rằng đức tin không bao giờ có thể biện minh cho bạo lực, trong một lời quở trách rõ ràng đối với những tuyên bố mà Đức Thượng phụ Kirill đã đưa ra trước đó bảo vệ chiến tranh, cuộc gặp gỡ của Đức Hồng y Parolin với Bộ trưởng Lavrov báo hiệu sự cởi mở từ phía Nga đối với khả năng can thiệp của Vatican.

Rắc rối duy nhất với đề xuất của Tổng thống Macron, một cách đáng chú ý, là Ukraine sẽ vắng mặt trong cuộc thảo luận.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trước đó đã tuyên bố rằng các cuộc đàm phán với Tổng thống Putin đã kết thúc do yêu cầu của ông về việc bàn giao các phần lãnh thổ ở miền đông Ukraine cho Nga.

Tổng thống Zelenskyy, người đang chuẩn bị phát biểu từ xa tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali để đưa ra thông tin cập nhật về tình hình ở Ukraine, gần đây đã lên án điều mà ông nói là người Nga đã gây ra khoảng 400 tội ác chiến tranh trong khoảng thời gian họ chiếm đóng thành phố Kherson mới được giải phóng.

Đáng chú ý, ông Putin sẽ vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh.

Tuần trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine, tại Vatican, trong đó vị Giám chức đã cập nhật cho Đức Thánh Cha Phanxicô về tình hình ở Ukraine và đồng thời cảm ơn ngài về những lời cầu nguyện, nỗ lực kiến tạo hòa bình và sự can thiệp của ngài trong nỗ lực trả tự do cho các tù nhân.

Tuy nhiên, liệu khả năng về các cuộc đàm phán ở Rôma có được đề cập hay không vẫn chưa được biết, tuy nhiên, Vatican tiếp tục thu hút sự tham gia của tất cả các bên và khẳng định sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải, đồng thời thực hiện các bước chủ động trong việc hỗ trợ tinh thần cho các tín hữu đang ngày càng cảm nhận được gánh nặng của chiến tranh.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube