Phỏng vấn ĐTC Phanxicô: ‘Giáo Hội không phải là ngôi nhà của một số người, mà là ngôi nhà dành cho tất cả mọi người’

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ tại Casa Santa Marta

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ tại Casa Santa Marta

Đoạn trích cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Phanxicô được thực hiện bởi Paolo Rodari cho Đài Phát thanh và Truyền hình Ý Thụy Sĩ, và dự kiến phát sóng vào trước ngày kỷ niệm 10 năm Triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha. Sự cần thiết cần phải nuôi dưỡng văn hóa chào đón, chiến tranh tại Ukraine và các cuộc xung đột khác, mối tương quan với người tiền nhiệm, thế giới bên kia, là một trong những chủ đề được đề cập.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở cửa Casa Santa Marta, dinh thự của ngài ở Vatican, để RSI – Đài phát thanh và truyền hình Thụy Sĩ của Ý – thực hiện một cuộc phỏng vấn dành riêng để nói về 10 năm Triều đại Giáo hoàng của ngài. Cuộc phỏng vấn sẽ được phát sóng vào tối Chúa nhật, ngày 12 tháng 3, trên trang www.rsi.ch. Trong đó, Đức Thánh Cha nói rằng ngài không nghĩ đến việc từ chức, nhưng giải thích điều gì cuối cùng đã thúc đẩy ngài làm như vậy: “Sự mệt mỏi khiến bạn không nhìn rõ mọi việc. Thiếu sự minh định, không biết cách đánh giá các tình huống”. Đức Thánh Cha đã nói về điều mà ngài tiếc nhớ nhất trong cuộc sống ở Buenos Aires, đó là “đi dạo, xuống phố”. “Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến tranh thế giới”, Đức Thánh Cha nói. “Nó bắt đầu từng chút một và giờ đây không ai có thể nói nó không hiện hữu trên toàn thế giới. Các cường quốc đều bị cuốn vào trong đó. Chiến trường là Ukraine. Mọi người đang chiến đấu ở đó”. Đức Thánh Cha nói rằng Putin biết rằng ngài muốn gặp ông ấy, “nhưng có những lợi ích đế quốc ở đó, không chỉ của đế chế Nga, mà còn của các đế chế ở những nơi khác”.

Kính thưa Đức Thánh Cha, trong 10 năm qua, ngài đã thay đổi thế nào?

Tôi đã già nua. Tôi có sức chịu đựng kém hơn về thể chất, chấn thương đầu gối là một sự tủi hổ về thể lý, mặc dù hiện tại nó đang hồi phục tốt.

Nó có đè nặng lên ngài khi ngồi trên xe lăn không?

Tôi hơi xấu hổ.

Nhiều người mô tả Đức Thánh Cha là vị Giáo hoàng của những người thấp kém nhất. Đức Thánh Cha cảm thấy như vậy không?

Đúng là tôi có sự ưu ái đối với những người bị loại bỏ, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi loại bỏ những người khác. Người nghèo là đối tượng yêu thích của Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu không xua đuổi những người giàu có.

Chúa Giêsu yêu cầu mời tất cả mọi người đến dự tiệc. Điều đó có nghĩa thế nào?

Điều đó có nghĩa là không ai bị loại trừ. Khi không có khách đến dự tiệc, Người truyền bảo hãy đi ra các ngả đường lớn, gặp bất cứ ai thì cũng đều mời vào dự tiệc, bất kể kẻ ốm đau, kẻ tốt lẫn kẻ xấu, trẻ nhỏ lẫn người lớn, kẻ giàu lẫn người nghèo, hết thảy mọi người. Chúng ta không được quên điều này: Giáo hội không phải là ngôi nhà của một số người, Giáo hội không có tính chọn lọc. Đoàn dân trung thành thánh thiện của Thiên Chúa là: tất cả mọi người.

Tại sao một số người cảm thấy bị loại trừ khỏi Giáo Hội vì hoàn cảnh sống của họ?

Tội lỗi luôn ở đó. Và có chút tự cao tự đại của thế gian, cảm thấy mình công chính hơn người khác, nhưng điều đó không đúng. Tất cả chúng ta đều là tội nhân. Vào giờ phải đối diện với sự thật, hãy đặt sự thật của bạn lên bàn và bạn sẽ thấy rằng mình là một tội nhân.

Đức Thánh Cha tưởng tượng giờ của sự thật, thế giới bên kia, thế nào?

Tôi không thể tưởng tượng được điều đó. Tôi không biết nó sẽ ra sao. Tôi chỉ cầu xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành cùng với tôi.

Tại sao Đức Thánh Cha chọn sống ở Santa Marta?

Hai ngày sau khi đắc cử Giáo hoàng, tôi đã đến sở hữu Điện Tông Tòa. Nó không sang trọng. Nó được bài trí rất tốt, nhưng nó rất rộng lớn. Cảm giác tôi có giống như một cái phễu lộn ngược. Về mặt tâm lý, tôi không thể chịu đựng được điều đó. Tình cờ tôi đi ngang qua căn phòng nơi tôi đang ở. Và tôi nói: ‘Tôi sẽ sống ở đây’. Đó là một khách sạn, 40 người làm việc trong Giáo triều sống ở đây. Và mọi người đến từ khắp nơi.

Đức Thánh Cha có cảm thấy tiếc nhớ bất cứ điều gì từ cuộc sống trước đây không?

Việc đi dạo, xuống phố. Tôi đã từng đi bộ rất nhiều. Tôi thường bắt tàu điện ngầm, xe buýt, luôn đi cùng với mọi người.

Đức Thánh Cha nghĩ gì về châu Âu?

Lúc này đây nó có rất nhiều chính trị gia, những người đứng đầu chính phủ hoặc những bộ trưởng trẻ tuổi. Tôi luôn nói với họ: hãy trò chuyện với nhau. Người đó từ bên trái, bạn từ bên phải, nhưng cả hai đều còn trẻ: trò chuyện. Đây là thời gian để đối thoại giữa những người trẻ tuổi.

Một Giáo hoàng “đến từ tận cùng trái đất” mang lại điều gì?

Tôi nhớ đến điều mà triết học gia người Argentina Amelia Podetti đã viết: thực tế nên được nhìn từ các thái cực hơn là từ trung tâm. Người ta hiểu tính phổ quát từ xa. Đó là một nguyên tắc xã hội, triết học và chính trị.

Đức Thánh Cha nhớ gì về những tháng ngày bị phong tỏa, về buổi cầu nguyện đơn độc của Đức Thánh Cha tại Quảng trường Thánh Phêrô?

Trời mưa và vắng bóng người. Tôi cảm thấy rằng Thiên Chúa đang hiện diện ở đó. Đó là điều Thiên Chúa muốn làm cho chúng ta hiểu bi kịch, sự cô đơn, bóng tối, dịch bệnh.

Có một số cuộc chiến tranh trên thế giới. Tại sao thật khó để hiểu được sự kịch tính mà chúng gây ra?

Trong vòng hơn 100 năm đã xảy ra ba cuộc chiến tranh thế giới: ‘1914-1918, ‘1939-1945, và cuộc chiến này là một cuộc chiến tranh thế giới. Nó bắt đầu từng chút một và giờ đây không ai có thể nói nó không hiện hữu trên toàn thế giới. Các cường quốc đều bị cuốn vào trong đó. Chiến trường là Ukraine. Mọi người đang chiến đấu ở đó. Điều này gợi nhớ đến ngành công nghiệp vũ khí. Một chuyên gia nói với tôi: nếu không sản xuất vũ khí trong một năm, vấn đề đói nghèo trên thế giới sẽ được giải quyết. Đó là một thị trường. Chiến tranh được thực hiện, vũ khí cũ được bán, vũ khí mới được thử nghiệm.

Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Đức Thánh Cha đã gặp Putin vài lần. Nếu Đức Thánh Cha gặp ông ấy hôm nay, ngài sẽ nói gì với ông ấy?

Tôi sẽ trò chuyện với ông ấy một cách rõ ràng như khi tôi phát biểu trước công chúng. Putin là một người có học thức. Vào ngày thứ hai của cuộc chiến, tôi đã đến Đại sứ quán Nga tại Tòa Thánh để nói rằng tôi sẵn sàng đến Moscow nếu Putin tạo cơ hội đàm phán. Ngoại trưởng Lavrov đã viết thư cho tôi để nói lời cảm ơn nhưng bây giờ không phải là lúc. Putin biết tôi sẵn sàng. Nhưng có những lợi ích đế quốc ở đó, không chỉ của đế chế Nga, mà còn của các đế chế ở những nơi khác. Việc đặt các quốc gia ở vị trí thứ hai là điển hình của đế chế.

Những cuộc chiến nào khác mà Đức Thánh Cha cảm thấy gần gũi nhất?

Xung đột ở Yemen, Syria, những người Rohingya nghèo khổ ở Myanmar. Tại sao lại có sự đau khổ này? Chiến tranh gây ra sự tổn hại. Không có Thần Khí của Thiên Chúa. Tôi không tin vào các cuộc thánh chiến.

Đức Thánh Cha hay nói về việc ngôi lê đôi mách. Tại sao?

Việc ngồi lê đôi mách phá hủy sự chung sống, phá hủy gia đình. Đó là một căn bệnh ẩn giấu. Đó là bệnh dịch hạch.

10 năm của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI tại Tu viện Mater Ecclesiae thế nào?

Tuyệt vời. Đức Bênêđictô XVI là một con người của Thiên Chúa; tôi rất mực yêu mến ngài. Lần cuối cùng tôi nhìn thấy ngài là vào dịp lễ Giáng sinh. Ngài hầu như không thể nói được. Ngài nói bằng một giọng rất trầm. Những lời nói của ngài phải được “phiên dịch”. Ngài hết sức minh mẫn. Ngài đặt câu hỏi: chuyện này diễn ra như thế nào? Và vấn đề đó thì sao? Ngài đã cập nhật về mọi thứ. Thật vui khi được trò chuyện với ngài. Tôi luôn hỏi ý kiến của ngài. Ngài nói với tôi những gì ngài suy nghĩ, ngài luôn cân bằng, tích cực, một con người đầy khôn ngoan. Tuy nhiên, lần cuối cùng, bạn có thể thấy Đức Bênêđictô XVI đã gần kết thúc cuộc hành trình.

Tang lễ của Đức Bênêđictô XVI hết sức đơn giản. Tại sao? 

Việc tổ chức tang lễ cho một vị Giáo hoàng không trị vì là một thách thức đối với các vị Chưởng nghi các nghi lễ Giáo hoàng. Rất khó để tạo ra sự khác biệt. Bây giờ tôi đã bảo họ nghiên cứu nghi thức tang lễ của các Giáo hoàng tương lai, của tất cả các Giáo hoàng. Họ đang nghiên cứu và cũng đơn giản hóa một chút, loại bỏ những điều không đúng về mặt phụng vụ.

Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI đã mở cửa cho việc từ chức Giáo hoàng. Đức Thánh Cha đã nói rằng đó có thể là một khả năng nhưng ngài hiện không suy tính về điều đó vào lúc này. Điều gì có thể khiến Đức Thánh Cha từ chức trong tương lai?

Một sự mệt mỏi khiến bạn không nhìn rõ mọi thứ. Thiếu sự minh định, không biết cách đánh giá các tình huống, cũng như vấn đề về thể lý, có lẽ như thế. Tôi luôn hỏi về điều này và lắng nghe lời khuyên. Mọi thứ diễn ra thế nào? Bạn có nghĩ rằng tôi nên… tôi hỏi những người biết tôi và thậm chí cả một số Hồng y khôn ngoan. Và họ nói với tôi sự thật: cứ tiếp tục, mọi việc tốt đẹp không sao đâu. Nhưng xin hãy báo  cho tôi biết kịp thời.

 Khi Đức Thánh Cha chào mọi người, ngài luôn xin họ cầu nguyện cho ngài. Tại sao?

Tôi chắc chắn rằng mọi người đều cầu nguyện. Đối với những người không có đức tin, tôi nói: hãy cầu nguyện cho tôi và nếu bạn không cầu nguyện, hãy gửi cho tôi những cảm xúc tốt đẹp. Một người bạn vô thần viết thư cho tôi: …và tôi gửi cho ngài những cảm xúc tốt đẹp. Đó là một cách cầu nguyện của người ngoại giáo, nhưng đó là một cách yêu thương. Và yêu thương một ai đó là một lời cầu nguyện.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube