Phi bạo lực: Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới

 

Sứ điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới: “Bạo lực không phải là thuốc chữa bệnh cho thế giới bị đổ vỡ của chúng ta.” Tin Mừng về tình yêu thương kẻ thù

su-diep-hoa-binh

“Chúc mừng hòa bình”, không chỉ “cho các dân tộc và các quốc gia trên thế giới, với những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, cũng như các nhà lãnh đạo của các cộng đồng tôn giáo và các biểu hiện khác nhau của xã hội dân sự”, mà còn “cho mỗi người đàn ông, đàn bà, trẻ nam trẻ nữ.”

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 01/01/2017 đã được mở đầu như vậy.

Sứ điệp được công bố sáng nay 12/12 (giờ Rôma). Chủ đề: “Phi bạo lực: kiểu chính sách vì hòa bình.”

Những suy tư của Đức Giáo Hoàng xuất phát từ một mong muốn: “Ước gì đức ái và sự phi bạo lực hướng dẫn cách chúng ta đối xử với nhau trong các mối quan hệ hỗ tương, trong các quan hệ xã hội và các quan hệ quốc tế”. Từ cấp độ địa phương đến cấp độ toàn cầu, “chớ gì phi bạo lực có thể trở thành phong cách đặc trưng của các quyết định của chúng ta, của các mối quan hệ của chúng ta, của các hành động của chúng ta, và của chính trị trong tất cả các hình thức của nó.”

Đức Thánh Cha trích dẫn Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới đầu tiên, sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, người đã định nghĩa hòa bình là “hướng đúng đắn duy nhất của sự tiến bộ nhân loại”, nhắc đến Thông điệp Pacem in Terris của Đức Thánh Gioan XXIII, với bốn “trụ cột” của nó: “Sự thật, công lý, tự do, tình yêu.” Những hạn từ đó, “ngày hôm nay – Đức Giáo Hoàng ghi nhận – cũng không kém quan trọng và cấp bách hơn năm mươi năm trước đây.” Thậm chí, trong thế giới “tan vỡ” như thực tế của chúng ta, khi “trả thù và vòng xoáy xung đột chết người chỉ có lợi cho một vài “lãnh chúa”, thì “bạo lực” không phải là thuốc chữa”.  

Nhắc đến các cuộc chiến tranh thế giới của thế kỷ trước, Đức Thánh Cha muốn nói về các mối đe dọa của chiến tranh hạt nhân và số lượng lớn các cuộc xung đột mà ngài đã nhiều lần gọi là một “cuộc chiến tranh thế giới từng mảnh khủng khiếp”. Thật không phải là dễ dàng – ngài viết – “để biết thế giới hiện nay nhiều bạo lực hơn hay ít bạo lực hơn so với hôm qua, cũng khó biết được các phương tiện truyền thông hiện đại và tính di động là đặc điểm của thời đại chúng ta, có làm cho chúng ta ý thức hơn về bạo lực hay lại làm cho chúng ta nghiện nó nhiều hơn. Dù sao đi nữa, bạo lực được thực hiện “từng phần” luôn gây ra đau khổ to lớn và chúng ta có thể nhận thức rõ về nó: các cuộc chiến tranh ở các nước và các châu lục khác nhau; khủng bố, tội phạm và các cuộc tấn công vũ trang không thể đoán trước; những lạm dụng mà người di cư và nạn nhân của nạn buôn người phải chịu đựng; sự tàn phá môi trường. Để làm gì?”.

Đối lại tất cả những điều đó, Đức Thánh Cha đưa ra đề nghị của Tin Mừng. “Trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu hôm nay – Đức Thánh Cha nói – cũng có nghĩa là tôn trọng những đề nghị của Ngài về phi bạo lực”.

Sau đó, trích lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Đức Phanxicô khẳng định rằng “Tin Mừng về tình yêu thương kẻ thù chính là ‘Carta magna’ của sự phi bạo lực Kitô giáo”. Đó chắc chắn không phải là đầu hàng sự ác nhưng là “đáp trả sự ác bằng sự thiện, do đó phá vỡ chuỗi bất công”. Đó cũng không phải là một chiến thuật – ngài nói tiếp – nhưng là “thái độ của một người rất xác tín về tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa, đến độ không sợ hãi giải quyết điều ác bằng các loại vũ khí của tình yêu và sự thật. Tình yêu thương kẻ thù làm thành hạt nhân của cuộc cách mạng Kitô giáo”. Gương mẫu là chính Chúa Kitô: “Ngài dạy rằng chiến trường thực sự, nơi đối mặt bạo lực với hòa bình, là trái tim con người.”

Đức Thánh Cha đặc biệt trưng dẫn gương mẫu của các phụ nữ, “thường là những thủ lãnh phi bạo lực”. Cụ thể, ngài nhắc đến “Leymah Gbowee và hàng ngàn phụ nữ Liberia, những người đã tổ chức các buổi cầu nguyện và biểu tình bất bạo động để đạt được các cuộc đàm phán cấp cao, kết thúc cuộc nội chiến thứ hai ở Liberia”, cho đến khi có những thỏa thuận hòa bình vào năm 2003.

Trích dẫn thánh Têrêsa Calcutta và sứ điệp bất bạo động của thánh nữ nhân dịp nhận giải Nobel hòa bình vào năm 1979, Đức Thánh Cha viết: “Trong gia đình, chúng ta không cần bom và súng, không cần hủy diệt để đem lại hoà bình, nhưng chỉ cần được ở bên nhau, yêu thương nhau. Và chúng ta sẽ vượt qua mọi sự dữ trong thế gian”. Sức mạnh của vũ khí – Đức Giáo Hoàng cảnh báo – “là sai lầm”. Đức Thánh Cha phân biệt “buôn bán vũ khí”, người gieo cái chết, với “xây dựng hòa bình”, người đem lại sống. Và Mẹ Teresa là “một biểu tượng, một tượng đài của thời đại chúng ta”.

Đức Thánh Cha cũng đề cập đến những thành công của Mahatma Gandhi và Khan Abdul Ghaffar Khan trong cuộc giải phóng Ấn Độ, và của Martin Luther King Jr chống phân biệt chủng tộc. Ngài khẳng định họ sẽ không bao giờ bị lãng quên. Từ đó, ngài mạnh mẽ tái khẳng định rằng “không có tôn giáo nào là khủng bố. Bạo lực là xúc phạm thánh Danh Thiên Chúa. Chúng ta không bao giờ mệt mỏi lặp đi lặp lại điều đó: “Danh của Thiên Chúa không bao giờ có thể dùng để biện minh cho bạo lực. Chỉ có hòa bình là thánh. Chỉ có hòa bình là thánh, chứ không phải chiến tranh!”.

Trích dẫn vị thánh thời danh, Thánh Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha nhắc đến vai trò hòa bình của ngài trong “thập kỷ quan trọng kết thúc với sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở châu Âu”. Suy tư, trong thông điệp Centesimus Annus, về các sự kiện của năm 1989 – Đức Giáo hoàng tiếp tục – “vị tiền nhiệm của tôi đã chỉ ra rằng một sự thay đổi lớn trong cuộc sống của các dân tộc, các quốc gia và các chính phủ, đã được thực hiện thông qua một cuộc chiến đấu hòa bình, chỉ sử dụng các loại vũ khí của sự thật và công lý”. Từ đó ngài tuyên bố cam kết của Giáo Hội là “thực hiện các chiến lược phi bạo lực để thúc đẩy hòa bình ở nhiều nước.” Đó là cam kết của nhiều truyền thống tôn giáo– Đức Thánh Cha ghi nhận – chứ không phải là một di sản độc quyền của Giáo hội Công giáo. Đối với các tôn giáo ấy, từ bi và bất bạo động là rất cần thiết và là bản chỉ đường sự sống.

Điều nền tảng, theo Đức Thánh Cha, là phải “bước đi trên con đường phi bạo lực, ở nơi đầu tiên là trong gia đình”, từ đó “niềm vui của tình yêu lan tỏa trên thế giới và chiếu sáng toàn xã hội”. Đức Thánh Cha còn khẳng định rằng “một nền đạo đức của tình huynh đệ và sống chung hòa bình giữa những con người và giữa các dân tộc, thì không thể dựa trên logic của sự sợ hãi, bạo lực và khép kín, nhưng là của trách nhiệm, tôn trọng và đối thoại chân thành”. Như vậy, “các chính sách phi bạo lực phải bắt đầu giữa các bức vách của ngôi nhà và sau đó lan rộng đến toàn thể gia đình nhân loại.”

Cũng trong Sứ điệp, Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi giải trừ vũ khí cũng như cấm và bãi bỏ các vũ khí hạt nhân. Ngài khẩn thiết kêu gọi “ngăn chặn bạo lực gia đình và sự lạm dụng phụ nữ và trẻ em”, bắt đầu từ nhận thức, theo ”gương mẫu của thánh Têrêxa Hài Nhi Giêsu”, rằng một hệ sinh thái toàn diện cũng được làm bằng những hành động đơn giản hàng ngày, trong đó, chúng ta phá vỡ logic của bạo lực, ích kỷ”.

Việc xây dựng hòa bình thông qua các hoạt động phi bạo lực – Sứ điệp tiếp tục – là cần thiết và phù hợp với những nỗ lực liên tục của Giáo Hội để hạn chế việc sử dụng vũ lực qua các tiêu chuẩn đạo đức, nhờ tham gia vào công việc của các tổ chức quốc tế và nhờ sự đóng góp của nhiều Kitô hữu trong việc xây dựng luật pháp ở tất cả các cấp độ”. Các “vũ khí” được Chúa Giêsu cung cấp trong Bài Giảng Trên Núi, “là một chương trình và một thách thức cho các chính trị gia và các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhà lãnh đạo của các tổ chức và các nhà quản lý các doanh nghiệp và các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới”. Họ được mời gọi “áp dụng Bát Phúc trong cách họ thực hiện trách nhiệm của mình”. Hoạt động theo cách này, Đức Thánh Cha giải thích, “là chọn tình liên đới như một cách để làm nên lịch sử và xây dựng tình hữu nghị xã hội. Hoạt động phi bạo lực là một cách cho thấy quả thật sự thống nhất thì mạnh mẽ hơn và có hiệu quả hơn so với sự xung đột. Tất cả mọi thứ trên thế giới được kết nối chặt chẽ với nhau”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đảm bảo rằng “Giáo Hội Công Giáo sẽ đồng hành với mọi nỗ lực xây dựng hòa bình ngang qua sự phi bạo lực tích cực và sáng tạo”.

Vũ Minh

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube