Phân tích: Vatican và Trung Quốc - Phần III, Đài Loan

Cờ Trung Quốc, Đài Loan và Vatican. Hình ảnh qua Shutterstock

Quốc kỳ Trung Quốc, Đài Loan và Vatican (Ảnh: Shutterstock)

Phần 3 của loạt bài gồm ba phần xem xét tình hình của Giáo hội tại Trung Quốc. Phần 1 xem xét Giáo hội tại Trung Quốc đại lục, và Phần 2 xem xét tình hình của Giáo hội tại Hồng Kông.

Với các cuộc đàm phán đang diễn ra liên quan đến việc gia hạn thỏa thuận Vatican-Trung Quốc 2018, số phận của các mối quan hệ Vatican-Đài Loan có thể chứng minh không thể tách rời khỏi tương lai của thỏa thuận – và của Giáo hội tại Trung Quốc.

Khi thỏa thuận năm 2018 được ký kết, nhường lại một số quyền kiểm soát các cuộc bổ nhiệm giám mục cho Đảng Cộng sản, Tòa Thánh nhấn mạnh rằng đó là một thỏa thuận mang tính “mục vụ” chứ không mang tính “chính trị”, nhằm mục đích hợp nhất Giáo hội hầm trú trung thành với Roma và Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CPCA) do cộng sản kiểm soát và có khuynh hướng ly giáo.

Nhưng sự chia rẽ “về mục vụ” giữa những người Công giáo Trung Quốc bắt nguồn từ sự chia rẽ về mặt ngoại giao giữa Trung Quốc Cộng sản và Tòa Thánh. Trong khi Vatican có thể khẳng định các mục tiêu của mình là hoàn toàn nhằm mục đích phục vụ Giáo hội, chính phủ Trung Quốc khó có thể tạo ra nét độc đáo như vậy. Và với việc gia hạn thỏa thuận đang được thảo luận, nhiều người hiện đang hỏi liệu Tòa Thánh có đang chuẩn bị chấp nhận công nhận “một Trung Quốc” như là giá của một Giáo hội hợp nhất hay không.

Tòa Thánh đã công nhận chính phủ Đài Loan, chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, kể từ năm 1942, trong khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã kiểm soát đại lục kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949. Trong khi Giáo hội vẫn duy trì đại sứ quán tại Đài Loan kể từ đó, tuy nhiên, Giáo hội không có sự hiện diện ngoại giao chính thức tại đại lục kể từ năm 1951, khi Giáo hội chính thức bị trục xuất – tạo ra sự chia rẽ giữa CPCA và Giáo hội hầm trú.

Chính phủ cộng sản luôn tuyên bố Đài Loan là một tỉnh nổi loạn, đồng thời khẳng định rằng chỉ có một Trung Quốc và một chính phủ Trung Quốc. Việc cô lập Đài Loan và cắt giảm sự công nhận quốc tế của nó như là một quốc gia dân chủ có chủ quyền, và vẫn là ưu tiên của chính sách đối ngoại trung ương.

 Trung Quốc đã thành công trong việc khiến Liên Hợp Quốc ngừng công nhận chính phủ Đài Loan vào năm 1971, và kể từ đó, phần lớn các quốc gia thành viên đã cắt đứt quan hệ chính thức, thường như là điều kiện để được tăng cường viện trợ hoặc thương mại với Trung Quốc. Đài Loan đã mất năm đồng minh ngoại giao kể từ năm 2016, với các quốc gia đang phát triển như El Salvador, Panama, và Cộng hòa Dominica cắt đứt quan hệ với nước này dưới áp lực từ Bắc Kinh.

Mặc dù đại sứ quán ở Đài Bắc đã được lãnh đạo bởi một đại biện, chứ không phải là một đại sứ, kể từ năm 1971, nhưng ngày nay Tòa Thánh vẫn là chính phủ châu Âu cuối cùng và là cơ quan quốc tế nổi bật nhất, công nhận Đài Loan.

Kể từ khi thỏa thuận năm 2018 được ký kết, những người theo dõi Trung Quốc và Vatican đã chờ xem liệu sẽ có một sự thay đổi nào nữa trong chính sách ngoại giao của Vatican với Trung Quốc, và các dấu hiệu, mặc dù là khó có thể nhận thấy, đã được nhìn thấy.

Vào tháng 3 năm 2018, thỏa thuận Vatican-Trung Quốc đã được đàm phán và thảo luận rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Đức Tổng Giám mục của Đài Loan, Đức Cha Gioan Hồng Sơn Xuyên, Địa phận Đài Bắc đã bày tỏ quan điểm cá nhân, đồng thời cho biết rằng Đài Loan không lường trước được Tòa Thánh và Trung Quốc đại lục sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao, vì khi làm như vậy, hai bên đòi hỏi “cần phải cùng nhau chia sẻ các giá trị chung”.

“Các giá trị mà Vatican nắm giữ khác với các giá trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việc xây dựng mối quan hệ với Vatican đòi hỏi các giá trị bao gồm tự do và dân chủ”, Đức Cha Gioan Hồng Sơn Xuyên phát biểu vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, kể từ đó, sự ủng hộ công khai của Roma đối với các giá trị này chẳng mấy nổi bật liên quan đến Trung Quốc. Vatican đã không bình luận gì về hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại tập trung, bị cưỡng chế triệt sản, bị tra tấn và bị truyền bá tư tưởng chống tôn giáo. Vatican cũng đã không bày tỏ sự phản đối công khai nào về cuộc đàn áp Kitô hữu diễn ra liên tục trên khắp đại lục, bao gồm cả các hành vi sách nhiễu, cầm tù và giam giữ các Giám mục Công giáo trung thành.

Thay vào đó, Đức Hồng Y Pietro Parolin đã ca ngợi chiến dịch “Hán hóa” tôn giáo của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và văn hóa ở nước này, đồng thời nói rằng nó liên quan đến khái niệm Công giáo về sự hội nhập văn hóa “mà không có sự lẫn lộn và tương khắc”.

Đồng thời, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một cuộc đàn áp các quyền tự do dân sự ở Hồng Kông, trước tiên là nhằm đáp lại các cuộc biểu tình phản đối dự luật năm 2019 cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục, và gần đây hơn sau khi áp dụng các biện pháp của “luật an ninh quốc gia” mới có ảnh hưởng sâu rộng đối với lãnh thổ tự trị.

Vào đầu năm nay, Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, đã viết thư cho Đức Giáo hoàng Phanxicô để đáp lại Sứ điệp của Ngài nhân Ngày Thế giới Hòa bình năm 2020. Bà Thái Anh Văn đã tận dụng bức thư của mình để giải thích sự tương đồng giữa thái độ của Trung Quốc và những hành động chống lại Hồng Kông và Đài Loan.

“Tôi hoàn toàn đồng ý với tuyên bố của Ngài rằng việc đi trên con đường hòa bình đòi hỏi chúng ta cần phải gác lại mọi hành vi bạo lực trong tư tưởng, lời nói và hành động, cho dù đối với những người lân cận hay đối với công trình sáng tạo của Thiên Chúa”, bà Thái Anh Văn viết cho Đức Giáo hoàng Phanxicô vào tháng 1, khi bà kể chi tiết một danh sách bao gồm các hành động của Trung Quốc mà bà cho biết là cấu thành “hành vi lạm dụng quyền lực” ở Hồng Kông, cuộc đàn áp các tín đồ tôn giáo tại đại lục và sự gây hấn của họ đối với Đài Loan.

“Mấu chốt của vấn đề là Trung Quốc từ chối buông bỏ mong muốn thống trị Đài Loan. Nó tiếp tục làm suy yếu nền dân chủ, tự do và nhân quyền của Đài Loan với các mối đe dọa của lực lượng quân sự và việc thực hiện các chiến dịch thông tin sai lệch, tấn công mạng và các thủ đoạn ngoại giao”.

Tuy nhiên, khi các cuộc đàm phán với chính quyền Cộng sản tiếp tục, cuộc đàm luận ngoại giao giữa Tòa Thánh và Đài Loan dường như có chiều hướng một chiều rõ rệt.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Tòa Thánh là đồng minh ngoại giao duy nhất của Đài Loan đã không đưa ra lời kêu gọi cho phép Đài Loan tham gia các cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới. Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết hồi tháng Năm rằng Vatican sẽ bày tỏ sự ủng hộ Đài Loan thông qua các kênh khác.

Đầu tháng này, tờ South China Morning Post của Hồng Kông dẫn lời một nguồn tin của Vatican nói rằng Tòa Thánh thậm chí có thể chuyển đại sứ quán của mình từ Đài Loan sang Trung Quốc đại lục.

“Đài Loan không nên bị xúc phạm nếu đại sứ quán ở Đài Bắc bị chuyển về địa chỉ ban đầu ở Bắc Kinh”, theo nguồn Vatican được trích dẫn.

Trong khi nhiều nhà quan sát coi đó là một hành động táo bạo về mặt ngoại giao đầy kịch tính đối với Bắc Kinh, Đức Tổng Giám mục Tôma Chung An Trụ vừa mới được bổ nhiệm của Đài Loan đã hạ thấp tầm quan trọng của khả năng này khi phát biểu với tờ Morning Post rằng Tòa đại sứ Đài Loan “nên được duy trì” thậm chí ngay cả khi Đại sứ quán Vatican chính thức được chuyển đến Bắc Kinh.

Động thái như vậy “có thể sớm xảy ra nếu chính phủ Trung Quốc đại lục có tư tưởng cởi mở và dễ tiếp thu hơn đối với Giáo hội Công giáo La Mã,” Đức TGM Chung nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “trên thực tế, thỏa thuận Trung-Vatican không có tác động thực sự đến mối quan hệ của Đài Loan với Vatican”.

Vatican đã lên tiếng bày tỏ mong muốn được nhìn thấy một Giáo hội Công giáo hợp nhất ở Trung Quốc, có lẽ bao gồm các Giáo hội chính thức và hầm trú tại đại lục, cũng như các Giáo phận độc lập hiện nay của Hồng Kông và Đài Loan. Nếu chính phủ đại lục hy vọng sẽ thúc giục Tòa Thánh chấp nhận chính sách “một Trung Quốc” như là cái giá của “một Giáo hội tại Trung Quốc”, các dấu hiệu cho thấy điều đó có khả năng xảy ra.

Năm 2018, một số quan chức tại Roma có thể đã hy vọng được nhìn thấy các quyền tự do của người Công giáo Đài Loan và Hồng Kông được bảo vệ khi họ tiến tới hợp nhất Giáo hội tại đại lục. Tuy nhiên, trong hai năm kể từ khi Thỏa thuận Vatican-Trung Quốc được ký kết, chính quyền Cộng sản đã tuyên bố một cách rõ ràng rằng họ – chứ không phải Roma – sẽ là cơ quan quyền lực tối cao đối với người Công giáo ở nước này.

Trong khi, đối với nhiều người Công giáo Trung Quốc, đó vẫn còn là một lời đề nghị vô cùng khó chịu, và Tòa Thánh vẫn còn đang trong giai đoạn bàn phán.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết