Ôm lấy món quà từ Thiên Chúa

Tất cả chúng ta đều có những món quà và nhiều tài năng thiên bẩm. Trong cuộc đời, một số trong chúng ta sẽ sớm phát hiện, một số khác lại có thể ngủ yên trong nhiều năm và sau đó sẽ đâm chồi, nở rộ mãi về sau.

alabaster-co-_hbV00elaZk-unsplash_re

Mối quan tâm cá nhân của Julia Child đối với ẩm thực bắt đầu từ năm 1948, khi cô cùng chồng chuyển đến Paris và lần đầu tiên được nếm thử ẩm thực Pháp. Cô bắt đầu tổ chức, sáng tạo và dẫn chương trình cho chương trình truyền hình thực tế The French Chef vào năm 1963, ở tuổi năm mươi. Cách tiếp cận đơn giản của cô ấy đối với việc nấu ăn theo phong cách Pháp đã khiến cô trở thành nhân vật được yêu thích trên truyền hình trong nhiều thập kỷ.

Đôi khi cần một người khác khuyến khích chúng ta sử dụng một món quà hoặc khai sáng một tài năng cụ thể mà chúng ta thậm chí không biết mình có. Những cuốn sách “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” của “Laura Ingalls Wilder” đã thu hút trí tưởng tượng của nhiều thế hệ học sinh Mỹ, nhưng chúng được viết khi tác giả đang ở độ tuổi hoàng kim. Chính nhờ sự thúc giục của con gái Wilder, cô đã bắt đầu sự nghiệp viết lách.

Dù năng khiếu của chúng ta được đánh thức bằng cách nào đi chăng nữa, thì Chúa cũng sẽ sử dụng chúng để xây dựng thân thể Ngài. Quà tặng và tài năng của chúng ta là để được sẻ chia rộng rãi và phát triển không ngừng.

Anne ở độ tuổi bốn mươi khi cô cầu nguyện để tình yêu của Đức Giêsu tuôn đổ thật nhiều trong cuộc đời cô. Những kinh nghiệm là tác phẩm dâng hiến cho đời, được biến đổi và sẻ chia rộng rãi ở khắp mọi nơi. Cô khám phá ra rằng mình có thể làm thơ để bày tỏ tình yêu của Chúa dành cho mọi người. Nhiều người đã tìm thấy niềm an ủi, hy vọng và sự bình an qua những bài thơ của cô.

Ở tuổi sáu mươi lăm, Anne cho ra đời cuốn sách đầu tiên của mình, sau đó là cuốn thứ hai khi đã bảy mươi lăm tuổi. Mặc dù thị lực lúc bấy giờ đã khá mờ, ở tuổi 85, Anne vẫn viết những bài thơ cho Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh, Lễ Hanukkah (Lễ Hội thắp nến) và Lễ Vượt qua. Với sự giúp đỡ của mọi người, bà ấy gửi chúng cho nhiều bạn bè của mình.

Điều quan trọng là chúng ta luôn cởi mở đón nhận những dấu chỉ soi sáng của Chúa Thánh Thần, Đấng ban mọi ơn lành. Chúng ta có thể nghĩ rằng đã quá muộn để nhận hoặc sử dụng một món quà cụ thể nào đó, tuy nhiên, Chúa luôn tuyệt hảo trong bất kể thời điểm nào. Không khi nào là quá trễ để sử dụng những món quà của riêng mình, để xây dựng uy danh Ngài trong chính anh chị em của mình và Chúa luôn được tôn vinh. Cầu xin Chúa Thánh Thần giúp ta chia sẻ những món quà của riêng mình để ta thấy Chúa luôn hiện diện mỗi ngày trong thế giới hôm nay.

Một Mùa Chuyển Giao. Khi chúng ta già đi, một trong những trở ngại khó vượt qua nhất là nhận ra rằng thế giới đang dần trở nên thu hẹp hơn. Khi nghỉ hưu, lối sống và thói quen ngày càng bị thay đổi. Thành viên gia đình và bạn bè dần ra đi, rời xa ta mãi mãi. Và có lẽ sự ảnh hưởng của chúng ta với những người khác không còn cần thiết theo cách cũ nữa. Chúng ta bước vào một mùa mới, mùa thu của cuộc đời chúng ta.

Bờ biển phía Đông, nơi tôi sống, đẹp một cách đặc biệt vào mùa thu. Những chiếc lá chuyển sang màu vàng cam rực rỡ, và nâu đỏ đậm trước khi nó rơi xuống đất và chết đi, nhường chỗ cho sự sống mới xuất hiện vào mùa xuân. Tạo vật của Đức Chúa Trời buông bỏ cái cũ và chào đón một sự sống mới.

Mỗi khi có một sự thay đổi mới mẻ đến, chúng ta có thể dành thời gian để cầu nguyện, suy nghĩ, phân định và nói chuyện với một người bạn đáng tin cậy về những gì Chúa đang nói với chúng ta. Ngài ban cho chúng ta những món quà nào, và làm thế nào chúng ta có thể đón nhận những món quà ấy? Chúng ta muốn làm gì tiếp theo?

Sau cái chết của Dave, Kathy đã trải qua sự mất mát và đau buồn sâu sắc. Cô ấy và Dave là một đội khá ăn ý, họ được biết đến với những món quà hào phóng, xa hoa về lòng hiếu khách. Bàn của họ thường có rất nhiều người và luôn trò chuyện sôi nổi. Bây giờ, giữa nỗi đau, tình yêu của Kathy và sự quan tâm hỗ trợ cho gia đình, bạn bè vẫn thế, vẫn tuyệt vời. Vài năm sau, một cánh cửa mới đã mở ra cho cô, cô tập hợp một nhóm phụ nữ để gặp gỡ thường xuyên nhằm phát triển tình bạn của họ trong Đức Kitô và với nhau.

Mỗi người trong chúng ta sẽ có những trải nghiệm riêng trong mùa thu của cuộc đời mình. Chúng ta có thể tin tưởng rằng, mỗi ngày ân sủng của Thiên Chúa luôn mới mẻ, giúp chúng ta biến đổi, vượt qua những khó khăn và thích nghi với những điều mà chúng ta cần thực hiện. Chúa sẽ ban cho chúng ta những hiểu biết mới và ân sủng để cuộc sống trôi qua một cách trọn vẹn, trải nghiệm được những niềm vui mới mỗi ngày. Lòng biết ơn, tôn thờ luôn hiện hữu trong trái tim bạn. Thiên Chúa là Cha của chúng ta đã đưa bạn vào sự sống này. Hãy cầu nguyện để trái tim và khối óc của các bạn tiếp tục rộng mở, sẵn sàng đón nhận tình yêu và sự soi dẫn của Người, và để các bạn có thể trở thành nơi trú ẩn cho những người túng thiếu, quảng đại yêu thương tất cả những ai mà Chúa Cha gửi đến cho các bạn.

Những biến chuyển trong Trái Tim. Bạn có nhớ câu chuyện Tin Mừng về hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24:13-25) không? Đang đi bộ và trò chuyện say mê, bàn tán về những gì vừa xảy ra ở Giêrusalem, bất ngờ họ được tham gia trò chuyện cùng một người lạ, người mà đã trở thành một phần trong cả cuộc trò chuyện. Nhưng đây không phải là cuộc trò chuyện thông thường. Trái tim của hai môn đệ này đã bị quyến rũ như bị thôi miên, họ hoàn toàn bị thu hút bởi lời nói và sự hiện diện của người lạ này. Vì vậy, họ mời ở lại dùng bữa tối, và trong lúc bẻ bánh, họ nhận ra rằng người bạn đồng hành này chính là Chúa Giêsu!

Cuộc đời của hai môn đệ này đã thay đổi nhờ chính cuộc gặp gỡ đó, cuộc đời của bạn và tôi cũng vậy, bất cứ khi nào chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện. Thời gian đều đặn mỗi ngày, hãy dành riêng cho việc cầu nguyện riêng tư, nó sẽ trở thành bước đệm cho mối quan hệ mật thiết với Chúa Cha – một cuộc trò chuyện bằng cả trái tim, là khi chúng ta hoàn toàn là chính mình và tan biến trong Ngài.

Chúng ta có thể dành một phần thời gian trong ngày, có lẽ mười lăm phút hoặc nửa tiếng đồng hồ để đọc Kinh Thánh. Bằng cách này, chúng ta biết Chúa Cha qua Chúa Giêsu và những hành động cụ thể trong Ngài. Chẳng hạn như, khi nhìn thấy lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu, bằng việc khiến con trai của bà góa sống lại từ cõi chết (Lc 7:11-17), chúng ta biết Chúa Cha và có thể đến gần trái tim Người hơn. Trong trái tim của Người, chúng ta sẽ giống như bà góa đó, gặp được lòng trắc ẩn và lòng thương xót của Người.

Giống như các môn đệ trên đường Emmau, chúng ta cũng nán lại với Chúa Giêsu. Dành thời gian, sự quan tâm để mối tương quan và tình yêu của chúng ta dành cho Chúa mỗi ngày được lớn lên. Gặp gỡ Ngài hàng ngày sẽ khiến trái tim ra rộng mở. Điều đó có nghĩa là dành thời gian để lắng nghe, cảm nhận những gì Chúa nói với mỗi người chúng ta.

Cầu nguyện cá nhân là một cuộc phiêu lưu. Một khi chúng ta dâng tâm hồn mình cho Chúa và tập trung vào Ngài, chúng ta sẽ được tình yêu của Ngài hấp dẫn. Sau đó, phản ứng tự nhiên của ta là ngợi khen và thờ phượng Ngài. Và càng dành nhiều thời gian cho sự hiện diện của Chúa hơn, chúng ta sẽ càng muốn ở bên Chúa nhiều hơn. Giống như các môn đệ trên đường Emmau, chúng ta sẽ nói: “Khi nãy đi đường, Ngài nói cùng chúng ta và cắt nghĩa Kinh Thánh, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24:32). Tình yêu của Chúa Cha dành cho chúng ta làm trái tim chúng ta say mê. Ở lại với Chúa để bạn hiểu hơn về Ngài và có thể nhận ra Ngài hiện diện rõ ràng và luôn luôn hoạt động trong chính cuộc sống của bạn.

 

Chuyển ngữ: Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam

Nguồn: Embracing God’s Gifts, Carolyn Bassett (www.wau.org)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube