Những bài học hợp thời từ Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhở chúng ta những chân lý về vấn đề lao động và gia đình

Gioan Phaolo II

Hai văn kiện tròn 40 năm tuổi cho chúng ta thấy rằng cách thức chúng ta lao động và kinh doanh có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn và thế giới xung quanh chúng ta.

Năm nay đánh dấu 40 năm hai kiệt tác vĩ đại của Thánh Giáo hoàng Cha Gioan Phaolô II. Được viết bởi Đức Gioan Phaolô II vào năm 1981, Thông điệp Laborem Exercens (Lao động của con người) và Tông Huấn Familiaris Consortio (Gia Đình Kitô Hữu) đưa ra nhiều bài học hết sức hợp thời cho năm 2021. Những bài học này đặc biệt quan trọng khi chúng ta tìm cách đẩy lùi đại dịch coronavirus sau lưng chúng ta.

Hầu hết mọi người đều hy vọng quay trở lại trạng thái bình thường, đặc biệt là ở nơi làm việc, càng sớm càng tốt. Các văn phòng đang mở cửa trở lại và nhiều hạn chế cuối cùng cũng đã được dỡ bỏ. Người Công giáo và cả người không Công giáo đều đang tìm cách “đóng góp cho sự tiến bộ không ngừng của khoa học và công nghệ” thông qua công việc lao động của họ, thông qua ngôn ngữ của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II từ Thông điệp Laborem Exercens, vào ngày 14 tháng 9 năm 1981, Thông điệp đánh dấu kỷ niệm 90 năm Thông điệp Rerum Novarum của Đức Lêô XIII về vấn đề vốn và lao động. Tuy nhiên, trong giai đoạn vội vã quay trở lại trạng thái bình thường, yếu tố quan trọng nhất của lao động ngày càng bị bỏ qua.

Như Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh, sứ mạng thiết yếu nhất của chúng ta tại nơi làm việc là “không ngừng nâng cao trình độ văn hóa và đạo đức của xã hội”. Ít người nghĩ về lao động theo cách thức này.

Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, các doanh nghiệp thường không coi trọng nhiệm vụ đạo đức của mình đó là cải thiện cuộc sống. Trọng tâm đã trở thành việc tạo ra lợi nhuận bằng bất kỳ giá nào. Ngoài ra còn có một động lực sâu sắc thúc đẩy doanh nghiệp đứng về phía của các vấn đề chính trị gây chia rẽ nhất trong thời đại của chúng ta. Nơi làm việc đã trở thành nguồn gốc của sự xích mích, giận dữ và chủ nghĩa cực đoan – không điều nào trong số đó đưa xã hội tiến về phía trước.

Chúng ta có thể và phải làm tốt hơn. Điều đó có nghĩa là khôi phục lại sự hiểu biết đúng đắn về lao động và kinh doanh. Điều đó không phải là để chọn phe phái chính trị; đó là một nơi mà tất cả mọi người có thể nhận ra tiềm năng do Thiên Chúa ban cho của họ. Đó cũng không phải là cơ hội để kiếm tiền nhanh chóng và không có gì hơn; lao động có nghĩa là tạo ra hàng hóa và dịch vụ cho phép tất cả chúng ta cải thiện cuộc sống của mình.

Cách thức chúng ta lao động và kinh doanh có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn và thế giới xung quanh chúng ta. Chúng ta có thể hiệu triệu bản thân và những người khác dấn thân phục vụ, hoặc chúng ta có thể mời gọi sự dữ bước vào tâm hồn và văn hóa của chúng ta.

Trong bối cảnh tương tự, giữa bối cảnh đại dịch, ngày càng có nhiều người tin rằng lao động không có ý nghĩa quan trọng. Từ các cấp chính quyền cao nhất, các nhà lãnh đạo của chúng ta đã thúc giục để ngăn không cho mọi người đến nơi làm việc, thậm chí đến mức trả lương cao hơn để họ không động tay động chân. Ở đây, Thánh Gioan Phaolô II cũng chú ý đến sự ngộ nhận đó: Nhân loại “được mời gọi lao động”, vốn “thể hiện phẩm giá của chúng ta và nâng cao phẩm giá ấy”.

Vào thời điểm khi mà nhiều nhà lãnh đạo quốc gia của chúng ta nghĩ rằng việc giữ người dân đứng ngoài lề của nền kinh tế là tốt, người Công giáo phải gọi những hành động và suy nghĩ này theo đúng nghĩa của nó: một sự tấn công nhằm vào phẩm giá con người.

Ngoài lao động, gia đình cũng đang bị bủa vây – một cuộc khủng hoảng xuất hiện ngay cả trước đại dịch. Đó là nơi kiệt tác năm 1981 khác của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ra đời.

 Familiaris Consortio có thể đã được viết cách đây 40 năm vào ngày 22 tháng 11, nhưng những lời trong Tông Huấn này trước hết nói với thời đại của chúng ta: “Gia đình trong thế giới hiện đại, cũng giống như và có lẽ hơn bất kỳ thể chế nào khác, đã bị bủa vây bởi… nhiều thay đổi sâu sắc và nhanh chóng”. Nhiều người “đã trở nên không chắc chắn và hoang mang về vai trò của họ hoặc thậm chí nghi ngờ và gần như không nhận thức được ý nghĩa và sự thật nền tảng của cuộc sống vợ chồng và gia đình”. Đức Gioan Phaolô II tuyên bố, “tương lai của nhân loại đi qua con đường gia đình”, và với những sự việc đang xảy ra trong xã hội vào năm 2021, tương lai đó thực sự trông rất nghiệt ngã.

Khoảng một nửa số gia đình tan rã ở Mỹ, trong khi hôn nhân và con cái ngày càng bị từ chối. Toàn bộ quy tắc đạo đức tính dục, vốn đã hướng dẫn xã hội từ thời xa xưa, đã hoàn toàn sụp đổ trong những năm gần đây. Đồng thời, nhu cầu liên tục đối với lao động trong thế giới 24/7 khiến cho các gia đình thêm căng thẳng. Đối với nhiều người, lao động và gia đình có vẻ đối nghịch nhau, khi hai hàng hóa tích cực này phải củng cố và tăng cường lẫn nhau và thúc đẩy tất cả chúng ta hướng đến sự thánh thiện.

Trong cả hai tác phẩm, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kêu gọi các tín hữu bảo vệ những điều chân chính và tốt đẹp – một nhiệm vụ cấp bách đối với chúng ta và những người có tinh thần thiện chí ở khắp mọi nơi.

Theo lời kêu gọi này, Viện Napa (Napa Institute) và Đại học Công giáo Hoa Kỳ sẽ tổ chức Hội nghị Tinh thần Khởi nghiệp có nguyên tắc (Principled Entrepreneurship Conference) thường niên của chúng tôi từ ngày 11 đến 14 tháng 10 tại Thành phố New York. Chủ đề sẽ là “Lao động và Gia đình Mỹ”.

Chúng tôi sẽ xem xét các vấn đề mà cả lao động và gia đình hiện đang phải đối mặt, cũng như các giải pháp. Chúng ta cũng sẽ xem xét vai trò của tất cả chúng ta trong việc đưa ra các giải pháp đó và biến đổi xã hội của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Mỗi người Công giáo đều nắm giữ một vai trò khác nhau, đó là lý do tại sao mọi người đều được hoan nghênh tham dự hội nghị. Bạn có thể đăng ký tại trang web của Viện Napa để tham dự trực tiếp hoặc trực tuyến.

40 năm sau Thông điệp Laborem Exercens (Lao động của con người) và Tông Huấn Familiaris Consortio (Gia Đình Kitô Hữu) , Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã mạnh mẽ nói lên những thách thức mà chúng ta phải đối mặt. Đã đến lúc cần phải tái khám phá và áp dụng sự khôn ngoan của Đức Gioan Phaolô II cũng như Giáo huấn của Giáo hội liên quan đến lao động và gia đình, vì lợi ích của chúng ta và của cả xã hội.

Tim Busch

** Tim Busch là người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Pacific Hospitality Group và là đồng sáng lập của Viện Napa, một tổ chức giáo dân Công giáo, nơi đồng tổ chức Hội nghị Tinh thần Khởi nghiệp có nguyên tắc tại Thành phố New York từ ngày 11 đến 14 tháng 10. Tất cả mọi người đều có thể đăng ký tham dự. Ông cũng là người sáng lập Công ty Busch ở Irvine, California.

Minh Tuệ (theo NCR)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube