Chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô đến một quốc gia ngoài Công giáo phản ánh vai trò của Ngài với tư cách là lương tâm của xã hội quốc tế
Báo chí trong thời gian gần đây đã đồng loạt loan tin rằng Đức Thánh Cha Phanxicô cuối cùng sẽ đến thăm Nhật Bản vào tháng 11 – 38 năm sau chuyến Tông du trước đây của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhìn vào bối cảnh chuyến viếng thăm sắp tới của ĐTC Phanxicô, hai khái niệm chính dường như có vẻ trở nên hữu ích – vai trò của Đức Giáo hoàng với tư cách là lương tâm của xã hội quốc tế và sự chú ý của Ngài đối với châu Á.
Đầu tiên, tôi muốn làm rõ lý do tại sao không có vị Giáo hoàng nào đến thăm Nhật Bản trong suốt 38 năm qua. Điều đó rất đơn giản – Vatican dành ưu tiên thấp cho Nhật Bản bởi vì tỷ lệ người Công giáo trong dân số vẫn chưa đến tỷ lệ một trên 200 người.
Vậy thì tại sao Đức Giáo hoàng, nhà lãnh đạo tối cao của toàn thế giới Công giáo, đến với Nhật Bản, một quốc gia ngoài Công giáo? Đó chính là bởi vì Đức Giáo hoàng, ngoài việc là một nhà lãnh đạo tôn giáo, một nhà ngoại giao xuất sắc không ngừng đưa ra những thông điệp và những lời cảnh báo đối với xã hội quốc tế về các vấn đề mang tính thế tục chẳng hạn như tình trạng nghèo đói, sự bất bình đẳng về thu nhập, vấn đề liên quan đến những người nhập cư và tị nạn, và việc giải quyết xung đột, khiến Ngài trở thành một nhà cố vấn hoặc lương tâm của xã hội quốc tế cũng như một nhà truyền giáo của hòa bình.
Chúng ta hãy nhìn lại những phát biểu mà ĐTC Phanxicô gần đây đã đưa ra như là lương tâm quốc tế, vốn có thể cho chúng ta một số dòng tư tưởng về những thông điệp mà Ngài sẽ đưa ra trong chuyến Tông du Nhật Bản.
Tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng về thu nhập chính là mối quan tâm lớn nhất của Ngài. Vị Giáo hoàng đến từ Nam Mỹ này, người luôn ủng hộ việc Giáo hội cần phải sát cạnh bên cạnh người nghèo và chuyển trọng tâm về phía Nam, mạnh mẽ phê phán lối sống vật chất của phía Bắc và sự chênh lệch kinh tế rộng lớn giữa miền Bắc và miền Nam. ĐTC Phanxicô tăng cường cảnh báo rằng các nước giàu cần phải giảm bớt văn hóa tham lam, xa xỉ và tiêu dùng quá mức và trở lại cuộc sống khiêm tốn, mở rộng sự giúp đỡ cho người nghèo và những người yếu thế cũng như những người tị nạn.
ĐTC Phanxicô cũng đã lặp lại sự báo động về tình trạng bạo lực không thể kiểm soát của các cuộc nội chiến ở Syria và Yemen, và đồng thời Ngài cũng ủng hộ việc kiên quyết phi hạt nhân hóa và kiểm soát việc thương mại vũ khí quốc tế. Về việc phi hạt nhân hóa, tôi cho rằng ĐTC Phanxicô sẽ gửi đi một thông điệp đầy mạnh mẽ từ Hiroshima và Nagasaki.
ĐTC Phanxicô, người vô cùng bận tâm đến tình trạng suy thoái đang diễn ra đối với môi trường toàn cầu, yêu cầu rằng phương Bắc cần phải thực hiện trách nhiệm của mình bằng cách khắc phục thói quen tiêu thụ quá mức cũng như việc lãng phí các nguồn tài nguyên.
Trong bài diễn văn về các vấn đề quốc tế vào đầu tháng 1 với các đại sứ được công nhận tại Tòa Thánh, ĐTC Phanxicô đã chỉ trích gay gắt số lượng ngày càng gia tăng các nhà lãnh đạo chính trị vốn coi thường các cơ quan đa phương như Liên Hợp Quốc, đồng thời kêu gọi việc đánh giá lại vai trò của vấn đề ngoại giao đa phương.
Nhìn chung, các thông điệp của ĐTC Phanxicô có vẻ thích hợp đối với người Nhật, mặc dù một số thông điệp của Ngài có vẻ như khá khắc nghiệt đối với họ. Trong mọi trường hợp, khi mà nhiều nhà lãnh đạo quốc tế tôn trọng Đức Giáo hoàng như là lương tâm của xã hội quốc tế, các thông điệp mà Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đi từ Nhật Bản đến với thế giới sẽ được xem như là chứa đựng bản chất về ý nghĩa của chuyến viếng thăm Nhật Bản của Ngài.
Chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô cũng nên được nhìn trong bối cảnh của mối quan hệ giữa Vatican và châu Á. Ở châu Á, nơi mà các tôn giáo truyền thống như Phật giáo, Ấn Độ giáo và Hồi giáo chiếm ưu thế, tỷ lệ người Công giáo thì quả thực vô cùng khiêm tốn. Trong bối cảnh đó, Vatican, một pháo đài của Âu trung luận (Eurocentrism), cho đến nay vẫn dành rất ít chú ý đối với châu Á. Do đó, nhìn chung, mối quan hệ giữa Vatican và châu Á vẫn còn thụ động. Đó chính là lý do tại sao nguyên Giáo hoàng Benedict XVI, một vị Giáo hoàng theo chủ nghĩa truyền thống cực kỳ bảo thủ, không bao giờ đến thăm bất kỳ quốc gia châu Á nào trong suốt nhiệm kỳ tám năm của mình. Điều này bắt đầu thay đổi khi Đức Phanxicô, một người ủng hộ việc chuyển trọng tâm của Giáo hội từ Bắc vào Nam (nghĩa là Trung và Nam Mỹ, Châu Phi và Châu Á) đảm nhận chức vụ Giáo hoàng cách đây sáu năm.
ĐTC Phanxicô đã dành sự quan tâm chú ý và ưu ái cho châu Á xét về khía cạnh đề bạt các giáo sĩ cấp cao hoặc định hình các chuyến Tông du nước ngoài của mình. Và vào tháng 9 năm ngoái, Vatican cuối cùng đã đạt được thỏa thuận lịch sử với chính phủ Trung Quốc về việc đề cử các giám mục của Giáo hội Công giáo Trung Quốc, từ lâu được coi như là điều khó khăn nhất để có thể giải gỡ cho cả hai bên, mở đường cho một quá trình đối thoại mang tính thể chế giữa hai bên.
ĐTC Phanxicô đã thực hiện những nỗ lực không tiếc công sức trong sáu năm qua để rút ngắn khoảng cách về tinh thần giữa Vatican và châu Á. Chuyến viếng thăm Nhật Bản của Ngài sẽ được thực hiện trong bối cảnh như vậy.
Đó thực sự là một sự bất ngờ khi Chủ tịch Tập Cận Bình công nhận thẩm quyền của Đức Giáo hoàng đối với Giáo hội Trung Quốc bất chấp sự kiên quyết của ông trong việc Hán hóa tôn giáo tại Trung Quốc. Sự thỏa hiệp táo bạo này có lẽ chính là kết quả của quyết định mang tính hết sức chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm tận dụng sự hiện diện quan trọng của Đức Giáo hoàng, một biểu tượng của phương Tây, như là một cách thức để giảm thiểu tác động của cuộc tấn công về mặt ngoại giao của Washington.
Do đó, chẳng mấy đúng đắn khi chỉ trích Vatican, như một số giáo sĩ Công giáo bảo thủ đã làm, bằng cách nói rằng Vatican đã bị lừa gạt khi đưa ra một sự nhượng bộ một phía có lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, mối bận tâm của họ về chính quyền cộng sản là điều dễ hiểu khi chế độ cầm quyền Tập Cận Bình đã áp đặt sự kiểm soát khắc nghiệt hơn đối với các tôn giáo ở Trung Quốc, chưa kể đến sự áp bức hà khắc của nó đối với những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương. Do đó, điều quan trọng đó chính là cần phải theo dõi Bắc Kinh một cách cẩn thận để xem liệu nó có hành động trái với tinh thần của thỏa thuận hay không.
Một cách tình cờ, vị Giáo hoàng Dòng Tên này dường như mang trong mình DNA được thừa hưởng từ Thánh Phanxicô Xaviê và Linh mục Matteo Ricci, các Tu sĩ Dòng Tên đã tiên phong trong công việc truyền giáo ở Châu Á cách đây năm thế kỷ. Theo nghĩa này, ĐTC Phanxicô có thể có một tình cảm đặc biệt đối với việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Khi còn là một linh mục trẻ, ĐTC Phanxicô đã từng mong muốn được đặt chân đến Nhật Bản để theo đuổi công việc truyền giáo. Tuy nhiên, thỉnh cầu của Ngài lúc đó đã bị từ chối vì lý do sức khỏe yếu. ĐTC Phanxicô có thể vẫn còn lưu giữ một cảm giác đặc biệt đối với Nhật Bản, vốn có thể đã thúc đẩy Ngài thực hiện chuyến viếng thăm của mình.
Nói chung, sẽ rất thú vị khi chú ý quan sát các thông điệp mà ĐTC Phanxicô sẽ gửi đi từ Nhật Bản.
Kagefumi Ueno
Kagefumi Ueno là cựu Đại sứ Nhật Bản tại Tòa Thánh. Bài tiểu luận này lần đầu tiên xuất hiện trong chuyên mục “Their Own Words” trên trang web của “Liên hiệp Cộng đồng nói tiếng Anh Nhật Bản”.
Minh Tuệ (theo UCA News)