Người giàu có

Một hôm, tôi được một đồng nghiệp trẻ, kể cho nghe sự việc không giải quyết được trong lớp bạn ấy mới chủ nhiệm, và nhờ giúp.

Việc xảy ra trong lớp bạn ấy là: Tiền quỹ lớp, học sinh phụ trách để trong tủ của lớp, bị mất cắp mấy lần, không tìm ra thủ phạm, dù sau khi phân tích, giáo viên chủ nhiệm và ban chấp hành lớp biết chắc người lấy là một học sinh nào đó trong lớp, không phải người ngoài. Dĩ nhiên, giáo viên chủ nhiệm này đã làm những việc cần và thường làm: Công khai tình trạng quỹ bị mất trước lớp, răn đe, yêu cầu tìm người vi phạm, đề nghị các học sinh trong lớp cùng nhau chú ý và báo cho giáo viên chủ nhiệm nếu có thông tin, và cũng hứa giữ kín, sẵn sàng giúp đỡ nếu thủ phạm đã lỡ lấy, vì hoàn cảnh có khó khăn nào đó, chịu đến gặp giáo viên. Nhưng, không có thông tin gì nhiều, sự việc không chấm dứt, mà lại mới tiếp tục xảy ra lần nữa.

Đây là một lớp 10. Học sinh lớp 10 vừa tập họp từ nhiều trường cấp II khác nhau, chưa quen biết nhau nhiều, chưa đủ thời gian để hiểu, để thân nhau, chỉ chơi thành từng nhóm nhỏ 2 – 3 em. Do đó, Ban chấp hành lớp cũng không thể giúp cho giáo viên chủ nhiệm hiểu biết thêm về các bạn trong lớp.

Tôi được mời thăm lớp, giáo viên chủ nhiệm giới thiệu rõ với lớp: Cô thăm lớp, giúp lớp giải quyết vấn đề quỹ lớp bị mất nhiều lần.

Sau khi được giới thiệu, tôi làm quen với các em, tạo mối dây liên lạc tinh thần, tình cảm với lớp. Khi thấy hai bên tương đối đã “liên lạc” được với nhau, tôi vào câu chuyện.

Bước một, tôi xin nghe lại câu chuyện và ý kiến, nhận định của vài học sinh về vấn đề lớp đang gặp phải. Bước hai, tôi hướng các em đến một thái độ cân bằng đối với thủ phạm, tức là thái độ không gay gắt quá, vì chưa biết lý do tại sao bạn làm như vậy; hơn thế nữa, gợi ý rằng: mỗi em có thể đóng vai trò gì không, trong việc giúp bạn chấm dứt việc làm không đúng? Để thời gian đủ lắng, tôi vào bước ba, đề nghị mỗi học sinh lấy ra một tờ giấy, hay một mảnh thôi cũng được, tuỳ các em. Mỗi em hãy ghi vào đó, lời mình muốn nói với bạn đã có hành vi lấy cắp tiền của lớp. Các em được đề nghị và nhấn mạnh: Hãy ghi THẬT những gì mình nghĩ, mình muốn nói với bạn. Nếu các em đã biết người vi phạm, các em cũng có thể cho bạn biết rằng mình đã biết bạn là ai. Tờ giấy này các em không cần ghi tên mình, viết xong cho tôi xin, và tôi sẽ trao lại cho giáo viên chủ nhiệm lớp. Giáo viên chủ nhiệm lớp sẽ lần lượt- hoặc chọn ra một số- “thư”, đọc lên trước lớp vào các giờ sinh hoạt sau.

Các em thật hợp tác. Tôi hoàn thành công việc của mình như dự định. Cuối buổi gặp gỡ với lớp, tôi trao lại cho giáo viên chủ nhiệm tập “thư”.

Sau đó, tôi được đồng nghiệp thông báo rằng có những lá thư “rất dễ thương”, có những tờ giấy đọc “thật cảm động”. Vài buổi sinh hoạt chủ nhiệm tiếp theo, đồng nghiệp này chọn đọc một số thư trước lớp. Và, đúng như mong ước, sau một thời gian, đồng nghiệp báo tin lớp đã trở lại bình thường, không còn tình trạng mất cắp trong lớp, không khí lớp vẫn giữ được sự đoàn kết, vui vẻ với nhau, để bắt đầu xây dựng tình thân của lớp, cho chuỗi 3 năm sẽ học chung với nhau.

Việc được giải quyết xong, dù giáo viên chủ nhiệm và hầu hết học sinh trong lớp, không ai biết chắc chắn thủ phạm lấy cắp là bạn nào, nhưng biết chắc chắn rằng có một học sinh đã chấm dứt việc làm không đúng với lớp, và có một tập thể nhỏ đã giúp đỡ được bạn mình.

Nói cách khác, bên cạnh thủ phạm của những vụ lấy cắp, một học sinh nghèo lòng tự trọng, hay em không may, nghèo một điều gì đó trong cuộc sống, mà tôi và các thành viên của lớp 10 ấy chưa được biết chắc chắn, chúng tôi còn có hơn 40 học sinh “giàu”, giàu lòng cảm thông, giàu thái độ sẵn sàng chia sẻ cùng bạn, thể hiện qua những lời các em viết cho bạn trên các mảnh giấy, mà người thày chủ nhiệm phải suýt xoa, và quan trọng nhất là đã đánh động được lòng của một người trẻ phạm sai lầm.

Can Đê

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube