Một phân tích mới của Trung tâm nghiên cứu Pew đã phát hiện ra rằng gần một nửa trong số 280 triệu người trên toàn thế giới ước tính đang sống ở nước ngoài là Kitô hữu, trong đó những người di cư đến Hoa Kỳ từ Mexico và Philippines chiếm một phần đáng kể.
Nghiên cứu vào ngày 19 tháng 8 phát hiện ra rằng vào năm 2020 — năm mới nhất có số liệu — các Kitô hữu chiếm khoảng 47% tổng số người sống bên ngoài quốc gia nơi họ sinh ra, trong khi người Hồi giáo chiếm 29%, tiếp theo là những người không theo tôn giáo nào (13%), các tín đồ Hindu (5%), Phật tử (4%) và người Do Thái (1%).
Trong ba thập kỷ qua, tổng số người sống như những người di cư quốc tế đã tăng 83%, vượt xa mức tăng trưởng dân số toàn cầu là 47%, Pew lưu ý. Mặc dù số lượng Kitô hữu cũng tăng 80% trong ba thập kỷ qua, nhưng thành phần tôn giáo chung của những người di cư trên toàn thế giới vẫn tương đối ổn định kể từ năm 1990, nghiên cứu cho biết.
Một tỷ lệ lớn Kitô hữu trên thế giới — 27%, hay 35,4 triệu người — sống ở Hoa Kỳ. Đức và Nga là hai điểm đến phổ biến nhất.
Các Kitô hữu chiếm tỷ lệ di cư lớn hơn so với dân số thế giới (30%) và Mexico là quốc gia có nguồn gốc phổ biến nhất đối với người di cư Kitô hữu, chiếm 9% số người di cư theo Kitô giáo trên thế giới. Theo nghiên cứu, Hoa Kỳ là điểm đến phổ biến nhất của họ.
Những tuyến đường di cư phổ biến khác của các Kitô hữu bao gồm di cư từ Nga sang Ukraine và ngược lại, từ Philippines sang Hoa Kỳ, từ Nga sang Kazakhstan và từ Ba Lan sang Đức.
Đáng chú ý, tại Tây Ban Nha, dân số di cư Kitô giáo đã tăng vọt từ dưới 500.000 người lên gần 4,2 triệu người trong khoảng thời gian này, tăng 865%, nghiên cứu cho biết. Phần lớn sự tăng trưởng này đến từ Châu Mỹ Latinh và Caribe, vì các cuộc khủng hoảng tài chính ở Colombia, Ecuador và Venezuela đã gây ra tình trạng suy thoái và khiến hàng triệu người phải tìm việc làm ở nơi khác. Nhiều người di cư Kitô giáo từ Romania cũng tìm nơi ẩn náu ở Tây Ban Nha trong thời gian này.
Ở một số quốc gia có truyền thống mất nhiều tín hữu Kitô giáo kể từ năm 1990 do di cư, chẳng hạn như Nga và Mozambique, số lượng tín hữu đã gia tăng trở lại khi tình hình chính trị ổn định hơn kể từ năm 1990 dẫn đến làn sóng di cư trở về.
Syria là quốc gia xuất xứ phổ biến nhất của những người di cư Hồi giáo, và người Hồi giáo thường di chuyển đến những nơi ở khu vực Trung Đông – Bắc Phi, như Ả Rập Xê Út.
Trung Quốc là quốc gia xuất xứ phổ biến nhất đối với những người di cư không theo tôn giáo nào và Hoa Kỳ là điểm đến phổ biến nhất của họ.
Các tín đồ Hindu chiếm số lượng rất ít trong số những người di cư, phần lớn họ xuất phát và ở lại Ấn Độ.
Mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ hơn trong tổng số người di cư, người Do Thái có khả năng di cư cao nhất. Cứ 5 người thì có 1 người Do Thái cư trú bên ngoài quốc gia nơi họ sinh ra, so với tỷ lệ nhỏ hơn của các Kitô hữu (6%), các tín đồ Hồi giáo (4%), các tín đồ Hindu (1%), các Phật tử (4%) và những người không theo tôn giáo nào (2%).
Phân tích lưu ý rằng người di cư thường đến các quốc gia nơi mà bản sắc tôn giáo của họ đã trở nên phổ biến. Nhiều người Hồi giáo đã chuyển đến Ả Rập Xê Út, trong khi người Do Thái lại hướng về Israel. Các Kitô hữu và những người di cư không theo tôn giáo có cùng ba quốc gia đích đến hàng đầu: Hoa Kỳ, Đức và Nga.
Hoàng Thịnh (theo CNA)