Theo thống kê của Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong 4 ngày nghỉ lễ 30-4 đến 3-5, cả nước xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông, làm chết 111 người, bị thương 138 người. Đây là con số đã được dự báo trước khi số người chết cứ tăng lên sau mỗi đợt lễ nhiều ngày.
Trong 4 ngày qua, liên tục các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cả nước, gây hoang mang trong dư luận. Tình trạng nhậu nhẹt, ăn chơi quá chén dẫn đến việc phóng nhanh vượt ẩu hay chạy xe tốc độ cao để tranh giành khách của các tài xế xe là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn. Dù đã được cảnh báo từ trước, tuy nhiên song song với những kỳ nghỉ lễ dài ngày là nỗi sợ tai nạn giao thông mỗi khi ra đường của người dân.
Chị Nguyễn Thị Thanh Mai (Q.Gò Vấp) cho biết: “Ra đường ngày lễ rất sợ vì lượng người tham gia giao thông rất lớn. Nhiều thanh niên tụ tập bạn bè phóng nhanh, vượt ẩu, rất khó để kiểm soát. Tốt nhất nghỉ lễ nên ở nhà cho lành. Trong điều kiện đường sá còn xuống cấp, xe khách thì phóng như bay, ra đường chỉ sợ tai nạn”.
Mặc dù biết giao thông những ngày nghỉ lễ rất phức tạp, nhưng với thói quen của người Việt Nam, nghỉ lễ là dịp để tụ tập anh em, bạn bè đi chơi hay nhậu nhẹt. Thời gian nghỉ lễ càng dài thì ăn chơi càng nhiều. “Nghỉ lễ mà, đi chơi cho sướng chứ ở nhà làm gì. Nhà nước đã tạo điều kiện để người dân được nghỉ ngơi thì phải biết tận hưởng chứ”, một bạn sinh viên cho hay.
Tính trung bình mỗi ngày nghỉ lễ năm nay đã xảy ra 38 vụ, làm chết 27 người và gần 34 người bị thương. Riêng ngày 3-5, cả nước xảy ra 37 vụ TNGT, làm chết 37 người, bị thương 45 người. Trong 4 ngày nghỉ lễ các lực lượng CSGT đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 113.945 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, tạm giữ 53 xe ô tô, 1.928 xe mô tô, tước giấy phép lái xe 390 trường hợp.
Chính ý thức của những người tham gia giao thông còn kém, coi thường tính mạng của mình và người khác là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông. Cảnh hỗn độn, chen chúc nhau mua vé xe, giành giật nhau tại các bến xe mỗi dịp lễ Tết là hình ảnh quen thuộc của người dân Việt Nam. Dù cho trước đó, đã có rất nhiều thông báo, phản ảnh, tuy nhiên tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra trong sự bất lực của các cấp chính quyền.
Những vụ tai nạn giao thông cứ thế đều đặn xảy ra. Sau mỗi dịp lễ là những con số thống kê thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra. Nhiều gia đình đã phải tan cửa nát nhà vì tai nạn giao thông. Con mất cha, chồng mất vợ…những ám ảnh về tai nạn giao thông cứ đeo bám những người còn sống. Chú N.T.A (Q.Bình Tân, có con mất vì tai nạn giao thông ngày 1-5) nghẹn ngào: “Nó xin đi chơi xa cùng bạn bè, tôi nghĩ thì lễ nhiều ngày, cho nó đi cho thoải mái, ai ngờ đó là lần cuối cùng gặp nó”.
“Giá mà” đó là câu nói quen thuộc của những nạn nhân bị tai nạn giao thông. Chỉ một phút bông đùa, thiếu ý thức mà họ đã vô tình cướp đi tính mạng của chính bản thân và người khác. Cần có sự quản lý tốt hơn từ các cấp chính quyền, phân bổ thời gian nghỉ lễ phù hợp để tình trạng tai nạn giao thông những ngày nghỉ lễ không còn là vấn đề nhức nhối của người dân. Dẫu biết rằng, mỗi dịp nghỉ lễ rất quan trọng, ý nghĩa nhưng hãy để những dịp lễ được trọn vẹn ý nghĩa của nó, không bị mất đi bởi tai nạn giao thông. Để làm được điều đó cần có sự phối hợp, vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp chính quyền, đến việc giáo dục ý thức người dân. Siết chặt trong khâu quản lý, trật tự an toàn giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt tránh tình trạng “chung chi”, tiếp tay cho các xe khách phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định vào mỗi dịp nghỉ lễ. Đó là điều mong mỏi từ phía những người dân.
Châu Việt Vương