Ngày thứ 3 - Anphongsô, Quan Thầy của Các Cha Giải Tội và Nhà Thần Học Luân Lý

Ngày thứ ba: Anphongsô, Quan Thầy của Các Cha Giải Tội và Nhà Thần Học Luân Lý

(Suy niệm bởi cha Ivel Mendanha, CSsR., Tổng Cố Vấn)

Video (English) :  https://www.youtube.com/watch?v=-lJgw37TjpY

Đóng góp lớn nhất của Thánh Anphongsô cho Giáo hội là trong lĩnh vực suy tư thần học luân lý. Thần học luân lý của Anphongsô hình thành từ kinh nghiệm mục vụ của Anphongsô, khả năng đáp ứng các câu hỏi thực tế của giáo dân và từ sự tiếp xúc của ngài với các vấn đề hàng ngày của họ. Ngài đã phản đối chủ nghĩa vụ luật khô khan đang làm ngột ngạt thần học và phản đối chủ nghĩa khắc khổ nghiêm khắc trong thời đại của ngài… sản phẩm của tầng lớp quyền lực. Theo Anphongsô, các chủ nghĩa đó là những con đường đóng kín đối với Tin Mừng vì “sự nghiêm khắc như vậy chưa bao giờ được Giáo hội dạy hoặc thực hành”. Ngài biết cách đặt suy tư thần học vào việc phục vụ phẩm giá cao quý của con người, lương tâm và lòng thương xót Tin Mừng.

Anphongsô được tuyên bố là Tiến sĩ của Giáo hội chủ yếu vì ảnh hưởng đáng kể của ngài đối với thần học luân lý. Vai trò của ngài trong việc đổi mới thần học luân lý được đánh giá trong bối cảnh của các cuộc chiến tranh giằng co giữa các loại chủ nghĩa khắc khổ và chủ nghĩa hợp pháp. Anphongsô trở thành người bảo vệ kiên trì cho lương tâm, từ chối các lý thuyết mang tính tàn phá đang chiếm ưu thế trong thời đại của ngài.

Những người theo chủ nghĩa Jansen[1] và những người theo chủ nghĩa khắc khổ đã giảng dạy một tôn giáo của sự sợ hãi và đau khổ, trong khi những người theo chủ nghĩa vụ luật đã gây áp lực cho các Kitô hữu với nhiều quy định và luật lệ lỗi thời. Người ta chỉ hiểu Anphongsô sau khi đọc bốn cuốn sách trong đó ngài chống lại những kẻ chỉ trích  – những người rõ ràng tin tưởng nhiều hơn vào luật và sự kiểm soát hơn là tự do sáng tạo. Anphongsô nhiệt thành bảo vệ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa chống lại những người khắc khổ hẹp hòi này! Ngài hỏi: Thiên Chúa có tạo ra một hệ thống luật lệ để phải tuân theo trong sự lo âu như nô lệ không? Không! Thiên Chúa tạo ra con người từ tình yêu và tự do của Ngài. Do đó, luật lệ và mối đe dọa trừng phạt không thể là trọng tâm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Trong Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, tình yêu và tự do trở nên hòa hợp. Trong kế hoạch tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa,  tình yêu và tự do là điều không thể chia cắt và luôn cần được trân trọng.

Tình yêu Được Cứu Chuộc và Tình Yêu Cứu Chuộc

Trong thần học luân lý và chăm sóc mục vụ của mình,  Anphongsô rút ra kết luận từ sự ưu tiên của tình yêu và tự do.

Từ kinh nghiệm mục vụ của mình, Anphongsô biết rằng việc làm gánh nặng cho lương tâm của con người bằng các luật lệ, đặc biệt nếu những luật lệ này là tùy tiện, sẽ làm ngột ngạt sự sáng tạo trong tình yêu và tự do và đồng thời gây ra đau khổ. Phần lớn những điều tốt đẹp mà các Kitô hữu làm không xuất từ những nguyên tắc khắt khe hoặc áp đặt bởi luật lệ mà được truyền cảm hứng bởi tình yêu trong tự do và sáng tạo. Do đó, cốt lõi của giáo huấn luân lý của Anphongsô là khả năng phân biệt tình yêu thật sự, tình yêu được cứu chuộctình yêu cứu chuộc. Anphongsô bày tỏ điều này rõ nhất trong cuốn sách nhỏ “Thực Hành Tình Yêu”, tác phẩm mà ngài coi là đạo đức bình dân nhất và là tác phẩm hay nhất của ngài.

Anphongsô viết từ kinh nghiệm cá nhân. Ngài dần được giải thoát và chữa lành khỏi kinh nghiệm khắc khổ nghiêm khắc khi chuẩn bị làm linh mục. Là một người bạn của người nghèo và người bị bỏ rơi, ngài có thể làm đầy trái tim họ bằng tin vui này, trở thành người chữa lành đau khổ cho nhiều người.

Học cách luôn đặt tin vui của tình yêu giải thoát và chữa lành lên hàng đầu trong chăm sóc mục vụ, điều này đã dạy Anphongsô kiểm tra tất cả các luật lệ và quy tắc để xem chúng có thực sự nhắm đến tình yêu trong sáng tạo và trung thành hay không. Hết lần này đến lần khác, những kẻ phản đối ngài buộc tội ngài mở cửa cho sự tùy tiện và tính ích kỷ không kiểm soát. Tất cả các phản biện của ngài phản ánh niềm tin vững chắc của ngài rằng: tình yêu của Thiên Chúa tràn đầy trong trái tim của những người tin. Ngài tôn thờ Chúa Thánh Thần, Đấng ban tặng cho cả những người đơn sơ nhất sự khôn ngoan và sự phân định. Ngài trở thành một bậc thầy của sự an ủi theo thần học của thánh Phaolô, khích lệ trong hy vọng dựa trên tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa đã có nơi trái tim của những người khiêm nhường trong Chúa Thánh Thần.

Chống lại chủ nghĩa luân lý vụ luật, Anphongsô đặt ra một học thuyết được xây dựng đựa trên sự ưu tiên của lương tâm. Đóng góp độc đáo và bền vững của Anphongsô là vai trò dành cho lương tâm và sự cẩn trọng và năng động của một lương tâm lành mạnh.

Hai đặc điểm riêng biệt của thần học luân lý của Anphongsô là sự trân trọng đáng kể đối với lương tâm của mỗi người và lời kêu gọi mạnh mẽ dành cho tất cả mọi người hướng đến việc hình thành một lương tâm trưởng thành.

Thánh Anphongsô, Quan Thầy của Các Cha Giải Tội

Thánh Anphongsô Liguori cũng là vị thánh quan thầy của các cha giải tội. Trong thời gian khi Bí tích Giải tội đã bị lãng quên đối với nhiều người Công Giáo, bao gồm cả một số linh mục, Thánh Anphongsô cho thấy chúng ta cần tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa như thế nào trong Bí tích này. Thánh Anphongsô là một tấm gương cho chức linh mục về cách mà một linh mục phải tỏa lan tình yêu và lòng thương xót của Trái Tim Cực Thánh nơi chính bản thân. Các cha linh hướng hãy luôn tìm cách kéo những người tội lỗi trở về với Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là cần thiết lập lại một sự cân bằng giữa thần học luân lý đúng đắn và lòng thương xót, và một nỗ lực mới để thu hút người tín hữu đến với Bí tích Giải tội thường xuyên hơn.

Thánh Anphongsô Liguori là một cha linh hướng tìm kiếm lợi ích thiêng liêng của những người được giao phó cho ngài. Ngài biết sự thiệt hại mà tội lỗi gây ra cho mỗi người, đó là lý do ngài liên tục kêu gọi mọi người tìm kiếm sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa trong Bí tích Giải tội. Một cha linh hướng yêu thương đoàn chiên được giao phó cho mình sẽ luôn tìm cách đưa mọi người đến với sự thật để họ có thể nên thánh như Thiên Chúa muốn. Thánh Anphongsô là một người hướng dẫn cho các linh mục trong việc lôi kéo các linh hồn đến với Chúa Kitô qua Bí tích Giải tội. Ngài cũng là một vị thánh cầu bầu tuyệt vời cho những người tín hữu muốn có lòng sùng kính nhiệt thành đối với Bí tích này. Ngài hiểu rằng sự thật và lòng thương xót đều cần thiết trong đời sống thiêng liêng.

Thánh Anphongsô thường gần gũi với mọi người để dẫn họ vào sự hiệp thông sâu hơn với Chúa Kitô. Ngài được biết đến là một người có lòng kiên nhẫn và bác ái. Sự đồng hành – từ khóa của thời đại chúng ta – không ngụ ý một sự thay đổi trong giáo huấn luân lý hoặc làm ngơ; thay vào đó, đó là một chuyển động của tình yêu chân thật tìm cách mang người khác đến với cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Đó là một khía cạnh của sự hiệp thông mà qua đó linh mục, tu sĩ và giáo dân tiến vào sự hiệp nhất lớn hơn với Thiên Chúa bằng cách đi trên con đường thánh thiện cùng nhau. Một phần của đời sống thiêng liêng là luôn đấu tranh với những gì Thiên Chúa đòi hỏi nơi chúng ta, nhưng không bao giờ theo cách cố tình phản bội các luật lệ mà Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội của Ngài. Hạnh phúc cuối cùng của chúng ta được tìm thấy khi sống trong sự thật. Yêu là tìm kiếm sự thật.

Thánh Anphongsô đã dành rất nhiều thời gian trong tòa giải tội và ngài liên tục khuyến khích mọi người đón nhận Bí tích này. Bí tích Hoà Giải không phải như một điều chỉ làm cho xong hay để đáp ứng mức tối thiểu hàng năm, mà đó là một khía cạnh thiết yếu của đời sống thiêng liêng để dẫn các linh hồn đến sự thánh thiện. Các linh mục có đặc ân được thấy những người chết về mặt thiêng liêng được sống lại. Sự suy đồi đạo đức của thời đại chúng ta không có gì mới trong lịch sử Giáo hội, cũng không phải là một lý do để tiếp cận một cách tối thiểu  đối với món quà [bí tích Hoà Giải] mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta.

(Còn tiếp bài suy niệm ngày chính lễ 1/8)

(Chuyển dịch: Ant. Nguyễn Văn Nam CSsR)

[1] ND: “Học thuyết phái Jansen tự nhận là dựa vào truyền thống của thánh Augustinô, được giám mục Jansen gốc Hà Lan (1585-1638) trình bày trong tác phẩm Augustinus xuất bản năm 1640 (khi ông đã mất). Khá giống với Calvin, Jansen tỏ ra bi quan về bản tính con người đã hư hỏng do tội nguyên tổ; chỉ những ai được tiền định mới được cứu; sống nghiêm ngặt về luân lý là dấu hiệu được tiền định”. (Nguồn: https://giaophanvinhlong.net/Chuong-14-Giao-Hoi-Va-Cuoc-Khung-Hoang-Luong-Tam-phan-1.html)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết