Nga chặn mọi ngả đường đến Vatican, theo cả nghĩa đen lẫn về mặt ngoại giao

Một đoạn đường Via delle Fornaci của Rôma thuộc khu đất rộng lớn thuộc sở hữu của các đại sứ quán Nga tại Ý đã bị phong tỏa từ cuối tháng 10 (Ảnh chụp màn hình)

Một đoạn đường Via delle Fornaci của Rôma thuộc khu đất rộng lớn thuộc sở hữu của các đại sứ quán Nga tại Ý đã bị phong tỏa từ cuối tháng 10 (Ảnh chụp màn hình)

RÔMA – Chỉ cách Quảng trường Thánh Peter một quãng ngắn là Via delle Fornaci, một huyết mạch chính của La Mã dẫn từ Vatican đến tận ngọn đồi Janiculum. Phần lớn giao thông ra vào lãnh thổ thuộc Giáo hoàng đều qua lại trên đường phố, và các doanh nghiệp ở vùng lân cận Vatican phụ thuộc vào đó để kiếm sống.

Thực tế đó khiến việc đóng cửa một phần Via delle Fornaci, cách Vatican khoảng một dặm, kể từ cuối tháng 10 trở thành vấn đề đau đầu của địa phương.

Đoạn đường đó bị chi phối bởi Villa Abamelek, trụ sở của các đại sứ Nga tại Ý cũng như Nhà thờ Chính thống giáo Nga kính Thánh Catarina thành Alexandria. Các quan chức Rôma cho rằng bức tường đá khổng lồ xung quanh khu đất của Nga có nguy cơ sụp đổ, và ít nhất cho đến nay, người Nga đã từ chối tiến hành việc sửa chữa theo yêu cầu.

Đã có một quán bar địa phương đóng cửa do thiếu lưu lượng giao thông đi lại và một số nhà hàng cho biết họ cũng sắp làm như thế.

Có lẽ không có gì minh họa rõ hơn tình trạng hiện tại giữa Vatican và Điện Kremlin hơn thực tế rằng thậm chí ngay cả ở chính Rôma, Nga đã thực sự cắt đứt đường dây liên lạc và trao đổi.

Ngay từ đầu cuộc chiến ở Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô và nhóm Vatican của ngài đã tình nguyện phục vụ với tư cách là trung gian hòa giải. Để đạt được mục đích đó, Đức Thánh Cha Phanxicô phần lớn đã kiềm chế không chỉ đích danh Nga hoặc Tổng thống Vladimir Putin là những kẻ gây hấn trong cuộc xung đột, nỗ lực tạo ra một bầu khí của sự đánh giá vô tư (super partes).

Thành thật mà nói, hầu hết các nhà quan sát đã coi ý tưởng của Vatican với tư cách là người trung gian hòa giải là một sai lầm và một sự viển vông ngay từ đầu, do lịch sử lâu dài về sự ngờ vực và đối kháng giữa Moscow và Rôma. Điều đó đặc biệt đúng với những phần tử theo chủ nghĩa dân tộc và truyền thống nhất trong Chính thống giáo Nga, những người cũng tình cờ trở thành một phần tử quan trọng trong cơ sở chính trị của Putin.

Tuy nhiên, khả năng Vatican đóng vai trò trung gian dường như gần như đã biến mất do phản ứng của Nga đối với cuộc phỏng vấn gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô với tạp chí America do Dòng Tên tài trợ, trong đó, ngoài những vấn đề khác, Đức Thánh Cha đã bình luận về cuộc xung đột Ukraine.

“Tôi có nhiều thông tin về sự tàn ác của quân đội xâm lược”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Nói chung, những kẻ tàn ác nhất có lẽ là những người Nga nhưng không thuộc truyền thống Nga, chẳng hạn như người Chechnya, người Buryati, v.v.”, đề cập đến hai dân tộc thiểu số ở Liên bang Nga.

Kể từ đó, các phát ngôn viên của Nga, chưa kể đến người Chechnya và Buryati, đã tranh nhau xem ai có thể lên tiếng mạnh mẽ nhất trong việc lên án những phát ngôn của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Người mới nhất tham gia vào cuộc cạnh tranh là Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, người đã cáo buộc Đức Thánh Cha Phanxicô sử dụng những phát ngôn “không mang tinh thần Kitô giáo”.

“Đức Giáo hoàng Phanxicô đưa ra lời kêu gọi, nhưng những tuyên bố khó hiểu của ông ấy, hoàn toàn không mang tinh thần Kitô giáo, chỉ ra hai quốc tịch ở Nga, như thể muốn nói rằng người ta nên mong đợi sự tàn bạo từ họ trong cuộc chiến quân sự”, ông Lavrov nói.

“Hãy nhìn xem, điều này không giúp ích gì cho thẩm quyền của Tòa Thánh”, ông Lavrov nói, trong điều mà tờ báo tiếng Ý Il Messaggero gọi là “một trận mưa lạnh” đối với Đức Thánh Cha Phanxicô về ý tưởng đóng vai trò trung gian hòa giải.

Bình luận của ông Lavrov được đưa ra sau khi người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharov, đã chỉ trích gay gắt Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Đây không còn là hành động bài Nga nữa, đó là một sự xuyên tạc sự thật ở mức độ mà tôi thậm chí không thể gọi tên”, bà Zakharova phát biểu với hãng thông tấn Nga TASS.

Một chỉ huy người Chechnya tên là Ramzan Kadyrov cũng tham gia dàn đồng ca này.

“Đức Giáo hoàng, nhà lãnh đạo tinh thần của hàng triệu người Công giáo, lẽ ra nên sử dụng những lời lẽ ôn hòa hơn thay vì gieo rắc sự hận thù và bất hòa liên sắc tộc giữa các dân tộc”, ông Kadyrov nói.

“Trước khi NATO can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine, chúng tôi không có vấn đề gì với người dân Ukraine”, ông Kadyrov nói. “Điều tương tự không thể xảy ra đối với các hành động mục vụ của Đức Giáo hoàng và những người hướng dẫn NATO, những người đang nỗ lực biến số lượng binh lính Ukraine lớn nhất có thể thành bia đỡ đạn”.

Đức Thánh Cha Phanxicô và nhóm Vatican của ngài đã nỗ lực thúc đẩy ý tưởng đình chiến vào dịp lễ Giáng sinh ở Ukraine, tận dụng thực tế rằng hầu hết các nhà thờ Chính thống giáo ở nước này đã cho phép các tín hữu năm nay cử hành Lễ Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12, ngày truyền thống của Giáo hội Tây phương, thay vì ngày 7 tháng 1, ngày lễ Giáng sinh theo lịch Đông phương.

Các nhà quan sát cho rằng động thái này một phần mang tính đại kết, một phần nhằm phi Nga hóa, và một phần thực tế, trong đó chỉ đặt ra một mục tiêu cho những kẻ cực đoan thay vì hai mục tiêu trong các ngày lễ có lẽ là một bước đi khôn ngoan về mặt chiến thuật.

 Trước những mâu thuẫn gần đây với Rôma, Moscow giờ đây có thể ít chấp nhận ý tưởng đình chiến hơn – một lập trường cũng có khả năng được củng cố bởi thực tế là Ukraine vừa tuyên bố đàn áp các nhà thờ Chính thống giáo ở quốc gia vốn vẫn tiếp tục tuyên bố trung thành với Tòa Thượng phụ Moscow và Chính thống giáo Nga.

Về phần mình, Đức Thượng phụ Kirill của Moscow không có vẻ đặc biệt mang tinh thần hòa giải trong những bình luận gần đây nhất của ông.

“Hiện nay, Donbas là tiền tuyến phòng thủ của thế giới Nga”, Đức Thượng phụ Kirill nói trong cuộc gặp gỡ hôm thứ Sáu tại Moscow với trẻ em đến từ vùng Donbas bị chiếm đóng.

“Và thế giới Nga không chỉ là nước Nga – nó ở khắp mọi nơi nơi những người được nuôi dưỡng theo truyền thống Chính thống giáo và truyền thống đạo đức Nga sinh sống”, Đức Thượng phụ Kirill nói. “Đối với chúng tôi, những người sống trong thế giới Nga, nguồn hỗ trợ chính là đức tin và tình yêu quê hương tổ quốc”.

Đức Thánh Cha Phanxicô chắc chắn sẽ tiếp tục nỗ lực đóng vai trò của người kiến tạo hòa bình ở Ukraine, và tất nhiên, phép lạ Giáng sinh luôn có thể xảy ra. Tuy nhiên, ngay bây giờ, có vẻ như đó chính xác là những gì cần thiết để nỗ lực của Đức Thánh Cha thành công – một phép màu.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube