Nếu không có hành động nhanh chóng, Covid-19 sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng đói kém toàn cầu vào cuối năm 2020

Mariatu Sankoh tham gia phân phối thực phẩm của Dịch vụ Cứu trợ Công giáo ở Sierra Leone (ảnh: Ronnie Larry Tucker / CRS)

Mariatu Sankoh tham gia chương trình phân phát thực phẩm của Tổ chức Dịch vụ Cứu trợ Công giáo ở Sierra Leone (Ảnh: Ronnie Larry Tucker / CRS)

Khi Covid-19 tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, tình trạng mất an ninh lương thực trong các xã hội dễ bị tổn thương đã bắt đầu gia tăng. Người dân Guatemala được chính phủ khuyến cáo nên ra hiệu rằng họ cần thức ăn bằng cách đi bộ đến con lộ chính gần nhất và vẫy cờ trắng. Theo ông Bill O’Keefe, Phó chủ tịch Điều hành phụ trách việc truyền giáo và vận động của Tổ chức Dịch vụ Cứu trợ Công giáo (C.R.S), các đội nhóm của tổ chức này thường xuyên gặp phải những tín hiệu báo hiệu bất đắc dĩ đó dọc theo các con đường của Guatemala vào mùa hè này.

Cuộc khủng hoảng đói kém, được dự đoán là sẽ tồi tệ hơn nhiều vào mùa thu, đã bắt đầu ở Guatemala vì việc mất thu nhập do các biện pháp giãn cách xã hội do đại dịch và sự gián đoạn liên quan đến hệ thống sản xuất và phân phối lương thực. Thậm chí ngay cả trước khi Covid-19 xảy ra, Somalia đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán và sự phá hoại của nạn châu chấu làm giảm năng suất cây trồng. Đại dịch cũng đã làm gián đoạn việc vận chuyển toàn cầu, mối đe dọa nghiêm trọng đối với một quốc gia chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực. Nạn đói ở Somalia, ông O’Keefe lo ngại, có khả năng trở nên tồi tệ hơn nhiều. “Covid hiện đang đứng đầu những điều tồi tệ khác đang diễn ra; và ở những nơi mong manh nhất, nơi mà sự phá vỡ trong hệ thống lương thực đang diễn ra, đã có những vấn đề nghiêm trọng”, ông O’Keefe nói.

Theo các nhà nghiên cứu tại Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (W.F.P), tình trạng mất an ninh lương thực đã gia tăng trong nhiều năm ngay cả trước đại dịch, do xung đột, biến đổi khí hậu và suy thoái kinh tế. Giờ đây, họ báo cáo rằng ít nhất 25 quốc gia trên thế giới phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng vì Covid-19.

Mặc dù nhu cầu tập trung lớn nhất là ở Châu Phi, theo Phân tích Cảnh báo Sớm về Các Điểm nóng nghiêm trọng về An ninh Lương thực, được biên soạn bởi W.F.P và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, các quốc gia ở Mỹ Latinh, Caribe, Trung Đông và Châu Á cũng phải đối mặt với mức độ mất an ninh lương thực ở mức nguy hiểm.

“Cách đây ba tháng tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tôi đã phát biểu với các nhà lãnh đạo thế giới rằng chúng ta có nguy cơ xảy ra nạn đói với cấp độc cực kỳ nghiêm trọng”, David Beasley, Giám đốc điều hành của W.F.P, phát biểu trước báo giới vào ngày 17 tháng 7. “Dữ liệu mới nhất của chúng tôi cho chúng tôi biết rằng kể từ đó, hàng triệu gia đình nghèo nhất trên thế giới đã bị đẩy đến gần vực thẳm hơn. Sinh kế của nhiều người đang bị phá hủy với tốc độ chưa từng có, và giờ đây cuộc sống của họ đang bị đe dọa vì đói kém.

“Đừng phạm phải sai lầm”, ông Beasley cảnh báo. “Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ để chấm dứt đại dịch đau khổ của con người này, nhiều người sẽ chết”.

Số người bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng có thể gia tăng từ ước tính khoảng 149 triệu trước Covid-19 lên 270 triệu trước cuối năm nay nếu như sự hỗ trợ vô cùng cần thiết mang tính cứu sinh không được cung cấp một cách nhanh chóng, các quan chức W.F.P cho biết. Các quan chức Liên Hợp Quốc đang kêu gọi 5 tỷ đô la từ các quốc gia tài trợ để tiếp cận tới 138 triệu người với sự hỗ trợ lương thực, một nỗ lực thể hiện sự huy động lớn nhất trong lịch sử của tổ chức này.

Theo các ước tính khác của Liên Hợp Quốc, có tới 6.000 trẻ em có thể tử vong mỗi ngày vì những nguyên nhân có thể ngăn ngừa được trước cuối năm nay do hậu quả của đại dịch liên quan đến sự gián đoạn các dịch vụ y tế và dinh dưỡng thiết yếu.

Tiến sĩ Charles Owubah, Giám đốc điều hành của tổ chức “Hành động chống Đói kém” (Action Against Hunger”, kêu gọi một phản ứng mạnh mẽ đối với cuộc khủng hoảng đang rình rập phía trước. “Thế giới cần phải hành động ngay bây giờ để giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất cả từ chính Covid-19 cũng như các tác động thứ cấp của Covid-19”, ông Owubah cho biết khi bình luận trong một email. “Các cộng đồng có thể bị đẩy gần đến bờ vực nguy hiểm; chúng tôi không chỉ lo ngại đối với Covid-19 mà còn cả những tác động thứ cấp của đại dịch có thể làm gia tăng tình trạng nghèo đói đến những mức độ mà chúng tôi chưa từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ”.

“Mất an ninh lương thực nghiêm trọng” nghe có vẻ giống như một biệt ngữ mang tính quan liêu vô cảm giác, nhưng đằng sau câu nói ấy ẩn chứa sự đau khổ sâu sắc của con người. Ông O’Keefe giải thích rằng các quan chức W.F.P đang cố gắng gióng lên một hôi chuông cảnh tỉnh một cách chính xác và toàn diện nhất có thể. Cụm từ này nhằm mô tả tình trạng đói kém rộng lớn vốn có thể có nghĩa là bất cứ điều gì từ nạn đói hoàn toàn ở một số quốc gia cho đến nạn đói kinh niên và dai dẳng cũng có thể góp phần gây ra những sự đổ vỡ xã hội và cá nhân.

Về mặt thực tiễn, ông O’Keefe nói, tình trạng mất an ninh thực phẩm nghiêm trọng đồng nghĩa với việc không có khả năng sản xuất hoặc mua đủ thực phẩm để đáp ứng nhu cầu ăn uống hàng ngày. “Điều đó có nghĩa là phải bỏ bữa. Điều đó có nghĩa là phải đi ngủ với cái bụng đói; điều đó có nghĩa là phải dựa vào một chế độ ăn uống kém đa dạng hơn, với những mặt hàng chủ lực ít tốn kém hơn. Nó có nghĩa là phải bán đi đàn gia súc của bạn và các tài sản sản xuất khác; nó cũng có nghĩa là phải bán tương lai của bạn để tồn tại vào lúc này”.

Những người đói kém trên thế giới, ông O’Keefe nói, sẽ ngày càng dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều mối đe dọa về sức khỏe và phát triển ngắn hạn và dài hạn, bao gồm cả hệ thống miễn dịch bị suy giảm (mối quan tâm đặc biệt trong đại dịch) và, ở trẻ em bị suy dinh dưỡng kinh niên, phát triển còi cọc và trí não kém phát triển. Tác động có thể là vĩnh viễn đối với trẻ em và vô cùng thảm khốc đối với người lớn, ông O’Keefe nói.

Đại dịch đã khiến giá lương thực tăng vọt ở Guatemala và các quốc gia khác với tỷ lệ mất an ninh lương thực cao. Do coronavirus, “nhiều người sống dựa vào lao động thời vụ đã không thể kiếm được những công việc đó”, ông O’Keefe nói.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hợp Quốc, gần hai tỷ lao động – hai phần ba lực lượng lao động trên thế giới – đang làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức. Những người lao động này thường nằm ngoài các chính sách cứu trợ thất nghiệp của quốc gia và hiện phải đối mặt với mức giảm 82% thu nhập do các đợt đóng cửa và các biến pháp hạn chế khác do đại dịch gây ra.

Kiều hối từ người lao động ở Hoa Kỳ theo truyền thống là một cứu cánh cho người thân của họ ở Trung Mỹ; nhưng với nhiều thành viên gia đình sống ở Hoa Kỳ không thể làm việc vì các biện pháp hạn chế do Covid-19, nguồn thu nhập quan trọng đó đã cạn kiệt, ông O’Keefe nói. Kết quả là, những người nông dân ở Guatemala, chẳng hạn, đã phải bán đi đàn gia súc và các tài sản sản xuất sinh lợi để có thể có thức ăn cho gia đình của họ ngay bây giờ nhưng sẽ đồng nghĩa với sự kiệt quệ hơn nữa vào mùa trồng trọt tiếp theo.

Các quan chức Liên Hợp Quốc dự đoán rằng phụ nữ, trẻ em, những gười cao tuổi, những người bản địa và những người đang phải sống cảnh nay đây mai đó — những người tị nạn, những người di cư và những người bị di tản — sẽ là những người phải chịu đựng đau khổ nhiều nhất vào cuối năm nay. Theo báo cáo của W.F.P, “Người nghèo thành thị sống ở các khu vực đông dân cư và các hộ gia đình phụ thuộc vào khu vực phi chính thức (cả nông thôn và thành thị), được cho là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất”.

Báo cáo cho biết thêm: “Đối với trẻ em từ các hộ gia đình vốn đã nghèo khó và mất an ninh lương thực, các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng, bao gồm cả việc đóng cửa trường học kéo dài và bị mất các bữa ăn ở các trường học, có thể có những ảnh hưởng suốt đời và tiếp tục kéo dài vòng luẩn quẩn của đói nghèo và bất bình đẳng”.

Theo ông O’Keefe, khi đại dịch tiếp tục xảy ra, đôi khi khiến hàng triệu người trên thế giới không thể làm việc được, nguồn tài trợ của các nhà tài trợ cho các nhu cầu nhân đạo và phát triển đã bị sụt giảm trên diện rộng. Người Mỹ có thể quá bị rối trí bởi các cuộc khủng hoảng của chính họ liên quan đến đại dịch đến nỗi không thể lo lắng về tác động của nó ở nước ngoài.

Tiến sĩ Owubah cho biết: “Nhiều nhà tài trợ đã nói với chúng tôi rằng không còn có thể giúp đỡ các cộng đồng dễ bị tổn thương bên ngoài Hoa Kỳ, vì tất cả chúng tôi đều đang ở trong đại dịch này”.  “Nhưng chúng tôi không biết bối cảnh gây quỹ sẽ như thế nào vào cuối năm nay hoặc trong năm sau. Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế đang tiếp diễn ở Hoa Kỳ, nhiều nhà tài trợ cá nhân chỉ tập trung vào gia đình và cộng đồng của họ. Đồng thời, với những dự báo về tình trạng đói nghèo gia tăng, chúng tôi biết rằng các cộng đồng nghèo nhất thế giới sẽ cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa trong những tháng tới”.

Ở cấp độ phản ứng của chính phủ, ông O’Keefe hài lòng khi thấy rằng viện trợ nhân đạo quốc tế là một phần của gói ứng phó khẩn cấp được đàm phán tại Quốc hội Hoa Kỳ khi tác động của đại dịch đối với nền kinh tế toàn cầu đã trở nên rõ ràng. Ngoài ra, Liên minh châu Âu đã huy động gần 16 tỷ euro trong một hoạt động phản ứng toàn diện ở nước ngoài đối với đại dịch và dự kiến sẽ có thêm nhiều viện trợ.

Kể từ đầu cuộc khủng hoảng vào tháng 3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ khẩn cấp hơn 1,5 tỷ USD về y tế, nhân đạo, kinh tế và phát triển; nhưng cần có thêm nhiều kinh phí hơn nữa phải được huy động nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu, theo các nhóm nhân đạo. Liên Hợp Quốc đã kêu gọi 10 tỷ đô la tài trợ khẩn cấp để đối đầu với Covid-19; cho đến cuối tháng 7, chỉ 2,5 tỷ đô la đã được cam kết hoặc nhận được.

Ông O’Keefe và các nhà vận động ủng hộ sự phát triển và cứu trợ khác đang thúc giục thêm 20 tỷ đô la viện trợ ở nước ngoài trong gói cứu trợ coronavirus mới nhất đang được thảo luận tại Washington để hỗ trợ hơn 70% các quốc gia mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh mô tả là được trang bị yếu kém để xử lý coronavirus. “Tôi nghĩ rằng hầu hết các thành viên Quốc hội hiểu rằng nếu chúng ta không đối phó với đại dịch bên ngoài biên giới của mình, chúng ta sẽ không bao giờ có thể đối phó với nó ngay bên trong biên giới của chúng ta”, ông O’Keefe nói. “Đó chỉ là bản chất của một đại dịch; điều này sẽ vượt qua các biên giới”.

“Chúng ta sẽ không thể thành công ở đây nếu như chúng ta không thành công ở những nơi khác”.

Kevin Clarke

** Kevin Clarke là phóng viên hàng đầu của tờ America và là tác giả của cuốn: “Oscar Romero: Tình yêu Cuối Cùng Phải Chiến Thắng” (Liturgical Press)

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube