Nền tảng Vượt Qua - Nguồn gốc Vượt Qua của Thánh Thể

Đức Kitô đã không chỉ xứng có được ơn cứu độ, mà Ngài còn trở nên ơn cứu độ. Bởi đó Kinh Thánh không nói đến việc phân phát các ơn, mà nói đến sự hiệp thống với Đấng là sự Cứu Chuộc (1C 1, 30)

Nhiều khi thần học tự hỏi: Đức Giêsu đã thiết lập một bí tích khi nào và bằng lời nào? và nó đã trả lời:

Bí Tích Rửa tội được thiết lập bằng lời “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt 28, 19)

Bí Tích Giải tội: “Các ngươi tha tội cho ai thì tội họ được tha…” (Ga 20, 23)

Bí Tích Thánh Thể: “Hãy làm việc nầy mà nhớ đến Ta” (Lc 22, 19; 1C 11,24)Thanh The Vuot Qua

Trong một nền thần học pháp lý, một lời như thế là cần có và đủ. Vì theo nền thần học đó, ơn cứu độ ở ngoài con người Đức Kitô và các công nghiệp giống nhưng đồ vật, đòi phải được phân phát. Bởi đó, thêm vào mầu nhiệm cứu độ và bên ngoài nó – cần thiết lập những nghi thức áp dụng các công nghiệp, các trạm phân phát, các viên chức lo việc phân phát.

Nhưng nếu thế thì cần gì phải có sự xa xỉ là sự hiện diện trong Thánh Thể và sự hiệp thông thật sự với Chúa nữa? Cuộc Phục Sinh có còn ý nghĩa cứu độ nữa không, khi con người được cứu bằng sự áp dụng các công nghiệp của cuộc Tử Nạn?

Một nền thần học pháp lý về cuộc Cứu Chuộc không thể vươn tới vinh quang của Đức Kitô và của các bí tích của Ngài.

Nền tảng Vượt Qua

Đức Kitô đã không chỉ xứng có được ơn cứu độ, mà Ngài còn trở nên ơn cứu độ. Bởi đó Kinh Thánh không nói đến việc phân phát các ơn, mà nói đến sự hiệp thống với Đấng là sự Cứu Chuộc (1C 1, 30)

Tất cả những gì có tên là “phương thế cứu độ” (như Hội Thánh, việc tông đồ, các bí tích, đức tin) đều là phương thế hiệp thông. Mọi sự đều cộng đoàn chứa đựng cách căn gốc trong biến cố cứu độ là chính Đức Kitô. Biến cố này tự nó mở rộng ra cho trần gian và Đức Kitô có những cơ quan hiện diện và tiếp xúc với trần gian nhờ đó mầu nhiệm Vượt Qua là Mầu Nhiệm một ơn cứu độ phổ quát. Nhờ các cơ quan đó, Đức Kitô thông ban mình trong chính sự chết và sự Phục Sinh làm nên ơn cứu độ. Tác động của Thiên Chúa vừa tôn vinh Đức Kitô vì ta, vừa tạo ra những cơ quan tiếp xúc với ta.

Viêc thiết lập bí tích: có những bí tích mà việc thiết lập được ghi nhận trong Kinh Thánh, nhưng một cách căn bản hơn, chúng có ngọn nguồn trong mầu nhiệm Đức Giêsu mà chúng là thành phần, giông như tia sáng mặt trời là chính mặt trời trong sự chiếu tỏa, xác một người là chính người đó trong sự diễn tả ra. Hội Thánh và các bí tích không thêm vào mầu nhiệm cứu độ, không bổ túc nó, vì nếu thế, hóa ra nó bất toàn, nó là công cuộc áp chót, trong khi trong thực tế, Đức Kitô Phục Sinh đã là sự viên mãn tối hậu rồi. Hội Thánh và mọi bí tích đều được thiết lập trong Đức Kitô Vượt Qua: các bí tích là mầu nhiệm Đức Kitô Phục Sinh trong ảnh hưởng của nó trong trần gian, chính vì thế:

  • Biến cố Vượt Qua là sự sáng lập Hội Thánh – bí tích căn bản. Không có khoảng cách giữa Phục Sinh và Hội Thánh: Đức Kitô đã chết để Hội Thánh hình thành, cũng như Ngài đã chết để Phục Sinh – Ngài Phục Sinh nơi thân thể Ngài là Hội Thánh như hạt lúa phải chết đi mới mọc thành nhiều hạt.
  • Nơi chính nó, biến cố Vượt Qua là sự thiết lập viêc tông đồ. Trong cuộc Vượt Qua của Ngài, đích thân Đức Kitô là sự thiết lập có tính cách tông đồ cho đến tận thế: Ngài được hiến thánh và sai đi để nơi Ngài, các môn đồ cũng được hiến thánh và sai đi – Phục Sinh là cuộc sai gởi Đức Giêsu vào trần gian và việc tông đồ là âm hưởng của cuộc sai gởi đó trong Hội Thánh. Thánh Phaolô nhận lãnh “ân sủng và việc tông đồ” trong Đức Kitô mà Thiên Chúa cho sống lai – vị tông đồ là sự tỏa ra của Đức Kitô vinh hiển, là sự hiện diện được trung gian hóa của Đấng đã chết và đã sống lại vinh quang.
  • Biến cố Vượt Qua lan rộng trong trần gian dưới “hình” việc rao giảng tông đồ. Mầu nhiệm Vượt Qua diễn tả ra trong chứng từ công bố về nó. Tin Mừng của Thiên Chúa vừa là Đức Kitô Vượt Qua, vừa là lời loan báo về Ngài. Tin Mừng tự tạo ra cho mình những sứ giả và thông truyền ra thành sứ điệp. Các tông đồ lên tiếng vì tin và đức tin này trước hết không phải là việc con người gắn bó với Đức Kitô, nhưng là việc Đấng Phục Sinh ảnh hưởng trên các tông đồ. Phải có việc “Đức Kitô sống trong mình trước”, vị tông đồ mới lên tiếng (Ga 2, 20; 2C 2, 17). Cho nên mới có câu “chính Đức Kitô rao giảng Đức Kitô”. Lời rao giảng là một hình thức trào vọt trong trần gian của cuộc Phục Sinh của Đức Kitô.

Lời rao giảng tiên khởi đã cô đọng lại trong những trang Tân Ước:

  • Chính Thần Khí phục sinh Đức Giêsu là Đấng linh ứng cho Kinh Thánh.
  • Phục Sinh là ngày và nơi thần học của việc biên soạn Kinh Thánh.
  • Cũng chính Thần Khí của cuộc Phục Sinh giúp hiểu Kinh Thánh.
  • Kinh Thánh – trong sự biên soạn và sự tìm hiểu – là thành phần của cuộc hiển linh Vượt Qua, trong đó Cha sinh hạ Con trong Thần Khí và tỏ Con ra cho loài người.

Các bí tích khác cũng cắm neo trong cuộc Phục Sinh, trong sự hoàn tất ơn cứu độ. Khi Phục Sinh Đức Kitô “để giải án tuyên công ta”, Thiên Chúa lập ra các bí tích nhờ chung cuộc Phục Sinh giải án tuyên công.

  • Bí tích Rửa tội không phải là một nghi thức được thiết lập ngày xưa và có giá trị nơi chính nó và được thực thi qua các thời đại để mà ban ơn tha thứ xuống trên con người. Không bí tích nào hiện hữu nơi chính nó và tác động được trên Thiên Chúa. Trái lại, chính biến cố Vượt Qua diễn tả ra thành lời nói, cử chỉ và bao trùm con người trong mầu nhiệm làm Con của Đức Kitô. Bởi đó, lời Kinh Thánh thiết lập bí tích Rửa tội phải là câu “ Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con” (Cv 13, 33).
  • Biến cố Vượt Qua có tính cách cánh chung và mãi mãi hiện tại. Bởi đó, ta phải bỏ lối hình dung về ơn cứu độ như một cái gì ta chiếm được rồi lại đem phân phát ra. Không, ơn cứu độ được chứa đựng cả trong sự hoàn thành cá nhân của Đức Kitô, một sự hoàn thành có tính cách cứu độ đối với mọi người, vì được dành cho mọi người, ơn cứu độ trong biến cố của nó cũng chính là sự xảy đến của nó, đây cũng chính là sự năng động của việc thực hiện nó trong trần gian.
  • Đối với bí tích Thánh Thể, ta được biết về lúc và lời thiết lập của nó: “Trong đêm Ngài bị nộp, Ngài cầm bánh và nói…” (1C 11, 23). Thế nhưng, Thánh Thể không phải chỉ là một mẩu chuyện trong đời Đức Giêsu mà Hội Thánh phải tái diễn không ngừng. Cũng như các bí tích khác, Thánh Thể được thiết lập trong Đức Kitô trong sự chết và sự phục sinh của Ngài. Thánh Thể là biểu tượng qua đó Đức Kitô trổi lên trong ngày hôm nay của Hội Thánh. Đức Giêsu đã phải chết để bánh và rượu được hiến thánh cho đến tận thế. Hội Thánh, các tông đồ, các bí tích được thiết lập một cách luôn hiện tại trong mầu nhiêm Vượt Qua. BữaTiệc Ly chỉ trở nên “bữa ăn của Chúa” vì có tương lai Vượt Qua. Nếu không có cuộc Vượt Qua trong tương lai, Đức Giêsu không thể nói “Này là Mình Ta bị nộp vì các ngươi”. Bí tích không là một thực tại có nền tảng nơi chính nó. Bí tích Thánh Thể hiện hữu do sự quy chiếu. Nó là sự hữu hình của Đấng – trong cuộc Vươt Qua của Ngài – là ơn cứu độ cánh chung. Nó là một dáng vẻ bề ngoài mà Đức Kitô Vươt Qua là thực tại. Nó được thiết lập trong cuộc Vươt Qua của Đức Kitô.

Theo F. X. Durrwell, C.Ss.R.

trong “Thánh Thể Bí Tích Vượt Qua

(còn tiếp)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube