Nạn đói vẫn tấn công 800 triệu người trên thế giới

Cuộc viếng thăm Chương trình Lương thực Thế giới của Đức Thánh Cha Phanxicô đã góp phần khơi lên sự quan tâm về hàng loạt các vấn đề có ảnh hưởng đến tất cả nhân loại. Một bức họa tranh tối tranh sáng, trong đó tình trạng suy dinh dưỡng tuyệt đối đã suy giảm, nhiều tiến bộ đã được thực hiện, nhưng những nước nghèo vẫn còn bị nạn đói tấn công, chưa kể các cuộc xung đột và nhiều thảm họa thiên nhiên. Sức nặng của cuộc khủng hoảng kinh tế. Châu Á và châu Phi cận Sahara là các vùng có nguy cơ đói cao trên thế giới

20160615 đói

Chuyến thăm WFP (Chương trình Lương thực Thế giới) của Đức Giáo Hoàng đã hướng sự chú ý của thế giới vào một số vấn đề lớn vốn kết nối chặt chẽ với nhau: sự suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến hàng triệu người ở các nước nghèo, sự phân bố các nguồn lực, các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, sự lãng phí thực phẩm, sự đầu cơ trên thực phẩm. Giám đốc Điều hành của WFP, bà Ertharin Cousin, đã chào đón Đức Giáo Hoàng là “người bảo vệ phẩm giá của con người.” Bà khẳng định “Sự thật là thế giới có kiến thức, kỹ năng và khả năng” để chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng. Những gì chúng ta cần – bà nhấn mạnh – là “ý chí của công chúng và của giới chính trị.”

Nhìn vào những con số mà FAO và WFP – các cơ quan khác nhau của Liên Hợp Quốc về vấn đề này, đã công bố, chúng ta có thể thấy: giữa hàng loạt các chi tiết, nổi bật một tình cảnh đáng buồn, trong đó có đến 795.000.000 người vẫn bị nạn đói hành hạ. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng tình trạng suy dinh dưỡng tuyệt đối trên thế giới đã được thu hẹp lại, mặc dù vấn đề này vẫn còn rất nghiêm trọng và có ảnh hưởng trên các khu vực khác nhau của hành tinh. So với năm 1990, trong thực tế, số lượng những người không có đủ ăn đã giảm khoảng 216 triệu, tức là cứ 9 người bị các cơn đói hành hạ thì đã giảm bớt được khoảng hơn kém 1 người.

Mặt khác, nếu nạn đói đang được đẩy lùi, thì cũng phải lưu ý rằng điều đó không xảy ra như nhau ở khắp nơi. Những con số cho thấy châu Á vẫn là châu lục có nhiều người bị đói nhất thế giới, trong khi châu Phi cận Sahara là khu vực có tỷ lệ (tính theo phần trăm dân số) người bị đói cao nhất: cứ bốn người thì trong thực tế có một người bị suy dinh dưỡng. Rồi nạn đói không ảnh hưởng đến tất cả mọi người như nhau; trẻ em phải trả giá đắt nhất: ở các nước đang phát triển, cứ 6 em bé thì có 1 em (khoảng 100 triệu) bị thiếu cân. Trên thế giới, cứ 4 em bé thì có 1 em bị còi, kém phát triển. Tại các nước đang phát triển, tỷ lệ này có thể phải là 1/3, trong khi 66 triệu trẻ em đang độ tuổi đi học – 23 triệu chỉ riêng ở châu Phi – phải đến lớp với chiếc dạ dày trống rỗng.

Tin vui là, dù sao, trong khoảng 25 năm, từ 1990 đến 2015, tại các nước đang phát triển, số người suy dinh dưỡng – tức là tỷ lệ phần trăm những người không có đủ thức ăn để sống năng động và khỏe mạnh – đã giảm từ 23,3% dân số xuống còn 12,9%, theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc về an ninh lương thực trên thế giới. Cũng nên lưu ý rằng phần lớn các nước mà FAO theo dõi – 72/129 nước – đã đạt đến ”Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ” là giảm một nửa tỷ lệ đói vào năm 2015. Ngoài ra, 29 quốc gia đã đạt được những mục tiêu đầy tham vọng mà Hội nghị Thượng đỉnh Lương thực Thế giới năm 1996 đã đề ra, là giảm một nửa tổng số người suy dinh dưỡng vào năm 2015. Mục tiêu nhắm tới, như Đức Giáo Hoàng cũng kêu gọi, là xóa sạch nạn đói.

Mặt khác, trong bối cảnh sáng tối đan xen này, cũng cần nhấn mạnh rằng gánh nặng về nguồn lương thực dự trữ đang ngày càng gia tăng do sự biến đổi khí hậu, các vấn đề môi trường, các thảm họa thiên nhiên và các cuộc xung đột, gây ra. Đây là các vấn đề Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nêu ra trong thông điệp Laudato Si’ nói về việc chăm sóc cho ngôi nhà chung. Liên Hợp Quốc nhận định rằng các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, bất ổn chính trị và xung đột dân sự cũng đã cản trở sự tiến bộ kinh tế và xã hội; có 24 nước ở châu Phi phải đối mặt với khủng hoảng lương thực, tăng gấp đôi số lượng so với năm 1990; một trong năm người bị đói sống trong môi trường khủng hoảng với nền quản trị yếu kém, và những người đó cực kỳ dễ bị tổn thương bởi bệnh tật và cái chết.

Theo Liên hợp quốc, trong vòng 30 năm qua, các cuộc khủng hoảng đã đi từ các sự kiện thiên nhiên thảm khốc, ngắn hạn, mãnh liệt và có thể nhìn thấy được, sang những tình huống kéo dài theo thời gian, được gây ra bởi sự kết hợp của các yếu tố khác nhau, đặc biệt là sự xảy ra liên tiếp của thiên tai và xung đột – chưa kể sự thay đổi khí hậu, và các cuộc khủng hoảng tài chính và giá cả thường xuyên, cũng là những yếu tố làm cho các cuộc khủng hoảng càng thêm trầm trọng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng và thiếu đói ở các nước bị khủng hoảng kéo dài thì cao hơn ở những nơi khác đến ba lần. Trong năm 2012, có khoảng 366 triệu người sống trong những tình huống kiểu này – trong đó có 129 triệu đã bị suy dinh dưỡng – chiếm 19% tổng số những người bị mất an ninh lương thực trên toàn thế giới.

Cuối cùng, đáng chú ý đặc biệt là mối quan hệ giữa nạn đói và nông nghiệp: trong bối cảnh hiện nay, FAO ước tính rằng khoảng một nửa trong số những người nghèo đói ở các nước đang phát triển – chiếm 50% số gia đình nông dân – đang sống trong những khu vực hoang vắng và đặc biệt dễ bị tổn thương bởi thiên tai như hạn hán hoặc lũ lụt. Cứ 5 người thì có 1 người thuộc về các gia đình nông dân không có ruộng đất nhưng hoàn toàn tùy thuộc vào việc lao động trên các cánh đồng. Khoảng 10 phần trăm sống trong các cộng đồng sống dựa vào việc chăn nuôi cừu, thủy sản và các nguồn tài nguyên rừng. Còn lại 20 phần trăm sống ở những vùng ngoại vi, ở khu ổ chuột của các thành phố lớn nhất của các nước đang phát triển. Số người bị đói sống ở các thành phố đang tăng nhanh, song song với sự gia tăng dân số đô thị trên thế giới.

Francesco Peloso
Ngọc Huỳnh chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết