Nam Sudan: Vai trò của Giáo hội và Kế hoạch hành động vì Hòa bình

Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã kêu gọi một Ngày Quốc gia cầu nguyện cho hòa bình và sự tha thứ vào ngày 10/3 vừa qua đồng thời kêu gọi các công dân tham gia với số lượng càng nhiều càng tốt.

20170314 Nam SudanCăng thẳng chính trị và xung đột bạo lực liên tục giữa các lực lượng chính phủ và phe đối lập đã dẫn đến việc hàng chục ngàn người dân dễ bị tổn thương phải chạy trốn khỏi nhà cửa và đất đai của họ. Nạn đói gần đây đã được tuyên bố tại một số tiểu bang, và ước tính có khoảng 7,5 triệu người cần được hỗ trợ nhân đạo.

Trong khi đó, ĐTC Phanxicô cho biết Ngài đang cân nhắc khả năng của một chuyến viếng thăm đại kết tới quốc gia Nam Sudan hiện đang bị chiến tranh tàn phá cùng với vị lãnh đạo Giáo hội Anh giáo – Đức Tổng Giám Mục Justin Welby.

Về cơ bản, các Giáo hội thuộc các giáo phái khác nhau, trong đó có các Giáo hội Công giáo và Anh Giáo – có số lượng các tín hữu lớn nhất – đang kêu gọi các tín hữu hãy bỏ qua những khác biệt đồng thời cam kết đối thoại nhằm góp phần xây dựng đất nước.

Linh mục Michael Perry – Tổng Phục Vụ Dòng Anh Em Hèn Mọn vừa trở về từ thủ đô Juba của Nam Sudan. Ngài đã phát biểu với Linda Bordoni – cộng tác viên Radio Vatican – về tác động của chuyến viếng thăm có khả năng xảy ra của ĐTC Phanxicô đồng thời giải thích rằng tiến trình kiến tạo hòa bình và hòa giải do Giáo hội khởi xướng được đặt nền tảng vững chắc trên mảnh đất Sudan.

“Tôi thiết nghĩ ngay lúc này đây, chúng ta đang ở nơi mà mọi người dân chắc chắn đang phải đối diện với sự sống và cái chết, họ đang phải đối đầu với sự hy vọng và tuyệt vọng”, Linh mục Michael Perry OFM cho biết.

Linh mục Michael Perry nói về sự kiên cường của người dân Nam Sudan thuộc mọi tôn giáo, một sự kiên cường trước những thử thách nghiêm trọng, và về việc người dân vẫn đầy hy vọng và đang thiết tha cầu nguyện cho chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô có thể xảy ra vào thời khắc đầy đau khổ này.

Linh mục Perry nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô cùng với Tổng Giám Mục Canterbury vì nó sẽ đem lại những “chứng từ đại kết hầu có thể chứng tỏ rằng chúng ta có thể cùng chung sống với nhau bất chấp những khác biệt và hơn nữa, chúng ta không nhất thiết phải có chung một nguồn gốc dân tộc hay niềm tin tôn giáo. Đó sẽ là một chứng từ vĩ đại đồng thời là dấu chỉ của niềm hy vọng và lời mời gọi đối với tất cả các nhà lãnh đạo cũng như tất cả những người có khả năng xây dựng quốc gia, vì hòa bình, một thời khắc mà trong đó chúng ta phải dừng lại và nhận định xem điều gì đang xảy ra”.

Linh mục Michael Perry giải thích rằng các Giáo hội tại Nam Sudan đã có mối quan hệ đang diễn ra kể từ những năm 1960.

Đó là một mối quan hệ – Linh mục Perry nói – đã trải qua những giai đoạn cũng như những thăng trầm khác nhau, mà vào thời điểm này, đang rất mạnh mẽ.

Kế hoạch hành động vì hòa bình

Linh mục Perry cho biết các Giáo hội tại nước này đã cùng nhau đưa ra Kế hoạch Hành động vì Hòa bình gồm ba thành tố:

Trước hết, tạo không gian trung lập cho các cuộc đối thoại trong đó các cộng đồng địa phương có thể cùng nhau thảo luận, và bắt đầu giải quyết những tổn thương mà họ đang phải trải qua xét về phương diện của các cuộc xung đột, bị buộc phải di tản, nạn đói kém, biến đổi khí hậu để rồi rọi ánh sáng đức tin trên những tổn thương đó. Từ đó, họ có thể nhận ra rằng họ không hề cô độc.

Vận động: cố gắng có được những thông điệp về những điều đang xảy ra trong những cuộc đối thoại nhằm tìm kiếm hòa bình và hòa giải ở cấp địa phương để có thể “tái tạo nhân loại”; và sau đó đem những điểm chính yếu của tiến trình đó và trình bày chúng ở cấp độ quốc tế để có thể thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm giúp chính phủ đạt được những điều đã hứa sẽ thực hiện trong Hiến pháp và những điều đã được đổi mới thông qua các tiến trình hòa bình khác nhau.

Tất cả những điều này có thể góp phần vào sự đồng tình ủng hộ đối với mong muốn hòa bình và hòa giải giữa những người dân.

Linh mục Perry chỉ ra rằng chính quyền Nam Sudan không những hoan nghênh Kế hoạch Hành động vì Hòa bình của Giáo hội, mà còn đưa ra kế hoạch riêng đối với tiến trình hòa giải: một cuộc đối thoại quốc gia sẽ là phương pháp tiếp cận từ thấp lên cao – bắt đầu từ các cộng đồng cho tới cấp quốc gia.

“Một trong những xác quyết đó là các nhà lãnh đạo Giáo hội, ở cấp địa phương, là những người có liên hệ rất tốt, và nói chung, vì mối tương quan lâu đời của họ, và vì bản chất của người dân Sudan, đó là một cộng đồng đức tin, cho nên có một mức độ tin tưởng đã tạo ra khả năng của việc đi sâu hơn” – Linh mục Perry cho biết.

Linh mục Perry cho biết một trong những đặc điểm của lịch sử Sudan và Nam Sudan, kể từ sau cuộc xung đột năm 1960, đó chính là sự hiện diện của những người con của Giáo hội trong việc đồng hành với tiến trình xây dựng hòa bình cũng như nỗ lực xây dựng niềm tin.

“Những người con của Giáo hội đang hiện diện nơi đây để cùng cầu nguyện với cộng đồng này, cùng đồng hành với những người dấn thân trong các cuộc tranh đấu, cầu nguyện để sớm có được một giải pháp hòa bình, nỗ lực dấn thân cho công lý đồng thời tìm kiếm các điều kiện để đem lại một nền hòa bình lâu dài”.

Linh mục Perry cũng cho biết rằng vai trò của Giáo hội là tối cần thiết trong việc dẫn đến sự kiện năm 2011 và sự ra đời của một quốc gia mới.

Thậm chí ở cấp độ quốc tế – Linh mục Perry nhấn mạnh – chẳng hạn như Giáo hội tại Hoa Kỳ đã hiện diện trong suốt tiến trình hòa bình với các đối tác đại kết cùng với sự tham gia đầy khôn ngoan.

Chính phủ nhận biết vai trò của Giáo hội cũng như mối liên hệ với người dân

Linh mục Perry cũng nói đến công việc mà Liên Hiệp Quốc đang thực hiện cũng như những nỗ lực tìm kiếm nhằm đáp ứng với cuộc khủng hoảng, khuyến khích chính phủ và người dân cố gắng ổn định tình hình ngõ hầu giúp người dân có thể quay trở lại với nhà cửa cũng như cuộc sống thường ngày của họ, mặc dù Linh mục Perry cũng chỉ ra rằng việc biến đổi khí hậu hiện đang gây ra một tác động rất lớn đến tình hình của cuộc khủng hoảng.

Linh mục Perry nhắc đến những người dân vốn đặt trọn niềm tin tưởng vào tôn giáo tại Nam Sudan đang kiên cường và tiếp tục hy vọng để rồi hiện nay họ trở thành những con mồi của điều mà ngài gọi là “tình trạng kiệt quệ” xuất phát từ những khó khăn không thể kể xiết mà họ tiếp tục phải đối diện “mỗi khi họ phải tháo chạy để rồi đánh mất tất cả mọi thứ”.

Đây là một thời khắc trong đó “mọi nỗ lực phải được thực hiện để có thể đạt được một nền hòa bình bền vững vốn công bằng và đầy tính nhân văn, mang lại phẩm giá cho mọi người và đảm bảo quyền cho tất cả mọi người được tham gia vào cuộc thử nghiệm mới này, đó chính là Nam Sudan”.

Minh Tuệ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube