Trong Kinh Thánh Cựu Ước, hạn từ Talmid, trong tiếng Hípri, hầu như không thấy xuất hiện, nhưng được dùng thường xuyên trong Do thái giáo thời hậu Kinh Thánh và thời gian kết thúc truyền thống Kinh Thánh, để chỉ về môn đệ.[1]
Trong Kinh Thánh Tân Ước, hạn từ Mathetes, trong tiếng Hylạp, được sử dụng rất phổ biến trong hầu hết các Tin Mừng và sách Tông Đồ Công Vụ, xuất hiện khoảng 307 lần, để chỉ về môn đệ. Môn đệ là những người được Đức Giêsu kêu gọi. Khi nhận ra lời mời gọi, các ông lập tức bỏ lại tất cả những gì cần thiết của cuộc sống và “đi theo Người” (x. Mc 1, 17-18).
Thoáng nhìn, thuật ngữ “môn đệ” liên quan đến môn đệ của Môsê (x. Ga 9,28b), môn đệ của Gioan Tẩy Giả (x. Mt 9,14; Mc 2,18), môn đệ của những người Pharisêu (x. Mt 22,16). Tuy nhiên, trong Thánh Kinh Tân Ước, nhất là bốn Tin Mừng, thuật ngữ “môn đệ” được dùng giới hạn cho những ai đón nhận Đức Giêsu như là Thầy của họ.[2]
Không giống như bao người Thầy khác (môn đệ đi tìm Thầy, thụ giáo với Thầy một thời gian, sau đó Thầy trò chính thức nhận nhau), môn đệ của Đức Giêsu lại được chính Người tìm kiếm và cũng chính Người kêu gọi họ theo làm môn đệ mình. Thái độ của họ là lập tức theo Người (x. Mc 1,17-18) mà Người thì lại không chốn nương thân, không chỗ gối đầu (Mt 8,20; Lc 9,8).
Khác với những người Thầy khác (chỉ đón nhận những môn đệ sẵn sàng chấp nhận giáo huấn của mình), Đức Giêsu lại đón nhận các môn đệ dựa trên điểm căn bản là lòng tin của họ vào Người.[3] Đó là cấu tố làm nên tư cách người môn đệ, xây dựng mối tương quan giữa các ông với Đức Giêsu.
Sự trở thành môn đệ Đức Giêsu không dựa trên năng lực hay kiến thức của Thầy hay của trò, mà là trên căn bản của lòng tin, của một tình yêu hiến mạng cho người mình yêu (x. Ga 15,13). Đó chính là tình yêu của Thiên Chúa. Một tình yêu trung tín, nhân hậu, chạnh thương. Với các môn đệ, Đức Giêsu không chỉ là người Thầy. Còn hơn thế nữa, Đức Giêsu chính là Cứu Chúa – Đức Chúa của họ (x. Ga 20,28).
Khái niệm môn đệ trong các sách Tin Mừng trước hết nhằm chỉ về Nhóm 12. Nhóm này được kêu gọi và được thành lập để trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Các thành viên trong nhóm thuộc nhiều thành phần trong xã hội: Lêvi – người thu thuế (x. Mc 2,14), Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan làm nghề đánh cá (x. Mc 1,16-20), Simon thuộc phái nhiệt thành (x. Mc 3,18b).
Trong các sách Tin Mừng, Đức Giêsu cũng kêu gọi những người phụ nữ theo người để phục vụ Người và ở lại với Người cho đến giờ sau hết (x. Mt 27,55; Lc 23,49). Bên cạnh đó, có nhiều thành phần khác nữa cũng được kêu gọi để “đi theo Người” làm môn đệ. Tuy nhiên, Nhóm 12 chính là một khuôn mẫu điển hình cho tất cả những kẻ “đi theo Đức Giêsu”.
Trong cuộc sống, một khi đã bước theo Đức Giêsu, người môn đệ sống tư cách của mình trong sự gắn bó mật thiết với Đức Giêsu, trở thành chứng nhân cho Người (x. Lc 24,48) và được Người sai đi loan báo Tin Mừng về triều đại Thiên Chúa đang đến (x. Mc 6,7). Triều đại ấy chính là lòng trung tín và xót thương của Người (x. Lc 5,32; 15,7.10). Các ông sống tư cách môn đệ của mình trong việc dứt khoát với quá khứ tội lỗi (x. Lc 5,11), từ bỏ gia đình, vác thập giá mình, chung chia vận mệnh với Thầy (x. Mc 8,34). Các ông sống tư cách môn đệ của mình không chỉ trong tương quan liên đới với Đức Giêsu, nhưng còn mở ra, liên đới với người nghèo, người bị bỏ rơi, bệnh tật (x. Lc 4,18-1) và với cả kẻ thù (x. Lc 6,27-28).
Xuyên suốt bốn Tin Mừng, các tác giả sẽ trình bày tư cách của người môn đệ xét trong tương quan với Đức Kitô. Người môn đệ, một khi đã bước theo Đức Kitô, được ở với Người, được Người huấn luyện, dạy dỗ, cũng sẽ phải mang lấy những phẩm chất và những tư cách phù hợp, hầu xứng đáng đảm nhận vai trò làm chứng nhân cho một Tình Yêu.
Micaen Gia Lâm, C.Ss.R.
Chú thích:
[1] Giáo Hoàng Học Viện Piô X, “Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh”, tập 3, Đà Lạt 1972, mục từ “Môn đệ”, tr 80
[2] Dwyer Judith A. , The New Dictionary of Catholic Social Thought, The Liturgical Press, Minnesota 1994, mục từ “Discipleship”, tr 294
[3] Dwyer Judith A. , The New Dictionary of Catholic Social Thought, The Liturgical Press, Minnesota 1994, mục từ “Discipleship”, tr 295