Mầu nhiệm Chúa về Trời là sức mạnh lời rao giảng

MẦU NHIỆM CHÚA VỀ TRỜI LÀ SỨC MẠNH LỜI RAO GIẢNG

(Cv 1,1-11; Dt 9,24-28;10,19-23; Lc 24,46-53)

loi-nguyen-le-chua-thang-thienHôm nay chúng ta cử hành mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô về trời. Mầu nhiệm Chúa Phục sinh lên trời, hay nói như tác giả Tin Mừng Luca: Đức Giêsu “được nhắc lên trời” (Lc 24,51), là một bảo đảm cho niềm hy vọng của chúng ta về sự sống đời đời. Nói cách khác, trong hành trình sống đức tin vào Chúa Kitô, chúng ta biết chắc điểm đến ở cuối chặng đường đời: được nhắc lên trời cùng với Đức Giêsu Kitô trong vinh quang Nước Thiên Chúa. Đây là niềm hy vọng căn bản của chúng ta và niềm hy vọng này trở thành nền tảng của niềm vui tin mừng trong đời sống hiện tại giữa những trăm chiều thử thách và khổ đau, thậm chí giữa sự lầy lội của tội lỗi chất chồng.

Nền tảng của niềm hy vọng này là có căn cơ, bởi lẽ chính Đức Giêsu, trước khi về trời, Ngài đã giơ tay chúc lành cho chúng ta. “Ngài dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Đang khi chúc lành, thì Ngài rời khỏi các ông và được nhắc lên trời. Bấy giờ các ông thờ lạy Ngài, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Tin Mừng Luca (Lc) 24,50-51).

Theo cách diễn tả của tác giả Tin Mừng Luca, sau khi Đức Giêsu thực hiện sứ vụ cứu độ thời cánh chung trong vai trò của vị ngôn sứ [xem câu chuyện về ngôn sứ Elia được nhắc lên trời được kể lại trong Sách các Vua quyển thứ 2 chương 2], Ngài về trời và giơ tay chúc lành cho các môn đệ, do đó, cho tất cả mọi người tin, trong tư thế của vị tư tế (xem Sách Lêvi 9,22). Như vậy, Đức Giêsu đã hoàn tất sứ vụ cứu độ tại trần gian và Ngài đã đi vào trong vinh quang Thiên Chúa. Tuy nhiên, sứ vụ cứu độ này vẫn tiếp tục được loan báo cho đến tận cùng trái đất (Lc 24,47; Sách Tông đồ Công vụ (Cv) 1,8). Giờ đây, tất cả những ai trở thành chứng nhân của Đức Giêsu (Lc 24,48) thì nhận lấy lệnh truyền loan báo Tin Mừng trong tư cách ngôn sứ và tư tế của Ngài. Vai trò ngôn sứ và tư tế này được đảm bảo bởi chính quyền năng Chúa Thánh Thần. “Và này, Thầy sẽ sai đến cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24,49).

Điều đáng chú ý là các môn đệ vui mừng và hằng ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa không có nghĩa là các ông chỉ biết “sống đạo trong nhà thờ”, nhưng là ở lại trong Đền thờ để đợi chờ và đón nhận sức mạnh Chúa Thánh Thần để ra đi loan báo Tin Mừng (Cv 1,1-8). Quả thế, ơn giải thoát con người khỏi mọi tội lỗi đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô phải được mạnh mẽ rao giảng và nhân Danh Ngài mà loan đi cho mọi người mọi thời mọi nơi (xem Is 49,6; Cv 1,8; 13,47; 26,23; 28,28). Thật vậy, “Có lời Kinh Thánh viết: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,46-47).

Trọng tâm của việc sống và loan báo Tin Mừng là chính Chúa Kitô (Cv 1,1.21-22), Đấng đã chết và đã phục sinh và hôm nay Ngài đi vào trong vinh quang Thiên Chúa. Việc rao giảng Tin Mừng đích thực và mạnh mẽ là phải nhân Danh Đức Giêsu Kitô, chứ không nhân danh bất kỳ một ai khác, cho dù danh ấy là của một vị “đại thánh”. Đích đến của việc rao giảng Tin Mừng là kêu gọi người ta “sám hối để được ơn tha tội”, chứ không phải như một kiểu ru ngủ chung chung đại loại thể như cái gì cũng “tốt đạo đẹp đời”. Tin Mừng Chúa Kitô là sứ điệp giải thoát mọi tội lỗi và mọi hình thức áp bức cho những ai tin!

Thật vậy, trong suốt hành trình rao giảng Tin Mừng, các tông đồ đã thực hiện lệnh truyền của Chúa Kitô: “phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân”! Phêrô trong tư cách thuyền trưởng của Giáo hội tiên khởi đã dõng dạc tuyên bố: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Từ đó, NHÂN DANH ĐỨC GIÊSU KITÔ, nhiều kẻ đau yếu tật nguyền được ơn chữa lành (Cv 3,6.16; 4,10.30; 19,13). NHÂN DANH ĐỨC GIÊSU KITÔ, các tông đồ hiên ngang rao giảng Tin Mừng cứu độ (Cv 4,12; 5,28.40). NHÂN DANH ĐỨC GIÊSU KITÔ, những người tin được chịu Phép rửa, đón nhận ơn tha tội (Cv 8,16; 10,48; 19,5). NHÂN DANH ĐỨC GIÊSU KITÔ, nhiều người chịu đau khổ và bị bách hại mà vẫn vững tin (Cv 5,41; 9,16; 21,13). NHÂN DANH ĐỨC GIÊSU KITÔ, người tin liên lỉ cầu nguyện (Cv 9,14.21; 22,16).

Như vậy, rõ ràng mầu nhiệm Đức Giêsu về trời một mặt đảm bảo cho niềm hy vọng của chúng ta trong hành trình sống đức tin, mặt khác là sức mạnh cho việc rao giảng Tin Mừng cứu độ cho mọi dân nước. Giáo hội nhận lấy sứ mạng loan báo Tin Mừng này biết chắc rằng mình được tham dự vào chính sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu Kitô (xem Lc 4,16-21). Với sứ mạng này, một khi đã được đầy quyền năng Thánh Thần, Giáo hội luôn phải biết đi ra khỏi vỏ bọc êm ái của mình [hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa (Lc 24,53)] để đến với một nhân loại đầy đau khổ và cần ơn giải thoát.

Thành ra, nếu một Giáo hội chỉ biết chú tâm vào những việc “trong nhà thờ” tức là một Giáo hội thờ ơ với lệnh truyền loan báo Tin Mừng của Đấng Phục sinh. Một Giáo hội “tránh né” những “thương tích” của nhân loại đang phải chịu là một Giáo hội chưa nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Một Giáo hội “sợ người phàm” hơn là “kính sợ Thiên Chúa” (xem Cv 5,29) tức là một Giáo hội mất gốc truyền thống các Tông đồ.

Đức Giêsu về trời không có nghĩa là Ngài xa rời các tông đồ, nhưng đúng hơn Ngài hiện diện với các ông cách năng động hơn: “Thầy sẽ sai đến cho anh em điều Cha Thầy đã hứa” (Lc 24,49a). Như vậy, Đức Giêsu Kitô ở với chúng ta ngang qua quyền năng Chúa Thánh Thần. Là người tin đích thực, mỗi người được mời gọi nhận lấy “quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24,49c), để với ơn sức mạnh này, chúng ta sống, loan báo và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Kitô, Đấng đã chết và đã phục sinh và đang ở trong vinh quang Thiên Chúa để “giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Thư Dothái (Dt) 9,24).

Thật vậy, chính Đức Giêsu Kitô “đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người. Chúng ta lại có một vị tư tế cao trọng đứng đầu nhà Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm, còn ngoài xác thì đã được tắm rửa bằng nước tinh tuyền. Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín” (Dt 10,20-23). Đấng Trung tín ấy cũng chính là Sức mạnh của lời rao giảng Tin Mừng!

Vinh Sơn Phạm Cao Quý, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết