Làm việc như Chúa Cha (suy niệm Lời Chúa, thứ Tư 09-03-2016)

Chúng ta không biết rõ Thiên Chúa Cha làm việc như thế nào, nhưng qua lời Đức Giêsu, khi Ngài đáp lại sự lên án và chống đối của người Do Thái đối với Ngài vì cho rằng Ngài đã phạm luật ngày Sabát, vén mở cho chúng ta thấy Chúa Cha hằng làm việc; và công việc chính yếu của Chúa Cha làm là trao ban sự sống cùng xét xử muôn loài trong chân lý và tình yêu.

Khi sai Con đến thế gian, Chúa Cha vẫn tiếp tục làm việc trong và qua Chúa Con. Uy quyền của Đức Giêsu là chính ở chỗ ngài là Con Một Thiên Chúa, Đấng có trọn quyền Chúa Cha ban và hằng làm theo ý Cha (Ga 5,17-30).

Đoạn Tin Mừng của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay (Ga 5,17-30) thuộc phần thứ nhất của diễn từ của Đức Giêsu tại Giêsusalem, đề cập đến con người và căn tính của Ngài (Ga 5,19-47). Đức Giêsu, trong trình thuật Ga 5,17-30, đã mặc khải cách rõ ràng mối tương quan khắng khít, độc nhất vô nhị giữa Ngài với Thiến Chúa Cha. Diễn từ này nối tiếp trình thuật về việc Đức Giêsu chữa lành cho người bại liệt ở bờ hồ Bếtsaiđa, mà chúng ta đã suy niệm ngày hôm qua (Ga 5,1-16).

Sự chống đối của những người Do Thái ở Giêsusalem lúc bấy giờ càng gia tăng khi nghe Đức Giêsu trả lời họ về việc họ lên án Ngài đã vi phạm luật Sabát; Ngài nói với họ: “Cho đến tận bây giờ Cha Ta vẫn làm việc, và Ta cũng làm việc như vậy” (5,17). Giải thích cho hành động chữa lành của mình cho người bất toại kia, ngay cả trong ngày Sabát, Đức Giêsu nêu ra gương mẫu hằng làm việc của Chúa Cha. Điều làm các người Do Thái tức giận và tìm mọi cách để loại trừ Đức Giêsu không phải là ý niệm Thiên Chúa liên lĩ làm việc; vì đối với các Rápbi Do Thái, Thiên Chúa hoặc là vẫn luôn làm việc ngay cả trong ngày Sabát, chứ không hoàn toàn nghỉ ngơi, để nâng đỡ vũ hoàn, hoặc là thế giới sẽ sụp đổ. Họ chống đối Ngài vì Ngài đã gọi Thiên Chúa là Cha của Ngài theo một nghĩa đặc biệt, mà họ giải thích rằng Ngài cho mình ngang hàng với Thiên Chúa, như tác giả Gioan thuật lại phản ứng ngay tức thì của họ rằng: “Bởi thế, người Do Thái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật nghĩ ngày Sabát, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa” (5,18).

Sự tức giận và chống đối của người Do Thái đã không khiến Đức Giêsu phải nín lặng; trái lại, Ngài tiếp tục nói cho họ, và cho chính chúng ta – những người đọc Tin Mừng hôm nay, biết rõ hơn căn tính và sự vụ của Ngài ở thế gian. Ngài nhấn mạnh mối tương quan mật thiết của Ngài với Thiên Chúa Cha – hằng làm theo ý Cha và theo gương mẫu của Cha: “Quả thật, quả thật, Ta nói cho các ngươi biết: Người Con không thể tự mình làm gì nếu không thấy Chúa Cha làm. Điều gì Chúa Cha làm thì Người Con cũng làm y như vậy. Vì Chúa Cha yêu Người Con và bày tỏ cho Người Con biết mọi việc mình làm” ( 5,19-20a). (Trong Tin Mừng Gioan, để bắt đầu đề cập đến một điều gì rất quan trọng thì tác giả dùng thuật ngữ có tính hùng biện được lặp lại hai lần: amēn amēn – “quả thật, quả thật”). Ở đây chúng ta thấy hai khía cạnh “giao thoa” trong con người của Đức Giêsu: Người Con Một của Thiên Chúa đầy quyền năng và Vị Thừa Sai khiêm hạ của Thiên Chúa Cha. Thần học Kitô giáo dường như luôn bị giằng co giữa hai khía cạnh này (ngôn ngữ thần học gọi là “hai bản tính”) của Đức Giêsu. Khuynh hướng nguy hiểm của một số người ngày nay là phớt lờ thiên tính và đề cao nhân tính, của một số khác lại là coi nhẹ khía cạnh tự hạ trong nhân tính của Đức Giêsu. Điều cần thiết ở đây là cần có cái nhìn cân bằng về hai khía cạnh này của Con Thiên Chúa nhập thể. Chúng ta tìm được chìa khoá cho lối nhìn này trong những cuộc tranh luận tiên khởi về Kitô học, và đã hình thành nên các mẫu thức Đức tin mà chúng ta gọi là “Kinh Tin Kính”.

Đối với Đức Giêsu, làm việc như Chúa Cha và cho Chúa Cha đó là tiếp trao ban sự sống (5,21.25) và thi hành quyền xét xử mà Chúa Cha đã trao trọn quyền cho Ngài (5,22). Điều kiện để có sự sống đời là nghe Lời của Đức Giêsu và tìn vào Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài (5,24; x.3, 16-17; 20,31). Thiên Chúa, trong Đức Giêsu vẫn tiếp tục làm việc để chữa lành, giải thoát, dưỡng nuôi và cứu độ nhân loại. Ở đây, Đức Giêsu như thể đang làm cho nên hoàn tất vai trò của người tôi trung của Thiên Chúa, được nói đến trong bài đọc thứ nhất, trong sách Isaia: “Ta đã gìn giữ ngươi và đặt người nên giao ước của dân, để ngươi phục hưng xứ ở, … và nói với tù nhân rằng: ‘Các ngươi hãy ra’, và nói với những kẻ ngồi trong tối tăm rằng: ‘Các ngươi hãy ra ngoài sáng’. Họ được nuôi dưỡng trên các nẻo đường, và các đồi trọc sẽ trở thành đồng cỏ. Họ sẽ không còn đói khát nữa,…, vì Đấng thương xót sẽ hướng dẫn họ và đưa họ đến uống ở suối nước” (Is 49,8b-10).

Nếu có một từ để diễn tả tóm tắt công việc của Thiên Chúa, thì đó là: yêu thương. Tình yêu của Thiên Chúa còn hơn tình của một người Mẹ với đứa con mình: “Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu” (Is 49,15). Lời Thánh vịnh đáp ca hôm nay cũng nói lên “đặc tính” của Thiên Chúa: “Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng” (Tv 144,8; Xh 34,6). Nơi Đức Giêsu, khuôn mặt thương xót và từ tâm của Thiên Chúa Cha được toả sáng cách trọn vẹn. Là Con Một Thiên Chúa, Ngài tiếp tục công việc chữa lành, nâng chúng ta dậy và trao ban sự sống cho chúng ta; chính Ngài sẽ xét xử chúng ta trong ngày cùng tận và trao ban sự sống đời đời cho chúng ta. Tất cả những gì Ngài mời gọi chúng ta là hãy lắng nghe Lời của Ngài và tin; và bình an của Ngài sẽ đến với chúng ta.

Giuse Phạm Đình Trí, C.Ss.R

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube