Lý do các Giám mục châu Phi luôn bày tỏ quan điểm về các vấn đề chính trị

Donatien Nshole, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Quốc gia Congo (Jerome Delay / AP).

Linh mục Donatien Nshole, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Quốc gia Congo (Ảnh: Jerome Delay / AP).

Các Giám mục Công giáo tại CHDC Congo, Bờ biển Ngà, Togo và Cameroon đã trở nên trụ cột trong việc mang lại sự thay đổi chính trị và tránh cho người dân khỏi lâm vào tình trạng đau khổ.

Từ Bờ Biển Ngà cho đến Tanzania, một số Giám mục châu Phi đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về tình hình chính trị ở nước họ, phù hợp với “sứ mạng tiên tri” của họ.

Hội đồng Giám mục gần đây nhất tại châu Phi đã chỉ trích một cách mạnh mẽ hệ thống chính trị đó là ở Bờ Biển Ngà nơi mà các vị Giám chức, khẳng định sứ mạng tiên tri của họ, đã lên tiếng cảnh báo chính phủ.

Thông điệp của các giám mục vào cuối hội nghị toàn thể lần thứ 114 đã kích động sự giận dữ của đảng của Tổng thống Alassane Ouattara, với việc các tờ báo thân chính phủ đã cáo buộc các nhà lãnh đạo Giáo hội ủng hộ động cơ của phe đối lập.

Trước các cuộc bầu cử tổng thống, các giám mục đã nhắc nhở chính phủ về tình trạng bất ổn vào năm 2010 ở nước này. Khi Ouattara giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm đó và tổng thống đương nhiệm, Laurent Gbagbo, đã từ chối việc từ chức, bạo lực đã xảy ra, cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người.

Tổng Giáo phận Abidjan tại Bờ Biển Ngà đã lên kế hoạch cho một cuộc tuần hành hòa bình vào ngày 15 tháng 2 dưới sự lãnh đạo của Đức Hồng Y Jean-Pierre Kutwa. Nhưng nó đã bị hủy bỏ do các mối đe dọa tính mạng đối với người Công giáo.

Vậy tại sao các Giám mục châu Phi lại tự khẳng định mình trong các vấn đề chính trị – xã hội liên quan đến các quốc gia tương ứng của họ?

Cộng hòa dân chủ Congo

“Giáo hội phải hiện diện nơi dân chúng phải chịu đựng đau khổ”.

Hội đồng Giám mục có tiếng nói nhất ở châu Phi đó là ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Các nhà lãnh đạo Công giáo ở đó đã nhiều lần tranh luận với chính phủ.

Mặc dù nhiệm kỳ theo hiến pháp đã kết thúc vào tháng 12 năm 2016, Tổng thống Joseph Kabila vẫn tiếp tục bám víu quyền lực bằng cách trì hoãn các cuộc bầu cử.

Theo nhiều nhà quan sát, Giáo hội Công giáo với 42,8% dân số cả nước đều là các tín đồ Kitô giáo đã tổ chức tuần hành phản đối và đề cập đến sự bế tắc chính trị với các cơ quan quốc tế, buộc Kabila phải tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 12 năm 2018 và từ bỏ nhiệm kỳ thứ ba.

Cha Donatien Nshole, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Quốc gia Congo, đã làm nổi bật vai trò của Giáo hội.

“Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict XVI nhấn mạnh rằng Giáo hội phải hiện diện nơi mà dân chúng phải chịu đựng đau khổ. Đây là trường hợp ở Congo. Cuộc khủng hoảng chính trị – xã hội nhấn mạnh đến sự đau khổ này. Vì vậy, việc các giám mục nỗ lực làm việc cho dân chủ là điều hoàn toàn bình thường”, Cha Donatien Nshole nói.

Bờ biển Ngà

“Giáo hội không thể vùi đầu vào cát”

Cha Paul Zikpi, giáo sư thần học luân lý Dòng Phanxicô tại Học viện Truyền giáo Công giáo Abidjan, đã phát biểu nhận xét tại một hội nghị của Học Viện Thần học của Dòng Tên tại Abidjan vào ngày 15 tháng 2 năm 2019, rằng “tiếng nói chính trị xã hội của Giáo hội phát xuất từ một mối quan hệ không thể thay đổi giữa thẩm quyền tôn giáo và chính trị”.

Cha Paul Zikpi cho biết rằng mối quan hệ này không thể bị ngăn chặn bằng cách nói rằng “tôn giáo không liên quan gì đến chính trị hay chính trị không có ảnh hưởng trong tôn giáo vì cả hai đều quan tâm đến cùng một nhân loại”.

“Nếu các chính trị gia không muốn tôn giáo có tiếng nói trong quá trình đưa ra quyết định và chương trình nghị sự của họ, thì điều này không thể xảy ra, nếu không tôn giáo sẽ không còn là người quản lý đối với công trình sáng tạo và là người đại diện của Thiên Chúa”, nhà Thần học luân lý Dòng Phanxicô nhấn mạnh.

Đức Giám mục Ignace Bessi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Bờ Biển Ngà, cũng đã bày tỏ quan điểm tương tự tại phiên họp toàn thể.

Ngài nhấn mạnh rằng một Giám mục chính là một Thừa tác viên hòa giải và không thể là một khán giả câm nín khoanh tay đứng nhìn khi người dân bị các chính trị gia phỉnh lừa.

“Giáo hội không thể vùi đầu vào cát, làm ngơ trước những khó khăn thử thách mà người dân đang trải qua”, Đức Cha Bessi cho biết thêm.

Ngài nhấn mạnh rằng các giám mục phải “đối mặt” với các tình huống chính trị – xã hội “trong thực tế và đóng góp bằng cách phá vỡ các rào cản giữa mọi người và xây dựng cầu nối giữa họ”.

Togo

“Triển vọng về các cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo làm sống lại ký ức về tình trạng bạo lực và sự kinh hoàng”.

Trong một tuyên bố vào ngày 21 tháng 11 năm 2019, các giám mục Togo chỉ trích nặng nề các nhà lãnh đạo chính trị cấp cao của đất nước với các cuộc bầu cử tổng thống được đề xuất vào tháng 3 năm 2020.

Tổng thống đương nhiệm Faure Gnassingbé nhậm chức năm 2005 trong một cuộc bầu cử tranh chấp sau cái chết của cha mình, Gnassingbé Eyadema, người đã trị vì đất nước Tây Phi nhỏ bé với các chính sách hà khắc trong suốt 38 năm.

“Thay vì khơi dậy niềm tự hào và sự nhiệt tình để tự do lựa chọn vị tổng thống Cộng hòa tương lai của họ, triển vọng về các cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo sẽ làm sống lại ký ức về tình trạng bạo lực và sự kinh hoàng”, các giám mục nói.

Sân chơi bầu cử bình đẳng của Togo không cân bằng với việc những người trung thành với Gnassingbé đưa ra những quyết đinh quan trọng trong ủy ban bầu cử, tư pháp và truyền thông nhà nước.

Các giám mục đã trích dẫn “sứ mạng tiên tri” của họ như là lý do cho sự can thiệp của họ vào lĩnh vực chính trị.

“Hội đồng Giám mục Togo chưa bao giờ ngừng lên tiếng cho sự thật và tố cáo những điều sai trái”, các giám mục nói.

Cameroon

“Lúc này đây, tùy thuộc vào chúng ta, các nhà lãnh đạo tôn giáo, cần phải hành động bằng cách hợp nhất tất cả các bên liên quan xung quanh sự nghiệp của chúng ta”.

Với cuộc khủng hoảng Anglophone ở tây bắc và tây nam Cameroon đã cướp đi hơn 3.000 sinh mạng, Hội đồng Giám mục Công giáo của đất nước đã đi đầu để bày tỏ tiếng nói của mình.

Cuộc sống ở hai tỉnh nói tiếng Anh của Cameroon đã bị đình trệ bởi cuộc xung đột này, vốn cũng đã buộc 500.000 người phải rời bỏ nhà cửa của họ.

Chính phủ ở quốc gia đa số nói tiếng Pháp đã đáp trả bằng lực lượng gây giết chóc, và các phiến quân tuyên bố độc lập cho khu vực và gọi đó là “Ambazonia”.

Để chấm dứt khủng hoảng, Tổng thống Paul Biya vào tháng 10 năm 2019 đã kêu gọi các cuộc đàm phán, được mệnh danh là Đối thoại Quốc gia.

Đức Hồng Y Christian Wiyghan Tumi, nguyên Tổng Giám mục Douala, và Đức Tổng Giám mục Andrew Nkea Địa phận Bamenda đã lãnh đạo “đoàn lữ hành hòa bình” để thông báo cho người dân các vùng nói tiếng Anh về cuộc Đối thoại Quốc gia.

Đức Hồng Y Tumi đã tuyên bố tính hợp pháp của Giáo hội để tham gia vào cuộc đối thoại.

“Các thành tố chính trị đã không tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng”, Đức Hồng Y Tumi lưu ý trong một cuộc phỏng vấn với tờ La Croix của Châu Phi vào ngày 5 tháng 12 năm 2019.

“Lúc này đây, tùy thuộc vào chúng ta, các nhà lãnh đạo tôn giáo, cần phải hành động bằng cách hợp nhất tất cả các bên liên quan xung quanh sự nghiệp của chúng ta”.

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube