Luật an tử của Hàn Quốc khiến các tín hữu Công giáo thất vọng

Đức Tổng Giám mục Peter Chung Soon-taick Địa phận Seoul bày lo ngại rằng luật an tử sẽ bị lạm dụng (Ảnh: Pixabay)

Đức Tổng Giám mục Peter Chung Soon-taick Địa phận Seoul bày lo ngại rằng luật an tử sẽ bị lạm dụng (Ảnh: Pixabay)

Một nhà lãnh đạo Công giáo ở Hàn Quốc đã bày tỏ lo ngại sau khi quốc hội của quốc gia này ban hành luật hợp pháp hóa việc tự tử do bác sĩ hỗ trợ nhằm kết liễu sự sống của những bệnh nhân mắc bệnh nan y không có cơ hội hồi phục.

“Ủy ban vì sự sống của Tổng giáo phận Công giáo Seoul bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về đạo luật trợ tử được áp dụng gần đây. Giáo hội nhấn mạnh đến sự thiêng liêng của sự sống con người vốn không thể bị xâm phạm, dù bởi chính mình hay do người khác, cho đến giây phút cuối cùng”, Chủ tịch Ủy ban, Đức Tổng Giám mục Peter Chung Soon-taick Địa phận Seoul, cho biết trong một tuyên bố vào ngày 20 tháng Sáu.

Vị Giám chức cho biết rằng thay vì chấm dứt sự sống, xã hội cần tìm cách làm thế nào để giảm bớt sự đau khổ không thể chịu đựng được của những bệnh nhân mắc bệnh nan y nhằm giúp họ được chết một cách xứng hợp với phẩm giá.

“Chúng ta phải hiểu phẩm giá có nghĩa là sự quan tâm và chăm sóc của cộng đồng, chứ không phải là hành động rút ngắn sự sống”, Đức Tổng Giám mục Chung nói.

Vị Giám chức cho biết việc tự tử có sự hỗ trợ của bác sĩ chỉ là kết quả của việc xã hội chúng ta “theo đuổi hiệu quả kinh tế và đánh mất nền văn hóa của sự quan tâm và chăm sóc mang tính nhân văn” và hoàn toàn không phải là cách để nhận thức phẩm giá con người.

Đức Tổng Giám mục Chung cảnh báo rằng luật có nhiều nguy cơ lạm dụng hoặc các tác dụng phụ bất lợi, chẳng hạn như “các quyết định không mong muốn” nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho một gia đình.

“Chúng tôi kêu gọi các chính phủ ban hành các chính sách và luật pháp nhằm mở rộng việc hỗ trợ cho các cơ sở an dưỡng cuối đời và chăm sóc giảm nhẹ như một giải pháp thay thế để giải quyết những thách thức mà các bệnh nhân mắc bệnh nan y phải đối mặt để họ nhận được sự chăm sóc cá nhân không đau đớn vào những giây phút cuối đời”.

Hàn Quốc đã thông qua Đạo luật Xác định Điều trị Duy trì Sự sống, được gọi là Đạo luật Cái chết với Phẩm giá, vào năm 2018. Đạo luật này hợp pháp hóa việc ngừng điều trị y tế với mục đích duy trì sự sống thông qua một thỏa thuận giữa các thành viên trong gia đình hoặc một “chỉ dẫn trước” (advance directive) bằng văn bản của một bệnh nhân ý thức rằng bệnh tình của họ không thể phục hồi được.

Đạo luật đã gây ra sự phản đối kịch liệt từ những người ủng hộ sự sống, bao gồm cả Giáo hội Công giáo, những người cho rằng hành động này trái với luân lý và phản ánh thái độ thay đổi nhanh chóng của xã hội Hàn Quốc liên quan đến sự sống và cái chết.

Tuy nhiên, một cuộc thăm dò dư luận năm nay cho thấy 76% số người được hỏi ủng hộ việc hợp pháp hóa an tử.

Cuộc khảo sát của Giáo sư Yun Young-ho tại Đại học Y khoa thuộc Đại học Quốc gia Seoul cho thấy 61,9% số người được hỏi nói rằng họ sẽ “hoàn toàn đồng ý” với luật tiếp cận các thủ tục y tế gây tranh cãi, trong khi 14,4% nói rằng họ sẽ “đồng ý”, Thời báo Hàn Quốc đưa tin.

Khoảng 2% nói rằng họ “hoàn toàn không đồng ý” với luật như vậy, trong khi 21,7% nói rằng họ “không đồng ý”.

Với việc Hàn Quốc ghi nhận sự gia tăng dân số già và tỷ lệ sinh giảm dần, các nhà quan sát cho rằng hiện tượng của các trường hợp trợ tử được cho là sẽ giành được động lực ở nước này.

Năm ngoái, một cuộc khảo sát của Bộ Y tế và Phúc lợi với 9.930 người trên 65 tuổi cho thấy 90,5% lạc quan về việc chết mà không đau đớn về thể xác và tinh thần.

Thực hành an tử vẫn là một vấn đề gây tranh cãi trên toàn cầu. Một số quốc gia ở phương Tây bao gồm Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg đã thông qua luật an tử với những quy định nghiêm ngặt.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube