Lời chúc mừng và thông điệp của cha Tổng Quyền nhân dịp lễ chân phước Gaspar Stanggassinger

EN1-1536x864

Anh em tu sĩ DCCT, các sinh viên, anh chị em giáo dân thừa sai và toàn thể gia đình DCCT thân mến,

 

Tôi xin gửi lời chào đến tất cả mọi người!

Chúng ta đang mừng lễ Chân phước Gaspar Stangassinger… Gaspar gia nhập nhà Dòng với ý định rao giảng Tin Mừng cho những người bị bỏ rơi nhất. Tuy vậy, bề trên trao cho ngài nhiệm vụ huấn luyện những nhà truyền giáo tương lai.

Ngoài việc giảng dạy, ngài còn luôn hỗ trợ mục vụ tại các nhà thờ ở các làng lân cận, đặc biệt là mục vụ thuyết giảng. Mặc dù rất bận rộn nhưng ngài luôn sẵn sàng, đặc biệt là sẵn sàng với các sinh viên, những người coi ngài như một người “bạn” hơn là một “bề trên”.

Trong bài giảng của mình, ngài mời gọi mọi người đặc biệt hãy đến với Bí tích Thánh Thể trong những thời khắc cần thiết và đau khổ nhất.

Vào ngày 26 tháng 9 năm 1899, ở tuổi 28, ngài đã trở về với Thiên Chúa vì bệnh tật. Nhân dịp này, tôi nhớ đến và cảm ơn tất cả các nhà đào tạo trong Hội Dòng. Việc huấn luyện con người và đào tạo các thừa sai DCCT là một nhiệm vụ khó khăn và rất cao quý, một sứ mệnh quan trọng mà Hội Dòng đòi hỏi nơi mỗi một người trong chúng ta. Hãy can đảm trong sứ mệnh này!

Việc tự đào tạo cá nhân, học hỏi linh đạo DCCT với những nền tảng vững chắc, việc đối thoại, lắng nghe và phân định là những điều quan trọng trong lĩnh vực này. Biện phân là một từ rất quan trọng, cả trong việc đào tạo cũng như trong công việc truyền giáo và mục vụ của chúng ta.

Vào ngày lễ của Chân phước Gaspar hôm nay, tôi khuyến khích mỗi anh em đang thực hiện những công việc thừa sai khác nhau và các sinh viên hãy tăng cường việc đào tạo liên  tục của chính mình.

Việc đào luyện liên tục là dành cho cả cuộc đời. Đó là một quá trình bắt đầu khi chúng ta bước vào một môi trường đào tạo và tiếp tục phát triển trong suốt cuộc đời của chúng ta dựa trên những tầm nhìn của cá nhân, của cộng đoàn và của (Phụ) Tỉnh, việc đào tạo được xem như một sự năng động của việc hoán cải cá nhân, của việc hiểu biết và đào sâu hơn đời sống thánh hiến của chúng ta trong tư cách là một đáp trả của người môn đệ đối với Thiên Chúa – Đấng đã kêu gọi chúng ta và đó cũng chính là sự cam kết của mỗi chúng ta trong sứ mạng của Thiên Chúa vì Dân của Ngài.

Vì vậy, việc đào tạo vượt ra khỏi những đào tạo mang tính học thuật. Nó chạm đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta. Nếu đúng như vậy thì chất lượng của việc đào tạo ban đầu của chúng ta sẽ phải còn tùy thuộc vào chất lượng của việc đào tạo liên tục của chúng ta. Học tập suốt đời phải là một điều gì đó cần thiết và đương nhiên của mỗi người trong chúng ta.

Trong một thế giới không ngừng thay đổi và hàng ngày chúng ta phải đối mặt với những vấn đề mới, chúng ta không thể tiếp tục đưa ra những câu trả lời cũ cho những vấn đề mới. Chỉ xin trích dẫn một ví dụ, trong lĩnh vực luân lý và đạo đức sinh học (các mô hình mới về gia đình, tính dục, v.v.), nếu chúng ta không cập nhật kịp thời thì chúng ta đang gây bất lợi cho Dân Chúa. Đó là một câu hỏi mang tính lương tâm của cá nhân và của cả tập thể của chúng ta trong tư cách là những người huấn luyện lương tâm.

Tất cả chúng ta đều cần được đào tạo và tự đào luyện chính mình!

Việc đào tạo bao gồm rất nhiều chiều kích – sứ vụ, nhân bản, đào tạo vì thế giới, về đặc sủng, lương tâm, hướng đến tự do, đào tạo nội tâm, sự phân định, tính liên văn hoá – và rèn luyện bản thân để thấu hiểu các lời khấn của chúng ta liên quan đến một sự thật rằng chúng ta là những con người bình thường, để chúng ta hình thành một cảm thức thuộc về và nếu được như vậy sẽ mang lại cho chúng ta khả năng tạo ra một nền văn hóa quan tâm – cho người khác, cho các anh em trong Dòng và cho tất cả những ai cần đến chúng ta.

Đối với chúng ta, việc đào tạo liên tục là một nghĩa vụ luân lý. Chúng ta sẽ không có những câu trả lời dễ dàng và phổ quát, nhưng nếu ít nhất chúng ta có được khả năng đối thoại và lắng nghe những người đối thoại với mình thì đó đã là một bước tiến lớn. Khi rao giảng, Stangassinger không sử dụng đến những lời đe dọa trừng phạt thường thấy trong việc rao giảng thời đó. Đúng hơn, ngài giản dị và thẳng thắn, truyền cảm hứng cho các tín hữu tin tưởng và coi trọng đời sống Kitô hữu. Nếu muốn chạm đến trái tim mọi người, chúng ta cần noi gương Kasper. Chúng ta phải chuẩn bị cho điều này!

Xin Chân phước Gaspar hướng dẫn chúng ta trên con đường thánh thiện và đào tạo liên tục của chúng ta, để chúng ta trong tư cách là những Thừa Sai luôn cố gắng phục vụ Dân Thiên Chúa.

Cha. Rogerio Gomes, CSR.

Bề Trên Tổng Quyền

 

(theo Scala News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube