Linh mục Patton: ‘Hòa giải tại Thánh địa đồng nghĩa với việc nhìn nhận nỗi đau khổ của người khác’

Linh mục Francesco Patton, Bề trên Dòng Phanxicô Quản thủ Thánh Địa (Ảnh: Vatican News)

Linh mục Francesco Patton, Bề trên Dòng Phanxicô Quản thủ Thánh Địa (Ảnh: Vatican News)

Linh mục Francesco Patton, Bề trên Dòng Phanxicô Quản thủ Thánh Địa, đã nhắc lại sự cần thiết cần phải có một giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc xung đột Israel-Palestine kéo dài hàng thập kỷ nhằm công nhận quyền tồn tại của cả hai dân tộc.

Việc tạm dừng nhân đạo kéo dài 4 ngày đối với cuộc giao tranh giữa Israel và Hamas ở Gaza, cũng như việc trao đổi tù nhân và con tin sau 50 ngày chiến đấu không ngừng nghỉ chỉ là một tia sáng, Linh mục Quản thủ Thánh địa cho biết.

Lời kêu gọi của Linh mục Francesco Patton là một kết quả đáng khích lệ vì “điều đó có nghĩa là các cuộc đàm phán có thể diễn ra”.

Thỏa thuận ngừng bắn do Qatar và Ai Cập làm trung gian sẽ kết thúc vào nửa đêm ngày 28 tháng 11, sau 4 ngày tương đối yên tĩnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi 50 con tin Israel bị giam giữ ở Gaza lấy 150 tù nhân Palestine trong các nhà tù của Israel.

Đây là lần tạm dừng đầu tiên trong cuộc chiến ở Gaza kể từ khi Hamas tiến hành cuộc đột kích xuyên biên giới tàn khốc vào ngày 7 tháng 10, giết chết 1.200 người và bắt giữ khoảng 240 người làm con tin. Cho đến nay, 3 nhóm con tin đã được trả tự do theo thỏa thuận. Vào Chúa nhật, ngày 26 tháng 11, 17 con tin đã được giải thoát, trong đó có 14 người Israel và 3 người quốc tịch Thái Lan.

Việc đình chỉ giao tranh cũng cho phép viện trợ nhân đạo rất cần thiết được đưa vào Dải Gaza và mang lại sự nghỉ ngơi cho dân thường bị mắc kẹt ở đó. Theo chính quyền Palestine, cho đến nay, cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của gần 15.000 người ở Gaza, 40% trong số đó là trẻ em.

Trò chuyện với Amedeo Lomonaco của Vatican News, Cha Patton đã bày tỏ hy vọng rằng lệnh ngừng bắn có thể tiếp tục được duy trì và tất cả các con tin bị Hamas bắt giữ có thể được trả tự do.

Cha Patton đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là của các quốc gia làm trung gian cho thỏa thuận.

Đàm phán là điều khả thi

Cha Patton lưu ý rằng thỏa thuận cho thấy rằng “một con đường khác ngoài vũ khí” là điều khả thi “nếu có ý chí làm như vậy”. Việc trả tự do cho các con tin và tù nhân, Cha Patton nói, là bước đầu tiên mở đường cho một giải pháp chính trị rộng lớn hơn cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine dựa trên “sự chấp nhận lẫn nhau về quyền tồn tại của cả Israel lẫn Palestine”.

Vị tu sĩ Dòng Phanxicô gốc Ý tiếp tục lưu ý rằng trong bối cảnh bi thảm của cuộc xung đột này, khía cạnh nhân đạo là nền tảng.

Nếu không có tiếng nói nhân đạo an ủi, Cha Patton nói, chúng ta không thể tiến về phía trước bởi vì mọi thứ đều bị hạ thấp chỉ còn là “sự tính toán, sự cân bằng lợi ích và sử dụng bạo lực”.

Các Kitô hữu có thể là một cầu nối

 Khi được hỏi về vai trò mà các Kitô hữu địa phương có thể đảm nhận, Cha Patton cho biết họ đại diện cho “cầu nối” giữa người Israel và người Palestine, vì họ thuộc cả hai cộng đồng. “Chúng tôi có các Kitô hữu ở Israel, ở Gaza, ở Bờ Tây”, Cha Patton nói, đồng thời giải thích lý do tại sao họ có thể có “vai trò quan trọng mặc dù có giới hạn”.

Thánh Địa cần men làm cho tiếng nói lương tâm dậy lên cả trong xã hội Israel lẫn Palestine, vốn cần những tiếng nói có thẩm quyền “không chỉ giữa các Kitô hữu mà còn giữa những người Hồi giáo có khả năng đề xuất một con đường không chỉ ôn hòa mà còn mang tinh thần hòa giải”, Cha Patton nói, đồng thời nhấn mạnh rằng điều này áp dụng cho cả hai bên.

Cha Patton thừa nhận rằng vẫn còn sớm để nói về sự hòa giải vào thời điểm đầy cảm xúc này. Tuy nhiên, Cha Patton nói, một khi giai đoạn này kết thúc, mọi người có thể lý luận theo một cách khác.

Cha Patton nhấn mạnh rằng điều quan trọng vào lúc này là lệnh ngừng bắn được giữ nguyên, các con tin được trả tự do, mạng sống của dân thường ở Gaza cũng được bảo vệ và việc tạm dừng chiến sự cho phép các chủ thể quốc tế có ảnh hưởng khác nhau trong khu vực tiếp tục nỗ lực làm việc để chuyển từ ngừng bắn sang đình chiến.

Quyền tồn tại của cả hai dân tộc

Khi đó cộng đồng quốc tế phải tìm ra “một giải pháp chính trị”, nếu không “tình trạng tương tự” sẽ tái diễn trong tương lai, Cha Patton cảnh báo.

Cha Patton lưu ý rằng cuộc chiến một lần nữa đã làm nổi bật “vấn đề cơ bản” về vấn đề Palestine chưa được giải quyết, vốn có mối liên hệ chặt chẽ với vấn đề Israel.

Cả hai dân tộc đều đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ trong suốt lịch sử, và điều này sẽ khiến họ “nhận ra sự đau khổ chung của họ”, Cha Patton nhận xét, đồng thời nhắc lại những lời của Rachel Goldberg, đại diện gia đình các con tin. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với L’ Osservatore Romano, chị Goldberg nói, “Chúng tôi phải học cách nhận ra nỗi đau khổ của họ và họ phải học cách nhận ra nỗi đau khổ của chúng tôi”.

Chỉ bằng cách này, Cha Patton nói, khu vực có thể tiến lên phía trước. Thay vào đó, việc tập trung vào nỗi đau của một bên sẽ chỉ dẫn đến “sự cứng rắn hơn nữa”.

“Phải có một giải pháp công nhận quyền tồn tại của cả hai dân tộc, trong đó mỗi bên thừa nhận nỗi đau khổ của bên kia và cả phẩm giá của sự đau khổ đó”.

Vai trò của cộng đồng quốc tế

Tóm lại, Cha Patton nhấn mạnh sự cần thiết cần phải có “sự hỗ trợ từ bên ngoài” từ cộng đồng quốc tế, tức là Liên hợp quốc, cũng như các cường quốc thế giới và khu vực ủng hộ bên này hay bên kia.

Điều này sẽ phải là một tiến trình “đồng hành tiến bộ” bao gồm một giai đoạn chuyển tiếp, trong đó cả các nhà lãnh đạo chính trị của Israel lẫn Palestine đều sẽ phải thay đổi cách tiếp cận của họ.

Áp lực gia hạn lệnh ngừng bắn ngày càng tăng

Trong khi đó, khi thỏa thuận ngừng bắn kết thúc, áp lực quốc tế nhằm hủy bỏ thỏa thuận này ngày càng gia tăng. Hôm thứ Hai, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã thúc đẩy một lệnh ngừng bắn nhân đạo hoàn toàn giữa Israel và phiến quân Hamas của Palestine thay vì một lệnh ngừng bắn tạm thời, vì “thảm họa nhân đạo ở Gaza đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn”.

“Cuộc đối thoại dẫn đến thỏa thuận phải được tiếp tục, dẫn đến lệnh ngừng bắn nhân đạo đầy đủ, vì lợi ích của người dân Gaza, Israel và khu vực rộng lớn hơn”, phát ngôn viên của ông Guterres, Stephane Dujarric, cho biết trong một tuyên bố. “Liên hợp quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực này bằng mọi cách có thể”, ông Dujarric nói.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube