Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!

Khi hướng tới ngàn năm mới sắp đến và gẫm suy về quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “Những gì đã được hoàn tất bởi Chúa Thánh Thần ‘trong thời kỳ đã mãn” chỉ có thể qua quyền năng của Chúa Thánh Thần giờ đây hiện ra từ ký ức của Hội Thánh”. (Thông điệp của ĐTC Gioan Phaolô II – Dominum et vivificantem – Đức Chúa và Đấng ban sự sống, số 51).

Woman praying and free bird enjoying nature on sunset background, hope concept

Trong suốt mùa Phục Sinh, giống như cách chúng ta đã chuẩn bị cho đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta cũng mong muốn nhìn thấy được cách mà Người đã và đang hoạt động nơi Giáo Hội. Ngay từ đầu mùa Phục Sinh, Chúa Thánh Thần đã mang đến niềm hân hoan và sức mạnh của Kinh Thánh cho dân Chúa. Mọi thời, Người đã làm cho chúng ta ngạc nhiên bởi những món quà, quyền năng và niềm hi vọng. Người đã luôn trung thành trong việc lôi kéo dân Chúa gần hơn với Chúa Cha và chỉ cho họ thấy tình yêu của Thiên Chúa.

Xuyên suốt sách Công Vụ Tông Đồ, thông điệp vẫn luôn tồn tại rất đơn giản: bất cứ khi nào Thánh Thần ngự đến, cuộc sống con người được thay đổi. Chúng ta thấy điều này nơi các tông đồ, cùng với Đức Trinh Nữ Maria, trong căn phòng vào ngày lễ Ngũ Tuần. Chúng ta cũng thấy những điều tương tự xảy ra ở các thành phố Samari, Antiôkhia và Êphêsô. Thậm chí, điều đó còn xảy đến với Saolo ở Tácxô, người đã chống đối Giáo Hội, người ở xa Chúa về không gian và thời gian. Trong hết thảy sự kiện đó và nhiều hơn nữa, chúng ta thấy Thánh Thần đến trong quyền uy và thắp lên ngọn lửa lướt qua trong thời kỳ đầu tiên. Trong bài này, chúng tôi muốn nhìn xem những gì mà Thánh Thần đã làm mỗi ngày để biến đổi con người trở nên hoan hỉ, nhiệt tâm theo Chúa Giêsu và dũng cảm công bố Tin Mừng.

Sức mạnh của Mạc Khải

Thánh Gioan cho ta biết trong bữa tối cuối cùng, Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ rằng, “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,23). Sau đó vài năm, khi suy ngẫm về lời hứa đó, Thánh Phaolô đã viết, “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Lời hứa của Chúa Giêsu đã được thực hiện! Thánh Thần đã tuôn đổ và các Kitô hữu đầu tiên đã cảm nhận được tình thương yêu của Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã yêu họ! Chính sự mạc khải này đã thay đổi cuộc sống của họ. Nó không còn đơn thuần là một tuyên bố về sự thật. Đó không chỉ là điều gì đó mà Chúa Giêsu nói với họ. Sự mạc khải về tình yêu của Thiên Chúa là sự thật với họ đó là xóa bỏ tội lỗi, giải thoát họ khỏi nỗi sợ hãi và được tái sinh từ tội lỗi của họ. Điều đó sưởi ấm trái tim họ để chấp nhận người khác – kể cả những người ngoại bang – những người chưa bao giờ được Thiên Chúa chú ý tới (x. Cv 11,18). Kinh nghiệm về tình yêu đó tuyệt vời đến mức họ yêu thương anh chị em mình và để tình yêu đó trở thành hành động khi họ cầu nguyện cùng nhau và chăm sóc những người nghèo xung quanh họ (Cv 2:44-47)

Tình yêu thương Chúa, đổ tràn trên họ thông qua Thánh Thần, là nền tảng thông điệp của Tin Mừng. Đó là lý do cho sự tồn tại của Giáo Hội, chìa khóa cho mọi câu hỏi thần học, và cũng là đáp án cho mọi khủng hoảng đã xảy đến cho tự mỗi cá nhân và các quốc gia. Tình yêu này không được đền đáp, tình yêu ấy vẫn đến từ Chúa Cha bất chấp cho tội lỗi và sự nổi loạn của chúng ta. Như thánh Phaolô đã viết, “Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5,8)

Sách Công Vụ là bằng chứng cho sự thật rằng Thánh Thần đã bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa, tất cả cuộc sống sẽ nhận lấy một viễn cảnh mới. Quá khứ tội lỗi của chúng ta đã được khỏa lấp và tha thứ hoàn toàn. Tương lai của ta đã được bảo đảm. Và chúng ta có đủ lòng can đảm để hành động qua sự chăm sóc và quan tâm cho hiện tại. Bởi vì chúng ta đã kinh nghiệm một tình yêu chan chứa, linh thiêng và được đổ đầy “một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang” (1 Pr 1,8) tràn ngập mọi ngõ ngách trong cuộc đời chúng ta.

Một cuộc sống phó thác

Khi họ kinh nghiệm được Thánh Thần ngự đến, các môn đệ đã phó thác cuộc đời cho Chúa Giêsu và cho sự mệnh của Giáo Hội Người. Cuộc sống nội tâm của họ đã thay đổi đến mức họ quyết định “để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình.” (2 Cr 5,15). Không chỉ đơn thuần là một lối sống hay lý tưởng mới. Thánh Thần đã tràn ngập trong họ mặc cho những yếu đuối và tội lỗi, họ muốn trở nên một phần trong Đức Chúa, hiến dâng thân mình như một “của lễ sống động” cho Ngài (Rm 12,1).

Thánh Phaolô đã giải thích niềm phó thác cho Đức Giêsu bằng cách đưa ra lời tuyên xưng mà ngày nay vẫn chạm đến trái tim chúng ta: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20). Đối với Phaolô và những tín hữu đầu tiên, khi họ được tràn đầy Thánh Thần đã thúc đẩy họ sống lại trong Chúa Giêsu mỗi ngày. Thánh Thần đã Mạc Khải của Chúa Giêsu cho họ, rằng Ngài không chỉ yêu thương mà còn là Đấng sáng tạo muôn loài, Người thực đáng để họ vâng phục, yêu thương và thờ phụng, Phaolô đã viết:

“Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô.” (Pl 3,7-8)

Phaolô, Phêrô và các môn đệ đã tìm nhiều cách để hướng cuộc đời của họ đến Thánh Thần và để cho tình yêu mà họ nhận được đổi mới tâm trí, ước muốn, quyết định và các mối quan hệ của họ. Các ngài đã học cách “Chúng tôi bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng để đi tới chỗ vâng phục Đức Kitô” (2 Cr 10,5) và chấp nhận bản thân họ phải tuân phục “hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần” (Rm 12,2).

Đến tận cùng thế giới

Mặc dù bị bắt (Cv 4,1-4), bị đánh đập (5,40) và đối mặt với cái chết (9,1) các Kitô hữu vẫn tiếp tục công bố về Đức Giêsu đã chịu đóng đinh và đã sống lại. Khi họ tiếp tục mở tâm hồn để đón nhận hồng ân của Thánh Thần, họ càng khát khao cháy bỏng để chia sẻ Tin Mừng với những người khác. Gần hai tháng sau khi Thầy mình bị bắt và bị đóng đinh, Phêrô đã mạnh dạn tuyên xưng “Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2,36).

Tương tự vậy, sau khi chứng kiến người anh em Têphanô bị sát hại bởi những người Dothái, tất cả các môn đệ rời khỏi Giêrusalem để “phải tản mác đi khắp nơi loan báo lời Chúa” (Cv 8,4). Tại Samari, “Đám đông một lòng chú ý đến những điều ông Philípphê giảng, bởi được nghe đồn và được chứng kiến những dấu lạ ông làm”. Và kết quả là “trong thành, người ta rất vui mừng” (Cv 8,6-8). Sau hết, Luca đề cập “những người phải tản mác vì cuộc bách hại xảy ra nhân vụ ông Têphanô, đi đến tận miền Phênixi, đảo Sýp và thành Antiôkhia.” (x. Cv 11,19), rao giảng Lời Chúa. Chính bởi những nhóm này, mà ngọn lửa của Phục Sinh đã lan rộng ra khắp các nước Tiểu Á.

Vậy tại sao các môn đệ lại đối mặt với hiểm họa, thậm chí là bị bắt bớ và giết hại? Một lần nữa, thánh Phaolô đã viết: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết” (2 Cr 5,14). Càng kinh nghiệm sâu thêm về tình yêu của Thiên Chúa, thì họ càng phó thác đời sống mình cho Người, điều này dẫn đến việc các môn đệ muốn cho mọi người biết về chương trình cứu độ sẵn có của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!

Thánh Thần đã tác động các môn đệ sâu sắc đến nỗi họ cảm thấy khát khao được ở với Chúa Giêsu và được gặp Người trực tiếp. Thánh Thần đó, Người “là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc” (Ep 1,14), đã cho họ nếm thử cuộc sống vĩnh hằng với Đức Kitô sẽ như thế nào và họ đã khóc và thốt lên “Amen, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!” (Kh 22,20).

Kitô hữu đầu tiên đã hiểu rằng cuộc sống hiện tại chỉ là tạm bợ, quê hương đích thực là trên trời, là được kết hợp với Thiên Chúa. Trên thực tế, chính niềm tin và hy vọng vào sự trở lại của Đức Kitô đã nâng đỡ Giáo Hội trong thời kỳ khó khăn và bách hại: “Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2 Tm 2,12). Còn điều gì có thể hy vọng hơn là một lời hứa vào sự sống vĩnh hằng, được vinh hiển với người đã yêu thương chúng ta hết lòng?

Những con người bình thường đã được biến đổi

Chúng ta được trao ban một cơ hội tuyệt vời cho việc lấp đầy tâm hồn mình bởi ơn của Thánh Thần. Kế hoạch của Chúa chẳng bao giờ đổi thay. Mọi điều các môn đệ đầu tiên kinh nghiệm vẫn còn giá trị cho chúng ta hôm nay. Những gì xảy ra với họ, cũng sẽ xảy ra cho chúng ta hôm nay.

Nếu chúng ta muốn hiểu được cách thức hoạt động của Thánh Thần, chúng ta phải hiểu rằng các môn đệ không phải là những người phi thường. Họ chỉ là những con buôn, thương gia, nhân viên chính quyền – như những người cha và người mẹ, giáo viên và các nhà hoạt động chính trị. Họ đã không đến với nhau và thực hiện một kế hoạch xoay chuyển thế giới. Họ yếu đuối và tội lỗi, giống như chúng ta, và họ đã biết rằng chỉ có Thánh Thần trợ giúp thì họ mới hoàn thành công việc mà Thiên Chúa giao cho họ. Chính vì vậy, thay vì tự làm theo ý mình, các môn đệ đã nghe lời Đức Giêsu ở lại Giêrusalem, cầu nguyện và chờ đợi ơn của Thánh Thần. (Lc 24,49).

Trong mùa Phục Sinh này, như việc chúng ta mừng Chúa Phục Sinh, chúng ta hãy noi gương các môn đệ và dành nhiều thời giờ cầu nguyện. Hãy suy ngẫm lời Chúa và xin Người đổ tràn đầy chúng ta bởi Chúa Thánh Thần. Hãy trông đợi vào lời hứa của Đức Giêsu: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em” (Cv 1,8).

Chuyển ngữ: Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam

Nguồn: wau.org (Come, Holy Spirit!)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube