Lãnh đạo Tổ chức Caritas Quốc tế: ‘Tình trạng mất an ninh lương thực, bạo lực và biến đổi khí hậu có liên quan đến châu Phi’

Ông Aloysius John, Tổng thư ký Caritas Quốc tế (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Ông Aloysius John, Tổng thư ký Caritas Quốc tế (Ảnh: Truyền thông Vatican)

YAOUNDÈ, Cameroon – Châu Phi đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tiềm ẩn do cuộc xâm lược Ukraine của Nga, vì lục địa này đã nhập khẩu 44% lúa mì từ hai quốc gia này trong giai đoạn 2018-2020.

Tổng thư ký Caritas Quốc tế – liên hiệp các cơ quan cứu trợ và phát triển Công giáo – cho biết tình hình tồi tệ nhất ở vùng đất Sừng châu Phi và vùng Sahel khô cằn.

“Tại vùng Sahel, hơn 12,7 triệu người đang phải chịu cảnh đói kém cũng như phải rời bỏ nhà cửa vườn tược của họ ở vùng nông thôn”, ông Aloysius John cho biết.

Ông John cũng phàn nàn về xu hướng châu Phi tiếp tục nhập khẩu lương thực từ phương Tây, và đồng thời kêu gọi các giải pháp mang tính bản địa cho cuộc khủng hoảng lương thực của lục địa này.

“Châu Phi là bãi thải cho sự thặng dư của quá trình sản xuất công nghiệp quy mô lớn về lương thực ở phía bắc”, ông John phát biểu với Crux.

“Nó không chỉ phá hủy chuỗi cung ứng thực phẩm địa phương mà còn phá hủy hoạt động canh tác truyền thống của địa phương vốn cần phải được quan tâm ngay lập tức và nhanh chóng”, ông John giải thích.

Bernard Mbithi đang phá bỏ cánh đồng ngô bị thất bại vì tình trạng hạn hán ở Kilifi, Kenya, ngày 16 tháng 2 năm 2022. Các Giám mục Công giáo ở miền đông châu Phi, nhóm họp tại Tanzania từ ngày 10 đến 18 tháng 7 năm 2022, đã xem xét hậu quả của vấn đề biến đổi khí hậu troên khắp khu vực (Ảnh: Baz Ratner / Reuters qua CNS)

Bernard Mbithi đang phá bỏ cánh đồng ngô bị thất bại vì tình trạng hạn hán ở Kilifi, Kenya, ngày 16 tháng 2 năm 2022. Các Giám mục Công giáo ở miền đông châu Phi, nhóm họp tại Tanzania từ ngày 10 đến 18 tháng 7 năm 2022, đã xem xét hậu quả của vấn đề biến đổi khí hậu troên khắp khu vực (Ảnh: Baz Ratner / Reuters qua CNS)

Sau đây là đoạn trích của cuộc trò chuyện đó với Tổng thư ký Caritas Quốc tế qua email.

Crux: Trong một bản tin vào ngày 18 tháng 7, Caritas Quốc tế đã mô tả tình hình mất an ninh lương thực ở các vùng Sừng Châu Phi và Sahel là “nghiêm trọng”. Tình hình nghiêm trọng đến mức nào?

Các quốc gia khác nhau ở vùng đất Sừng châu Phi có tổng dân số hơn 160 triệu người và 45% dân số này sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất an ninh lương thực. Những con số này đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng này và mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Hiện nay, “vùng đất màu mỡ của sông Nile” này bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng hạn hán nghiêm trọng và lượng mưa khan hiếm, và thêm vào đó, những tác động nghiêm trọng của tình trạng hiện tại này còn tăng thêm bởi bạo lực và xung đột trong khu vực.

Chỉ khoảng 1% diện tích đất được tưới tiêu và hoàn toàn không đủ để cung cấp cho người dân. Tình trạng mất an ninh lương thực ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng và cuối cùng là chết dần chết mòn vì đói. Người dân ở những vùng này cũng phải di cư và sống cảnh nay đây mai đó. Sự di chuyển ồ ạt của một quần thể, nhằm tìm kiếm thức ăn và rơm rạ cho đàn gia súc của họ, cũng phải chịu những điều kiện cực kỳ khắc nghiệt.

Điều kiện thời tiết khắc nghiệt và xung đột đã buộc mọi người phải rời bỏ quê hương truyền thống của họ và tìm kiếm viện trợ nhân đạo hoặc bất kỳ phương tiện nào để duy trì sự sống còn của họ. Nhóm dân số này rất dễ bị tổn thương, không chỉ về mặt xã hội, mà còn từ quan điểm về vấn đề sức khỏe và vệ sinh.

Những quốc gia nào bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng mất an ninh lương thực?

Tại khu vực Sahel, hơn 12,7 triệu người đang phải chịu cảnh đói khát cũng như phải rời bỏ nhà cửa vườn tược của họ ở nông thôn. Các quốc gia cần quan tâm vào năm 2022 ở khu vực Sahel là Mali, Niger, Burkina Faso, Mauritania và Chad, trong khi ở vùng Sừng châu Phi, các quốc gia cần được quan tâm nhiều nhất là Somalia, Djibouti, Nam Sudan, Sudan và Ethiopia.

Đâu là những ảnh hưởng xét về mặt dinh dưỡng và sức khỏe?

Tình trạng mất an ninh lương thực có tác động lớn đến vấn đề dinh dưỡng và sức khỏe đối với những người dễ bị tổn thương nhất và những người nghèo nhất là trẻ em, các bà mẹ đang cho con bú và những người lớn tuổi. Trong một số trường hợp, trẻ em bị bỏ đói và toàn bộ sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng bị ảnh hưởng do thiếu thức ăn dinh dưỡng. Các bà mẹ mang thai cũng phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, bao gồm sinh non trong những điều kiện cực kỳ khó khăn và tử vong ở trẻ em.

Khu vực này cũng là quê hương của chủ nghĩa khủng bố và những người chăn gia súc cướp bóc. Có mối liên hệ nào giữa tình trạng mất an ninh lương thực và bạo lực?

Một trong những hiện tượng nổi bật là mối liên hệ giữa tình trạng mất an ninh lương thực, bạo lực và biến đổi khí hậu. Chúng liên kết với nhau. Khi người ta tự thấy mình trong những điều kiện khắc nghiệt và rất dễ bị tổn thương, sự sống còn trở thành động lực cho bất kỳ loại hoạt động nào và thường kết thúc bằng bạo lực và xung đột.

Vấn đề này đang trở thành mối bận tâm đáng kể đối với các nhà hoạt động nhân đạo. Do đó, việc xem xét bản chất của tình trạng nhân đạo đang phát triển này là một thách thức quan trọng trong việc tìm ra các giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề.

Những động lực chính của vấn đề này – mất an ninh lương thực – là gì?

Nếu nhìn vào tình trạng mất an ninh lương thực hiện nay thì có rất nhiều động lực. Đầu tiên và quan trọng nhất là biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường vốn ngăn cản người dân nông thôn canh tác đất đai của họ. Một động lực quan trọng khác gây ra tình trạng mất an ninh lương thực là xung đột nội bộ và chiến tranh, góp phần khiến người dân rời bỏ các vùng đất truyền thống của họ để tìm kiếm những nơi an toàn hơn. Trong một số trường hợp, như trường hợp của Syria, sự kết hợp của các tác nhân gây ra xung đột và biến đổi khí hậu buộc người dân phải rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm sinh kế bền vững.

Một báo cáo gần đây của Caritas gọi “việc thực hiện các hệ thống lương thực công bằng – từ sản xuất đến tiêu dùng” là “chìa khóa cho sự phát triển của các quốc gia Nam toàn cầu…” Hệ thống lương thực toàn cầu đã trở nên bất công như thế nào và điều đó đã cản trở sự phát triển của các quốc gia như thế nào?

Sự bất công về lương thực đã được giải quyết dưới nhiều hình thức khác nhau. Nền nông nghiệp truyền thống đã bị phá hủy và được thay thế bằng nền nông nghiệp quy mô lớn theo định hướng thị trường đang bị ảnh hưởng bởi vấn đề vbiến đổi khí hậu và hạn hán hiện nay. Hiện nay, việc thúc đẩy canh tác truyền thống, các hợp tác xã nhằm tạo ra chuỗi cung ứng địa phương và thay đổi thói quen thực phẩm là điều cần thiết và cấp bách, trong đó các cộng đồng địa phương có thể tiêu thụ những gì họ sản xuất ra. Ví dụ, ở một số vùng của Châu Phi, gà được nuôi công nghiệp ở Brazil được bán với giá rất thấp và việc chăn nuôi gà địa phương đang bị đe dọa. Tương tự, sản lượng sữa và thịt cũng giảm do nhập khẩu các mặt hàng này từ phương Tây.

Hiện tại cần phải làm gì để khôi phục lại sự công bằng cho các hệ thống lương thực toàn cầu?

Châu Phi là bãi thải cho sự thặng dư của hoạt động sản xuất công nghiệp quy mô lớn lương thực ở phía bắc. Nó không chỉ phá hủy chuỗi cung ứng thực phẩm địa phương mà còn phá hủy hoạt động canh tác truyền thống của địa phương vốn cần có sự quan tâm ngay lập tức và nhanh chóng.

Hơn nữa, cộng đồng quốc tế cần phải kế tục ý chí chính trị nhằm tích hợp và biến việc thúc đẩy các hệ thống lương thực truyền thống và hỗ trợ việc canh tác truyền thống trở thành xu thế chủ đạo.

Điều quan trọng không kém là thúc đẩy và xã hội hóa các cộng đồng địa phương đối với việc thu gom nước cũng như phân bón tự nhiên và phòng trừ sâu bệnh.

Cuộc chiến ở Ukraine đã minh chứng cho việc châu Phi vẫn quá phụ thuộc vào việc nhập khẩu lương thực từ Ukraine và Nga. Vì lợi ích bền vững, các chính phủ và người dân ở miền Nam toàn cầu nên làm gì để nắm quyền sở hữu chuỗi cung ứng thực phẩm của họ?

Hiện nay, các chính phủ tham nhũng ở châu Phi và sự quan tâm đặc biệt của các ngành công nghiệp nông sản thực phẩm đa quốc gia đang ảnh hưởng và hợp tác cùng nhau để thúc đẩy các mô hình tiêu dùng mới dựa trên các hệ thống phương Tây. Điều quan trọng là cần phải phát triển nông nghiệp địa phương, canh tác truyền thống, xác định thói quen thực phẩm địa phương và lồng ghép chúng vào các dự án phát triển.

Việc tạo ra chuỗi cung ứng địa phương, hệ thống thực phẩm địa phương cũng là điều cốt yếu, và việc này phải được thực hiện song song với việc thành lập các hợp tác xã địa phương, thúc đẩy hệ thống thực phẩm địa phương và phát huy giá trị dinh dưỡng của hệ thống thực phẩm truyền thống.

Cần có sự thay đổi trong mô hình phát triển – đặc biệt là ở châu Phi – nơi các chương trình phát triển phải được thúc đẩy, xây dựng và quản lý bởi các cộng đồng địa phương vốn đã được tổ chức từ trước. Cần phải xây dựng một mô hình phát triển dựa vào cộng đồng và hướng tới cộng đồng, có tính đến hệ sinh thái toàn diện.

Một khi cộng đồng địa phương được làm cho trở nên có trách nhiệm, họ sẽ đóng góp và thúc đẩy hệ thống thực phẩm địa phương và chuỗi cung ứng địa phương dẫn đến sự độc lập về lương thực.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube